Đề Xuất Giải Pháp Hay Là Phiếm Đàm Nguyễn Trọng Bình
1. Khoảng nửa năm trước, một ngày kia, có nhà báo nọ bằng các “biện pháp nghiệp vụ” đã phát hiện ra một chuyện động trời: có một cái “lò sản xuất Tiến sĩ” chuyên nghiệp và hợp pháp đang hoạt động trên dãy đất hình chữ S. Ngay lập tức, một “phong trào” tổng tấn công, tổng sỉ vả đội ngũ Tiến sĩ nước nhà nổ ra. “Phong trào” nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc với sự trợ giúp đắc lực của truyền thông mạng và sự nhiệt thành của đủ mọi thành phần người trong xã hội. Hai vũ khí quen thuộc là “gạch” và “đá” trong thời đại công nghệ một lần nữa lại được trưng dụng ở mức tối đa. Nạn nhân chính tại “lò sản xuất Tiến sĩ” nọ đương nhiên bị hạ gục và chết không ngáp. Âu cũng là quả báo nhãn tiền cho những kẻ hám danh nhưng bất tài. Tuy vậy, có cái gì đó sai sai trong chuyện này. Bởi trong cơn cuồng nộ, đám đông mê muội (vốn không thể và không có khả năng phân biệt sự đúng sai trong các vấn đề thuộc về khoa học chuyên môn) đã vô tính “sát thương” luôn số ít các nhà khoa học chân chính còn lại. “Gạch” và “đá” của đám đông không có mắt đã đành, nhưng gươm đao bén ngót của không ít nhà khoa học thành danh và có chút tiếng tăm cũng vun lên loạn xạ như thể chứng minh cho mọi người thấy “ta đây rất trong sạch và tử tế”. Ngọn cờ dẹp nạn “Tiến sĩ dỏm” chính thức được phất lên từ đó. Đến nay thì được chính thức cụ thể hóa bằng một quy chế mới có hiệu lực thi hành sau ngày 18/5 tới đây. Người chủ trì “công đạo” đương nhiên không ai khác chính là Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây xin gọi là Bộ Giáo dục cho ngắn gọn). Không dừng lại ở đó, những ngày qua có vẻ như “đang trên đà hưng phấn”, Bộ Giáo dục cũng đang ráo riết chuẩn bị để phất luôn ngọn cờ liên quan đến vấn nạn “Giáo sư giả” lâu nay. Vài dòng “ngược thời gian trở về quá khứ” như thế để mọi người cũng nhìn lại và thấy rõ hơn tinh thần làm việc của những người đang trực tiếp “cai quản” nền giáo dục nước nhà. Nói cách khác, một chủ trương, chính sách lớn của ngành giáo dục như thế nhưng có thể thấy khâu chuẩn bị của Bộ Giáo dục lại rất cập rập và vội vã. Và điều đáng nói hơn nữa là quy chế mới vừa ban hành này hầu như không dựa trên một cơ sở khoa học vững chắc nào mà phần lớn chỉ căn cứ trên những phát biểu lẻ tẻ, cảm tính của một số vị chức sắc, “mũ cao áo dài” thời gian qua dưới sự dẫn dắt của giới truyền thông (hôm nay dẫn ý kiến GS này, mai trích phát biểu của GS nọ) nhằm thỏa mãn nhu cầu của đám đông (vốn đã mất niềm tin và chất chồng những bức xúc) hơn là hướng đến giải quyết vấn đề một cách căn cơ và khả thi nhất. Thế nên, nếu có gọi đây việc làm mang tính là “phong trào” có lẽ cũng không có gì là quá đáng. Sau đây, là một vài phân tích và trao đổi để mọi người thấy rõ hơn tính “phong trào” của chủ trương quan trọng này. 2. Ngay sau khi Bộ Giáo dục chính thức ban hành quy chế đào tạo Tiến sĩ mới, như thường lệ, đội ngũ báo chí một lần nữa nhanh chóng thể hiện mình là cầu nối quan trọng giúp Bộ Giáo dục ghi điểm trước đám đông. Những cuộc phỏng vấn như con thoi nhằm ghi nhận ý kiến của các vị “mũ cao áo dài” được giới truyền thông hưởng ứng rất nhiệt thành thông qua những cái tít gây sốc và nóng hổi. Mở trang báo mạng nào cũng thấy hôm nay là Giáo sư Ta, ngày mai đến Giáo sư Tây đăng đàn phát