MIỀN KÝ ỨC

Tản văn

Nguyễn Thị Hậu

 

 

Mùi tết

Khoảng thời gian gần Tết ta thường bắt gặp trong không gian những mùi hương của ký ức.

Vào những năm xa xưa khi đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, ấy là lúc mẹ mang ra chăn ấm áo lạnh được bọc gói cất kỹ trong hòm trong tủ. Gian nhà nhỏ sực lên mùi băng phiến. Lũ trẻ súng sính trong tấm áo còn ủ mùi thơm sạch sẽ, tung tăng khắp khu tập thể.

Đấy là mùi của những sớm mùa đông. Bước chân ra phố một làn sương bảng lảng trên con đường còn vắng người qua lại. Hơi nước, làn gió, lá cây ngọn cỏ tỏa ra hương thơm tinh khiết làm lòng người chùng lại, nhịp sống chậm đi một tích tắc cho người ta sống dài thêm một chút.

Đấy là hương thơm những “gánh hàng hoa” từ phía “ngoại ô” đi vào thành phố. Ngoại ô xưa giờ đã là nội thành với nhà cao tầng đường nhựa ngang dọc. Nhưng thấp thoáng vẫn còn mảnh vườn nhỏ có gốc đào, vài luống hoa rực rỡ sắc màu. Hương hoa mùa giáp tết nồng nàn quyến rũ như thiếu nữ Hà Nội căng tràn sức sống.

Đấy là mùi hương trầm khói nhang ấm áp trên bàn thờ những ngày cuối năm như phảng phất hình bóng người thân. Tết là dịp sum họp gia đình, hương thơm nhang khói làm cây cầu tâm linh nối người còn sống với người đã khuất.

Ngày Tết càng gần mẹ càng tất bật lo toan. Mỗi khi đi làm về trong cái giỏ xe có thêm bó măng khô thơm mùi nắng, gói miến dong thơm mùi đất ẩm… Mấy cân gạo nếp thơm như mùi rơm mới, cân đậu xanh ngai ngái. Có năm cha đi công tác Tây Bắc mang về một xâu nấm hương mộc mạc mùi rừng núi.

Khoảng qua rằm tháng Chạp mẹ mang ra hàng gia công “quy gai quy xốp” một túi nào bột nào đường với mấy quả trứng, có khi thêm cục bơ bé xíu. Sau cả ngày xếp hàng chờ đợi lũ trẻ náo nức khi mẹ mang về một túi nilon đầy những chiếc bánh thơm phức ngọt ngào. Đây đó trong phố đã thoang thoảng mùi thơm pháo tép…

Rồi ngày sát Tết nhà nhà rộn ràng gói bánh. Mùi lá dong tươi, mùi đậu xanh chín, mùi thịt ướp tiêu hành, mùi khói bếp, hơi nước từ nồi bánh đang sôi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết. Chiều ba mươi mẹ nấu nồi nước mùi già, nước bồ kết, cả nhà “tẩy trần” trước bữa cơm tất niên đón ông bà về ăn tết với con cháu.

Những mùi hương ký ức mang tôi trở lại tuổi thơ của một thời Hà Nội nghèo khó mà đầm ấm.

Bỗng dưng nhớ thùng nước gạo

Thời bao cấp ở nhiều khu dân cư Hà Nội hay có những cái thùng “nước vo gạo” đựng đủ loại cơm thừa canh cặn cuống rau già vỏ hoa quả… nói chung là “rác thực phẩm”. Thùng nước vo này dùng để nấu thức ăn cho lợn.

