35 Năm  "Hỏi Chuyện" Người Sài Gòn -Tp Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Ngọc Hải

 

Là nhà báo ở Hà Nội thời chiến tranh và bao cấp, cuộc đời xô đẩy tôi thành “dân Sài Gòn“ đúng vào những năm 80 đất nước ngưng trệ, đói nghèo bức bách tìm đường Đổi mới.

Không ngờ 35 năm ấy chính là thời làm việc cật lực, sống ý nghĩa nhất của tôi đi cùng thời hoàng kim của báo chí Đổi mới Sài Gòn Tp HCM.  Dù tôi không ở biên chế một báo nào, thật sự đã là một “nhà báo tự do“ kiểu chỉ có Sài Gòn tạo ra.

Một nhà báo thì phỏng vấn bao nhiêu người? Không ai đếm được. Những bài phỏng vấn của tôi - một phần in thành sách - nhìn lại thấy cuộc hành trình “đi hỏi chuyện“ đã phần nào trả lời được câu ngày ấy tôi hỏi nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Đình Đầu:

”Người Sài Gòn là ai“?

và hiểu được sức mạnh nào đã làm nên một thành phố “đầu tầu“ của cả nước.

1. NHỮNG CÂU HỎI THÔI THÚC

Tôi có cảm tưởng ngày xưa báo chí viết phỏng vấn nhiều hơn bây giờ. Các  nhân vật nổi tiếng thành quen thuộc với công chúng vì các báo săn tìm và xuất hiện dày đặc.

Chỉ tính riêng cá nhân tôi, gặp và phỏng vấn tại Sài Gòn - ngoài các nhân vật  tình báo hàng đầu như Mai Chí Thọ, Trần Quốc Hương, Hoàng Đạo, Phạm Xuân Ẩn… đã viết thành sách - tôi được phỏng vấn các văn nghệ sỹ như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Phan Vũ, Trịnh Công Sơn, GS Trần Văn Khê, Phạm Duy ngày đầu về nước… Các thầy thuốc nổi tiếng Nguyễn Chấn Hùng, Đỗ Hồng Ngọc, Võ Văn Châu… Các vị linh mục như Trương Bá Cần, Đức cha Bùi Tuần,  hòa thượng Thích Thanh Từ, các thiền sư Ấn Độ… Doanh nhân lớn Mai Kiều Liên “bà vua sữa Vinamilk“, ông Minh Long “vua gốm sứ“, Đặng Lê Nguyên Vũ “vua cà phê “, bà Nguyễn Thị Điền “May An Phước”, vua phong cách Pierre Cardin, bà “vua trứng Ba Huân…”

Cũng ở Sài Gòn, tôi “hỏi chuyện“ GS Larry  Berman nhiều lần sang trao đổi  công việc khi ông viết “Điệp Viên Hoàn Hảo” và ông bảo “tìm ở Việt Nam cả đời để trả lời”. Gặp nhiều “Tây“ doanh nhân đến trụ làm ăn, các nhà báo quốc tế đến đưa tin.   được làm việc cùng giới báo chí Sài Gòn nhiều tài năng một thời ghi dấu ấn như các Tổng biên tập Kim Hạnh, Thế Thanh, Võ Như lanh, Tô Hòa, Hằng Nga, Trần Ngọc Châu, Dương Trọng Dật, Nguyễn Công Khế… chứng kiến họ hợp sức làm nhiệm vụ và tranh cãi nảy lửa cùng lãnh đạo khi phân tích  và hiến kế các vấn đề của Thành phố.


Tác giả và Nguyễn Quang Sáng

Đấy là chưa kể hết được những người dân thường đang âm thầm lao động nhiều lĩnh vực có chuyện đời hay. Họ vẫn chăm chỉ làm ăn, để trước cửa nhà những thùng nước uống, tủ bánh mì miễn phí cho ai cần thì lấy.

Tất cả chính là những người góp phần tạo nên phong cách Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.

Đây là những câu hỏi  ngày xưa “thao thức đi tìm“ của tôi bên trong các cuộc trò chuyện:

- Ai là người Sài Gòn?

- Tại sao có sự tồn tại trái ngược trong tính cách người Sài Gòn: Giàu có, giỏi giao thương buôn bán, mà lại thật thà tình cảm, trọng chữ Tình?

- Người vùng đất mới, cởi mở dung nạp nhập cư dễ hòa đồng nhưng lại có rất nhiều “Hội đồng hương“ ?

- Ở đô thị lớn có vẻ như không ai biết ai, sao Sài Gòn lại giữ và tin vào chữ “Tín“?

