Gửi Về Quảng  Trị :

 

Bảo Tàng Văn Học- Nghệ Thuật  Cách Mạng & Kháng Chiến:
Ngọn Lửa Vĩnh Cửu Trên Đất Quảng Trị Anh Hùng

        Ngô Thảo

Người ta nói truyền thống không phải là những đống tro tàn, mà nó là ngọn lửa thắp sáng mãi cho hôm nay và ngày mai. Không dễ giử được ngọn lửa đó,nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không có những phương thức lưu giữ phần linh hồn của các di tích vật chất.Chỉ mươi năm nữa, là đồng đội, đồng chí, của hơn 20.000 Liệt sĩ nằm trong mấy nghĩa trang lớn trên đất Quảng Trị cũng sẽ lần lượt ra đi.Lớp trẻ tương lai, tới thăm nghĩa trang không thể có cảm xúc gần gũi, thân thương như các cựu chiến binh  hiện nay.Mà không chỉ các nghĩa trang, còn hàng trăm địa điểm là di tích cách mạng và kháng chiến trên mảnh đất hẹp của tỉnh nhà. Bởi trên vùng đất hẹp này, trong vòng chưa đến 50 năm- từ 1930- 1975 – đã liên tục diễn ra những  sự kiện lịch sử, không chỉ của quốc gia, mà còn của quốc tế. Vĩ tuyến 17, nương theo sông Bến Hải, chia cắt cả huyện Vĩnh Linh trong gần 20 năm -- 19541973 --là thêm một mốc lịch sử đặc biệt: Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong khoảng thời gian không dài đó, trên một vùng địa lý không rộng , trong hai cuộc khàng chiến liên tục đã tập họp một mật độ binh lính cao chưa từng thấy, không chỉ thuộc hầu hết các tỉnh thành trong nước, mà còn của nhiều quốc gia thuộc Ủy ban Quốc tế, và quân đội hai phía.

          Điều đặc biệt là thời kỳ lịch sử chiến tranh để chống sự chia cắt, giành một đất nước Độc lập-Thống nhất trọn vẹn đó đã được ghi lại như một cuốn sử biên niên bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc nhiều thể loại. Chỉ cần sưu tầm, tập họp, sắp xếp lại trong một khu vực không lớn, là có thể kể với người hôm nay và hậu thế về những gì đã diễn ra trên quê hương của chúng ta. Chắc chắn trên cả nước, mà có lẽ cả thế giới, không có một tỉnh nào, trong một thời gian không dài mà có một số lượng nhiều đến thế những tác phẩm văn học nghệ thuật thành công là cái bóng của những sự kiện có thực diễn ra trên đất Quảng Trị.  Nơi đây không chỉ từng có mặt những văn nghệ sĩ xuất sắc của trong nước và quốc tế, mà còn là nơi đào luyện và là nguồn cảm hứng, là chất liệu cho các nghệ sĩ hôm qua, hôm nay và mai sau.

     Về âm nhạc, có hàng trăm ca khúc  ghi dấu nhiều sự kiện, nhiều địa danh, nhiều thời kỳ: Bình – Trị - Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy, Sơn nữ ca, Lời người ra đi của Trần Hoàn, cùng nhiều nhạc sĩ khác thời kháng chiến chống Pháp. Đến thời kỳ đất nước bị chia cắt và chiến tranh chống Mỹ thì không thể kể hết:  Bên ven bờ Hiền Lương, Xa khơi,.. Rồi Quân reo quê mẹ, Quảng Trị anh hùng, ĐànTa lư. Người con  gái Pako, và hàng trăm ca khúc hào hùng, vui nhộn khác, kiểu Cồn Cỏ có con cá đua..

        Về Điện ảnh có nhiều, rất nhiều phim tài liệu của các nhà làm phim trong và ngoài nước : Vĩ tuyến 17, ngày và đêm của nhà làm phim nổi tiếng quốc tế Giôn rit Iven, nhiều phim truyện được ghi dấu ấn trong lịch sử Điện ảnh VN.

      Với Nghệ thuật Nhiếp ảnh thì tự nó đã là một kho tàng phong phú, hầu trên từng cây số. Nhiều bức ảnh đã làm sôi sục dư luận quốc tế. Không thể quên những tấm ảnh chụp trong Thành Cổ những ngày máu lửa năm 1972 của Đoàn Công Tính, Và rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.

     Về sân khấu, có cả trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại kể những câu chuyện diễn ra trên đất này. Những Tổ quốc, Đại đội trưởng cuả tôi của Đào Hồng Cẩm ( Viết chung với Xuân Đức ), hàng chục kịch bản của Xuân Đức, Bên hàng rào Tà cơn, kịch của liệt sĩ Chu Nghi, người hy sinh ở ngay mặt trận đó.