Khu tập thể của tôi có bể nước to chung cho cả khu. Hai cái thùng nước gạo đặt gần đấy, nơi mọi người rửa rau vo gạo chuẩn bị nấu cơm và rửa mâm bát sau bữa ăn. Thôi thì tất tật đổ vào thùng, lõng bõng trong nước vo gạo đục lờ nhiều nhất vẫn là cuống rau muống – thức ăn phổ biến hàng ngày của các gia đình. Chẳng mấy khi có xương cá hay xương lợn, xương gà vịt càng hiếm (thỉnh thoảng nhà ai ăn thịt gà còn phải dùng kéo cắt cho khỏi động dao thớt nên xương cũng bọc giấy báo mang vứt tận bãi rác ngoài chợ). Bên cạnh thùng dù có hai cái chổi sể để đấy nhưng vẫn luôn vương vãi cơm rau bốc lên mùi chua thiu nhất là vào mùa nóng nực. Buổi tối chuột cống chạy qua chạy lại sục cả vào trong thùng.

Hàng ngày vào buổi chiều cái Lam học cùng lớp với tôi thường đến đây gánh hai thùng nước gạo đã đầy đi, đặt lại hai thùng khác. Nó quét dọn sạch sẽ lại còn tiện tay dọn luôn cống rãnh quanh bể nước. Lam xinh lắm, da trắng mũi cao mắt sâu, nhưng nó ít bạn. Nhà nó ở trong xóm gần khu tập thể, lần nào tôi vào chơi cũng thấy đàn lợn ba, bốn con nuôi trong cái chuồng bé tí ngay sát nhà. Thế nên nhà nó lúc nào cũng nồng nặc mùi chuồng lợn.

Mang thùng nước gạo về là Lam tất bật thái cây chuối hay băm rau muống già, mẹ nó là người quét dọn chợ nên thu dọn rau thừa rau úa mang về nuôi lợn. Rau băm xong cho vào nồi nước gạo, nấu chín rồi cho cám vào ngoáy đều. Nồi cám lợn sền sệt mùi cám át dần mùi chua thiu, thậm chí còn thơm thơm khi mẹ nó mua được mẻ cám gạo mới. Chờ cám nguội Lam mới cho lợn ăn mặc kệ đàn lợn đói kêu ầm ĩ. Tối mịt khi mẹ nó về mấy mẹ con dọn cơm ăn trong ánh sáng tù mù của một bóng đèn điện bé tẹo. Bố của Lam là công nhân nhà máy điện hay đi làm ca kíp, chẳng mấy khi tôi đến chơi mà gặp ông ở nhà.

Để đổi lấy thùng nước gạo, hàng tháng Lam mang đến để cạnh bể nước hai cái chổi rễ mới, dày dặn được buộc thật chặt. Tiếng là để quét dọn quanh thùng nước gạo nhưng người ta mang đi quét đủ thứ. Ngày chủ nhật làm vệ sinh khu tập thể thì ai cũng lấy hai cái chổi đấy chứ không dùng chổi nhà mình, thế là lại cãi nhau vì hai cái chổi. Có khi vài hôm một cái chổi lại biến mất làm cái Lam phải mua cái khác… Rồi nó nghĩ ra sáng kiến kiếm một đoạn dây dài buộc một đầu vào cái chổi và đầu kia vào vòi nước, vẫn có thể quét dọn mà không mang đi chỗ khác được.

Hồi ấy nuôi lợn là để tăng gia nên nuôi giống lợn ta, dễ ăn, cũng chẳng có gì ngoài rau cám, thêm thùng nước gạo với lũ lợn đã là được ăn ngon, tất nhiên làm gì có thuốc tăng trọng với chất tạo nạc. Lợn chỉ khoảng 50 kg là đã bán. Năm đôi lần nhà Lam bán lợn, người mua thường mang biếu lại ít lòng với dồi tiết, thế là hôm đó nhà nó như đại tiệc. Một lần gần Tết bố Lam bán ba con lợn và giữ lại một con. Ông tự mổ lợn và bán cho hàng xóm quanh đấy, bán chui, nửa đêm thịt lợn đến sáng là “tẩu tán” hết. Năm đó mẹ tôi cũng mua của nhà Lam cân thịt ba chỉ để gói bánh chưng, lại được bố nó bán rẻ cho nửa cái chân giò để nấu măng (chắc vì biết tôi thân với Lam). Tết ấy nhà tôi cũng như đại tiệc nhưng điều làm tôi nhớ mãi là mẹ tôi cứ tấm tắc khen thịt tươi ngon, lại còn nói: thịt lợn ngon thế là nhờ có thùng nước gạo của khu tập thể nhà mình.

