Kỷ niệm 50 năm ngày mất của
nhà văn
NGUYỄN NGỌC TẤN – NGUYỄN THI (1968-2018).
NGHĨ TRÊN NHỮNG NIỀM ĐAU Ngô Thảo
Niềm
đau này xin dấu dưới thịt da (Thơ
Thu
Bồn)
Là một người nhiều năm tìm hiểu tài
liệu về Nguyễn Thi, sưu tầm, biên soạn và giới thiệu
Toàn tập Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn
Thi (NXB Văn học xuất bản
lần đầu 1996, tái bản có bổ sung 2013 gồm
4 tập 2180 trang), mỗi lần
đọc lại, tôi lại phát hiện ra những khía cạnh mới mẻ trong cuộc đời cũng
như trang viết của Ông, người mà còn sống, năm nay bước vào tuổi 90
(15-5-1928- ? -5-1968).
MỘT SỐ PHẬN MANG ĐẬM DẤU ẤN MỘT GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ
Nhà văn Nguyễn Thi có một tiểu sử
thật…như bịa. Bởi lẻ nó bao gồm hầu hết
những tình tiết tiêu biểu mà cuộc sống cũng như văn chương xưa
nay thường sử dụng để tạo nên lý lịch một nhân vật có cuộc đời bất hạnh,
đa đoan, trãi nhiều thăng trầm mà
vẫn lập được sự nghiệp hiển hách. Hơn thế, ở Ông, những tình tiết đó
xuất hiện với màu sắc đậm nhất, trong cấp độ cực đoan nhất. Hiếm, hậu
thế chắc sẽ hiếm, mà cả đương thời cũng khó có nhà văn nào
có một tiểu sử hội tụ nhiều đến
thế những tình huống được coi là
điển hình của một kiếp
người trong thời kỳ đất nước có những chuyển động vĩ đại: Từ một
nước nô lệ vùng lên giành Độc
lập, và chấp nhận cái giá xương máu rất cao phải trả , tiến hành mấy
cuộc kháng chiến để có một quốc gia Việt Nam thống nhất. Không mấy đất
nước như chúng ta, những ngày kỷ niệm lớn đều là ngày giỗ trong nhiều
gia đình: Rất nhiều người hy sinh mới có chiến thắng, và đến lượt kỷ
niệm, để lập thành tích chào mừng, lại phải đổi bằng những hy sinh mới.
Bây giờ, thì chúng ta biết thêm, phần lớn những kẻ bị chúng ta tiêu
diệt, để lập thành tích, để có chiến thắng, cũng là người có cùng Quốc
tịch VN. Nhiều khi những người ở hai phía lại cùng ngồi trên bàn thờ một
gia đình. Vì thế, không mấy Quốc gia như VN ta truyền đời tôn thờ một Tổ
Vua Hùng, huyền thuyết một Mẹ Âu Cơ, thời hiện đại tôn kính Cha già Dân
tộc. Bởi đó là những nguồn cội chung ở một tầm cao về thời gian lịch sử
để giúp hóa giải những phân chia, tranh chấp, bất đồng thời nào cũng có.
Những năm qua, trên tầm nhìn xa rộng đó, trên nền tảng nhân đạo, ngay cả
khi chưa bình thường hóa quan hệ ngoại giao, ta vẫn giúp phía Mỹ đi tìm
hài cốt các binh sĩ Mỹ đã chết ở chiến trường VN. Về phía chúng ta, việc
quy tập hài cốt Liệt sĩ và xác định tên tuổi của họ đã và sẽ còn là một
nghĩa vụ thiêng liêng. Nhưng còn đó hàng triệu gia đình từng có người
thân là binh sĩ phía bên kia chết trận. Liệu có cách nào để không đào
sâu và mở rộng dãi phân cách hai bên cho cả người sống và người đã chết.
