Bản thảo chuyền tay
Lữ Phương
Những chuyến ra đi
1.
Với ký ức của một đứa bé dưới 10 tuổi thì tất cả đều bảng lảng, mơ hồ. Sau này nghĩ lại tôi đoán chừng đó là những ngày sau cách mạng 45. Từ Bắc di chuyển hẳn vào Nam, gia đình tôi thuê nhà đến ở một vùng ven của quận Phú Nhuận, hoàn toàn xa lạ. Cạnh nhà tôi là một khu vườn hàng xóm có một số thanh niên mà tôi không dám đến gần. Từ bên đây nhà, tôi chỉ nhìn sang những trái mận nặng trĩu bên đó thèm thuồng mà chưa dám dở trò gì cả. Nhưng rồi có một thời gian tôi chợt thấy mấy thanh niên bên đó bỗng có những hành vi rất đáng ngạc nhiên: chiều chiều, họ đem những thanh sắt dài kẹp vào ê-tô để giũa cho bén (có lẽ họ làm dao, mác hay mã tấu gì đó), sau đó vài hôm lại thấy họ đem cung tên không biết lấy ở đâu ra, bắn phầm phập vào những thân cây chuối rậm rạp ngoài vườn, cuối cùng vào một buổi chiều nào đó, hình như một buổi có nắng rất vàng, tôi bỗng thấy họ mang vác đầy một lưng ( có một tấm chiếu nhỏ cuốn tròn lại mà tôi nhớ thật rõ) âm thầm ra đi. Không hiểu sao hình ảnh ấy lại đọng lại trong nhí nhớ rất lâu trong thời gian tôi ở lại cái xóm nhỏ đó. Con đường vẫn thế, những cây chuối vẫn thế, nhưng những người hàng xóm mài gươm kia thì lại không thấy trở về. Họ đi đâu, tại sao lại ra đi, mà tại sao lại vác giáo mác như vậy? Những câu hỏi cứ dấy lên trong tôi không phải chỉ với ý nghĩa của sự tò mò đơn thuần. Và thế là ngày ngày tôi vẫn có ý nhìn sang bên đó xem họ đã về chưa. Tôi không nói gì với mẹ tôi về hiện tượng đó và mẹ tôi cũng chẳng nói gì cả. Dường như đối với mọi người trong xóm, nó đã là một sự bí mật, vừa đáng sợ vừa đáng kính, mỗi người nên tự biết để suy ngẫm chứ không nên bàn tán ồn ào. Sau đó một thời gian, tôi dọn nhà đến một chỗ khác cũng gần đó. Một xóm lao động sát chợ và gần đường cái hơn, ồn ào hơn. Hình ảnh của những cây mận cũ cùng với những người hàng xóm cũ vẫn cứ theo tôi dai dẳng cho đến một hôm giữa đêm khuya khoắt, cả xóm bị đánh thức dậy bất ngờ. Theo mọi người ra đường, trong bóng tôi chập choạng tôi thấy nhiều người mặc đồ đen, không rõ mặt, bên hông mang súng, tay cầm cái loa nói năng những điều gì đó rất xa lạ với tôi. Có phải trong số những người này có những người hàng xóm cũ của tôi, một thời ra đi hôm nay đã trở về hay không? Tôi cũng không thể nào biết được. Sáng hôm sau, thức dậy ra đường tôi thấy trước mặt nhà mình, trên một cây cao vút, một lá cờ đỏ sao vàng rất to, còn dưới mặt đất thì đầy những tấm truyền đơn. Qua câu chuyện của những người lớn, tôi bắt đầu biết họ là ai. Tôi chẳng hiểu nhiều lắm nhưng cũng bắt đầu lờ mờ nhận ra phần nào ý nghĩa của lời giải thích: dường như họ đối nghịch với một cái thực tại khác cũng khá quen biết với tôi hàng ngày trên con đường tôi đi học – những tên lính “mả tà” người ngoại quốc, mặc quần “soóc”, lủng lẳng cây “ma trắc” bên hông. Những người ngoại quốc này tại sao lại đến đất nước tôi, chưa ai giải thích cho tôi, nhưng tôi đã biết được họ có ý nghĩa như thế nào với những người áo đen không biết từ đâu đã về xóm tôi rải truyền đơn và treo cờ vào những đêm tối trời. Sau này lớn lên một chút, tôi được người ta cho biết rằng những người mặc áo đen đó là những người cộng sản, nhưng dù là ai đi nữa thì hình ảnh của họ với tôi vẫn nguyên vẹn như xưa: những người ra đi tìm một chân trời khác với cuộc sống mà tôi đang sống. Chân trời