Bây giờ ở thành phố không còn thấy nơi nào có thùng nước gạo, thức ăn thừa để nuôi lợn. Thức ăn ở hàng chục ngàn gia đình, hàng quán… toàn đổ lẫn lộn vào rác khác, thật quá lãng phí! Mà giống lợn bây giờ cũng không còn là lợn ta dễ ăn lâu lớn nhưng thịt ngon mà là những giống lợn ăn cám tổng hợp và nhiều loại khác, lại thêm đủ thứ thuốc bơm tiêm vào…

Mấy hôm nay nghe chuyện “giải cứu lợn” bỗng nhớ lại chuyện thùng nước gạo đổi chổi rễ hồi xưa. À, sau này cái Lam học đại học nông nghiệp trở thành kỹ sư chăn nuôi, nghe đâu cũng là giám đốc một trại nuôi lợn ở ngoại thành. Không biết Lam còn nhớ hai thùng nước gạo cạnh bể nước trong khu tập thể gần nhà nó hay không…

Chùm chìa khóa nhà

Về đến Sài Gòn mới thấy trong túi vẫn còn chùm chìa khóa nhà bạn, nhắn, bạn trả lời: không sao, em vẫn còn một chìa khác, chị cứ giữ lấy mai mốt ra Hà Nội lại đến ở nhà em nhé!  Bần thần, lâu lắm mới lại giật mình lo người khác không có chìa khóa vào nhà.

Không biết từ bao giờ các gia đình ở thành phố không còn nỗi lo lắng về chìa khóa nhà nữa nhỉ? Hồi xưa, mà cũng không xưa lắm đâu, vài chục năm trước thôi, ở Hà Nội hầu như mỗi gia đình chỉ có một chùm chìa khóa, trong đó có chìa khóa nhà, cổng (nhiều gia đình cùng ở trong một căn biệt thự cũ nên có cổng chung, hoặc chung nhau làm một cửa sắt ở đầu hành lang nếu ở nhà tập thể). Có khi có cả chìa khóa tủ quần áo hay chìa khóa xe đạp… Đa số là ổ khóa nội dùng ít lâu thì bạc màu thậm chí hoen rỉ, chìa khóa thì cong vênh. Hiếm hơn là ổ khóa Trung quốc màu vàng chóe, về sau có nhà dùng dây khóa xe đạp (được những “nghiên cứu sinh” mang về từ Liên xô, Đức, Tiệp) để khóa cửa…

Trong gia đình luôn có một người “chịu trách nhiệm” giữ chìa khóa, thường là mẹ. Mẹ chú ý cửa nẻo khi ra khỏi nhà hay đêm hôm, mẹ thường về sớm đón con, đi chợ nấu cơm và ít khi đi đâu trừ khi đi làm… Vậy nên mẹ là “tay hòm chìa khóa” đúng nghĩa. Mẹ cẩn thận làm một sợi dây chắc chắn để buộc mấy chiếc chìa khóa thành một chùm, thời ấy đâu có những móc khóa tiện dụng như bây giờ, lại thêm một sợi dây dài để có thể đeo vào cổ hay quấn vào cổ tay. Thỉnh thoảng đi đường thấy có người buộc chùm chìa khóa vào ghi-đông xe đạp, nó va vào xe lách cách lách cách như thay thế cái chuông xe đã mất hoặc được tháo ra cất đi vì… sợ mất.