- Nhiều thành phố lớn bị người quê ra sống đã làm cho nó bị “nông thôn hóa”, sao Sài Gòn cũng dân nhập cư mà không bị vậy? Tứ xứ muốn đến đây sống  được phải tốt đẹp giống Sài Gòn...

- Sài Gòn giữ được truyền thống nào tốt? Bị xấu đi cái gì và phải sửa để đi lên?

- Vùng đất của “dễ chấp nhận”, có “học đòi ăn chơi“ như Tây không?

- Vì sao có nhận xét “người dễ thương trong cái nông cạn“ ít rắc rối, mà lịch sử tranh đấu cực kỳ anh dũng?

- Phong cách riêng trong làm việc và cách sống của họ là gì?

Và còn rất nhiều câu hỏi cụ thể cho mỗi nhân vật mà tôi đặt ra  khác biệt trong câu chuyện  riêng của  họ.  Không thể nhớ hết.

2. MUÔN  KIỂU “LÀM ĂN“

 “Cuộc chơi thành”:

Ai cũng biết doanh nhân thành công đâu có dễ, còn có con số kinh hãi của thế giới “80% khởi nghiệp start-up chết trong những năm đầu”, vậy mà lạ sao ông chủ Gốm sứ Minh Long, có sản phẩm ra được thế giới, bữa ấy lại bảo với tôi: Kinh doanh với ông là một... cuộc chơi thành công?

“Tôi chỉ là một gã rong chơi đam mê và đỏ vận.”  Ông nói thế khi dẫn tôi vào xưởng gốm ở Bình Dương cách nay đã gần chục năm, chứ không tiếp “hỏi, đáp“ trên đống giấy tờ tại văn phòng sang trọng ở Sài Gòn.

Ông len lỏi xem xét các máy móc hiện đại, “bỏ mặc“ nhà báo phải rảo bước theo. Trên tường nhiều khẩu hiệu nhưng không có cái nào “quyết tâm“ “phấn đấu“ gì cả, mà  kiểu thế này: ”Dễ tìm. Dễ thấy. Dễ lấy” - nhắc giúp người thợ làm việc.

Dù thành công rồi, nhưng “gốm sứ luôn có may rủi, dù là máy hiện đại nhưng  vẫn hồi hộp khi ra lò“. Ông tìm tòi đột phá vẽ màu được ở nhiệt độ cao. Ngày còn nhỏ ông đã giam mình 3 năm trong… kho đất để phát minh, thí nghiệm.

Bây giờ các con ông - thế hệ trẻ Tây học về - đã điều hành doanh nghiệp lớn và có bao tiến bộ đổi thay, nhưng tôi vẫn nhớ ngày xưa đó, ông giải thích “cuộc chơi thành”:

“Chơi có áp lực mới đam mê. Chứ phải làm việc thì chán ngấy… Làm mà không được thì giống đi săn có con chim hay quá để sổng mất“. Làm cật lực sáng- chiều mà ông gọi là “rong chơi“ và không nói trước. “Phải như  nghệ sỹ biểu  diễn hồi hộp gây ngạc nhiên từng màn, như…Trương nghệ Mưu”.

Doanh nhân Sài Gòn không chỉ vất vả lo lắng mà còn lao động mê sáng tạo như một nghệ sỹ.

 “Được yêu và nhớ”:

Có người nói: Ở Việt Nam, nơi tấp nập nhất là… bệnh viện.

Tôi phỏng vấn bác sỹ Võ Văn Châu ngay nơi làm việc. Ông là người đầu tiên thành lập xây dựng ngành vi phẫu thuật cho chấn thương chỉnh hình.

Tôi say mê nghe chuyện ông sáng chế ra sợi chỉ  - có người nói đó là “chìa khóa mở ngành” - cho khâu nối những thứ li ti đứt lìa trên cơ thể người. Rồi tôi thất kinh hỏi có phải thần kinh mạch máu nó… chằng chịt như mạng dây điện từng búi ngoài cột điện không.  Làm sao ông tuổi cao rồi còn chạy khắp nơi ra Vũng Tàu,  Đà Lạt… đứng mổ suốt ngày? Bệnh nghề nghiệp - ông nói tất nhiên là trĩ  và dạ dày vì đứng lâu và thất thường - mổ thông cả trưa bỏ ăn.

Vất vả thế, nhưng niềm vui của ông chỉ là “được người đời yêu và nhớ“.

Ông mất đã lâu- nhưng  vẫn được “yêu và nhớ “.

