Món quà không đợi

Tản văn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Cả thời gian, khi đi qua căn buồng mười một mét vuông này, cũng bịnh. Nó trì trệ đến có cảm giác không dịch chuyển. Ngày rất dài như đang đông cứng.

Buồng bịnh của những người già đêm ngắn đến thoảng qua. Hết bà già này sành soạn tư trang tới ông già kia lê dép. Hai giờ sáng, những rì rầm đã khơi một ngày dài quá dài lên. Cùng chịu cảnh bị xác thân phản bội, thần chết rượt đuổi, nên người trong buồng dễ chia sẻ đời nhau. Gốc gác giạt trôi thuở nào, bồ bịch thời trẻ ra sao, có bao nhiêu sẹo vết trong người, mấy phen trốn nợ, hay giấu tiền ở đâu. Mã số két sắt ở nhà phức tạp quá, phải dễ nhớ là vui miệng nói luôn.

Bà già chuyển từ phòng cấp cứu sang buổi tối, sáng ra gia cảnh bà người cùng phòng thuộc làu. Khoe có tới mười một đứa con, thằng dở nhất làm bà lo rầu nhất làm công nhân xưởng may xuất khẩu. Nó ham chơi không chịu học, chớ anh chị nó không tiến sĩ thì cũng chuyên gia. Giữa hai lần trái tim lên cơn, bà già kể mãi tên từng đứa cháu chắt trong nhà, như một cách bà chống lại chứng mất trí nhớ bắt đầu giăng sương mù lên não.

Hôm qua bà đi siêu âm tim, lúc về lạc sang khoa khác tận tòa nhà bên kia, báo hại chị nuôi mướn chạy tìm vắt giò lên cổ. “Nuôi mấy cas lẫn này ngủ trưa cũng không yên”, chị càu nhàu khi kê ghế bố sát cửa ra vào, nói “bả mà đi lạc phải bước qua xác tui”. Chị này nuôi bịnh chuyên nghiệp, đến mức gần tới giờ thăm là chị bắc ghế rề lại xoa bóp, giặt khăn lau mặt mũi cho thân chủ mình, bảo đảm người nhà ngó thấy sẽ nghĩ món tiền công được dùng xứng đáng.

Giờ thăm bịnh, chẳng riêng chị nuôi mướn lột vỏ, mấy bà già cũng bừng tỉnh theo tiếng giày dép qua dãy hành lang, tiếng khua của cà mên cơm, tiếng nói cười thăm hỏi. Cửa buồng mở toang, bà già nằm ngó ra cửa, trông ai đó trong đám con đàn cháu đống của mình sẽ ghé qua thăm, để hớn hở khoe với bạn giường bên, “đây con nhỏ này lên truyền hình hoài, tui kể rồi đó, con nhỏ mới bốn tuổi đã biết đọc báo làu làu đó”

Chị con gái đó chỉ tới một lần, thanh toán tiền cho người nuôi mướn. Tuần sau là một người khác, cũng ngồi gá bên mép giường bà chừng mươi phút đã ra về. Bạn cùng buồng sinh nghi bà đặt chuyện thôi, vì đếm tới lui chỉ vài ba người ghé lại. Nhưng gia cảnh bà, qua cái miệng đã tóp khô, sinh động như thật. Tính tình, dáng vóc của đám người kia ngày nào cũng được bà già tái hiện ra dưới ánh đèn bạc nhợt. Trong cái cách thao thao khoe lắm con nhiều cháu, có gì đó ráo riết, chừng như bà muốn nhét dúm ký ức kia vào lòng bạn cùng buồng, hờ nay mai lú lẫn đến vong thân, thì vẫn có ai đó nhớ tới những đứa trẻ giỏi giang của bà.

Nhưng nỗ lực ấy chừng như vô vọng. Chị nuôi bịnh mướn mãi cắm đầu vô coi hài kịch trên điện thoại, bà già nhỏ nhắn giường bên hỏi không khí “mấy giờ rồi ?” rồi lại hỏi “ai ăn cắp chai nước biển ?”, và ông già nằm băng ca thì không buồn góp chuyện cho vui.