Làm sao để lớp trẻ hôm nay và ngày mai, thoát được nỗi đau do gánh nặng
quá khứ phân chia, khi tìm về nguồn cội, trong đó có mồ mả Tổ tiên, cha
ông? Văn chương ta nói nhiều về niềm vui của bên chiến thắng, người
chiến thắng mà có lẻ còn ít thấy niềm đau của người Việt Nam ta qua
nhiều thăng trầm của lịch sử.
Niềm hạnh phúc và nỗi đau sâu thẳm của các bậc sinh thành
thuở đất nước có chiến
tranh, và chia cắt, sự phân ly tới tận mỗi gia đình, con cái lớn lên và
hoạt động ngoài tầm với
của cha mẹ. Cuộc đời nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi thêm một
lần gợi cho chúng ta suy nghĩ đó.
Nguyễn Hoàng Ca (tên khai sinh) là kết quả mối
tình của một chiến sĩ cách mạng với một người trẻ tuổi tài sắc cùng hoạt
động. Thân sinh là Ông Nguyễn Bội Quỳnh lúc này đã có gia đình. Họ tới
với nhau lúc bà Thành Thị Du mới
17 tuổi. Hai năm sau, họ có người con trai đầu. Năm 1930, sau cao trào
Xô viết Nghệ Tĩnh, để đàn áp sự phản kháng, Thực dân Pháp bắt bớ hàng
loạt người yêu nước. Nguyễn Hoàng Ca đã phải theo mẹ vào tù đến 6 tháng.
Khi ra tù, để tiếp tục hoạt động và mưu sinh, bà phải gửi con cho nhiều
cửa thân sơ. Cùng trong cảnh đói nghèo của dân một nước nô lệ, lại không
phải ai cũng một lòng ủng hộ những người cách mạng, miếng cơm bố thí cho
kẻ khó cõng theo nhiều lời ong
tiếng ve, chuyện vợ nọ, con kia, nuôi lớn cậu bé Nguyễn Hoàng Ca trong
tâm thế u ám. Năm lên 9, cha mất vì bệnh lao, mẹ vừa tần tảo kiếm sống
để hoạt động, phải tiếp tục gửi để con có thể đi học. Ngày mẹ đi bước
nữa thành đại tang thứ hai trong đời. Học hành dở dang, nhưng nhờ chút
năng khiếu hát ca, Anh sớm tham gia các Ban hát Đồng ấu để tự nuôi sống.
Năm 1943,15 tuổi, nhập trong dòng người tìm chân trời hy vọng, Anh lên
tàu vào Sài Gòn. Nơi Anh tá
túc là nhà người anh cùng cha đã vào lập nghiệp từ trước. Bây giờ mới
thực sự bắt đầu những ngày nhọc nhằn kiếm sống khi đã biết thế nào là
tủi nhục của một người dân mất nước. Nhưng nhờ môi trường cởi mở của Sài
Gòn lúc ấy, Anh đã có ý thức tranh thủ thời gian có thể để đi học: Học
văn hóa cơ bản, học vẽ, học nhạc và say mê đọc sách. Kiến thức hổ
lốn, hiển nhiên, nhưng dù sao cũng là những tri thức cần thiết cho một
thanh niên khi vào đời.