Một người  Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn:

Sài Gòn độc đáo nổi tiếng Quận 5 có Chợ lớn, các thương nhân  và lịch sử tham gia kháng chiến của  đồng bào gốc Hoa. Tôi  đã viết về một người trong số đó, ông Ba Toàn (Lâm Tư Quang)

Ông có lý lịch tiêu biểu: Là cán bộ Hoa vận trong kháng chiến và sau chiến tranh là thế hệ giám đốc đầu tiên của Công ty thực phẩm Cầu Tre nổi tiếng.

Ông đã từng được các vị lãnh đạo như Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, bàn bạc lắng nghe cách gỡ bí cho làm ăn kinh tế thời bao cấp. Là một trong số vị giám đốc làm mẫu thực tế cho “công cuộc xé rào“ của Sài Gòn sau được áp dụng cho cả nước những năm 80.

Ông cũng tham gia thực hiện nhiệm vụ móc nối giao thương với “mối cũ” ở các nước tư bản để gỡ bí cho sản xuất, nhập nguyên liệu về cho ngành dệt và trao đổi được nông sản… Thời đó Sài Gòn làm thế là việc “động trời“ vì thời bao vây cấm vận, chỉ giao thương với phe XHCN. Những khách hàng bên ngoài vui mừng vì “Sài Gòn mới đã mở cửa nhanh hơn họ dự kiến”.

Hôm nay gặp lại, ông vẫn có thể kể cuộc “thanh tra“ ấy - cuộc thanh tra của Trung Ương đầy lo lắng nín thở “cả ông Mười Cúc, Năm Xuân và Thành ủy theo dõi sát sao”. Và sau “Hội nghị Đà Lạt –Trung Ương lắng nghe“- nơi ghi dấu góp vào sự chuyển đổi sang quá trình Đổi Mới kinh tế ấy, TBT Lê Duẩn, Trường Chinh dự và nói vui: “Thế mà nghe đồn Ba Toàn là một tay tư sản.”

Bài tôi viết về ông đã được Quận 5 trao giải nhất. Cách họ tổ chức cuộc thi thật ấn tượng với các nhà văn. Làm sự kiện event theo kỹ năng hiện đại nhưng nhiệt tình trân trọng thì lại “rất xưa cổ truyền” gây ngạc nhiên về một quận buôn bán giỏi giang và  giữ được nhiều truyền thống văn hóa cổ.

 

3.  ĐỜI CÁN BỘ - GHI DẤU CON ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC ĐÃ ĐI:

Cán bộ lãnh đạo của Sài Gòn rất nhiều người “xuất thân Thành Đoàn”, từ  nhiều lĩnh vực mang dấu ấn tham gia chiến đấu, phong trào, tù đầy, hoạt động rộng khắp miền Nam và cả nước.


Tác giả và gia đình Phạm Xuân Ẩn

Có câu ”Nhất trụ (hoạt động nội thành), Nhì tù, Tam khu (R về), Tứ kết (tập kết).”

Thế cho nên bây giờ có số dính vào các cuộc “đốt lò “ -  là nỗi đau thương tiếc nuối sâu thẳm của nhân dân  và Đảng bộ Thành phố.

“Dân Thành đoàn“ nên dàn lãnh đạo phong cách năng động trẻ trung, nơi đất lành đã “cung cấp” cho đất nước nhiều lãnh đạo tên tuổi.

Riêng tôi đã gặp và có mấy dịp may.

Được tham gia giảng ở đại học, tôi đã mời được khá nhiều nhân vật nổi tiếng  vào với sinh viên. Từ nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, họa sỹ Chóe, nghệ sỹ Thành Lộc, Thanh Thanh Tâm… cho đến các nhà báo lớn Kim Hạnh, Huy Đức, Ái Mỹ, Trường Sơn… và rất nhiều doanh nhân.

Một lần tôi “chơi sang“ mời hẳn Chủ tịch Thành phố Sáu Tường - Nguyễn Vĩnh Nghiệp vào khoa Báo chí- ĐH KHXH-NV cho  sinh viên thực hành môn phỏng vấn. Lý lẽ là: ”Con em lao động, nhiều em từ miền Tây lên, cả đời không được tiếp xúc với cán bộ cao cấp. Đây là một dịp lãnh đạo nghe người trẻ “.

Thế là ông nhận liền, kéo theo cả nghệ sỹ Kim Cương nữa. Chúng tôi mừng quá, “lãi “ gấp đôi.