ấy là gì tôi chưa biết. Nhưng dường như nó đã bắt đầu cuốn hút tôi như một ám ảnh. Lúc bấy giờ từ một trường học gia đình, tôi chuyển vào một trường công, ở đây tôi có một ông thầy rất nghiêm nhưng cũng rất dữ. Học trò nào nói chuyện trong giờ học sẽ bị ông gọi đứng dậy tại chỗ để người ngồi kế bên tát cho một cái thẳng tay (Ông nói bằng tiếng Pháp: Donne-lui un gifle). Ông còn có một cây roi tre to xù; học trò nào mà chửi thề bị bạn nghe được và báo với ông, ông sẽ nọc ra đánh vào đít mười roi đến rớm máu. Tôi đã nhận lãnh của ông không biết bao lần những cái bợp tai và những cái roi như vậy. Nhưng chẳng ai trong chúng tôi oán ông cả. Mỗi tuần một lần, ông dành nguyên một tiết học, bắt học sinh ngồi im, tay khoanh lên bàn để nghe ông kể chuyện gọi là “sử nước nhà”: chuyện Ngô Quyền dùng cọc trên sông để chống quân Tàu phương Bắc, chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa, Quang Trung đem bánh chưng ra Thăng Long đại phá quân Thanh... Trong những buổi như vậy, chúng tôi đã trở thành những đứa học trò ngoan nhất thế giới: mồm há hốc ra nuốt từng lời của thầy, không phá phách, nghịch ngợm gì cả. Sau này đọc sách lịch sử tôi biết được đó là những anh hùng dân tộc, những người đã đến với chúng ta từ một quá khứ xa lắc lơ và đã có công đánh đuổi những kẻ xâm lăng bên ngoài để cho chúng ta có được một cái tên định nghĩa mảnh không gian sinh sống của mình. Nhưng vào lúc bấy giờ qua những chuyện kể của ông thầy tiểu học, tôi bỗng liên hệ đến những thanh niên hàng xóm đã bỏ nhà ra đi. Tôi không thể hiểu gì thêm. Nhưng tôi bắt đầu lờ mờ rằng tôi có một đất nước, có một lịch sử, có những người từ thế hệ này đến thế hệ khác đã bỏ máu ra gìn giữ nó. Vào lúc bấy giờ, ở Sài Gòn có rất nhiều chuyện xảy ra, nhưng bỗng nhiên những học sinh trong lớp tôi biết được chuyện một học sinh tên Trần Văn Ơn bị bắn chết. Tôi không biết tại sao anh chết, ai bắn anh chết, nhưng không rõ từ đâu tôi biết được rằng có rất nhiều người đang chuẩn bị tập hợp trong đám tang của anh để phản kháng một điều gì đó. Tôi không nhớ tôi tìm được ở đâu một bức ảnh của Trần Văn Ơn cắt từ báo ra và đem dán vào bìa cuốn vở học trò của mình rồi sau đó rủ mấy người bạn cùng lớp tìm đường ra Sài Gòn để đưa đám ma của anh! Kết quả thật là thảm hại. Không biết đám biểu tình tổ chức ở chỗ nào để xáp vào, chúng tôi đành lang thang suốt buổi trong Sở thú để coi… khỉ cho đến đến trưa mới nhếch nhác về nhà. Một thằng nhóc học cùng lớp đã cho mẹ tôi hay về cái buổi trốn học vô cớ của tôi. Tôi phải nằm xuống cho mẹ đét ba nhát chổi lông gà, đau đến nhớ đời. Dù sao tôi cũng chẳng có gì ân hận: tôi đã bắt đầu mon men ra khỏi nhà mình theo cái tiếng gọi rất mơ hồ đang thôi thúc tôi đi. Kỷ niệm ấu thơ này đã ghi lại trong tôi những ấn tượng hằn sâu; và qua đó, dường như cũng làm bộc lộ ra cái tính cách của bản thân khi lớn lên với cuộc sống càng có nhiều kích thước mới. Tôi vẫn có ý chờ đợi những con người mặc áo đen đó về những đêm tối trời nào đó như một tò mò nhưng không biết tại sao rất lâu không còn thấy họ nữa. Dù vậy hình ảnh của họ đối với tôi vẫn không hề vắng mặt trong đời sống: dần dần lớn lên, tôi vẫn nhìn thấy họ, qua những bài thơ, bài nhạc, những cuốn tiểu thuyết về kháng chiến mà những người thuộc thế hệ của tôi ít người không biết trong những năm tháng ấy. Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều… Đây hàng dừa cao giòng sông mờ soi bóng… Các anh đi ngày ấy đã xa rồi… Cái thế giới ẩn hiện trong cái không gian ấy không hề là chuyện cổ tích nhưng sao mà thật xa xôi, diệu vợi. Là thực tế mà cũng rất mơ hồ, huyền hoặc, cái thế giới ấy gợi ra rất nhiều tưởng tượng cho chúng tôi. “Chiến khu” là ở đâu vậy? Nơi đấy là đâu vậy? Thật khó mà hình dung ra cho thật cụ thể. Nhưng đối với chúng tôi, ắt phải là nơi tụ hội của tất cả những gì thơ mộng hơn cuộc đời đang sống ở đây nhiều lắm. Nơi đó ắt phải có suối reo, chim hót bên những cụm hoa rừng. Có cả nàng sơn nữ nhìn trời xa xa. Không có muỗi mòng gây ra những cơn sốt ác tính. Cũng có súng, nhưng không phải những khẩu súng giết người bốc khói khét lẹt mà lại nằm trong tư thế yên bình, ở đầu súng có trăng treo. Ở nơi đó con người không như ở đây: Nơi đây sầu phong toả. Ở nơi đó các anh về thì mái ấm nhà êm và khi các anh đi thì đã để lại biết bao trông ngóng cho những chàng trai và cho những cô gái. Ở nơi đó điếu thuốc không phải là điếu thuốc mà là mối quan hệ thật đằm thắm giữa người và người. Ở nơi đó tình yêu không phải là nhìn nhau mà là nhìn về một hướng, như một câu văn mà sau này tôi biết được là của một tác giả người Pháp thời hiện đại. Không phải chúng tôi không đọc những thứ văn chương khác, những truyện diễm tình sướt mướt, những sầu những mộng xen với những cuộc phi thân lên mái nhà, phóng dao, đấu súng, đâm chém cực kỳ náo nhiệt. Nhưng do sống trong một không gian lảng vảng những người lính “mả tà” lủng lẳng cây “ma trắc” bên hông cho nên chúng tôi đã để dành sự nghiêm chỉnh, trang trọng cho những thứ văn thơ phủ định bọn “mả tà”. Dường như nó được đưa về từ cái thế giới thật xa xôi. Và khi về được, nhiều khi chúng tôi không biết ai là tác giả, cứ như thể chúng là những tác phẩm vô danh. Dù sao chúng đã nằm được trong những bàn tay bé nhỏ của chúng tôi, hiện diện nguệch ngoạc trong những cuốn vở học trò nhiều khi đã nhầu nát. Chúng tôi nghêu ngao chúng trong những lúc ngồi lại với nhau với chiếc đàn mandoline vụng dại, hoặc đọc nhẩm những lúc ngồi riêng một mình. Chẳng qua cũng để cho vui thôi. Nhưng hình như trong chiều sâu của sự việc không phải chỉ là như thế. Dường như qua những nghĩ tưởng vẩn vơ trẻ thơ của chúng tôi, đâu đó đã tượng hình ra một thế giới nào đó khác với cái hiện thực mà chúng tôi đang sống ở đây. Cũng chỉ là chuyện mơ màng thôi. Nhưng lại không phải là cuộc viễn tưởng đi về tương lai riêng tư của mỗi con người. Chúng tôi biết được rằng cuộc sống trẻ thơ của chúng tôi không phải là cuộc sống bình thường: dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp chúng ta đang sống trong một cuộc chiến tranh. Tôi đã biết được cuộc chiến tranh ấy là gì vào một hôm nào đó, từ trường về nhà trên đầu mình là tiếng gầm rú khủng khiếp của những máy bay và khi đã về nhà rồi, đã cùng gia đình và những người hàng xóm chui được xuống hầm rồi thì gần đó có tiếng bom dội làm chao đảo mặt đất đến kinh hoàng. Không hứng chịu những tan vỡ của vùng chiến sự trực tiếp sẽ diễn ra sau đó không lâu, nhưng tôi biết tôi đang từ giã tuổi thơ để lớn lên dần cùng với cuộc chiến tranh, một cuộc chiến tranh mà tôi chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó nhưng mơ hồ nghĩ được rằng vì cuộc chiến tranh ấy mà những người trẻ tuổi trong xóm tôi đã mài gươm và bỏ nhà ra đi.
2.
