Giáo Dục “Vỡ Trận” Và Sự Cần Thiết Phải Thành Lập Tổ
“Tư Vấn Về Văn Hóa-Giáo Dục”
Nguyễn Trọng Bình
1. Vỡ... “toàn tập”
Trước hết, xin được nói ngay và luôn, bản thân không phải là người bi
quan, thế nhưng qua quan sát và xâu chuỗi lại tất cả những gì đã và đang
xảy ra trong ngành giáo dục có hơn 10 năm trở lại đây tôi buộc phải gọi
tên và đặt vấn đề như trên. Ngoài ra, nói giáo dục “vỡ trận toàn tập”
không nghĩa là tôi cố ý bôi đen hay “nghiêm trọng hóa” vấn đề mà đơn
giản chỉ là muốn nhìn thẳng vào những sự thật về những hạn chế và yếu
kém của nền giáo dục hiện nay mà thôi. Và vì sự thật nó như thế nên tôi
không thể nói khác.
Vậy nên, “giáo dục vỡ trận” thật ra cũng chỉ là một cách diễn đạt khác
để mọi người có cái nhìn trung thực hơn về sự khủng hoảng trong tư duy
và nhận thức về giáo dục của toàn xã hội ta hiện nay (chứ không riêng gì
những người đang hoạt động trong ngành giáo dục) dưới góc nhìn văn hóa.
Nói khác đi, nếu chúng ta không bị tinh thần “lạc quan tếu” làm cho mờ
mắt thì tin chắc rằng sẽ không khó để nhận ra một sự thật là hiện nay
nền giáo dục từ cấp học thấp nhất (mầm non) cho đến bậc cao nhất (đào
tạo Tiến sĩ hay phong hàm GS, PGS) đều có những “vấn đề” tồn tại rất
đáng xấu hổ. Vì không có thời gian, tôi chỉ xin liệt kê 6 nhóm vấn đề
cũng là những vấn nạn đã tồn tại và kéo dài có hơn 10 năm qua để tất cả
chúng ta cùng kiểm chứng và suy ngẫm lại xem có đúng như vậy không:
Một là,
thực trạng về lương bổng, đời sống vật chất vô cùng khó khăn của đại bộ
phận các thầy cô giáo trên cả nước (đặc biệt là các thầy cô giáo mầm non
và phổ thông; các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa...) và áp lực về hành
chính sự vụ (hội họp, sổ sách, hồ sơ giảng dạy, quản lý học sinh...)
đang đẩy các thầy cô giáo vào tình cảnh “sống mòn” và dạy học đối phó...
Hai là,
vấn đề bệnh thành tích, bệnh phong trào...trong tất cả các cấp học và
cấp quản lý; nội dung và mục tiêu giáo dục chỉ loanh quanh đáp ứng và
phục vụ cho nhu cầu thi cử và tuyển sinh...
Ba là,
vấn nạn lạm thu và thiếu minh bạch trong trường học phổ thông cùng với
đó là vấn nạn dạy thêm tràn lan...
Bốn là,
nạn “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy biên chế” (không chỉ bằng tiền mà
còn bằng “tình”) ở tất cả mọi cấp...
Năm là,
nạn bạo lực học đường (cả về tinh thần lẫn thể chất) đang có nguy cơ mất
kiểm soát. Nếu như mấy năm trước đây, vấn nạn này chủ yếu chỉ xảy ra với
đối tượng giữa những em học sinh với nhau thì hiện nay đang có dấu hiệu
lan sang các đối tượng các thầy cô giáo với các em học sinh hay các thầy
cô giáo với các vị phụ huynh...
Sáu là,
nạn háo danh, “học giả bằng thật” dẫn đến thảm trạng “vàng thau lẫn lộn”
gây mất niềm tin cho toàn xã hội về thành phần được xem là trí thức, là
“tinh hoa” và nòng cốt của đất nước; những danh xưng từ Thạc sĩ, Tiến sĩ
cho đến Phó Giáo sư, Giáo sư đều đang bị xã hội dè bĩu, nghi ngờ - cái
hệ lụy từ những “lò ấp” Thạc sĩ,
Tiến sĩ và “chạy” Gs, Pgs... thời gian qua.
