Đảo mùa đông Tản văn Nguyễn Ngọc Tư
Biển đãi cho khách lông ngông món vắng. Đến ngộp thở trong vắng. Ngó đâu cũng vắng tràn, bãi biển, bến tàu và những con đường thun thút giữa vách núi cao. Băng qua xóm, chó gà chắc ngại rét chẳng thấy bên đường lai vãng. Xe máy, xe đạp nằm ngoài vỉa hè cả đêm, không khoá. Quán xá mở cửa nhưng chẳng có vẻ đang đợi khách, mở chỉ để mở, vậy thôi. Hoàn toàn không thấy chị gái tóc vàng, anh trai xăm trổ nào sấn ra đường níu kéo. Những con sóng áp vào dát nước lên cát, tráng một lớp mỏng tang, rồi bỏ đi, cả sóng và cát đều lành lặn. Chỗ du lịch mà yên tĩnh đến khó tin, nhất là trên đất nước buổi chật chội này, hễ chỗ nào hơi đẹp là đám đông xúm vào nhớn nhác. Tự dưng nhớ những ngôi nhà đất Mũi từng thả phè cửa, xóm Chẹt của ngoại bạn họ buộc xuồng dưới bến qua đêm, nhớ làng mạc chừng chục năm trước chẳng cần rào dậu. Nước mình còn một chỗ chẳng cần dè chừng nhau, lẽ nào không một chút ngạc nhiên. - Có lấy trộm thì biết mang đi đâu. Muốn thoát khỏi đảo cũng phải qua bến tàu. Cô bé chủ quán nước cười. Nhìn bạn với ánh mắt tội không tội chưa, khi thấy đi chơi đảo nhằm quãng vắng, “phải chị tới khoảng cuối tháng này, có hội, người chen chân không lọt, vui lắm”. Quán chỉ vài cái ghế nhựa bạc màu, vài chai nước ngọt cũng cũ sờn không rõ hạn dùng, hỏi một hộp sữa tươi cô bé chạy te qua bên đường mua lại. Dọn hàng ra bến tàu ngồi co ro chơi vậy, chẳng mong buôn bán gì, không chỉ vì đảo mùa đông vắng khách, mà “bố chồng đang say, sợ lắm”. Suýt nữa là bạn đã hỏi cô bé học lớp mấy trường nào, đã sắp thi cuối kỳ chưa. Nhưng cô đã làm mẹ một bé trai hai mốt tháng tuổi. “Chồng em nghịch lắm, xăm trổ khắp người”, cô khoe. Kể rằng hai đứa mê nhau hồi gần cuối cấp hai, đến mười bảy tuổi cô đã về nhà chồng sống, dĩ nhiên thủ tục kết hôn vốn chẳng nghĩa lý gì cặp đôi trẻ nít. Sinh con xong, vợ lại ra bến tàu của đảo mở một hàng nước, như đã từng ở đó mưu sinh từ hồi bảy tuổi. Hỏi chồng đâu, cô trả lời rất nhanh, những từ ríu vào nhau, “đi biển. Chồng em theo ghe câu mực ngoài kia”. Tay cô vẽ một cầu vồng phía những chòm sao nhấp nháy. Như một hồng cầu mới vừa được chia tách, hơi yếu ớt nhưng vẫn là một gia đình, chắc không sao. Bạn nghĩ vậy, khi ngó cô bé chạy qua bên kia đường mua thuốc lá cho một anh chủ du thuyền vừa ghé bến. Cách chạy của đứa bé con, không sai đâu được. Một bà già ngang qua nghiêng ngó, hỏi con bé Na đâu bảo nó về mau, thằng bé con sốt cao, chắc đi trại thăm bố nó về, bị nhiễm lạnh rồi. Không mất nhiều thời gian để hiểu ra trại chẳng phải là tên một xoáy nước một vùng sóng nào quanh đảo, ấy là trại giam. Một án liên quan tới tàng trữ buôn bán chất gây nghiện. Phải bốn năm rưỡi nữa người cha “nghịch lắm” ấy mới được tự do cõng con đi ra bến thuyền coi mòng biển liệng buổi sớm mai. Hèn gì ông chủ khách sạn bạn ở, kêu mất thời gian vì đưa con tới trường luôn nán lại nửa tiếng, và sớm hơn nửa tiếng trước khi tụi nhỏ tan. Ông than dạo này trường ấy có nhiều đứa nghiện, lo lắm. Hèn chi lúc thuê phòng bạn hỏi đùa khách sạn có ma không, ông xua tay ôi trời còn nhiều thứ đáng sợ hơn ma nhiều. Vẻ bình yên trên mặt không có nghĩa là không có sóng ngầm. Dường như đảo chỉ co mình, chờ qua cơn rét mướt. Buổi chiều vào rừng quốc gia, tò mò theo dấu tiếng chim kỳ dị, bất ngờ lạc vào một đường mòn gặp nhóm người kiếm củi. Sau cái nhìn dè chừng, biết kẻ bắt gặp cảnh cưa cành dứt gốc của họ chỉ là du khách, một ông già bảo, giọng khó phân biệt được là trần tình hay bất chấp, bọn này chỉ chặt mấy cây con con về nấu nướng, họ thì mang đi cả những gốc cổ thụ chục người ôm, có sao đâu. Rừng chỉ còn cây ở quanh những đường chính lên núi, mấy ông lớn đi kiểm tra đâu có xoắn quần lội xa hơn. Tụi trộm vặt chỉ có mỗi con đường ra khỏi đảo, nhưng trộm có hệ thống thiếu chi mang khu rừng trăm năm tuổi qua biển. Bạn nghĩ vậy khi cùng chiếc tàu khách rời đi. Những cây gạo hết mùa bông cháy, chỉ còn vài đốm lửa trên cành. Gạo sót, đỏ bật lên giữa nền đá xám, như cố giữ mùa đông dài hơn một chút. Và rồi những cái bông cuối cùng cũng rụng.
Trở về trang chủ Nguyễn Ngọc Tư Dùng bản Tư gởi |