Cách mạng Tháng 8 -1945, khi anh vừa 17
tuổi. Giữa Sài Gòn nhốn nháo ngày đầu cách mạng, nơi xuất hiện rất nhiều
băng nhóm với khuynh hướng chính trị và tôn giáo khác nhau, tổ chức nào
cũng ra sức xây dựng và tập họp lực lượng, may mắn là Nguyễn Ngọc Tấn đã
sớm gặp được đoàn thể cách mạng, rồi ngay khi kháng chiến toàn quốc bùng
nổ, Anh đã thành anh bộ đội, và đi qua suốt 9 năm liên tục ở các đơn vị
chiến đấu. Chút năng khiếu văn nghệ: ca hát, nhảy múa, viết, vẽ đã biến
Anh thành một cán bộ chính trị, làm công tác tuyên huấn. Các bài thơ đầu
đời tập họp trong tập Hương đồng
nội được các chiến sĩ truyền đọc, và được nhận Giải thưởng Văn nghệ
Cửu Long năm 1950- 1951 (? ). Năm 1953, trước khi vào một
trận đánh mới, đơn vị được đón
Đoàn nghệ thuật. Là cán bộ tuyên văn, Anh có tiết mục biểu diễn giao
lưu. Khi Anh ca, có một nữ nghệ sĩ trong Đoàn đệm Phong cầm. Họ quen và
gắn bó với nhau từ đó. Chị là Bình Trang, sinh viên Sài Gòn, từng tham
gia phong trào biểu tình Trần Văn Ơn, bị truy bắt, phải thoát ly ra vùng
kháng chiến và tham gia trong Đoàn Văn Công. Trang Nhật ký ngày
20/12/1953 ghi:”Em xuống đây công
tác 3 ngày, 3 đêm. Đem cả lòng mình, đem cả nước da xanh yếu ớt mới
trong Quân y ra của mình mà
phục vụ toàn tâm, toàn ý cho Tiểu đoàn. Mỗi đêm, em đờn 5 tiếng
đồng hồ liên tiếp. Anh vui về
tinh thần phục vụ đầy đủ của em, anh cũng lo cho
cái sức khỏe non kém ấy ngã xuống
một lúc nào. Anh theo dõi sức khỏe của em từng lúc. Cả 3 đêm em không
ngủ, để đờn và nói chuyện với anh. (tr 470-471 T 2 ). Sau một năm
quen biết, họ chính thức thành vợ chồng vào đúng dịp tết bước sang 1954.
Một cuộc sống mới bắt đầu. Dưới đôi cánh lãng mạn của tình yêu là những
lo nghĩ thiết thực cho tương lại: Dựng chòi làm nhà ở, phát rẫy trồng
mía để lo tự túc. Vất vả cuốc đất, phát rẫy, tìm mua ngọn mía, chuyên
chở về từ xa. Nhưng lần đầu
lo một việc thiết thực, mới thấy không
có gì dễ dàng: Rất nhiều công sức và tâm huyết
và cả hy vọng hai vợ chồng trẻ đã gửi vào cái rẫy trồng mía mà họ
gọi là ”cái rẫy trăng mật”
bên triền sông Tha La (Tây Ninh) ấy , “
Cái rẫy ấy là công trình đầu tiên
của vợ chồng mình lo cho gia đình, đầu tiên của cá nhân anh và em từ nhỏ
tới giờ, nào ai đã biết tự túc là cái gì đâu…cái kết quả ngày nay không
thể hình dung thấy trước được “
Tr 497- T 2 ). Mùa
thu hoạch mà họ chuẩn bị để đón đứa con đầu lòng đã không thành. Hai
người mãi theo đơn vị đi các chiến dịch, rồi ngày kết thúc cuộc kháng
chiến chống Pháp đã đến.
Sau hiệp định Genever, Anh theo đơn vị tập kết ra Bắc. Chị được Tổ chức
bố trí ở lại tiếp tục hoạt động. Ngày 29/10/1954, Anh xuống tàu đi tập
kết, không hay, trở về thành phố,
chị sinh con gái, đặt cái tên mà hai người đã chọn trước: Nguyễn Trang
Thu. Cuộc chia tay ngỡ là chỉ 2 năm đã thành mãi mãi.
Trở lại miền Bắc, anh đã sớm tìm lại
được người mẹ mà suốt tuổi thơ, trong nhiều hoàn cảnh, tình cảm mẹ con
có rất nhiều trắc trở. Đầu kháng chiến, Bà đi tản cư, một mình nuôi mấy
đứa con khốn khó. Năm 1951, Bà trở về Thành hoạt động bí mật. Khi đã hồi
phục sức khỏe và cuộc sống khấm khá lên, thì nghe tin Anh đã chết.