2.
Không nên ngụy biện và hãy thôi
“lạc quan tếu”
Đương nhiên, tôi
biết sẽ có người không đồng tình với tôi về vấn đề tôi vừa đề cập ở
trên. Cũng giống như mới đây có người đã lập luận rằng:
“với
gần 1,5 triệu giáo viên trên khắp cả nước, những hiện tượng tiêu cực
đang diễn ra cũng không phải phổ biến. Còn rất nhiều tấm gương thầy cô
tâm huyết, giỏi nghề, vững nghiệp… còn rất nhiều vị phụ huynh hết lòng
vì sự nghiệp giáo dục, kính trọng, giúp đỡ thầy cô. Đa số các em học
sinh là những trò giỏi, con ngoan. Vì thế, các thầy cô giáo cũng không
nên hoang mang, dao động, không khái quát từ các hiện tượng cá biệt để
rồi mất phương hướng”. [1]
Đây rõ ràng cũng là một cách tư duy và nhận thức khá phổ biến về “bức
tranh toàn cảnh” của nền giáo dục nước nhà hiện nay (nhất là đối với
những người đang giữ vai trò điều hành và quản lý). Tuy nhiên, rất tiếc
tôi phải nói rằng đây là cách tư duy có phần “dễ dãi” và mang màu sắc
của sự “lạc quan tếu”. Nên nhớ rằng
sản phẩm của giáo dục là con
người với tất cả những phẩm tính cao đẹp về trí tuệ và văn hóa.
Và suy cho cùng
mục tiêu và sứ mạng cao cả nhất
của giáo dục là phải làm sao giúp cho con người hoàn thiện hơn về nhân
cách và phẩm giá. Vậy nên chúng ta không thể đánh giá sự thành
bại của một nền giáo dục bằng cái nhìn “định lượng” thuần túy (chuyện
này hay chuyện kia có phổ biến hay không phổ biến) hay máy móc hơn là
chỉ dựa vào những bản báo cáo thành tích trên giấy để tự thỏa mãn hay tự
an ủi thậm chí bào chữa, khỏa lấp cho những sai lầm của mình. Những cái
nhìn và thái độ như vậy theo tôi cũng chính là nguyên nhân làm cho những
vấn nạn giáo dục ngày một trầm trọng hơn.
Đồng ý là những chuyện như phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối để trả thù, học
trò bóp cổ cô giáo hay đâm thầy giáo thủng bụng, và mới đây chuyện cô
giáo phạt học trò uống nước giẻ lau bảng... tuy không phải phổ biến
nhưng xét về mặt tính chất (“định tính”) rõ ràng đây là những vấn đề cực
kỳ nghiêm trọng mà lẽ ra không nên xảy ra trong môi trường giáo dục dù
với bất cứ lý do gì. Bởi dù thế nào đi nữa thì chuyện cô giáo vào lớp
không mở miệng nói lời nào với học sinh của mình suốt 3 tháng; hay một
đứa trẻ chỉ vì nói chuyện trong giờ học mà bị cô giáo phạt phải uống
nước giẻ lau bảng đã nói lên tất cả sự khốn cùng và tệ hại trong tư duy
và nhận thức của những người làm giáo dục hiện nay. Thử hỏi có nền giáo
dục nào, có thầy cô giáo nào trong thế giới văn minh hôm nay lại có hình
thức trừng phạt học rò mình đầy... “sáng tạo” và man rợ như thế không?