     Rồi về Mỹ thuật từng có hàng trăm tác phẩm sơn dầu, sơn mài, hàng ngàn bức ký họa trên nhiều địa danh nổi tiếng . Anh lính xe tăng tài hoa Lê Trí Dũng ngày nào có mặt trong trận giáp chiến xe tăng ác liệt ở Cửa Việt còn giử bao nhiêu ký họa và cả những trang văn đặc sắc  ghi chuyện ngày ấy.   

     Đặc biệt là văn học. Đã có hàng trăm nhà thơ có những bài thơ hay về Quảng Trị: Từ Lương An, Vĩnh Mai, Chế Lan Viên, Cảnh Trà, Vũ Ngàn Chi (Phạm Ngọc Cảnh),Hoàng Phủ Ngọc Tường, một danh sách cần được thống kê dài hơn nữa.  Bởi rất nhiều những nhà thơ lớn đã đến và có nhiều sáng tác hay trong nhiều thời điểm khác nhau.

     Riêng văn xuôi thì truyện và ký là cả một biến mênh mông, ghi lại những sự kiện cụ thể, những trận đánh, những con người có tên tuổi cụ thể đã lập nên những chiến công hiển hách ở nhiều thời kỳ. Mở đầu thời đất nước bị chia hai miền, không thể quên Sông tuyến của nhà văn viết ký cự phách Nguyễn Tuân, người từng đếm từng tấm ván lát trên mặt cầu Hiền Lương ngày đầu bị chia hai nửa với hai màu sơn.Đền hàng loạt ký sự và hồi ký các chiến sĩ đã chiến đấu ở Quảng trị :Trần Luân Tín với Được sống và kể lại, Nguyễn Huy Hiệu có Một thời Quảng Trị, Nguyễn Quý Hải có nhật ký chiến tranh: Mùa hè cháy, …. Nhiều bài ký của nhà báo lơn Phan Quang, như tập Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm với rất nhiều sự kiện cụ thể. Như địa danh mang tên Con đường không vui đi qua làng ông ở Hải Lăng, nơi nhà báo nổi tiếng Berna Faul bị vấp mìn ngay khi đang tường thuật trực tiếp cuộc hành quân của quân đội Mỹ cho một đài Truyền hình lớn, đã gây một chấn động rất lớn trên dư luận quốc tế. Ngay ở Quảng Trị cũng có nhiều nhà văn có những sáng tac dược chú ý: Từ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Đức, Cao Hạnh, Võ Văn Luyến, Tống Phước Trị, Nguyễn Nguyên Hồng,.., và các bạn văn gần gủi: Nguyễn Thế Tường, Lê Bá Dương,… Công tác tận Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thi Sãnh (tên thật Nguyễn Thanh Sĩ quê Gio Linh có nhiều thơ và 2 tiểu thuyết về quê nhà:  Chân trời ám ảnh, Dòng sông âm vang.

        Đặc biệt có mấy nhà văn lớn trong quân đội, mỗi người có đến mấy tác phẩm viết về Quảng Trị. Đầu tiên là truyện ngắn Quê hương của nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn viết từ 1955, về một người phụ nữ từ Quảng Trị ra thăm chồng ở phía Bắc, nói và nghĩ về quê nhà. Năm 1967, trong những ngày đế quốc Mỹ bắn phá Cồn Cỏ, đảo tiền tiêu của Miền Bắc, nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, họa sĩ Quang Thọ, cùng nhà văn Nguyễn Khải đã ra với các chiến sĩ và có tập ký sự nổi tiếng : Họ sống và chiến đấu, tiểu thuyết Ra đảo , nói về quân dân Vĩnh Linh tiếp tế cho Cồn Cỏ dười làn bom đạn ác liệt. Hai tiểu thuyết Đường trong mâyChiến sĩ đều viết về chiến dịch Đường 9- Nam Lào và làm đường Trường Sơn.  Nhà thơ Thu Bồn tác giả Trường ca Chim Chơ Rao nổi tiếng, có mặt ở Quảng Trị 1972, có hai tiểu thuyết đặc sắc: Hai tập Dưới đám mây mầu cánh vạc viết về anh hùng Nguyễn Thị Tâm ở Mỹ Thủy- Hải Lăng, và Vùng sáng hỏa châu (Vùng pháo sáng) viết về cuộc di hàng vạn dân từ Triệu Phong, Hải Lăng ra Vĩnh Linh để tránh vùng quyết chiến ác liệt.

