NHỮNG BIỆT PHỦ VÀ CON ĐƯỜNG “TỪNG GIỜ MÁY XÚC”

Nguyễn Thị Hậu

Những năm gần đây tôi có dịp đi đến nhiều tỉnh miền núi phía bắc: Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… Tại đây, cũng như nhiều tỉnh thành khác, thành phố “thủ phủ” được xây dựng “hiện đại hóa” nhanh đến mức có thể không nhận ra diện mạo “vùng cao” nếu không có những dãy núi bao quanh.

Do quỹ đất dồi dào nên trong thành phố nào cũng có công viên trung tâm hay quảng trường mênh mông, tượng đài nghìn tỷ… Trụ sở cơ quan công quyền rất hoành tráng với kiểu dáng như Tây, cơ sở hạ tầng gồm những con đường rộng 8 làn xe có dải phân cách trồng hoa, cây xanh, vỉa hè rộng rãi có nơi được lát đá granit bóng loáng, nhà mặt tiền xây dựng kiểu cách, cửa hàng cửa hiệu phong phú đa dạng không thua gì Hà Nội. Những khu “dân cư mới” mọc lên, nhà liên kế, biệt thự nhà vườn san sát mà phần lớn là của quan chức và công chức.

Đây thật là điều đáng mừng cho “vùng sâu vùng xa” nếu như không có một quang cảnh khác hẳn, thậm chí đối lập khi chỉ cần ra khỏi thành phố chừng vài mươi cây số là có thể nhìn thấy. Đó là những xã, bản mà từ hạ tầng “điện đường trường trạm” đến đời sống dân cư nói chung như vẫn còn ở thập niên 60,70 của thế kỷ trước.

Hôm đầu tháng bảy chúng tôi đến một xã thuộc một tỉnh vùng trung du phía Bắc.  Chính xác hơn nơi tôi đến là một xóm nhỏ có chừng hơn 20 nóc nhà và một điểm trường cấp Một. Xóm ở tách biệt với phần còn lại của xã bởi một cái hồ lớn, nước sâu hút chưa kể mùa lũ về thì mênh mông. Xóm nằm sát chân núi, từ bến đò chỉ có đường mòn ngoằn nghèo đường dốc xuyên qua xóm nhưng không nối liền với nơi khác trong xã. Chỉ có cách đi thuyền máy qua hồ mất khoảng hơn một tiếng nếu trời yên sóng lặng, còn vào mùa mưa bão thì không ai dám mạo hiểm.

Các bạn tôi đã cùng nhau đóng góp tiền của để thuê máy xúc làm đường cùng với công sức của dân trong xóm. Sau gần ba năm có lúc tưởng chừng phải dừng lại vì chạy tiền không kịp, vì một vài thủ tục nhiêu khê…  đến nay con đường đã hoàn thành: dài hơn 20km rộng khoảng 5m có nhiều đoạn phải làm cống, vắt vẻo sát chân núi trèo qua những đỉnh núi rồi nối với đoạn đường có sẵn bắt đầu từ trung tâm xã. Không chỉ vậy ngày mừng đường mới khách về chơi còn tặng cho điểm trường ở nơi hẻo lánh này một số dụng cụ sinh hoạt văn hóa, thể thao theo đề nghị của cô hiệu trưởng.

Xóm đã có điện nay có thêm đường, không thể nói hết niềm vui của người dân trong xóm và các cô giáo ở đây. Từ nay sinh hoạt của người dân, việc đi dạy đi học thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là vào mùa thu hoạch trái cây thì xe ô tô có thể vào tận xóm mua hàng, giá cả phù hợp hơn vì không mất nhiều thời gian và công sức thuê thuyền chở ra tận chợ. Tôi hỏi anh lái thuyền máy của xã:

-        Chắc ngày nào anh cũng phải ra vào xóm này nhỉ?

-         Không cô ạ, năm chỉ đôi ba lần, chủ yếu chở các sếp và khách khứa đi chơi hồ thôi.

-        Sao vậy, thế cán bộ không thường vào xóm à?

-        Họ chả vào làm gì…

Ừ, có lẽ vậy nên mong mỏi bao năm của dân về một con đường chẳng ai “thấu cảm”. Khi về chúng tôi đi qua Trụ sở Ủy ban xã, một tòa nhà 3 tầng khá mới, khang trang, phía trước là con đường đổ bê tông rộng rãi nhưng ít người qua lại. Ra khỏi xã đã là đường cao tốc, cầu vượt, và thành phố của tỉnh hiện đại như nhiều nơi khác…

Hiện nay có rất nhiều nhóm thiện nguyện đi đến những xã, bản khó khăn và giúp đỡ người dân bằng mọi cách tùy thuộc vào khó khăn từng nơi và nguồn đóng góp. Nhưng hầu như ở đâu cũng bắt đầu từ việc chăm lo cho các điểm trường và học sinh như xây trường học và nhà nội trú, tặng học bổng hay chi phí cho những bữa ăn cho học sinh, hay như nhóm bạn tôi làm một con đường… Lòng nhiều và của cũng không hề ít nhưng không ai tính đếm vì mọi người đều coi là việc cần làm “vì các con”.

Tôi tự hỏi, các quan chức – chủ nhân của “biệt phủ” lộng lẫy hoành tráng giữa rừng núi có bao giờ biết rằng đã những có mái trường, con đường, ngôi nhà ở ngay địa phương của các vị đang quản lý được xây nên từ những giọt mồ hôi, từ đồng tiền đóng góp có khi chỉ đủ cho “một giờ máy xúc” của những người mà thu nhập cả đời của họ cũng không thể xây được một góc nhỏ ngôi biệt phủ, nhưng họ vẫn dốc sức sẻ chia vì tình thương yêu và cả vì trách nhiệm với đồng bào của mình.

“Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi thống khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”. Tôi ước gì câu nói này được khắc trên cánh cửa tất cả những ngôi biệt phủ của các quan chức nói láo không biết ngượng miệng khi “giải trình” về nguồn gốc những đồng tiền dơ bẩn và đen tối xây dựng nên biệt phủ.

Sài Gòn 12.7.2017

 

Bản gốc của tác giả