Nhiều gia đình con cái học khác buổi nên có cảnh đứa nào học chiều thì sáng bị nhốt trong nhà, đứa đi học sáng chờ đến trưa mẹ về mở cửa vào nhà “thay ca” chiều. Mẹ khóa cửa đi làm thì anh em “trong ngoài cửa sắt” thò tay qua cửa cấu chí lẫn nhau. Có gia đình bố mẹ đi làm giờ giấc thất thường nên chùm chìa khóa lủng lẳng “thường trực” trên cổ đứa con. Ở khu tập thể không hiếm cảnh nhà nào đó bị mất chùm chìa khóa, thôi thì náo loạn tiếng mẹ mắng con khóc bố quát tháo cả mẹ lẫn con. Bực mình vì không vào nhà được hay không khóa được cửa để đi làm chứ ít ai sợ mất chìa khóa vì sợ trộm lấy đồ, nhà nào cũng như nhà nấy, có gì đâu ngoài cái xe đạp quý nhất thì luôn bên người. Hồi đó có câu “thân thể người ta chia làm bốn phần: đầu, mình, tứ chi và xe đạp”, đêm ở trong nhà mà xe đạp vẫn phải khóa lại, thậm chí dây khóa xe còn buộc vòng vào… chân giường.

Ngày ấy ở Hà Nội cũng có thợ làm chìa khóa, bác thợ thường ngồi ở một góc phố, trước mặt là cái tủ gỗ nhỏ bên trên có mấy sợi dây thép xâu những chiếc chìa khóa cũ và mấy dụng cụ sửa khóa như giũa, đục, cưa cái nào cũng xinh xinh. Khi cần thì mang chìa khóa ra đó “đánh” thêm một hai chiếc dự phòng chứ ít khi gọi thợ vào mở khóa, vì thật ra phần lớn khóa cũng dễ mở nếu không có chìa, “khóa người ngay chứ ai khóa kẻ gian” là thế. Có lúc thợ sửa khóa đạp xe đi khắp phố phường, vòng dây thép nặng những chiếc chìa khoá xúc xắc vang lên, nhưng đến khi có việc cần thì lại chẳng thấy tăm hơi tiếng rao “khóa ơ…” đâu cả.

Bao lâu rồi trong gia đình không còn người phải lo lắng nếu mình không về thì người khác không có chìa khóa vào nhà? Bao lâu rồi mẹ không phải nóng lòng nghĩ đến con phải đợi ngoài cửa trong cái lạnh cái đói cái nắng? Bao lâu rồi chồng về khuya không còn áy náy lo vợ phải thức chờ mở cửa? Bây giờ khóa an toàn hiện đại, nhiều chìa cho một ổ khóa nên mỗi người một chiếc, thậm chí có người ở nhà cũng không phải “phiền phức” gọi cửa. Cả ngày chẳng nhìn thấy nhau vì tự khóa tự mở, tự đi tự về… chiếc chìa khóa tiện lợi mà vô tình làm cho không ai cần ai nữa… Cũng có chỗ treo chùm chìa khóa của các cánh cửa trong nhà nhưng chỉ để dự phòng, lâu ngày không dùng nên không biết chìa nào của khóa nào cửa nào nữa.

Có chuyện thế này, chị bạn tôi giận chồng vì anh có bồ bịch nên đưa con về bên ngoại. Nhưng mỗi khi thấy chùm chìa khóa nhà chị lại nhớ những ngày mặn nồng bên nhau. Được vài bữa chị thấy nhẹ lòng hơn và quay về. Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã bị thay. Chị điếng người. Anh chị mỗi người đều có chìa khóa nhà… Nhìn chùm chìa khóa vô dụng chị hiểu anh đã dứt tình.

Nhưng cũng với chùm chìa khóa mà ai đó dặn dò “người dưng”: em/anh cầm chìa khóa nhà nhé, là thay lời muốn nói hãy coi đây là tổ ấm để bắt đầu một cuộc sống mới. Bước vào ngôi nhà mới không ai muốn một lúc nào đó ra đi mà phải để lại chìa khóa ngôi nhà. Chùm chìa khóa nhà khi ấy là tượng trưng cho hạnh phúc…

Bây giờ bọn trẻ không cả nghĩ như mình đâu chị ạ - bạn nói – bây giờ có khóa từ, khóa vân tay, khóa điện tự động… máy móc hiện đại giúp người ta quên nhanh lắm. Không như chúng mình cứ nhớ hoài về chùm chìa khóa ngày xưa…