“Bà Hội đồng“- Chủ tịch HĐND, Phó bí thư Thành ủy Phạm Phương Thảo còn sẵn sàng đi “ngồi café, quán cóc“ với chúng tôi trao đổi công việc. Người dân thấy bà… đạp xe đạp đi khắp nơi công tác, họp hành. Cái năm có đám cháy lớn  chết người ở Trung tâm Thương mại, báo chí quốc tế đưa tin - người dân thấy bà Thảo chạy đến, quăng xe ở đầu hẻm xông vào phía trong - người ta  giữ xe giùm và bảo “máu Thành Đoàn ”

Xa xưa nữa tôi phỏng vấn đại tướng Mai Chí Thọ- ông kể những năm bao vây cấm vận cam go,  là Chủ tịch Thành phố bị báo chí quốc tế “truy vấn“ từ  chuyện gay go kinh tế, sai lầm trong cải tạo tư bản, tình trạng người vượt biên …

Nhớ lần tôi nằm viện, bất ngờ xôn xao vì… ông Năm Xuân Mai Chí Thọ – Chủ tịch TP vào thăm, cho quà thuốc bổ.  Mọi người cười ồ nghe ông bảo: “Quà này là bà con… bố thí cho chú, nay chú bố thí lại cho cháu”.


Tác giả và Hoàng Đạo

4. TÂY CŨNG MÊ MỆT

Tây yêu VN thì không phải chuyện mới. Ở Sài Gòn có đầy.

Bị kẹt Covid không về được, bà Tây bán bánh, dân mua ủng hộ tới tới. Ông Tây  hết sạch tiền trưng bảng…  ăn xin giữa phố, người dân cho nhiều đến nỗi ông  phải kêu ngưng… đừng cho nữa vì thừa rồi. Ông sẽ đem cho bớt người nghèo. Chuyện nghĩa tình thì nhiều lắm.

Tôi phỏng vấn doanh nhân Ý Mauro Carisola vì sao “lên bờ xuống ruộng“, cả xưởng thủy sản bị lở đất nhào xuống sông hết cả triệu đô ở Cà Mau, mà không chịu bỏ về nước. Tôi đùa “cấm ông không được nói công thức Tây hay trả lời yêu Việt nam vì “cảnh đẹp người thân thiện thức ăn ngon“.  Tôi truy “thế nào cũng phải có gì không hài lòng chứ. Tại sao ông nói sẽ ở đây suốt đời? Ông có biết nhiều người đang ước ‘đổi cho ông’ để sang Ý”?

Ông kể, nay kinh doanh làm bánh pizza Ý... và khuyên tôi thân tình: “Đất nước các bạn có thể tốt hơn nữa. Hãy dựa nội lực chứ đừng quá trông đợi bên ngoài… Thói xấu người Việt ư? Họ ít có kế hoạch cụ thể trong kinh doanh, hay tỏ ra… biết tuốt.  Cho xem một cái bàn tốt chẳng hạn họ sẽ nói biết rồi, bàn của họ còn tốt hơn… Ông khen “đàn bà Việt Nam tốt quá. Nếu không có họ thì các bạn…tiêu rồi”.


Tác giả và Lady Borton

***

BẠN TÔI VẪN ĐANG HỎI …

Kể từ khi tôi hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, nay ông đã ở tuổi ngoài 100, thì câu chuyện vẫn chưa hết.

Sài Gòn sẽ phát triển những đô thị thông minh.  Có đề án thành trung tâm tài chính quốc tế. Khát vọng của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long được nhiều người mê: “Biến TP HCM thành trung tâm y tế hàng  đầu khu vực”… Cùng cả nước phấn đấu xây dựng “quốc gia số”.

Các nhân vật mới xuất hiện hàng ngày.

Khi đại dịch, chàng bảo vệ chung cư vẫy lại thì thào “Cô ơi - tuổi bệnh nền - đi nhiều thế? Cô có biết ngay lốc nhà mình có mấy ông Tây đi “bar Bút Đa” giờ đang nằm chờ kết quả?”.

Thì có các đồng nghiệp nhà báo trẻ giỏi đang tiếp tục. Họ “săn” được các nhân vật của ngành y và bao lực lượng đang chiến đấu với đại dịch Covid, hỏi được bệnh nhân 91 người Anh, hỏi chàng tuổi trẻ phát minh “Cây gạo ATM“, hỏi nhiều doanh nhân đang nỗ lực vượt khó và nhiều người  có chuyện hay..

Bức chân dung sức mạnh Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đóng góp vào sự phát triển đất nước luôn được viết tiếp, ngày càng  đẹp hơn. Đó là “lời giải“chắc chắn cho  những câu hỏi  dài mãi không thôi…

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-12-21