Hồi ông mới nhập buồng, ai cũng nghĩ ông đây chắc được cưng chiều. Ai đời đi nằm viện mà gối ôm, gối nằm, mùng mền lủ khủ. Cộng thêm hai túi trống căng chật, không khép miệng được, thò chân cái ghế mủ ra ngoài. Đem theo bên mình còn là những tràng ho mà cứ năm ba phút chúng nảy cồng cộc ra khỏi vòm họng. Lúc đầu có một anh nhã nhặn giúp ông lau mặt xức dầu, nhưng nhìn mãi cũng không giống ông già chỗ nào ngoài cái chỗ là đàn ông. Ai đó khen con rễ thiệt là chu đáo. Nhưng anh chỉ là tình nguyện viên chùa Huệ Giác bên sông. Bữa trước nhà chùa mở cổng ra thì đã thấy ông già ngồi đó, ướt ngoi bởi mưa đêm, hơi nước của cơn áp thấp ngấm vào tận phổi ông, làm nên cơn sưng viêm cấp.

Ông già không nhớ gì hết, không nhớ tên gì con cháu ở đâu, sao nửa đêm mưa gió lại tới đó, làm cách nào ông di chuyển trong khi xe lăn vẫn xếp càng nằm tuốt gốc cây vỉa hè. “Tui mất trí nhớ”, ông nói, có vẻ không thật lòng. Bởi lúc bác sỹ thăm khám, ông kể vanh vách từng viêm phổi bao nhiêu đợt, tháng chín năm hai ngàn lẻ mấy phải uống thuốc lao theo phác đồ, thường phải ngủ ngồi vào những ngày gió Bấc. Ông nói một năm có tới mấy lần phổi mình như bị đổ xi măng. Nhưng ông không nhớ tên mình, kẻ đã chở mình tới cổng chùa rồi bỏ mặc thân xác già nua ấy chìm lún dưới cơn mưa. Hoặc là nhiều cơn, bởi không ai biết ông già ở đó từ nửa đêm hay gần sáng, mà cả người tím dại đi.

Số phận xếp kẻ (tự nhận) không nhớ gì hết chung buồng với kẻ nhớ đủ thứ trên đời, cả tấm tã của đứa con đầu lòng vá lại cho đứa thứ hai, cả trận đẻ trong hầm, và những cuống nhau chôn dưới cây khế nơi vườn cũ. Giữa người nhớ kẻ quên là một bà già lúc nào cũng hỏi, “mấy giờ rồi ?”, nhỏ cháu bà đắm mình trong cuốn truyện ngôn tình. Chị nuôi mướn miệng nhai tóp tép món gì đó, vừa gắt người bịnh uống nước chi cho cố rồi đòi đi tè, đã ngay lập tức đã cười ré lên với một trò hề trong điện thoại. Thời gian đi qua căn buồng cũng bịnh. Mớ lá trường xuân trên một chậu cây trang trí nơi gờ cửa sổ đã xanh hàng nhiều năm nay, và chắc chục năm nữa lá kia mới rụng. Cả khi lìa cành, vẫn xanh. Chúng là cây nhựa.

Trong căn buồng mà mọi thứ đều tê cứng, mỏi mệt, bà già nhiều con vẫn kể mãi đứa trẻ bà đã cõng qua mấy công đất cày tới trạm xá lúc nó bị rắn cắn, cặp sanh đôi ngồi hai đầu gánh bận tản cư. “Tui sắp lẫn tới nơi rồi, bác sỹ làm gì đi chớ, để vậy sao được”, bà luôn nói câu đó mỗi buổi thầy thuốc ghé thăm, như thể là muộn phiền duy nhất, không phải là trái tim bị lỗi nhịp đập bất thường, cũng không phải là hai khớp gối đau nhức kinh niên. Thấy rõ là bà không mặn mà gì với món quà ông trời ban : sự quên lãng.

 

Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư

Dùng bản Tư gởi
Lên trang này ngày 15-7-17