Tiến sĩ…giá rẻ và lộ trình nâng cấp
Nguyễn Trọng Bình
1. Nguyên nhân cốt lõi "Chưa có một nước nào đào tạo Tiến sĩ rẻ như ở Việt Nam". Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 10/11 vừa qua [1]. Theo tôi được biết, ông Ga nói ý trên là muốn nhấn mạnh đến vấn đề kinh phí đào tạo thấp (căn cứ vào mức học phí theo quy định của Nhà nước ước tính khoảng 15.000.000đ/năm) là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo Tiến sĩ thời gian qua ở Việt Nam. Khách quan mà nói, nhận định của ông Ga là không sai. Bởi nói cho cùng muốn lên mặt trăng nhất định phải có phi thuyền chứ không thể bám vào rễ cây đa như chú Cuội trong truyền thuyết. Muốn ăn ngon, mặc đẹp thì phải chi tiền cho tương xứng. Vì trên thực tế các tiêu chí như “ngon, bổ, rẻ” hay “sang, bền, đẹp” về một sản phẩm nào đó chưa bao giờ đi cùng với nhau. Có chăng chỉ là những chiêu trò quảng cáo của người bán hàng mà thôi. Tuy vậy, ý kiến trên của ông Ga lại vô tình gây ra những tranh luận trái chiều trong một phương diện và góc nhìn khác. Có người cho rằng, chi phí đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam không hề rẻ chút nào. Tôi cho rằng quan điểm này cũng không sai vì theo chỗ tôi biết có không ít người học Tiến sĩ ở Việt nam hiện nay ngoài mức học phí chung theo quy định của Nhà nước thì số tiền họ phải bỏ ra là lớn hơn rất nhiều. Đó là tiền gì, vì sao phải bỏ thêm? Câu hỏi này tôi nghĩ không cần phải nói ra mọi người cũng đã biết cả rồi (đặc biệt là “những người trong cuộc” - các nghiên cứu sinh và những người nằm Hội đồng bảo vệ luận án). Cho nên theo tôi, nếu phải bàn đến vấn đề tiền nong đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo Tiến sĩ hiện nay ở Việt Nam như thế nào cũng nên dũng cảm nhìn vào sự thật đắng cay này. Khách quan mà nói, quy chế đào tạo Tiến sĩ của Bộ giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng không hẳn là lỏng lẻo như một số người nhận định. Và trên thực tế, xét riêng về chuyên môn, học thuật nhiều TS, PGS, GS ở ta cũng rất giỏi. Nhưng vấn đề là khi tham gia đào tạo NCS trong tư cách người hướng dẫn và hội đồng phản biện không hiểu sao có không ít người lại đồng ý và thông qua những công trình, luận án kém chất lượng (mà dư luận đã nhiều lần phản ánh)? Đành rằng, nguyên nhân đầu tiên là thuộc về “động cơ” của người học nhưng nếu trong tư cách và đạo đức nghề nghiệp của một nhà khoa học, những người hướng dẫn và phản biện hoàn toàn có thể từ chối hoặc phủ quyết không thông qua. Một thực tế khác, theo Bộ giáo dục và Đào tạo thời gian qua có không ít những người học TS là những quan chức trong bộ máy hành chính Nhà nước chưa một ngày làm nghiên cứu hay tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Mục đích và “động cơ” học tập của những người này ai cũng biết là phải không phải để thành nhà khoa học. Thế nhưng tại sao cuối cùng họ vẫn được công nhận Tiến sĩ, thậm chí sau đó còn được phong GS, PGS làm ảnh hưởng đến đội ngũ những nhà khoa học chân chính và nghiêm túc khác? Bình luận về chuyện này, mới GS Hoàng Xuân Sính gọi là “hiện tượng kì dị” ở Việt Nam [2]. Bộ giáo dục và đào tạo đương nhiên đã tương tận chuyện này vậy tại sao không có giải pháp nào để ngăn chặn mà lại ngồi đó than vãn như thể không phải lỗi tại mình? Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa và cốt lõi của vấn đề Tiến sĩ dỏm, Tiến sĩ không chính danh ở Việt Nam hiện nay rất nên được nghiêm túc nhìn nhận ở hai phương diện cơ bản và quan trọng sau: Một, nhận thức của toàn xã hội về giáo dục và khoa học nói chung đang rất lệch lạc. Thử hỏi có nền giáo dục nào mà từ cấp mầm non cho đến cấp Tiến sĩ đều có vấn đề bất cập như ở ta không? Nói cách khác, người Việt tuy rất ham học nhưng nhìn chung và phần nhiều việc học hiện nay lại mang nặng tính đối phó hơn là sự tự giác, thực học. Trong khi đó tâm lý xã hội lại quá coi trọng bằng cấp và hư danh. Có không ít người người xem các tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ; các danh xưng PGS, GS như món đồ trang sức để nâng cấp giá trị bản thân. Hai, mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức xã hội, hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Nạn Tiến sĩ dỏm nói cho cùng là do lương tâm và đạo đức của những người làm khoa học nước nhà đã và đang bị đồng tiền hạ gục. Nói khác đi, đây còn là biểu hiện của vấn đề “lợi ích nhóm” trong giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay. 2. Giải pháp nào? Được biết, để nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ trong nước, sắp tới đây Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành quy chế trong đó bắt buộc nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án Tiến sĩ phải có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế [3]. Song song đó là siết chặt đầu vào NCS bằng việc tiếp tục tạo ra “hàng rào” về ngoại ngữ. Cá nhân tôi cho rằng đây là giải pháp ảo tưởng và rất không thực tế. Vì sao tôi nói như vậy? Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo Tiến sĩ thực chất là nâng cao chất lượng của cả một nền khoa học quốc gia. Và điều quan trọng hơn là nền khoa học ấy có giúp gì cho việc phát triển đất nước hay không? Ba bài báo đăng trên tạp chí quốc tế mới được bảo vệ luận án Tiến sĩ ư? Nói cho cùng cũng chẳng giải quyết được gì nếu sự nghiệp nghiên khoa học của ông Tiến sĩ cũng kết thúc luôn ngay sau đó? Khoa học từ thực tiễn cuộc sống mà ra và thực tiễn cũng là nơi kiểm nghiệm tính xác thực và hiệu quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Bạn bè quốc tế nói cho cùng chỉ đánh giá và xem trọng chúng ta dựa trên thực tế về sự phát triển phồn thịnh của đất nước; sự văn minh, lịch sự người dân trong hành xử ứng xử mà thôi. Thế nên, thiển nghĩ việc công bố các công trình khoa học, trước mắt chỉ nên là một sự khuyến khích chứ không nên bắt buộc cứng nhắc. Việc bắt buộc chỉ nên dành cho một số đối tượng là những nhà khoa học tinh hoa đang công tác tại các trường Đại học trọng điểm quốc gia cũng như một số ngành khoa học cơ bản và mũi nhọn có đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển chung của toàn xã hội nhằm kích thích, tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa trong đội ngũ các nhà khoa học mà thôi. Nói cách khác, việc công bố công trình trên tạp chí quốc tế là việc đương nhiên cần làm, thậm chí là làm thường xuyên trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, tất cả phải có lộ trình và tầm nhìn chiến lược dài hơi chứ không nên nóng vội bằng những cơ chế và chính sách xơ cứng. Nhìn vào mặt bằng chung về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, thiển nghĩ vấn đề cần làm trước tiên và quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức và tư duy trong quản lý và nghiên cứu khoa học; nghĩa là phải tạo môi trường thông thoáng để các nhà khoa học được tự do trong nghiên cứu, tự do học thuật, tự do theo đuổi đam mê. Nhất định phải làm tốt chuyện