Thế nên, ở góc độ xã hội, tất cả những vấn nạn ấy đang phản chiếu một sự
thật trần trụi và đau lòng về sự sa đọa phẩm cách và văn hóa của mỗi
người, mỗi giới, mỗi thành phần hay mỗi ngành, nghề trong cộng đồng nói
chung.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm, thật lòng tôi lấy làm lạ và không hiểu
sao có người lại đặt vấn đề với hàm ý hờn trách cô bé Phạm Song Toàn khi
em phản ánh cô giáo mình không chịu “mở miệng” suốt ba tháng với lãnh
đạo TP Hồ Chí Minh? Lập luận của những người này là em ấy đã nói “không
đúng chỗ”? Hóa ra theo họ, “nói đúng chỗ” thì trước tiên là phải nói với
giáo viên chủ nhiệm, sau đó nếu không được thì nói với BGH trường cho
“đúng quy trình” chăng? Một cách đặt vấn đề không những vừa ngụy biện mà
còn cho thấy rất rõ sự định kiến, độc đoán rất đáng xấu hổ của “những
người lớn” chưa bao giờ biết tôn trọng quyền trẻ em cũng như không có
bản lĩnh và dũng khí thừa nhận cái sai của mình?
Nên nhớ rằng, dù các vị có biện hộ thế nào thì các em học sinh lớp 12
vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên. Nghĩa là các em vẫn là những cá
nhân chưa trưởng thành vì đơn giản là “các em vẫn chưa 18”. Vì “chưa 18”
nên các em cần được “người lớn” dìu dắt, tham vấn và nhất là luôn được
pháp luật bảo vệ một cách nghiêm ngặt và tuyệt đối cả về nhận thức lẫn
hành vi. “Sát thủ” Lê Văn Luyện tuy đã sát hại 3 mạng người rất dã man
nhưng vì chưa đủ 18 nên pháp luật vẫn cho hắn một con đường sống. Vậy
nên, nói gì thì nói, trước hết những “người lớn” mà cụ thể ở đây là các
thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi vấn đề đã và đang xảy
ra trong phạm vi trường học, lớp học do mình quản lý. Em học sinh đứng
canh trước cổng trường và đâm Thầy giáo chủ nhiệm của mình thủng bụng là
điều làm chúng ta đau xót nhưng giá như trước đó Thầy giáo chủ nhiệm
đừng “tặng” cho em một cái tát trước bao nhiêu ánh mắt bạn bè trong lớp
(chỉ vì cái hình xăm của em) thì rất có thể sự việc đau lòng kia đã
không xảy ra. [2]
3. Sự cần thiết
phải thành lập “Tổ tư vấn về Văn
hóa – Giáo dục”
Nói giáo dục nước
nhà đang trong vòng xoáy của sự khủng hoảng hay cụ thể hơn là đang bị
“vỡ trận toàn tập” nói cho cùng tôi cũng chỉ nhắc lại, trình bày lại
những điều mà rất nhiều nhà văn hóa, nhà giáo tâm huyết trước đó đã từng
trao đổi bàn luận, kiến nghị nhiều lần. Và như đã nói, nhắc lại những
vấn đề trên không phải để “bôi đen” ngành giáo dục mà là muốn nhấn mạnh
đồng thời thêm một lần nữa báo động về sự “lạc đường của giáo dục” và sự
“lạc trôi của văn hóa” người Việt chúng ta hôm nay.
Ngoài
ra,
đặt trong bối cảnh ngành giáo dục nước nhà đang triển khai đề án
“Đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục” thì vấn đề này càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Hãy
thử hình dung sau khi đề án trên hoàn thành nhưng những vấn nạn hiện tại
của ngành giáo dục không được khắc phục và hóa giải thì có phải chúng ta
đang lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và mọi tầng
lớp nhân dân không? Quan trọng hơn, sự phát triển bền vững, ổn định của
đất nước trong tương lai nếu nhìn ở phương diện văn hóa theo tôi sẽ rất
khó khăn nếu không muốn nói là nguy hiểm. Vì nói như nhà văn Nguyên Ngọc
là:
“vấn đề lớn nhất của giáo dục bao giờ cũng là vấn đề văn hóa (của xã
hội) và để giải quyết văn hóa trong một xã hội, giáo dục phải lãnh vai
trò quan trọng nhất.”[3].
