Calitoday
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 9,000 giáo sư, phó giáo sư và trên 24,300
tiến sỹ. Tuy nhiên, con số này không làm cho những nhà quản lý giáo dục
hài lòng, mà còn muốn số lượng phải tăng nhiều hơn nữa. Mới đây, Bộ Giáo
dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã lập ra dự thảo trình lên Chính phủ CSVN để xin
12 ngàn tỷ đồng nhằm đào tạo thêm 9,000 tiến sỹ.
Ngày 16/11/2017, bên lề hành lang Quốc hội, ông Bộ trưởng GD-ĐT Phùng
Xuân Nhạ cho biết rằng, việc xin 12 ngàn tỷ đồng để “sản xuất” ra 9,000
tiến sỹ là nhằm “nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đồi mới căn bản, toàn diện
GD-ĐT giai đoạn 2018-2025”. Số tiền này không phải dùng để rót về các cơ
sở, mà là chỉ dành cho những ai đáp ứng được tiêu chuẩn, như một dạng
học bổng mới được chính quyền ưu ái đào tạo.
Trong dự án để xin chi phí đào tạo thêm 9,000 tiến sỹ, Bộ GD-ĐT cho
rằng, hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ đang được làm việc
tại các cơ sở giáo dục còn thấp so với khu vực (?). Theo Bộ GD-ĐT thống
kê, năm 2016-2017, tổng số trường đại học ở trong nước là 235, số lượng
giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72,792 người, nhưng số
lượng giảng viên tiến sỹ chỉ có 16,514 người (chiếm 22,7%); trình độ
giảng viên thạc sỹ là 43,127 người (chiếm 59,2%). Đối với ông Phùng Xuân
Nhạ và Bộ GD-ĐT, với số lượng tiến sỹ như vậy không đáp ứng được cho sự
nghiệp giáo dục tại Việt Nam.
Có một điều đáng nực cười, trong thời gian 10, từ năm 1996 cho đến 2005,
các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 3,456 công trình nghiên cứu
khoa học. Con số này chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan;1/3 so với Malaysia;
1/14 so với Singapore. Từ năm 2006 đến 2010, các nhà khoa học Việt Nam
chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Hoa Kỳ, vị chi trung bình mỗi
năm có 1 bằng sáng chế.
Vào thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng GD-ĐT (2006-2010), ông đã
đưa ra đề án đào tạo 20 ngàn tiến sỹ và được chấp nhận. Từ thời đó cho
đến nay, rất nhiều tiến sỹ được “sản xuất” ra nhưng không biết sử dụng
vào mục đích gì. Có rất nhiều người trở thành tiến sỹ mà luận án khoa
học của họ nhìn vào rất ngây ngô, như: Hành vi nịnh trong tiếng Việt;
Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Nghệ thuật
chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015…Mới đây, trên mạng tung
ra luận án tiến sỹ của ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Thông tin-Truyền
thông) có nhan đề “Đổi mới công tác tư tưởng của đảng ở Tây Nguyên trong
giai đoạn hiện nay”. Điều đáng nói, luận án này chính là bản sao của
những bản phúc trình về tình hình Tây nguyên hiện nay. Với những luận án
tiến sỹ như trên chẳng biết phục vụ được điều gì cho xã hội.
Hiện nay, một thực trạng đáng buồn là hàng chục ngàn sinh viên ra trường
bị thất nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2017 có đến 20 ngàn cử nhân ra trường
không có việc làm. Trên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC cho hay, 80% các
tài xế chạy xe ôm Grab, Uber là sinh viên, cử nhân thất nghiệp. Đó là
những con số báo động thực trạng giáo dục ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, người dân không có nhiều lựa chọn phương thức giáo dục cho
mình. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng “tỵ nạn giáo dục” từ nhiều năm
qua. Nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa không đào tạo ra những con người phục
vụ xã hội, mà chỉ nhằm đào tạo ra những con người phục vụ cho chính
quyền, duy trì sự độc tài cai trị cho đảng CSVN. Tại các trường đại học,
cao đẳng và ngay cả ở các cấp thấp hơn, học sinh bị nhồi nhét những môn
học nặng về lý thuyết mà không được thực hành, nặng về giáo điều mà xa
rời thực tế. Những môn học vô bổ như: Chủ nghĩa Mác-Lenin, Tư tưởng Hồ
Chí Minh là những môn chiếm thời lượng nhiều nhất hiện nay. Trong khi
một kỹ sư không biết các môn học ấy áp dụng vào điều gì cho công việc
của họ.
Việc Bộ GD-ĐT muốn đào tạo 9,000 tiến sỹ và trước đây là 20 ngàn tiến sỹ
có thể đến từ tâm lý mặc cảm của quan chức CSVN. Họ vốn là những người
đi lên từ tầng lớp bần cố nông, ít học và dốt nát. Sau một thời gian cầm
quyền đã phá nát nền kinh tế, bán hết tài nguyên khoáng sản và đưa đất
nước đến hồi lụy tàn, phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Cộng. Giới lãnh đạo
bị người dân chửi bới là bọn dốt nát đeo đuổi chính sách “Hồng hơn
chuyên”, nghĩa là lý lịch đỏ hơn cả tri thức. Chính từ sự mặc cảm thất
học, chính quyền mới quyết tâm thay đổi, không để cho dân chúng xem họ
như những kẻ vô học nên mới chấp thuận đề án đào tạo 20 ngàn tiến sỹ của
Bộ GD-ĐT. Cho nên hiện nay, những ai muốn len sâu, trèo cao, thăng tiến
trong công việc phải cố làm sao để có bằng tiến sỹ, ít nhất là thạc sỹ.
Từ đó sản sinh ra vấn nạn mua bằng lan tràn. Chỉ cần bỏ ra hơn 1,000 Mỹ
kim sẽ có ngay một bằng tiến sỹ. Và như chúng ta thấy, lãnh đạo hiện nay
của Việt Nam ai cũng có học hàm tiến sỹ, ngay cả như với ông Nguyễn Phú
Trọng-thủ lãnh giai cấp bần cố nông cũng có bằng Giáo sư, Tiến sỹ ngành
Xây dựng đảng.
Quan chức, lãnh đạo mà không được học hành, đào tạo đàng hoàng đúng là
bi kịch cho quốc gia, nhưng bất hạnh hơn khi chỉ vì xóa đi những mặc cảm
thất học để rồi phải có cho bằng được những bằng cấp bổ túc, kinh phí từ
ngân sách nhưng thực lực lại chẳng có.
Với đề án “sản xuất” thêm 9,000 tiến sỹ, Bộ GD-ĐT Việt Nam, mà người
đứng đầu là ông Phùng Xuân Nhạ đang muốn tiến tới phổ cập tiến sỹ cho
quan chức trên toàn cõi Việt Nam.
Nguoi Quan Sat |