Tôi đã học xong tiểu học, thi vào trường công rớt nên vào học một trường tư, cuối cùng không đủ điều kiện để học tíếp, tôi thi vào trường dạy nghề của sở Bason bấy giờ do Hải quân Pháp quản lý. Trong thời gian học ở đây, tôi được một người bạn rủ gia nhập phong trào Hướng đạo ở Sài Gòn. Ban đầu chỉ tưởng cho vui thôi nhưng không ngờ lại là một chọn lựa gần như định mệnh: tôi gặp một huynh trưởng phụ trách Đoàn tên Nghĩa. Người anh dong dỏng cao, mặt rỗ hoa, nghiêm nghị, tính tình khắc khổ. Đến nhà anh chơi, tôi biết anh là một công nhân, rất ngạc nhiên khi thấy anh đã lớn tuổi rồi mà chẳng vợ con gì cả. Anh hướng dẫn chúng tôi họp hành, tập hát, đi cắm trại, làm việc từ thiện, dậy chúng tôi viết nội san và kỹ thuật in báo bằng bột … Phong trào Hướng đạo do một người Anh sáng lập cho những nước thuộc địa nhưng với tôi lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác: nó dạy tôi sống trong sạch, giúp đỡ người khác, biết giữ lời hứa, tháo vát tự lực và quan trọng hơn hết nó dạy tôi có một tổ quốc của mình. Hướng đạo đã làm tôi hiểu thêm những gì ông thầy tiểu học của tôi đã dạy. Tôi không có một tuổi thơ đầm ấm do gia đình mang lại nên dành hết tình cảm cho Hướng đạo và do đó gần gũi anh Nghĩa nhiều hơn và trong khi gần gũi anh tôi biết anh là một người hoạt động cho phía bên kia và cũng dần dần biết thêm trong phong trào Hướng đạo có khá nhiều người như anh. Trong tất cả những Đội trưởng trong Đoàn do anh phụ trách, anh đặc biệt chú ý đến tôi, có lẽ do sự nhiệt tình của tôi trong mọi việc. Anh đã nói cho tôi nghe rất nhiều về tình cảnh của người công nhân bị bóc lột, tình cảnh đất nước bị chia cắt, cho tôi mượn sách để đọc, rồi sau đó nói với tôi về duy tâm, duy vật, biện chứng, phát triển xoáy trôn ốc … Bây giờ, thử ngồi nhớ lại những lời lẽ của anh cho cụ thể, tôi không thể nào làm được. Với trình độ của một thiếu niên khoảng 15, 16 tuổi chưa học hết trung học đệ nhất cấp lúc bấy giờ, làm sao tôi có thể hiểu nổi những thứ triết lý cao vời như vậy. Nhưng thật lạ lùng: nhiều đêm ở lại đến khuya nghe anh giảng giải, buồn ngủ không chịu nổi, nhưng tôi vẫn cố nhướng mắt lên một cách chăm chú, say mê. Tôi không hiểu, nhưng tôi đang muốn hiểu, cố gắng để hiểu cho được những chuyện cao xa, lớn lao, mới mẻ ấy. Chúng mở ra cho tôi những chân trời. Thế là đêm đêm về nhà tôi lao đầu vào sách vở, miệt mài: ngoài những cuốn mà anh cho tôi mượn, tôi cũng tự đi tìm những thứ sách khác để đọc ; cuốn này dẫn đến cuốn khác, nhiều khi ngốn ngấu qua loa, không hiểu bao nhiêu, nhưng vẫn cố làm cho vỡ ra. Cuối cùng thì điều khá nhất chỉ là tập được thói quen tìm đọc những loại sách “nhức đầu”, còn lại chẳng có gì gọi được là nghiêm chỉnh, chỉ đủ tạo ra những ảo tưởng hơn là kiến thức đích thực. Vậy mà tất cả với tôi lại lại rất lạ kỳ: không lảng tránh anh vì ngán sợ như một vài đội trưởng cùng đoàn mà anh vận động, trái lại tôi càng xáp lại gần anh hơn, rất thích thú khi được anh dìu vào một thế giới tư tưởng có mục đích thật khủng khiếp là xoay vần cả một chế độ! Những cuốn sách anh cho tôi mượn đã mang trực tiếp không khí say mê vì bí mật ấy. Cuốn mà tôi đọc đi đọc lại nhiều nhất là một cuốn sách dịch tóm tắt về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, không biết tác giả là ai, chép tay bằng mực xanh, chữ viết có lẽ của một chiến sĩ cách mạng ngoài Côn đảo vì thấy ở cuối sách có ghi địa điểm đó. Cuốn thứ hai không phải là triết học nhưng là một cuốn tiểu thuyết dịch mà tôi nhớ rất rõ là Người mẹ của Maxim Gorki, khổ chữ đánh máy màu tím, dường như được in bột. Có lẽ đây