Mợ chết ngất đi khóc đêm khóc
ngày như người mất hồn đến mấy
tháng. Ngày gặp lại, anh ở
tuổi 27, Bà mới 46, đang công tác ở Cơ quan Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định. Đó
là một người phụ nữ tài sắc, có cuộc đời lận đận, mà vẫn gắn bó với công
tác cách mạng. Những dịp gặp ngắn ngủi, Bà săn sóc con để bù lại
những ngày ấu thơ để con bơ vơ. Bà đọc cho Anh nghe bao nhiêu bài thơ bà
làm cho Anh trong những năm xa cách:
Mợ ủ bên lòng một bóng con/ Kỷ niệm
sương sa giữa lối mòn/
Mợ tưởng những ngày ngây dại cũ /Vơi
đầy trùng điệp nước cùng non.
Mợ nghĩ sau này sống bơ vơ / Vắng con
đời mợ hóa tiên sơ
Mợ sẽ nhủ thầm trong khói bụi /Con là
con Mợ lúc còn thơ.
Ngay trong ngày gặp lại , biết con đã
có vợ, có con ở Phương Nam, bà mẹ vui mừng nhưng
đã linh cảm thấy một ngày mai xa
cách. Cuộc kháng chiến dữ dội để thống nhất đất nước đã làm cho một gia
đình vừa đoàn tụ một lần nữa tan
tác và lần này là mãi mãi.
Trở về Sài Gòn hoạt động và nuôi con,
chị Bình Trang nằm trong tầm truy kích ráo riết những người kháng chiến
cũ. Để hiểu đúng tính ác liệt của thời kỳ này- mà ngày nay nhiều người
hình như cố tình quên- xin dẫn mấy con số: Theo Đồng chí Mai Chí Thọ,
khi Tập kết, 6 tỉnh miền Đông Nam
Bộ có 21.000 Đảng viên, tới Đồng khởi, chỉ còn 900 người, với 4 Chi bộ,
số còn lại hoạt động đơn tuyến (Báo Nhân Dân ngày 29-4-1998).
Bảo tàng Đồng khởi tỉnh Bến Tre
ghi rõ, từ 1954-1959, tại tỉnh này, 2519 người bị giết, 17.000 bị tù,
hàng vạn người bị bắt bớ, đánh đập, tra khảo. Trong những năm trốn tránh
để tiếp tục hoạt động, nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, phải đóng giả vợ
chồng để hợp thức hóa sinh hoạt, chị đã có thêm một người con. Là một
người sống không cởi mở và khắc kỷ, nhận tin này, khi đã được điều về
Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, Anh đã bị sốc dữ dội. Bóng dáng những ngày
này được thể hiện trong truyện ngắn Im lặng in ở Tạp chí số 12
năm 1957, năm đầu, Tạp chí được phát hành rộng rãi. Chỉ khác là dù la
hét, dù nhiều ngày đêm phải lấy khăn ướt trùm đầu, nhưng Anh chưa phải
vào Bệnh viện Tâm thần như
nhân vật trong truyện khi biết người yêu đã vì một lời hẹn với mình mà
chọn cái chết để giữ tròn trinh tiết. Mấy năm sau, như một sự trả đũa,
Anh đã xây dựng gia đình mới với một cô thôn nữ phải khai thêm để đủ
tuổi kết hôn. Ngày chị Bình Trang được Tổ chức bố trí ra Bắc, do trục
trặc về giao liên, phải chờ ở Cam-pu-chia đến nữa năm, Anh đang nằm Viện
vì bị ho ra máu, cũng là lý do để không thể đi đón chị. Tổ chức đưa chị
đi học ở nước ngoài, rồi có một người chồng
mới nhưng họ không ở với nhau được bao lâu.
