Người Việt
12-5-18

‘Ma đờ đê,’ cái gì ghê vậy?

Đằng-Giao


Ở tuổi 80, dì Chín vẫn thắc mắc về "Ma đờ đê."

WESTMINSTER, California (NV) – “‘Ma đờ đê?’ Cái gì ghê vậy? Tui chưa nghe qua,” dì Chín cười hiền hòa nói. “Mình cứ ăn hiền, ở lành thì không sợ ma quỷ gì hết. Thiệt mà.”

Năm nay, dì Chín được 80 tuổi. Dì có dáng người nhỏ thó như trái chuối khô, với khuôn mặt hiền hòa như cánh đồng xanh ngát màu mạ non.

Quanh năm, dì đẩy cái xe đi chợ cọt kẹt quanh khu đền Đức Thánh Trần trên phố Bolsa, bán dạo. Khi thì dì bán vài nải chuối xứ, khi thì dì có mấy trái xoài. Hôm nay dì bán mít “đặc biệt.”

Dì nói: “Mít ‘đặc biệt’ đó cậu, thơm mà còn ngọt nữa, tui không nói gian đâu.”

Dáo dác nhìn quanh, không thấy ai để ý, dì dừng chân rồi cầm miếng mít bọc ny lon lên khoe.

“’Đặc biệt’ đó. Nè, coi đi. Lẹ lẹ nha. Tui không dám đứng một chỗ lâu đâu, người ta phạt tui thì khổ lắm. Ông quản lý khu này là người rất tốt nhưng luật không cho ai được đứng một chỗ bán hàng,” dì giải thích.

Dì Chín mỏi chân vì vậy, Dì phải đẩy xe đi vòng quanh cả ngày. Dừng lại là vi phạm luật khu phố.

Dì tròn xoe mắt lắng nghe giải thích về ngày Mother’s Day theo phong tục Mỹ rồi bật cười vỡ lẽ: “Sao họ không kêu là lễ Vu Lan cho dễ hiểu. Mà Vu Lan gì sớm vậy? Tới rằm Tháng Bảy lận mà.”

Khi nghe nói Chủ Nhật, 13 Tháng Năm, là ngày mọi bà mẹ trên đất Mỹ được con cái mời đi ăn uống hoặc tặng quà một cách long trọng, dì lặng lẽ lắc đầu rồi thố lộ: “Có chuyện đó sao? Sao họ tốt với mẹ vậy? Tôi chưa kể làm gì ‘mất phước’ nhưng nào giờ tui không có phước đó.”

Dì Chín hỏi: “Ma đờ đê,’ con cái lo cho mẹ thiệt sao?” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

 

Dì Chín có hai người con, một trai, một gái. “Thằng con trai tui đi làm tối ngày, làm gì có thì giờ mà ra quán ăn uống. Con gái tui, hồi nhỏ bị ban khỉ nên bây giờ không được ‘bình tĩnh’ như người ta. Mình lo cho nó không hết, lấy đâu mà trông nó mời mình đi ăn với mua quà. Mà tui không mong chuyện này đâu. Mẹ thì lo cho con chứ ai mà đòi hỏi con mình làm chi. Ăn uống, quà cáp tốn tiền con mình, tội nó,” dì vừa lắc đầu, vừa nói.

Rồi như lạc vào một thế giới riêng biệt, dì thở khẽ, mắt dõi nhìn xa xăm rồi thao thao nói: “Thằng trai tui, đứa lớn, rất biết lo cho tui, nhưng nó bận lắm, đi làm biền biệt từ sớm tới khuya, trưa cũng không về ăn, tội lắm. Đói bụng mà nó vẫn làm việc được! Vậy mà nó không hề than thở tiếng nào.”

Rồi con gái dì thì sao?

“Con gái tui, thương lắm. ‘Nhà nước’ lo cho nó rồi, nhưng đâu có được như mình lo cho con mình. Mà nói cho ngay, bữa nào đắt hàng, tui về sớm thì mới có giờ lau mình cho nó mát mẻ. Có bữa về trễ, mệt quá mà nó ngủ rồi thì thôi,” dì nói.

Dì Chín ra bán từ 9 giờ sáng cho tới khi hết hàng. “Sáng nào tui cũng ghé quán cô Thanh Mai vái ông Địa xin cho đắt hàng rồi mới bắt đầu đẩy xe đi,” dì nói về “thủ tục” thường nhật của mình.

“Cô Thanh Mai người thiệt đẹp mà lòng cô cũng đẹp lắm. Cô cho tui phở hoặc mấy món khác hoài mà tui không dám ăn. Ăn của cô, cô lỗ vốn sao.”

Rồi dì thân mật kể: “Có bữa cô dám cho tui tiền nữa. Không mua gì của tui mà còn cho tui tiền nữa. Người đâu sao tốt dữ vậy. Tui không dám nhận, nhưng bữa nào ế quá thì tui lấy luôn. Bán nguyên ngày, rục hai cái chân mà về không có gì trong túi thì buồn lắm.”

Tiền bán được, dì làm gì?

Dì nhoẻn miệng, nở nụ cười thật tươi: “Thằng trai tui, nó không cần tiền tui. Còn con gái, nó cũng không xin gì của tui đâu. Nhưng có vài đồng trong túi thì mình mua cho nó cái bánh, cái kẹo, nó vui. Tội nó, không ‘bình tĩnh’ như người ta nên lớn rồi mà chưa có chồng. Tội ghê. Tuổi nó, tui có chồng rồi. Chồng tui cũng tốt lắm, mà trời bắt đi sớm…”

Sực nhớ câu chuyện dang dở, dì Chín quay lại: “Có dư tiền trong túi, tui vui trong bụng lắm. Tuổi tui, ít khi thấy vui như hồi trước. Có tiền, mình cho người nghèo khổ ở Việt Nam, họ có cơm ăn, mình vui. Bên đây, nhiều người đổ cơm, đổ đồ ăn đi đó cậu. Chính mắt tui thấy đó. Phí chưa? Thôi tui đi bán cậu ơi.”

Dì đội nón lá sờn rách lên rồi đẩy cái xe có hai miếng mít “đặc biệt” đi. Được vài bước, dì quay đầu lại thắc mắc: “’Ma gì đê,’ ngày gì lạ quá, con cái lo cho mẹ thiệt sao? Tui không tin đâu. Mà ra quán làm chi cho tốn kém?”

Dì thở dài sượt rồi quên mình vừa nói rồi: “Con gái tui, nó bị ban khỉ, không được ‘bình tĩnh’ như người ta, tội lắm cậu ơi. Thôi tui đi nghen, kẻo họ phạt tui.”

Dì Chín lom khom đẩy cái xe cọt kẹt bước đi. Ở tuổi 80, dì vẫn không tin được có một ngày đặc biệt, những người mẹ được con cái đối xử ân cần, chu đáo như hoàng hậu.

Không biết đến bao giờ dì mới tin có một ngày dành cho các bà mẹ? (Đằng-Giao)