là cuốn sách văn học đầu tiên đã làm tôi xúc động khác hẳn với những cuốn tiểu thuyết của Tư lực Văn đoàn mà tôi cũng rất say mê. Tuy chẳng hiểu gì về lịch sử nước Nga và cuộc cách mạng bônsêvích như thế nào, nhưng tôi đã tìm thấy ở đây những con người xả thân tranh đấu suốt đời, mặc cho tù đầy gian khổ: nó đem đến cho tôi một cách nhìn lý tưởng về một xã hội sẽ được xây dựng trong tương lai. Bấy giờ tôi đã tốt nghiệp trường dạy nghề nên đã ra làm việc với tư cách là một công nhân và đã thuộc thành phần đại biểu cho một phương thức sản xuất tiến bộ nhất, đấu tranh không phải chỉ tự giải phóng mà còn giải phóng toàn nhân loại khỏi sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc nữa, anh Nghĩa đã từng giảng giải như vậy nhưng thật sự tôi không cảm thấy vinh dự gì cả vì nhìn lại bản thân tôi thấy tính chất công nhân trong tôi có vẻ như không nhiều lắm. Tiếp tục sau đó một thời gian với anh Nghĩa, tôi đã từ giã phong trào Hướng đạo để tập trung vào công việc mới khi tôi được giới thiệu với một người tên là anh Ba, ở ngoài nhưng lại lãnh đạo sở Bason, để tôi liên hệ nhận lãnh chỉ thị trực tiếp. Tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao Động có nhiệm vụ vận động công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi, đòi hiệp thương thống nhất hòa bình. Tôi phụ trách chi đoàn trong đó có hai người cùng là bạn hướng đạo được tôi lôi kéo vào. Một trong những việc quan trọng của chúng tôi là thành lập nghiệp đoàn để tranh đấu công khai. Sở Bason từ xưa đến nay chưa hề có nghiệp đoàn cho nên cuộc vận động diễn ra khá thành công, nhất là sau đó đã tổ chức được một cuộc biểu tình kỷ niệm ngày lễ 1 tháng 5. Công việc về sau dần dà trở nên nhàm chán, vì lẽ xí nghiệp sắp sửa đóng cửa để bàn giao lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm: vấn đề băn khoăn nhất của công nhân do đó không phải là đòi tăng lương, cải thiện đời sống mà là làm sao được thu dụng lại sau khi đã chuyển đổi chủ nhân. Công tác của chúng tôi cũng gồm có phần lôi kéo công nhân tham gia cách mạng một cách bí mật. Vấn đề đặt ra cho chúng tôi là đi tìm xung quanh mình xem ai là người “người tích cực”, tỏ vẻ có cảm tình với kháng chiến, sống lành mạnh để lân la kết thân “giáo dục” họ. Mỗi lần họp, chúng tôi đều thảo luận dai dẳng về cái danh sách những người được quan tâm và đề ra những biện pháp tranh thủ. Chúng tôi khuyên nhau phải tìm hiểu đời sống của gia đình họ, “tâm tư nguyện vọng” của họ để tạo ra sự tin cậy với họ sau đó mới tìm cách “giác ngộ” quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc…, hy vọng tạo ra những hạt nhân mới. Công việc cực nhọc, nhưng kết quả chẳng có gì đáng kể. Hầu hết những người thợ xung quanh chúng tôi đều thuộc những người có chút ruộng vườn ở nông thôn hoặc buôn bán nhỏ ở thành phố, chất phác, ít học, chỉ lo chí thú làm ăn, rỗi rảnh thì đi chơi bời nhậu nhẹt, chẳng quan tâm gì đến những vần đề cao xa. Mầy mò suốt một thời gian dài, nhiều lúc tôi không hiểu tại sao một giai cấp như vậy mà lại có thể gọi được là “tiên tiến” để “lãnh đạo” dân tộc được. Nhưng do tin tưởng, nên vẫn kiên trì, cuối cùng cố gắng hết mực cũng chỉ tạo ra được vài cảm tình viên có thể cùng nhau bình luận tin tức qua báo chí, nhiều lắm là đưa tài liệu mật cho coi, còn khi muốn đẩy vấn đề đi xa hơn một chút nữa thì thường bị dè dặt lảng ra, thậm chí né tránh không muốn gặp. Trong khi công tác tuyên truyền cho công nhân ngày càng trở nên nhạt nhẽo thì loại công tác bí mật lại rất hấp dẫn: sử dụng những biện pháp kích động gây được nhiều ấn tượng với đám đông như