Sau Đồng khởi 1960, Khu Giải phóng ở
Miền Nam được mở rộng. Trong các lực lương chi viện cho Miền Nam, đã
tính tới lực lượng báo chí, văn nghệ. Các văn nghệ sĩ quê ở Miền Nam là
lựa chọn buổi đầu. Mấy năm trở lại quê nhà, Nguyễn Ngọc Tấn đã có những
bước trưởng thành vượt bậc. Từ một cán bộ văn nghệ phong trào, có mấy
bài thơ đăng báo, Anh được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi tập
họp những cây bút trẻ trong toàn quân sau kháng chiến chống Pháp. Cơ sở
văn hóa cơ bản thấp, nên Anh đã phải
tự học rất nhiều để vươn lên theo kịp bạn bè. Và trong cuộc thi
đua này, Anh đã sớm vươn lên trong tốp hàng đầu các cây viết trong quân
đội. Hai tập truyện ngắn
Trăng sáng (1960),
Đôi bạn (1962 ), tập họp các truyện đã đăng trên các báo trong thời
gian đó được đánh giá cao.
Về mặt gia đình, Anh đã gặp lại người
mẹ mà anh hết lòng yêu thương; mấy người em thất lạc đã tìm được về, có
một người vợ mới, và cậu con trai. Nhưng khi biết có chủ trương đưa các
nhà văn quê Miền Nam trở
lại chiến trường, Nguyễn Ngọc Tấn, lúc đó sức khỏe không tốt, nhưng vẫn
quyết xin đi bằng được. Tiếp sau những Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Thanh
Giang, Võ Trần Nhã, Nguyễn Quang Sáng,…đi từ 1960, năm 1962, Anh cùng
Nguyên Ngọc trở lại Miền Nam. Nguyên Ngọc về Khu V, Nguyễn Ngọc Tấn đi
thẳng vào Nam Bộ. Chuyến đi dài 6 tháng. Mấy năm đầu, Nhà văn phải tập
trung cho công việc làm báo ở tờ báo Quân Giải phóng, rồi sau này là Tạp
chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Đi lấy tin, viết bài, chạy
giặc càn, tăng gia tự túc, đi nắm tình hình, dựng căn cứ, chăm lo
dạy các lớp bồi dưỡng lớp trẻ các đơn vị về nghiệp vụ báo chí, viết văn.
Phải đến năm 1965, bạn đọc mới được đọc các bài viết ký
tên Nguyễn Thi, tên người con trai khi Anh đi B mới có 6 tháng
tuổi.Những Truyện và Ký viết chủ yếu trong 2 năm 1966-1967 đã làm nên
một tên tuổi Nguyễn Thi gắn với giai đoạn miền Nam đang thừa thắng xông
lên, các tấm gương Anh hùng, Dũng sĩ, qua ngòi bút linh hoạt và lạc quan
của nhà văn đã thành những biểu tượng đẹp của một thời kỳ lịch sử sôi
động. Khi gặp gỡ, hỏi chuyện những người cùng thời, cùng sống với nhà
văn, điều làm tôi cảm phục nhất, là những tác phẩm trong trẻo, đầy lạc
quan ấy được viết trong những ngày không chỉ gian khổ, thiếu thốn, mà
ngay trong môi trường sống, cũng không hoàn toàn dễ chịu. Không khí thời
chiến, cảnh giác và nghi kỵ thường trực. Nhà văn Trang Thế Hy, người
từng sống cạnh tác giả Chiếc guốc
xinh xinh, nhà văn Thủy Thủ, người ra với Mặt trận sau một cuộc đảo
chính, đã phải tự bắn vào đầu mình, từng
viết một câu đau đớn: Các anh hay nói đến nhân đạo và khoan dung nhưng
thực tế đã không đủ niềm tin vào
một con người.. Nguyễn Thi cũng có thời gian thu mình lại, và có lần
định tự bắn vào đầu. Ngày Anh đi B cấp bậc Đại úy. Sau 7 năm ở chiến
trường, với những tác phẩm được cả nước nức lòng
khen ngợi, nay trên bia mộ, vẫn ghi đúng cấp bậc ngày ra đi. Hơn
thế, đọc các tác phẩm còn viết dở, được lần lượt công bố sau khi tác giả
hy sinh: Tiểu thuyết mới ba chương được VNQĐ dặt tên
Ở xã Trung Nghĩa, các truyện
ký Ước mơ của đất, Sen trong
đồng, Cô gái đất Ba Dừa, và các ghi chép trong mầy lần đi về Mỹ Tho,
Bến Tre được gửi ra Bắc sau khi tác giả hy sinh, tôi đã mất hơn 2 năm
lần mò đọc, sắp xếp để in trong
tập Năm tháng chưa xa (Nxb
Văn nghệ Giải phóng -1986) người đọc càng cảm thấy tầm vóc
của một nhà văn lớn đang hiện
rõ. Điều nhà văn đào sâu và khám
phá liên tục trong các tác phẩm đó là sức mạnh tinh thần của NGƯỜI DÂN.