biểu với khí thế hừng hực. Tuy vậy, tựu chung lại, không khó để nhận ra một thông điệp được hầu hết các vị chức sắc đã, đang và sắp nổi tiếng lặp đi lặp lại đến nhàm chán là: Nước nhà đang trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa nên dứt khoát muốn chấn chỉnh nạn “Tiến sĩ dỏm” và “Giáo sư giả” thì không nói chuyện “đặc ân”, “đặc thù” với bất kỳ ngành nào nữa; tất cả những ai muốn được vinh danh thì không được từ chối việc công bố công trình khoa học trên “Tạp chí quốc tế” bởi lẽ “các nước trên thế giới” kể cả “Đông Nam Á” hiện nay đều như thế nếu mình không làm theo thì sẽ “tự đào thải”. Tóm lại là phải quyết liệt phải “nâng chuẩn”, “nâng cấp” cho bằng bạn bè thế giới chứ nếu không thì “sỉ nhục” quá, “xấu hổ” lắm,… Trước hết, phải nói rằng, thiệt là “quá đã”, nghe các vị chức sắc phát biểu mà sướng cái lỗ tai, mừng muốn rơi nước mắt. Vì với tinh thần trách nhiệm cao độ như thế này thì nền khoa học giáo dục nước nhà chắc chắn sẽ sang lật trang mới, huy hoàng và tráng lệ hơn thôi; có lẽ không bao lâu nữa thì nền giáo dục và khoa học Việt Nam sẽ bắt kịp nền giáo dục và khoa học của các nước trên thế giới như: Nhật, Anh, Mỹ, Đức, Úc, New Zealand, Phần Lan... Thế nhưng, bình tâm nghĩ kỹ lại mới tá hỏa tam tinh. Vì lẽ, hóa ra đó là lời của các chức sắc đã và đang yên vị, chễm trệ trên ngôi cao, vừa gỡ cái kính cận ra và liếc mắt nhìn về phía cái đám đông háo danh đang vô cùng hoang mang, hốt hoảng và nháo nhào phía dưới. Đặc biệt, không khó đễ nhận ra, có không ít vị trong lúc cao hứng đã quên mất rằng, trước đây bản thân cũng từng phải vượt qua cái “đoạn trường” với những “cây cầu” Tiến sĩ và PGS/GS trong thời khắc nhập nhèm, đen trắng khi đất nước vừa thoát ra khỏi mấy mươi năm của cuộc chiến tang thương. Và không chỉ có thế, theo quy luật kế thừa “tre già măng mọc,” nếu phải nói về nạn “Tiến sĩ dỏm” và “Giáo sư giả” tràn lan hôm nay đương nhiên không thể không nhắc đến công lao to lớn của các vị ấy. Có lẽ do gánh nặng tuổi tác và hội họp nhiều quá nên nhiều vị đã quên bén rồi chăng? Cái thời mà các vị từng tham gia với tư cách những người hướng dẫn khoa học và thành viên Hội đồng phản biện để thông qua vô số các luận án TS rất “trời ơi đất hỡi”? Là nguyên nhân dẫn đến thực trạng cả nước hiện tại có hơn hai phần ba người mang học vị TS nhưng chủ yếu là các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền hành chính (thậm chí đang giữ các chức vị cao cấp nhất của đất nước hiện nay), chưa một giờ nào tham gia nghiên cứu giảng dạy ở một trường Đại học. Than ôi, biết nói gì nữa đây vì có ai ngờ gió lại xoay chiều nhanh đến thế! Vì mới hôm qua đây thôi, có vị vẫn còn rất vui tính và “dễ dãi” trong chuyện “lính anh, lính tôi” nhưng đùng một cái lại thay đổi sắc mặt và trở nên “nghiêm túc” một cách lạ thường. “Ô kê” thôi, tinh thần và quyết tâm chấn chỉnh của các vị là điều tốt, xã hội sẽ đương nhiên rất ủng hộ và ghi nhận. (Và lẽ ra việc này phải làm sớm hơn chứ không phải đợi tới bây giờ). Nhưng vấn đề quan trọng nhất là các vị phải xuất phát từ một cái nhìn toàn diện và thấu đáo về tất cả những tồn tại và yếu kém của cả hệ thống giáo dục nước nhà mấy mươi năm qua; về thực tế mặt bằng và nền tảng khoa học nước nhà hôm nay chứ không phải là thái độ kẻ cả của kẻ bề trên với mục đích chiều lòng đám đông và