Hay như GS Hoàng Tụy thì cho rằng, chúng ta
“không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền
văn hóa suy đồi. Người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa
và kinh tế”[4].
Từ đây về mặt vĩ mô, tôi cho rằng nếu thời gian qua ông Nguyễn Xuân Phúc
đã ký quyết định thành lập “Tổ tư
vấn kinh tế của Thủ tướng” nhằm giúp Chính phủ và bản thân ông đưa
ra những quyết sách phù hợp và đúng đắn để vực dậy nền kinh tế nước nhà;
và nếu như đã xác định “giáo dục
là quốc sách hàng đầu”, là
“chìa khóa để thành công”, thì theo tôi một
“Tổ tư vấn về Văn hóa - Giáo dục”
cho Thủ tướng trong lúc này tại sao không thể trở thành hiện thực?
Tôi biết, sẽ có người băn khoăn về đề xuất này vì lẽ hiện nay ở Việt Nam
có quá nhiều ban bệ, cơ quan cùng tham gia quản lý, giám sát về văn hóa
và giáo dục. Vì vậy, theo họ việc thành lập thêm một tổ tư vấn nữa là
không cần thiết. Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ thế. Bởi lẽ, thứ nhất
thời gian qua việc quản lý và điều hành nền kinh tế nước nhà cũng có rất
nhiều ban bệ tương tự như bên giáo dục, vậy sao ông Phúc vẫn quyết định
thành lập một Tổ tư vấn cho mình? Chẳng lẽ chuyện làm giáo dục, văn hóa
không quan trọng sao?
Thứ hai, với tất cả những gì đã và đang diễn ra gần đây, tôi cho rằng
ông Phùng Xuân Nhạ với cương vị người đứng đầu Bộ giáo dục và đào tạo –
cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp và quan trọng nhất về giáo
dục – đã tự cho thấy ông ta không đủ năng lực lẫn phẩm cách để đảm đương
trọng trách này.
Hiện tại, truyền thông báo chí vẫn chưa hết ồn ào về chuyện em Phạm Song
Toàn ở Sài Gòn “tố” cô giáo mình với lãnh đạo thành phố vì suốt 3 tháng
trời lên lớp nhưng không mở miệng nói lời nào với học trò. Nhiều người
ca ngợi em “dũng cảm” và “trung thực” khi đã dám nói lên sự thật. Từ sự
việc này, tôi lại liên tưởng đến trường hợp ông Nhạ và lạ thay cho đến
nay tôi không thấy một cá nhân nào (trước hết là trong ngành giáo dục)
từ cấp trên cho đến cấp dưới của ông Nhạ dám công khai lên tiếng bàn về
chuyện ông bị GS Nguyễn Tiến Dũng tố đạo văn và không minh bạch trong
việc tự phong GS cho mình trên diễn đàn chính thống? Báo chí truyền
thông thì chỉ có một bài duy nhất khi sự việc này xảy ra nhưng ngay sau
đó đã bị rút xuống. Tại sao như vậy? Hóa ra, ở xã hội này những người
luôn miệng nói về lòng trung thực phải chăng chính là những kẻ thiếu
trung thực nhất? Có trái khoái không khi một người bị tố không trung
thực trong chuyên môn, học thuật lại là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trong
việc phong hàm GS, PGS? Có bi hài không khi một kẻ không dám đối mặt với
sự thật, với những lời cáo buộc không trung thực lại là người chủ trì
việc đi tìm sự thật và kiểm tra lòng trung thực của người khác? Và có
hèn kém không khi một chuyện đáng ra phải được mang ra mổ xẻ tới cùng
thì gần như cả ngành giáo dục chẳng ai dám lên tiếng?