này rồi mới tính đến những chuyện khác. Thứ hai, trong quy chế đào tạo TS hiện hành của Bộ có quy định về ngoại ngữ rất khắt khe, như một “hàng rào” để kiểm soát chất lượng. Nhưng thực tế thì sao? Không phải dư luận đã rất nhiều lần lên tiếng than vãn chuyện mù ngoại ngữ của đội ngữ TS, PGS, GS của chúng ta hiện nay sao? Điều đó có nghĩa, hàng rào ngoại ngữ mà bộ dựng lên lâu nay không những không có tác dụng mà vô tình còn… tạo điều kiện cho nhiều người trở nên gian dối. Cho nên, ai dám cam đoan sắp tới đây việc quy định phải có bài trên tạp chí quốc tế trước khi bảo vệ luận án TS sẽ không đi vào vết xe đổ như quy định về “hàng rào” ngoại ngữ? Nên nhớ rằng muốn đăng bài trên tạp chí quốc tế ngoài yếu tố chuyên môn thì phải trả rất nhiều tiền? Chuyện này thiển nghĩ sẽ chẳng khó khăn gì với những kẻ thừa tiền muốn có tấm bằng Tiến sĩ để nâng cấp bản thân nhưng sẽ là rào cản dành cho những nhà khoa học chân chính nhưng không có khả năng về tiền bạc. Một sự bát nháo và “vàng thau lẫn lộn” hứa hẹn sẽ lại diễn biến phức tạp hơn nữa chăng? Nhân đây cũng xin nói thêm về chuyện “hàng rào” ngoại ngữ trong vấn đề đào tạo Tiến sĩ. Theo tôi, việc đánh giá chất lượng TS dựa trên việc có biết hay không một ngoại ngữ nào đó là điều cần phải thận trọng, tỉnh táo. Đành rằng, việc biết một ngoại ngữ (nhất là tiến Anh) là chuyện cần thiết đối với một người nghiên cứu. Nhưng theo tôi, dư luận và xã hội cũng không nên quá cực đoan trong vấn đề này. Bởi lẽ, trên thực tế có người dù giỏi ngoại ngữ nhưng tư duy nghiên cứu, tư duy khoa học lại rất yếu và ngược lại. Trong khi đó, điều quan trọng để có một TS – một nhà khoa học chính danh và đúng nghĩa là công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học của anh ta. Nói điều này không phải ngụy biện để bào chữa cho những nhà khoa học kém ngoại ngữ mà để chúng ta có cái nhìn thực tế hơn về tình hình giáo dục và khoa học ở Việt Nam từ đó đề ra những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Trước đây, trong thời kỳ Pháp thuộc (và sau này là ở miền Nam trước 1975), do ngoại ngữ là ngôn ngữ bắt buộc cũng như được giảng dạy rất khoa học từ cấp nhỏ nhất nên đội ngũ trí thức nước nhà thời ấy không phải khổ sở như ở ta bây giờ. Vì thế, thiển nghĩ trong điều kiện dạy và học ngoại ngữ ở hiện nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập thì những “hàng rào” ngoại ngữ đặt ra phải làm sao kích thích, động viên người học chứ không nên là sự cản trở hay vô tình tạo điều kiện cho họ gian dối. Một nhà khoa học có thể không thành thạo về ngoại ngữ nhưng nếu anh ta được tiếp cận được tư liệu từ đội ngũ chuyên gia về dịch thuật có uy tín thì cũng rất nên khuyến khích để anh ta nghiên cứu, làm việc. Đây là cách làm của người Nhật trước đây từng bước khai dân trí cũng như tiếp thu vận dụng thành tựu khoa học của phương phương Tây cho dân chúng và đất nước họ. Nên chăng, Việt Nam hay nên học tập cách làm này – một cách làm vừa sức và thực tế nhất. Bên cạnh đó là tổng rà soát lại vấn đề dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) bắt đầu từ cấp tiểu học để vài mươi năm nữa ngoại ngữ sẽ không còn là “hàng rào” trong việc đào tạo TS như hiện nay. Cuối cùng, yêu cầu người học muốn bảo vệ luận án TS phải thành thạo ngoại ngữ và có bài đăng trên tạp chí quốc tế vậy đội ngũ người hướng dẫn và hội đồng phản biện thì sao? Bộ giáo dục và đào tạo có dám nhân đây làm luôn động thái rà soát và tổng kiểm kê tiến đến loại