tổ chức in và rải truyền đơn, treo cờ… Chính trên ở cái mặt tiền của sở Bason hiện lên những khẩu hiểu như Tinh thần cách mạng tháng 8 bất diệt! do tôi viết lên bằng ruột cau tươi. Đặc biệt nhất là nhiều lần truyền đơn chống chế độ Ngô Đình Diệm đã xuất hiện nhiều nơi ngay trong vòng đai của xí nghiệp. Tất cả những hoạt động ấy đã gây náo động nhưng có lẽ sắp chuyển giao cho chính phủ Việt Nam, nên bọn an ninh của Pháp dường như cũng chẳng quan tâm điều tra tới nơi tới chốn để truy lùng bắt bớ. Tính khi liều lĩnh của tôi đã bộc lộ rất rõ trong những hành động bí mật như vậy. Hôm chống bầu cử quốc hội của chính phủ Ngô Đình Diệm tổ chức, tôi phụ trách rải truyền đơn tại ngay cái phân xưởng mình đang làm việc.Thay vì ở lại sau giờ tan sở trễ hơn để ném vào những nơi công nhân thường treo xe đạp bên ngoài phân xưởng vào mỗi buổi sáng, tôi lại định chơi trò ngoạn mục, rải vào ngay chỗ làm việc của công nhân ở bên trong. Để làm được việc này, tôi đã núp lại trong nhà tắm sau khi người cặp rằng Pháp đã khóa cửa đi về, định xong việc sẽ mở cửa sổ chuồn ra ngoài. Trong khi đang ôm đống truyền đơn định vung ra thì anh cặp rằng không hiểu sao lại mở cửa quay vào. Vội vàng tuồn cái bọc giấy ấy vào một kẹt tủ, tôi làm bộ quằn quại đau bụng như sắp chết đến nơi và lắp bắp … mal au ventre… J’ai … mal au ventre… Thấy cái mặt thảm hại của một thằng nhóc như tôi, anh Tây la lối một hồi rồi để tôi đi. Mỗi lần nhớ lại chuyện này tôi ớn lạnh cả xương sống. Nhưng bấy giờ trên đường về tôi đã cười ngất vì cái trò liều mạng quỷ quái của mình. Nhưng tôi vẫn chưa tởn. Tối hôm sau là ngày tôi đi học đàn – lúc bấy giờ, tôi đã ghi tên học ghi ta mỗi tuần mấy buổi tối – tôi đã nhét vào lưng áo một cọc truyền đơn. Sau giờ học về, đi ngang con đường Duy Tân, chọn nơi vắng vẻ, tôi lấy ra ném tung toé một góc phố. Buông hai tay khỏi ghi đông xe đạp mà ném. Coi trời bằng vung! May mà đường vắng và ở đấy chẳng có một tên cảnh sát nào cả. Như thế cũng chưa đủ. Hôm sau nữa, ở nhà còn một số bướm bướm chưa dùng hết, nhân trời tối, tôi đi sâu vào phía trong của cái xóm tôi đang ở, vung vãi khắp nơi. Ôi! Tôi không còn là thằng nhóc ngắm nhìn các anh như hồi xưa nữa, tôi đang ở đây không khác gì các anh! Chẳng có anh nào ở đây để khen tôi cả. Cũng chẳng có một thằng nhóc nào nhỏ hơn tôi để chiêm ngưỡng hành vi đang trở thành người lớn của tôi. Chỉ có một mình tôi khoái trá với bản thân. Và tất nhiên, tất cả những việc ấy tôi không hề báo cho anh Ba và cũng chẳng dám khoe với bạn bè trong chi đoàn. Dường như tôi đang sống trong một cơn say. Lúc nào cũng chới với chạy theo một thứ tiếng gọi nào đó nó lôi mình lên khỏi mặt đất và có lúc đã thấy mình bỗng nhiên cao lớn hơn khi nhìn xuống cái thế giới dưới kia. Ôi sao mà thảm hại cho những lầm than của con người! Sao mà họ u mê đến thế: họ không biết rằng họ chỉ là những cái bị thịt, chẳng ra gì cả! Mải miết dấn thân vào cái lý tưởng cao thượng về giải phóng con người, tôi chẳng chú ý gì đến bản thân. Điều này có lẽ có phần nào tôi đã bị ảnh hưởng của anh huynh trưởng Nghĩa: ăn mặc nhếch nhác, xe cộ lọc tọc, và nếu như có ai đó gặp tôi mà đưa ra nhận xét: “sao dạo này mày ốm vậy” thì tôi sẽ coi đó là một lời khen! Đó mới là hy sinh vì lý tưởng. Trong sở, tôi ít quan tâm đến công việc và bị xếp Tây khiển trách luôn; chỉ rề rà tìm cách xáp đến gần mấy anh công nhân để “giác ngộ” họ. Tan sở về thì ban đêm nếu không tiếp tục đi làm cái công việc còn bỏ dở đó thì lại vùi đầu vào các thứ thơ văn để nghiền ngẫm, ngâm nga! Những bài viết đầu tiên của tôi cũng xuất hiện vào