đánh bóng tên tuổi. Hoặc không lại là cái nhìn mang tính cục bộ, kì thị “khoa học tự nhiên thế này, sao khoa học xã hội lại như vậy?”, nghe thoang thoảng đâu đây cái mùi “lợi ích nhóm”. “Hội nhập quốc tế” ư, tất cả các nước trên thế giới đều làm vậy ư? Các vị nói nghe hay quá nhưng xin hỏi các vị có một công trình nào khảo sát nhằm đánh giá nghiêm túc vấn đề này chưa? Ít ra là một công trình với cái nhìn toàn cảnh đặt trong mối tương quan về điều kiện về cơ sở hạ tầng, nền tảng và mặt bằng nghiên cứu khoa học nước nhà trong bối cảnh hiện nay với các nước có nền khoa học phát triển trên thế giới). Các vị đặt ra những mục tiêu, quy chuẩn cao vời vợi như thế cũng tốt thôi nhưng nó không thực tế, nếu ban ra nhưng lại không làm được phải rút lại hoặc không lại tạo điều kiện cho những kẻ háo danh chứng tỏ sự giản dối thì có phải là lợi bất cập hại không? Một ví dụ rất rõ ràng là, trong khi vẫn đang cãi nhau chí chóe về dự thảo liên quan đến việc phong học hàm PGS/GS (phải có bài công bố trên “Tạp chí quốc tế” vì hiện nay hầu hết các PGS, GS nước nhà đêu chưa/không làm được điều này) thì các vị lại ban hành quy định về điều kiện đối với người hướng dẫn NCS trong quy chế mới như sau: "Người hướng dẫn NCS phải có tối thiểu 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus hoặc 1 sách tham khảo của các nhà xuất bản nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISBN. Nếu không đạt điều kiện trên, người hướng dẫn cũng có thể có 2 báo cáo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới đề tài luận án của NCS" ? Thử hỏi, sau ngày 18/5 phần lớn các trường Đại học ở Việt Nam hiện nay tìm đâu ra các PGS, GS đủ điều kiện để hướng dẫn và phản biện luận án của các NCS đây? Phải chăng với quy định mới này các vị ở Bộ Giáo dục muốn ngầm thu hồi quyết định đào tạo TS của đa phần trường Đại học ấy? Hoặc không, nếu các trường nào muốn tiếp tục đào tạo, các PGS, GS ở các trường đại học muốn hướng dẫn NCS thì phải tìm cách lách luật, “binh biến”, chung chi nọ kia hay nói trắng ra phải tìm cách để mà gian dối chăng? Các vị có biết rằng, quy định mới này đang vô tình xát thêm muối vào nỗi đau của đa phần các PGS, GS hiện nay ở các trường đại học không? Theo chỗ tôi biết nhiều người uất ức lắm nhưng không thể/dám nói ra vì sợ “há miệng mắc quai”, “lạy ông tui ở bụi này”; không khéo đám đông thiếu hiểu biết lại nhảy vào ném đá họ đến chết… Tương tự như vậy là quy định về việc muốn bảo vệ luận án, NCS phải có hai bài báo khoa học đăng trên “Tạp chí quốc tế” bất luận đó là chuyên ngành nào kể cả các ngành vốn rất “đặc thù”, chỉ có ở Việt Nam như: Lịch sử Đảng, Triết học Mác Lênin… Thật sự nghe một số vị GS phát biểu hùng hồn về chuyện này tự nhiên tôi thấy lo cho các vị quá. Có khi nào lại rước họa vào thân không? Vì nếu có tay “chỉ điểm” nào đó quy chụp chuyện “chính chị, chính em” e là các vị khó thoát cái tội “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”? Kính thưa các vị chức sắc, lẽ ra, các vị phải biết, ở đất nước này, lịch sử của Đảng ta chỉ có tốt đẹp, vì được dẫn dắt và lãnh đạo bởi những con người vô cùng trí tuệ và sáng suốt; nói chung, là rất đáng tự hào. Còn Triết học Mác-Lênin vốn là một học thuyết, một tư tưởng ưu việt nhất mọi thời đại; nó là “sợi chỉ đỏ”, là “kim chỉ nam” soi đường cho cả dân tộc này đi