Công tâm mà nói, sự “vỡ trận” của nền giáo dục hôm nay cũng không nên
quy hết trách nhiệm cho một mình ông Nhạ. Vì nói cho cùng đây là hệ lụy
tất yếu của xã hội Việt Nam mấy mươi năm qua (mà nhiều người đã lên
tiếng cảnh báo). Tuy vậy, theo tôi kể từ sau khi bị GS Nguyễn Tiến Dũng
và các cộng sự tố cáo đạo văn nhưng đến hôm nay ông Nhạ không lên tiếng
để đối thoại nhằm minh oan cho mình (nếu ông thực sự bị oan) mặc cho dư
luận đàm tiếu thì rõ ràng Nhạ hoàn toàn không đủ uy tín để điều hành
quản lý hay tham vấn cho ông Phúc về những sách lược phát triển giáo dục
nước nhà trong thời gian tới. Có thể ông Nhạ không biết xấu hổ nhưng
người khác thì sao? Tôi nghĩ đa phần mọi người sẽ không nghe và tin
những gì ông nói nữa dù có thể ngoài mặt họ vẫn xởi lởi hay thậm chí
nịnh nọt ông!
Từ đây, có thể nói nền giáo dục của một quốc gia mà được dẫn dắt bởi
những con người như thế thì hỏi sao không loạn xì ngầu cả lên? Thế nên,
những người có trách nhiệm cao nhất trong bộ máy chính quyền Nhà nước
nếu không nhân cơ hội này để kịp thời thay đổi và chấn chỉnh thì về lâu
dài, tin chắc rằng những hệ lụy và hậu quả sẽ còn nặng nề hơn nữa.
4. Những việc cần
làm ngay nếu “Tổ tư vấn Văn hóa –
Giáo dục” được thành lập
Nếu ông Phúc cầu thị lắng nghe và quyết định thành lập
“Tổ tư vấn Văn hóa – Giáo dục”
trong thời gian tới, cá nhân tôi tôi kiến nghị Tổ tư vấn tập sẽ trung
xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện, khách quan, khoa học mọi vấn
đề liên quan đến đề án “Đổi mới
căn bản và toàn diện giáo dục” hiện nay. Trước mắt là tạm dừng đề án
“Đổi mới chương trình và nội dung
sách giáo khoa trung học phổ thông” lại. Vì sao? Theo tôi có hai vấn
đề cần được xem xét:
Thứ nhất,
có thể thấy tất những vấn nạn tiêu cực của nền giáo dục hôm nay (như đã
trình bày ở trên) đều có nguyên nhân cốt tử của nó là do hạn chế về tư
duy, nhận thức (quan niệm về giáo dục nói chung, có người gọi là “triết
lý giáo dục”); hạn chế về tầm nhìn, chiến lược...của những người đang
làm công tác điều hành và quản lý nền giáo dục các cấp... Việc đổi mới
nội dung và chương trình SGK phổ thông mới là cần thiết nhưng trong bức
tranh tổng thể chung của ngành giáo dục thì vấn đề này vẫn không bức
thiết bằng việc đổi mới nhận thức và tư duy của đội ngũ quản lý cùng đội
ngũ giáo viên giảng dạy. Vậy nên, việc trước hết là phải làm sao giải
quyết một căn cơ và rốt ráo những vấn đề mang tính nền tảng và nổi cộm
gây bức xúc trong ngành giáo dục dục trước sau đó mới tiến hành đổi mới
nội dung chương trình SGK...Nếu không, cho dù chương trình và nội dung
SGK mới có hiện đại thế nào đi nữa nhưng những vấn đề kia vẫn không có
gì biến chuyển thì cũng sẽ không giải quyết được gì.