lúc này: ban đầu chỉ như một trò tập tành cho vui, sau có một số được đăng báo và có cả nhuận bút nữa! Nhưng tình trạng này kéo dài không lâu. Anh Ba ở ngoài bị bắt, tiếp sau đó là tất cả anh em bên trong, trừ một anh bỏ sở chạy sang Kampuchia để lánh nạn. Chỉ có bọn thanh niên chúng tôi, không hiểu tại sao, tất cả vẫn an toàn. Nhưng hoạt động thì hoàn toàn bị tê liệt do mất liên hệ, không còn ai lãnh đạo. Trong khi đó, tôi được tin anh Nghĩa người thầy về cách mạng của tôi đã chết. Nghe gia đình nói vì bịnh ho lao hay một thứ bệnh gì đó. Một người độc thân suốt đời hy sinh cho cách mạng hay một người thất bại trên đường tình, tôi không biết được, nhưng đó là một mẫu người lý tưởng đầu đời mà tôi không bao giờ quên được. Trong khi đó thì các bạn thanh niên cũng bắt đầu xiêu tán và phần tôi, tôi cũng chẳng biết làm gì. Tình thế rất nguy hiểm, rốt cuộc mỗi người quay trở lại với đời sống của riêng mình: người lấy vợ lo làm ăn, kẻ bị bắt đi “quân dịch”, người bạn thân nhất của tôi thì đã nhốt mình mấy tháng trong phòng để … thiền. Sau 1975, tôi còn nghe có một bạn khác tốt nghiệp cả Quốc gia hành chánh, ra ứng cử hạ nghị sĩ nữa! Không biết bây giờ họ nghĩ gì những năm tháng cũ ấy. Đó là thời kỳ tan rã của phong trào đô thị ở miền Nam trong chiến dịch chống Cộng của Ngô Đình Diệm: hầu hết các cán bộ được gài vào các cơ sở đều bị bắt, số còn lại sau này phải chạy ra khu tham gia cuộc chiến đấu khi đã chuyển sang đấu tranh vũ trang. Bason được giao lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm và mang tên mới là Hải Quân Công xưởng. Tôi được phân công cho giữ kho một thời gian rồi sau đó được đưa sang làm thư ký, chuyên vô sổ các phiếu công tác gì đó ở trên khu vực văn phòng. Thời giờ đối với tôi bây giờ quá rỗi rảnh, trống trải, ở sở làm lẫn ở nhà. Tôi đọc sách nhiều hơn, nhưng bây giờ không còn tìm ra nguồn sách cách mạng nữa. Sau một thời gian buồn chán, tôi quyết định đi học trở lại: miệt mài hàng đêm, hàng đêm với chiếc xe đạp cà tàng trong các lớp tối, tôi đã vượt qua được hai bằng Tú Tài trong hai năm và thi đậu vào Đại học Sư Phạm. Tôi từ giã Bason với một cảm giác dửng dưng lạ lùng.
3.
Sự tan vỡ của phong trào đã đưa cuộc sống của tôi trở về với đời sống bình thường. Nhưng những băn khoăn cũ vẫn không ngớt ám ảnh tôi dưới một hình thức khác: do các môn học của trường khá nhàn nhã, lại có trợ cấp hàng tháng, tôi đã để nhiều thì giờ lục lạo khám phá những thứ sách báo đã gây ra cho tôi những băn khoăn trước đây. Những gì liên hệ đến chủ nghĩa Marx bây giờ được tôi quan tâm qua những thứ sách báo ở trên Đại học, nhưng vẫn chỉ thông qua những diễn giải gián tiếp của một số tác giả Pháp mà tôi có thể đọc được vào lúc bấy giờ như Lucien Goldman, Henri Lefèbvre, Jean Paul Sartre, Merleau Ponty, Roger Garaudy …, một số tìm mượn trong thư viện, một số mua được ở nhà sách Việt Bằng. Tôi tìm mọi cách để hiểu Marx trong những điểu kiện chủ nghĩa này được xem là hệ tư tưởng thù địch với miền Nam cho nên những kiến thức về học thuyết này với tôi đều là những chắp vá, gián tiếp, lõm bõm… không hề có sự phân biệt về Lenin với Marx, chẳng cần biết Đệ tam khác Đệ tứ ra sao, thế nào là chính thống thế nào là xét lại. Với tôi, đọc tuyển tập của Marx cùng một lượt với tuyển tập của Mao Trạch Đông (cả hai đều mua được ở nhà sách Việt Bằng cùng với bộ Đất vỡ hoang bằng tiếng Pháp của Solokhov ở Liên xô… ) cũng không khác gì đọc Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa một lượt với Trần Văn Toàn… vì tất cả đều có một mục đích duy nhất là cố gắng nhặt ra được những chi