mấy mươi năm qua. Cũng xin thú thật với các vị là, cái thằng tôi đang viết những dòng này đây, những khi buồn đời đã từng không dưới một lần tự đặt cho mình một câu hỏi vẩn vơ, trần tục và rất đỗi chân thành rằng, lâu nay không biết những người trong Hội đồng phản biện luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ ở VN về hai chuyên ngành trên họ sẽ nói điều gì nhỉ? Liệu họ sẽ có dám đặt những câu hỏi mang tính phản biện thật sự trên tinh thần khách quan khoa học không khi mà ngay từ đầu việc học tập và nghiên cứu hai chuyên ngành này (như đã nói ở trên là) mặc nhiên chỉ nên và được ngợi ca; mọi cái nhìn trái chiều nếu không “xuyên tạc” cũng là “trở cờ”, “phản động”! Từ đây liên tưởng tiếp đến vấn đề mà các vị phát biểu như “mây bay chim hót” những ngày qua, và nhất là đã cụ thể hóa thành văn bản có hiệu lực sau ngày 18/5 làm cho cái thằng tôi lại hoang mang và ngẩn ngơ hơn. Trời ạ, tôi hình dung các chuyên gia, các nhà khoa học ở các nước phát triển trong khi phản biện các bài viết, công trình của các nghiên cứu sinh nước nhà về hai ngành trên nếu họ xổ toẹt hết thì sao nhỉ? Tôi muốn hỏi, những vị áo cao mũ dài nào đã “quân sư” cho Bộ giáo dục ra quy định này trước đó đã “thỉnh giáo” các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Trung ương chưa? Rồi đây, ai sẽ xác nhận, ghi nhận thành tích học tập và nghiên cứu cho các lãnh đạo nước nhà trong bộ máy công quyền từ Trung ương xuống địa phương ở hai chuyên ngành trên? Hay là, các vị chỉ nói “cứng” thế thôi trước các các anh chị nhà báo, phóng viên chứ trước mặt các đồng chí lãnh đạo oai vệ, uy nghiêm các vị lại “mềm nhũn” ra và nói khác!? Thực ra, trên đây chỉ là suy nghĩ mang tính giả định để qua đó tôi muốn chứng minh cho các vị thấy nếu các vị cứ mãi “đao to búa lớn” về các chủ trương chính sách liên quan đến giáo dục và khoa học nước nhà mà không có cái nhìn toàn cảnh, toàn cục để từ đó đề ra những giải pháp mang tính gốc rễ thì sớm muộn cũng chuốt lấy thất bại mà thôi. Tôi có niềm tin là, với cách làm kiểu “hớt ngọn” và “chém gió” này rồi đây con vi rút mang tên “háo danh” ở xư sở này chắc chắn sẽ “kháng thuốc” và ngày một mạnh mẽ hơn; nạn “Tiến sĩ dỏm”, “Giáo sư giả” cũng theo đó mà biến hóa tinh vi hơn để tồn tại. Nếu các vị cứ tiếp tục duy trì cái nhìn cục bộ và duy ý chí như thế này thì tôi tin chắc trong tương lai các Hội nghị, Hội thảo đội lốt “Hội thảo quốc tế” sẽ được cấp tập diễn ra trong nước. Hoặc không, một khả năng mang đầy tinh thần nhân văn, nhân ái khác sẽ xảy ra là các “Tạp chí quốc tế” ngụy tạo và giả mạo trên thế giới sẽ có cơ hội hốt bạc vì nhu cầu cần có bằng cấp để đi lòe thiên hạ của người Việt hôm nay? Tiện đây, cũng xin nói thêm, thật lòng tôi không hiểu sao hễ mở miệng ra câu nào các vị cũng cài vào đó cụm từ “hội nhập quốc tế” nhưng lại cố tình không chịu hiểu, không chịu nhìn thấy lương của giảng viên đại học hiện tại không hơn anh cu li? Hay các vị có quyền tin tưởng và xem “Tạp chí quốc tế” là chuẩn mực rồi thì cũng xin nhớ rằng người đã và đang giữ quyền biên tập, quản lý và điều hành các “Tạp chí quốc nội” cũng chính là các vị chứ không phải ai khác. Các vị nhớ lại xem, có phải mình đã từng nhiều lần cho đăng những bài báo vô bổ của những kẻ mà các vị đang lên án và phê phán là “Tiến sĩ dỏm”, “Giáo sư giả” hiện nay