Bậc thềm xưa

Nếu bậc thềm nhà biết nói, chắc chúng sẽ thì thầm kể lại những gì đã chứng kiến, là  chuyện của một ngôi nhà và những đời người ở đó…

Ngôi nhà miền quê là ngôi nhà xưa mái ngói rêu phong, ba gian hai chái và hàng hiên rộng mái xà thấp che bớt nắng và ánh sáng, làm cho người ngồi trong dễ dàng nhìn ra ngoài sân ngõ nhưng người đứng ngoài khó nhìn rõ bên trong nhà. Mỗi ngày, sáng sớm mẹ thức dậy, bước ra thềm vừa chải mái tóc dài vừa nhìn bao quát sân vườn còn mờ mịt hơi sương. Bao nhiêu buổi sáng mẹ đã đứng đây từ ngày về làm dâu, từ khi mái tóc đen dày dài phủ gót chân đến ngày bạc trắng mỏng như những sợi tơ… Cứ nghe tiếng kẹt cửa và bước chân mẹ nhẹ nhàng là con chó chạy lại vẫy đuôi mừng rỡ, con mèo lượn sát cọ mình mềm ấm vào chân mẹ, đàn gà vịt trong chuồng phía sau nhà cũng lục tục gọi nhau… Chỉ lát sau bếp đã đỏ lửa, ấm nước reo nho nhỏ, đàn gà tíu tít nhặt thóc ngoài sân, đàn vịt lẹp xẹp kéo nhau ra ao. Khi bước chân nhanh nhẹn của cha cùng với tiếng mở cổng lạch cạch vang lên thì cũng là lúc trời sáng rõ… Một ngày mới bắt đầu.

Từ sân vào nhà bước lên hai bậc thềm, những buổi chiều mát mẻ mẹ thường ngồi chải tóc cho con gái và nói chuyện với cha ngồi uống nước trong nhà. Có khi chị ngồi may vá và lắng nghe tiếng trò chuyện của cha với “anh hàng xóm qua thăm hai bác”, thỉnh thoảng chị vào nhà pha ấm trà mới, liếc nhanh “hàng xóm” rồi lại ra ngồi bậc thềm thì thầm gì đó với mẹ. Ít lâu sau chị lấy chồng. Ngày đưa dâu mẹ dừng chân ở bậc thềm, nhìn theo con gái đến khi đoàn người đón dâu khuất dần trên đường làng, mẹ ngồi xuống bậc thềm, im lặng… Hồi còn nhỏ có lần chị mải chơi, đến trưa vẫn chưa nấu cơm, nghe tiếng mẹ đi làm về chị quýnh quáng chạy vào nhà xúc gạo đi vo, vấp bậc thềm cao rá gạo đổ vung vãi. Mẹ xoa dầu vào cục u sưng to trên trán chị xót xa không nỡ mắng… Giờ chị đi rồi, mẹ lại xót xa không biết ngôi nhà mới mà con gái sẽ về ở đó bậc thềm có cao không?

***

Cuộc đời trải dài theo những chuyến đi. Ở những nơi tôi qua có con đường chạy qua làng quê. Hai bên đường những ngôi nhà xinh xắn nằm giữa khu vườn nhỏ trồng hoa, vài luống rau, cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường mềm mại chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa. Có khi là con đường nhỏ chạy giữa rừng thưa, một bên là lối đi nhỏ lát gạch sạch sẽ dành cho xe đạp, bên kia lề đường rộng rãi và những ngôi nhà nhỏ. Qua cửa sổ sơn màu sáng buông rèm trắng có thể nhìn thấy gian phòng ấm cúng ngọn đèn vàng. Phía trước là bậc tam cấp bằng gỗ có tay vịn thanh mảnh, vài chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc đặt sát cửa ra vào… Có khi là con đường chạy qua thành phố với đèn giao thông và những vạch sơn trắng. Nhà trên đường phố lùi sau vỉa hè và thảm cỏ xanh, có hàng rào thấp và bậc thềm bằng gạch trông quen thuộc với cả người tình cờ đi qua…