         Nhà văn Nguyễn Minh Châu còn gắn bó với Quảng Tri bền lâu và sâu sắc hơn với nhiều tác phẩm:  Dấu chân người lính, Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra, Mảnh đất tình yêu Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Khi đã mang trọng bệnh, nhà văn vẫn trăn trở với cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến ở Thành Cổ 1972, đã có những phác thảo, sau khi tích lũy nhiều tư liệu, với tên dự định đặt: Chân trời vỏ đạn. Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả bài thơ được phổ nhạc, viết ở Quảng Trị 1972: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, từng nhận xét : Anh muốn mượn mảnh đất nhọc nhằn của  miền Trung ấy để thể hiện những vấn đề da diết nhất của số phận dân tộc mình. Trong một bức thư anh đã tâm sự: Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà cứ hễ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên. Tôi đã gắn bó với nó - cái vùng quê hương của chiến tranh và khổ ải ấy - hơn cả với quê mình. Bây giờ nhìn lại, không những cái mớ tiểu thuyết mà cho đến cả cái đám truyện ngắn đông đúc có mấy cái là không phải chuyện ở đây đâu- kể cả cái Cỏ lau gần đây nhất hay cái Mảnh đất tình yêu cũng vậy. Có lẻ tôi nhìn thấy từ lâu ở đấy cái chỗ biểu đạt rõ nhất đời sống con người  của đất nước này chăng?

       Rõ ràng, trong chiến tranh, Quảng Trị không chỉ bộc lộ phẩm chất con người gan góc, kiên cường của địa phương mình, mà còn là nơi tập họp và thể hiện rõ nhất những phẩm chất của con người Việt Nam hiện đại.

        Tôi ao ước, trên cơ sở tập họp những sáng tác Văn học- Nghệ thuật viết về Quảng Trị làm trung tâm, bằng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại , làm nên một  tập đại thành như một bộ sử sống về những sự kiện lớn diễn ra trên đất Quảng Trị trong hơn 50 năm.

          Nhưng làm nên những sự kiện đó, không phải chỉ riêng người Quảng Trị, mà còn là nhân tài vật lực toàn quốc. Nên trong bảo tàng, sẽ mở rộng quy mô sưu tập toàn bộ các tác phẩm về chiến tranh và cách mạng, một việc cho đến nay chưa một nơi nào làm. Đây sẽ là một trung tâm không chỉ có giá trị thông tin, mà còn là một trung tâm phục vụ du lịch, làm nên nội dung, phổ linh hồn cho các địa danh di tích, nơi phục vụ nhu cầu thưởng thức những giai điệu tự hào của một thời bi tráng và oanh liệt.

          Khi có điều kiện, Bảo tàng sẽ mở rộng giao lưu, sưu tầm và tập họp tác phẩm liên quan đến chiến tranh của cả hai phía, của các quốc gia đã tham gia ở những mức độ khác nhau vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

    Như thế, mặc dầu dưới hình thức một Bảo tàng Văn học Nghệ thuật, nếu làm tốt, tổ chức sáng tạo, Quảng Trị sẽ là nơi duy nhất có một bảo tàng hiện đại về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Trong bảo tàng, sẽ giành một không gian mở để trưng bày và tiếp nhận những sáng tác mới về đề tài chiến tranh và cách mạng.

        Nhân ngày Xuân, gửi về quê nhà ý tưởng này, tôi mong Tỉnh Ủy, Ủy Ban, và Hội Văn Học Nghệ Thuật cùng các cơ quan liên quan của Tỉnh tiếp nhận để nghiên cứu:

    - Chọn nơi đặt bảo tàng, mà một nơi có thể đặt là hai bên bờ sông Bến Hải, khu vực cầu Hiền Lương , hiện còn trống vắng.

    - Chọn đơn vị chủ quản lập dự án, mở cuộc thi tìm mô hình, quy hoạch và thiết kế cho Khu vực Bảo tàng.

    - Về kinh phí, sẽ sử dụng phương thức Nhà nước và nhân đân cùng làm. Dù Tỉnh nhà làm chủ quản, nhưng đây thực sự là một công trình có quy mô quốc gia, nên tổ chức huy động đóng góp không chỉ tư liệu, hiện vật, cho nội dung mà cả đóng góp kinh phí cho việc xây dựng. Chắc chắn không thể thiếu việc huy động sự góp sức của các tập đoàn kinh tế lớn để có kinh phí xây dựng, vận hành và duy trì , bảo dưỡng và phát triển, cập nhật và hiện đại hóa các phương thức hoạt động của bảo tàng. Trong việc này, nên tranh thủ ý kiến và sự đóng góp về mô hình, tư liệu cũng như kinh phí từ Bộ Văn Hóa- Thông tin, Trung Ương Liên hiệp các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam, và các đoàn thể có liên quan,

        Hy vọng trong tương lai gần, trên mảnh đất khắc khổ Quảng Trị xưa, sẽ có một  địa chỉ như NGỌN LỬA VĨNH CỬU, ngày đêm vang lên những Giai điệu Tự hào với muôn vàn cung bậc hấp dẫn để kể cho du khách và các thế hệ tương lai biết cái giá phải trả để có một vùng quê thanh bình, một đất nước giàu đẹp như hôm nay, đó cũng là lời ru êm ái nhất cho hàng vạn liệt sĩ trên khắp các nghĩa trang đã hy sinh yên nghỉ đời đời.

                                                       Nhà văn NGÔ THẢO

                                       Quê : VĨNH NAM- VĨNH LINH- QUẢNG TRỊ

 

 Tac giả gửi cho viet-studies ngày 12-3-21