bỏ những người “học giả bằng thật” không? Đặc biệt là đội ngũ những TS, PGS, GS đang giữa các chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước? Một cách làm quyết liệt như đã từng làm với trường hợp luận văn của cô Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) trước đây: lập hội đồng khoa học mới để đánh giá lại trường hợp bị xã hội nghi ngờ; hoặc công bố tất cả các công trình để dư luận cùng cho ý kiến, đánh giá… Như vậy mới công bằng với Nhã Thuyên chứ? Ngoài ra, tôi thật sự rất lo lắng cho vấn đề đào tạo TS đối với một số chuyên ngành “đặc thù” ở Việt Nam hiện nay như triết học Mac-Lê hay Lịch sử Đảng...nếu như Bộ giáo dục và đào tạo chính thức ban hành quy chế mới với những ý tưởng “chém gió” trên. Liệu các tạp chí khoa học quốc tế có đủ chuyên gia để đọc phản biện trước khi cho đăng bài của rất nhiều NCS đến từ Việt Nam hay không? Hoặc giả như họ phản biện rồi liệu mình có chấp quan điểm trái chiều và khác biệt của họ không? Một vấn đề rất nhạy cảm chứ đầu phải chuyện chơi! 3. Thay lời kết Nói cho cùng, chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay có vấn đề là do chất lượng Thạc sĩ có vấn đề; chất lượng Thạc sĩ có vấn đề là dó chất lượng đào tạo ở đại học có vấn đề…và như thế là do chất lượng từ cấp tiểu học và cấp… mầm non có vấn đề. Cho nên, muốn giải quyết bài toán về chất lượng TS thì nhất định phải giải quyết bài toán chung của cả nền giáo dục đang tuột dốc không phanh chứ không phải là những cách làm mang tính “hớt ngọn”, viển vông. Nhiều người hiện nay cứ mở miệng ra là “hội nhập quốc tế” dù rằng không biết hội nhập là phải làm sao và như thế nào? Thiển nghĩ, muốn hòa nhập, hội nhập với bạn bè quốc tế trước hết phải biết mình đang đứng ở đâu? Sau đó là tư thế đứng như thế nào? Đừng nghĩ rằng đăng một hai bài báo là đã “hội nhập quốc tế”; hay“nhiều nước trên thế đã làm nên ta cũng phải làm”. Thử hỏi các nước ấy là những nước nào? Mặt bằng dân trí, nền tảng hạ tầng và thành tựu nghiên cứu khoa học của họ so với chúng ta hiện nay ra sao? Phải chăng mọi ảo tưởng về bản thân thật ra chính là biểu hiện của tâm lý mặc cảm, tự ti để rồi không khéo tự mình giăng bẫy và làm khó chính mình? Quan trọng hơn khi ấy, những vấn đề tồn tại không những không được giải quyết rốt ráo mà còn làm cho nó rối loạn và trầm trọng thêm hơn? *** Những người nông dân ở vùng ĐBSCL khi phát hiện cây cam sành trong vườn nhà bị bệnh vàng lá ngay lập tức họ vác dao ra đốn bỏ tức thì. Chưa hết, họ còn đào cả gốc rễ lên sau đó châm lửa đốt. Chỉ có làm như vậy mới tiêu diệt tận gốc mầm bệnh. Không biết những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà hôm nay có dám làm như vậy các bác nông dân quê mùa ít học ở ĐBSCL không? ---------------- Chú thích nguồn tham khảo: [1]: “Chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thấp: nguyên nhân do đâu?” Xem tại: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chat-luong-dao-tao-tien-si-viet-nam-thap-nguyen-nhan-do-dau-20161110121910596.htm [2]: "Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị". Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-Thac-si-Tien-si-o-Viet-Nam-la-mot-hien-tuong-ky-di-post172393.gd [3]: “Muốn bảo vệ tiến sĩ phải có công bố khoa học quốc tế”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/muon-bao-ve-tien-si-phai-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-339288.html Nguyễn Trọng Bình Tác giả gởi cho viet-studies ngày 25-11-16 |