Đằng sau những biểu hiện thường ngày rối rắm giữa xấu tốt, trung thành
và phản bội, ở vào thời thế tanh bành, khi kẻ địch thống trị truy đuổi
người kháng chiến không tấc sắt trong tay, thì chính nhân dân đã không
tiếc xương máu để tham gia đấu tranh bảo vệ và che chở người của Cách
mạng, mặc dầu nhiều, khá nhiều người trong họ đã đầu hàng, chiêu hồi,
đầu thú, quay lại chỉ điểm, bắt bớ, tra tấn, dụ dỗ những quần chúng yêu
nước. Có người khai ra cả nghìn người. Chính nhân dân đã đem sinh mạng
mình làm lá chắn bảo vệ Cách mạng và làm nên sức mạnh của Cách mạng.
Niềm đau lớn nhât chính là trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất
của cuộc chiến dai dẳng, những tình cảm, đạo lý truyền thống đã
làm nên một quốc gia, một dân tộc như tình làng, nghĩa xóm, tình
gia đình bị tàn phá một cách dữ dội, quan hệ giữa người với người, không
chỉ ở hai chiến tuyến, cũng bị làm méo mó, lệch lạc. Một triết lý sơ
đẳng: Nhiễu điều phủ lấy giá
gương/ Người trong một nước
phải thương nhau cùng, trong nhiều hoàn cảnh đã thành một điều không
được chấp nhận, nếu không muốn mang tội mất lập trường. Cuộc chiến xảy
ra ngay trên quê hương, trong một thời gian quá dài, liên lạc bị chia
cắt, hoàn cảnh sống liên tục biến động, đã làm bao nhiêu sinh mạng phải
chết, bao nhiêu con người tính cách bị biến dạng
theo những chiều hướng khác
nhau, bao nhiêu gia đình tan nát, mà những gia đình có gặp lại cũng
không dễ dàng đoàn tụ.
Bên cạnh những truyện ký mang tính thời
sự, phục vụ kịp thời, tạc tượng những người Anh hùng, Dũng sĩ tiêu biểu:
Chị Út Tịch (Người Mẹ cầm súng,
Khi Mẹ vắng nhà), Phạm Văn
Cội, Tô Văn Đực (Những sự tích ở
đất Thép) Nguyễn Thị Hạnh (Ước
mơ của đất )…, nhà văn đã cắm những lát cày sắc vào lòng
sâu của hiện thực cuộc
sống nông thôn Nam Bộ những ngày đen tối để tìm nguồn gốc sức mạnh của
nhân dân vùng lên theo lời kêu gọi Đồng khởi của Đảng, dù nhiều nơi
không còn Tổ chức Đảng cơ
sở.
Cái chết trong tư thế người chiến sĩ
trực tiếp cầm súng, đã làm cho các tác phẩm quý báu đó mãi mãi nằm lại ở
dạng những phác thảo dở dang.