Thứ hai,
thời gian
qua khi triển khai đề án “Đổi mới
chương trình và nội dung SGK phổ thông mới” nhưng theo quan sát của
tôi, cho đến nay những người được giao trọng trách này vẫn chưa thuyết
phục được công chúng (nhất là các Thầy cô giáo...) về vấn đề biên soạn
nội dung và chương trình SGK mới theo quan điểm “dạy học tích hợp”. Thậm
chí, không hiểu sao chính những người được xem là “chuyên gia” trong đề
án này lại có những cách giải thích về chuyện này một cách rất ngô nghê,
xem việc “dạy học tích hợp” chẳng khác gì việc chế biến món “thịt bò xào
thập cẩm”... Trong cái nhìn như vậy, theo tôi đề án này rất nên được dỡ
ra làm lại, nhất là để các chuyên gia có thời gian nhìn nhận, đánh giá
lại vấn đề một cách thận trọng và thấu đáo hơn. Tạm dừng đề án
“Đổi mới chương trình và nội dung
SGK phổ thông” có thể công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện sẽ chậm
lại một chút nhưng sẽ đảm bảo về một sự thành công mĩ mãn trong tương
lai; thực sự góp phần khai phóng, nâng tầm nhận thức và văn hóa cho các
thế hệ người Việt mai sau; từ đó xây dựng và phát triển đất nước một
cách bền vững và tiến bộ hơn là với những gì đang diễn ra (nếu không
theo tôi là rất có nguy cơ 77 triệu USD dành cho việc
“Đổi mới chương trình và nội dung
SGK phổ thông” một lần nữa sẽ đổ sông đổ bể).
5. Thay lời kết
Trong bài viết (trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam) liên quan đến vụ
việc cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ gối để trả thù, tôi có đặt
vấn đề: không riêng gì vụ việc này mà tất cả những vấn nạn của nền giáo
dục hôm nay cần phải được
“trị căn hơn trị chứng”
[5]. Đó là tôi kế thừa quan điểm và cách nói của nhà nghiên cứu Bùi Văn
Nam Sơn. Và cho đến thời điểm hoàn thành bài viết này, sau khi đã quan
sát những gì đã xảy ra nhất là quan điểm của Bộ giáo dục và đào tạo liên
quan đến hàng loạt vụ việc tiếp theo mà “đỉnh cao” là các vụ: cô giáo
không nói chuyện suốt 3 tháng, cô giáo bắt học sinh lớp 3 uống nước lau
bảng... một lần nữa tôi lại muốn nhấn mạnh và bảo lưu quan điểm trên.
Đương nhiên, ở đây tôi cũng đồng ý với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào
tạo là “cần xử lý nghiêm”
những cá nhân sai phạm trong các vụ việc trên nhưng nếu chỉ có thế thì
tôi cho rằng đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính nhất thời, khi mọi
việc đã rồi. Điều quan trọng là,
“sau tất cả” Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm gì, với những giải pháp
và bước đi căn cơ nào để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không xảy
ra? Trong khi chờ đợi động thái này tôi mong những “người có trách
nhiệm” (không chỉ riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nếu được hãy một lần
nghiêm túc suy nghĩ về đề xuất thành lập tổ
“Tư vấn về Văn hóa-Giáo dục”
ở trên. Tôi nghĩ, đây sẽ là bước đi cần thiết đầu tiên để chúng ta tiến
hành công cuộc
“trị căn” nhằm chấn hưng
nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới!
-------------
Nguồn tham khảo: 1.
"Trường sư phạm có trách nhiệm
không nhỏ với sản phẩm lỗi của mình". Xem tại:
2.
“Vụ học sinh đâm thầy giáo trọng
thương: Thầy có tát tai học sinh trước lớp?”Xem tại:
https://baomoi.com/vu-hoc-sinh-dam-thay-giao-trong-thuong-thay-co-tat-tai-hoc-sinh-truoc-lop/c/25560991.epi
3.
“Nhà văn Nguyên Ngọc nói về văn
hóa và giáo dục”. Xem tại:
http://vietnam.ucanews.com/2012/09/06/nha-van-nguyen-ng%E1%BB%8Dc-noi-v%E1%BB%81-van-hoa-va-giao-d%E1%BB%A5c-2/
4.
“Nguyễn Trần Bạt: Không có gì
tử tế trên nền văn hóa kém”. Xem tại: http://www.phunutoday.vn/nguyen-tran-batkhong-co-gi-tu-te-tren-nen-van-hoa-kem-d15302.html
5. “Vụ
cô giáo quỳ, cần trị căn hơn trị chứng”. Xem tại:
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Vu-co-giao-quy-can-tri-can-hon-tri-chung-post184410.gd
|