Những ngôi nhà như thế cứ lùi lại phía sau xe hơi, phía sau đoàn tàu, thậm chí có lần khi máy bay đã cất cánh mà tôi còn như nhìn thấy rõ ràng bậc thềm nhà ai bên cạnh bụi lavender tim tím thoảng hương thơm lướt qua dưới kia, nơi tôi vừa từ biệt ra đi… Những bậc thềm nơi đâu cũng bình yên giống như ngôi nhà xưa của cha mẹ, bình yên đến mức có thể ngồi đợi một ai đó ở bậc thềm xinh xắn này cho đến hết đời… dù có thể là đợi chờ trong vô vọng…

***

Thềm nhà là “ranh giới” sân, vườn và ngôi nhà, nhưng không ngăn cách lạnh lùng như hàng rào “kín cổng cao tường” mà luôn thân thiện mời gọi người đến, lưu luyến người đi. Nó tạo nên sự gắn kết của mỗi ngôi nhà với cảnh quan xung quanh. Người ta có thể không ngồi xuống nền nhà nhưng hoàn toàn có thể ngồi ngay ở bậc thềm, ngồi ở đây thấy mình hòa hợp như một phần của ngôi nhà, của sân vườn, thậm chí là một phần của con đường chạy qua ngoài kia… Khách đến chơi có thể ngồi ở bậc thềm chỉ là khách thân quen “như người nhà”.

Ở làng xưa những nhà cũ đã không còn. Cha mẹ khuất núi, con cái ra thành phố, làng xóm đô thị hóa nhanh chóng, ngõ hẻm thành đường bê tông mở rộng, giá đất lên cao ngất, nhà nhà rầm rộ phân lô bán nền xây nhà cao tầng. Chẳng còn nhà nào có cái mái hiên rộng mát mẻ và bậc thềm lát gạch tàu như xưa.

Bây giờ ở thành phố trong căn hộ chung cư cao tầng làm gì có bậc thềm nhà thân thuộc. Con người lọt thỏm vào không gian toàn những hình hộp đôi khi tạo cảm giác bất an. Cầu thang cao hun hút, bước vào thang máy như chui vào cái lồng, chỉ khi nào bước ra mới yên tâm là mình không bị lơ lửng giữa “đường”. Những căn hộ giống hệt nhau từ cấu trúc các phòng đến trang trí nội thất “sang trọng và tiện dụng”. Hình như con người sống trong những căn hộ đó cũng giống nhau, theo kiểu “mỗi gia đình chỉ có hai con vợ chồng hạnh phúc”. Bước ra khỏi cửa là hành lang dài thông thống gió, bước vào nhà cửa khép lại ngay sau lưng, tầm mắt chỉ chạm bức tường sơn bóng láng hay màu mè giấy dán tường hay ô cửa kính lớn che rèm, không gian giới hạn bởi sự bằng phẳng và đơn điệu, có phần lạnh lùng.

Đô thị mở rộng, ngoại ô là những “làng” villa nhà vườn cao cấp. Cũng có hàng hiên và bậc thềm lát đá trơn láng mát lạnh nhưng chỉ là nơi chủ và khách dừng chân chào hỏi, bỏ lại giày dép rồi bước vào phòng khách máy lạnh ghế nệm êm ái.  Chẳng ai còn thói quen ngồi bệt xuống bậc thềm mà trò chuyện thân mật như xưa…

Có những lúc bỗng nhớ quay nhớ quắt bậc thềm nhà xưa hay của ngôi nhà nào đó tình cờ lưu lại trong ký ức, lại thèm được ngồi đó duỗi dài đôi chân phiêu lãng, nghe tiếng chim sâu lách chách dưới mái hiên, để những ý nghĩ không đầu không cuối lang thang đâu đó và chờ đợi tiếng cửa mở… Tôi vẫn tin rằng, một ngôi nhà có những bậc thềm giản dị bình yên thì ở đó luôn có những trái tim ấm áp chờ đợi một trái tim mệt mỏi quay về… 

 

Sài Gòn 2017 - 2018

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 11-2-18