Trong
Sổ tay ghi chép của mình, nhà văn từng viết như một lời Di chúc:
“Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới
mức mà anh nghĩ mình có chết cũng không có gì đáng ngại. Một cử chỉ tốt
làm con người vui, sung sướng và, bỗng nhiên cảm thấy mình cao lớn hơn,
can đảm hơn. Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hy sinh không
tính toán để bảo vệ cách mạng những năm tháng này? Mai ngày đất nước
thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng
đài to tát, mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con
người còn sống.” (Tr 22
T4).
Hơn 40 năm qua, cái
Mai ngày mà Nhà văn tin chắc
sẽ đến đã thành hiện thực. Chúng ta đã có một đất nước Thống nhất trong
Độc lập, nhưng di nguyện của người hy sinh vẫn còn là mục tiêu phải phấn
đấu. Trong trang nhật ký
ngày 30-12-1952, đêm cuối năm, nhìn lại đời mình, Anh có ghi:”
Đời tôi, từ lòng thương Mẹ, trình độ học thức, ngày
vui sướng, cuộc tình duyên, cho tới sự nghiệp cách mạng, và tương
lai ngày mai về văn nghệ, tất cả đều toàn là lận đận và lỡ dở. Tôi biết
và hiểu rõ lắm.” Thật đau lòng là cảm nhận không mấy
sáng sủa từ tuổi 20 ấy đã hầu như
thành sự thật trong đời riêng của Nhà văn. Hơn 10 năm sau ngày
Thống nhất, nhở đồng đội của con tổ chức, Bà mẹ, người ngày nào mới gặp
lại con đã cảm nhận, sau này sẽ
sống bơ vơ,
Mợ sẽ nhủ thầm
trong khói bụi/ Con là con mợ lúc
còn thơ, đã vào tìm thăm nơi con bà hy sinh. Nhưng chiếc xích lô đưa
bà dạo mấy phố, mà bó hoa trên tay dù héo cũng không biết cắm ở nơi nào.
Hai người phụ nữ gắn với đời Ông cũng lận đận và dở dang. Dù đi bước nữa
nhưng không ai yên ổn. Người sĩ quan
gá nghĩa với Bà Xuân đã tự bắn vào đầu tự tử đúng ngày 30/4/1975
trên cánh đồng Bà Thá - Sơn Tây. Con gái và con trai cũng có cuộc
sống không bình thường. Di họa của cuộc chiến tranh lâu dài in đậm bóng
lên cuộc đời của một gia đình gồm toàn những người nghiêm túc, tử tế,
hết lòng thương yêu nhau mà lại mang cho nhau rất nhiều đớn đau và mất
mát, cho đến nay vẫn không
thể nào hòa hợp được. Mà hầu như cả đất nước ta cũng chưa tìm ra chất
keo nhiệm màu để hàn gắn lại những mãnh vỡ quá lớn do mấy cuộc chiến
tranh gây ra. Chính nghĩa của cuộc chiến thắng chỉ được khẳng định khi
giải được bài toán về sự phát triển ổn định của đất nước, và chăm lo đời
sống hạnh phúc cho mọi người dân.
Là những người viết văn, nhân dịp kỷ
niệm này, chúng ta cùng nhau nhìn sâu vào một cuộc đời cụ thể, một văn
nghiệp cụ thể để thấy văn chương đã làm được những gì, ta còn thiếu
những gì, và phải làm gì để góp vào sự hàn gắn khối Đại đoàn kết Dân
tộc, cái cốt lõi quan trọng nhất của một đất nước ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT mà
bao nhiêu xương máu hy sinh, bao nhiêu nỗi đau người còn sống phải chịu
đựng mới giành được.
Câu trả lời đó đang chờ các bạn nhà văn
đang và sẽ cầm bút hôm nay và ngày mai.
TP HCM ngày 10-1-2018
NGÔ THẢO
|