để không? Vì lý do gì mà các vị đã và đang làm cho nát bét các “Tạp chí quốc nội” và nền học thuật nước nhà giờ lại tạo ra “bóng ma” mang tên “Tạp chí quốc tế” để “hù dọa” nhau? Sao các vị không nghĩ đến giải pháp thiết thực và khả dĩ nhất là nhanh chóng chấn chỉnh lại các “Tạp chí quốc nội” sao cho nó thật chính danh; là địa chỉ đáng tin cậy để các nhà nghiên cứu nước nhà công bố, trao đổi về học thuật? Còn chuyện công bố các công trình khoa học trên “Tạp chí quốc tế”, trước mắt chỉ nên là một sự khuyến khích chứ không nên bắt buộc bằng mệnh lệnh hành chính cứng nhắc. Việc bắt buộc chỉ nên dành cho một số đối tượng là những nhà khoa học tinh hoa đang công tác tại các trường Đại học trọng điểm quốc gia cũng như một số ngành khoa học cơ bản và mũi nhọn có đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển chung của toàn xã hội nhằm kích thích, tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa trong đội ngũ các nhà khoa học thuộc các trường đại học “nhỏ” và “vừa” khác. Dĩ nhiên, khuyến khích ở đây không phải là anh muốn công bố hay không cũng được mà bản thân các trường đại học nhất định phải kiểm soát thông qua cơ chế phân loại và đánh giá giảng viên hàng năm. Ví dụ, anh nào trong một hoặc hai, ba năm mà không có bài công bố quốc tế thì sẽ giảm lương, cắt lương hay thậm chí sa thải…? *** 3. Thôi thì nói gần nói xa không qua nói thật, lần cuối cùng xin mạo muội đề xuất (thực chất là nhắc lại) với các vị một trong những giải pháp mà theo tôi là cốt tử nhất nhằm chấn chỉnh nạn “Tiến sĩ dỏm” và “Giáo sư giả” hiện nay. Cá nhân tôi tạm thời đặt tên gọi cho giải pháp này là: “GIẢI PHÁP VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ LÒNG TỰ TRỌNG CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC Ở VIỆT NAM”. Giải pháp này chủ yếu xoay quanh ba vấn đề (trong đó có hai vấn đề thuộc về nhận thức và đạo đức khoa học, một vấn đề thuộc về yếu tố kỹ thuật) cụ thể như sau: Thứ nhất, những người tham gia vào hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học hôm nay hãy tự nhìn lại bản thân mình trong tư cách và đạo đức của người làm khoa học. Phải thành tâm sám hối và xin lỗi nhân dẫn vì sự “dễ dãi” của bản trong quá khứ. Đặc biệt là trong không để xảy ra chuyện “một đống bạc nó đâm toạc luận án” và “xé nát lương tâm” của các Tiến sĩ, PGS và GS trong tương lai nữa! Thứ hai, Bộ giáo dục cần dũng cảm tham mưu với Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các nhà khoa học tự do tư tưởng, tự do theo đuổi đảm mê tiến tới triệt tiêu “thói quen” chính trị hóa khoa học và giáo dục nói chung; xóa bỏ cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm, giảm thiếu tối đa vấn đề hành chính hóa công tác nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại phục công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của các giảng viên ở các viện, trường đại học… Cuối cùng, tổng rà soát, lập hội đồng khoa học đánh giá lại tất cả công trình, công bố khoa học của những đối tượng mà dư luận nghi ngờ là “Tiến sĩ dỏm” và “Giáo sư giả” trên cả nước đặc biệt là những đối tượng chưa một lần tham gia hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Những công trình nào không đạt yêu cầu thì kiên quyết ra quyết định thu hồi, hủy bỏ. CT, 17/4/2017
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-4-17 |