tiết nào đó có thể rọi sáng thêm cái viễn tượng một thời được người huynh trưởng Hướng đạo khai mở cho. Với trình độ bấy giờ của tôi những cố gắng ấy thật sự chẳng có gì nghiêm chỉnh lắm nhưng với cái xu hướng có sẵn trong người tất cả đều đưa tới chỗ hình thành trong tôi một một chiều hướng chống đối, phủ định cái trật tự mình đang sống – về sau tôi được biết đó là cái não trạng phản chứng – điều đã trở thành gần như tự nhiên trong con người của tôi, xuyên suốt cuộc sống từ lúc là một thiếu niên cho đến khi tóc bạc. Trong tất cả những gì tạo nên cái tính cách ấy tôi nghiệm thấy có phần ảnh hưởng của Jean Paul Sartre. Triết học của tác giả người Pháp này không xa lạ gì với sinh viên miền Nam vào những năm 1960-1970, đặc biệt với quan niệm “thức tỉnh hiện sinh” cùng với sự lựa chọn tự do của nó. Với tôi thực sự điều đó cũng chẳng có gì sâu sắc lắm, và tôi cũng chỉ biết được những điều đó qua một số tiểu thuyết và kịch cùng với những bài giới thiệu về Sartre trên báo chí thời đó. Cuốn sách của Sartre tôi đọc và có thể hiểu được ông trực tiếp không cần qua ai giảng giải mà bấy giờ cũng không ai quan tâm giới thiệu chính là cuốn Critique de la raison dialectique, với chương đặc biệt nói về phương pháp luận có liên hệ đến học thuyết Marx cùng một số luận điểm dầy sức nặng đối với tôi: trong khi phê phán quyết liệt thứ chủ nghĩa Marx ở Liên xô, đề nghị hàng loạt những lý thuyết trung gian để “bổ sung”, Sartre vẫn cho rằng chủ nghĩa Marx là “không thể vượt qua được “vì lẽ “cái mảnh đất mùn xã hội” (tôi dẫn theo trí nhớ: humus social) nuôi dưỡng nó vẫn còn nguyên đó. Bên cạnh đó, Sartre cũng đưa ra một nhận định mà tôi cũng không bao giờ quên được: cái bóng của “giai cấp vô sản” ngoài kia đang âm thầm thay đổi thực tại, thực thể ấy không thể không tác động đến suy tư của nhũng người trí thức.Có hay không có cái thực thể gọi là giai cấp vô sản trong luận giải của Marx là điều mà mãi về sau này mới được làm cho sáng tỏ, khi tôi tìm đọc Raymond Aron, đối thủ của Sartre, nhưng vào lúc bấy giờ ý kiến của Sartre đã khẳng định niềm tin về hướng đi của lịch sử: đã có một chủ thể hiện thực để làm lại thế giới này. Nhưng khi tiếp thu điều đó tôi đã theo quan điểm hiện sinh của Sartre để xa rời dần người thầy đầu đời của tôi trong phong trào Hướng đạo: Sartre chỉ chủ trương hợp tác với những người cộng sản như những “bạn đường” vì những mục đích chung nhất thời nào đó nhưng khi những mục đích ấy không tìm được cơ sở chung để tồn tại thì mọi việc sẽ khác đi. Kết quả của một nhận thức như vậy đã đẩy tôi tới một hành động cực kỳ táo bạo: rủ được khoảng gần 10 anh em quen biết trước đây đã từng hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ, tôi đã đề nghị thành lập một tổ chức chống lại chế độ Ngô Đình Diệm với một “cương lĩnh” dường như được mệnh danh là “tập hợp dân chủ” hay một cái gì tương tự, xây dựng một chế độ trong tương lai bằng nhiểu hình thức trong đó có biện pháp ám sát những nhân vật quan trọng trong chính phủ độc tài của Ngô Đình Diệm! Không hiều tôi đã thuyết phục bạn bè như thế nào mà mọi người đều tán thành trong một cuộc họp mặt tại Vũng Tàu. Nhưng rồi theo thời gian cái gọi là “tập hợp” ấy chẳng làm được gì cả, ngoài những cuộc bàn cãi vớ vẩn, để rồi sau đó tịt ngòi luôn. Không biết có phải do tôi nhận ra được tính chất lãng mạn và phiêu lưu của mình hay không mà khi nghe một người trong nhóm đề nghị nên liên hệ với Mặt trận Dân tộc giải phóng để tham khảo thì tôi nhận lời ngay. Dùng chiếc xe gắn máy chở theo một người bạn tôi đã tìm đường vào Tân Khánh (Biên Hoà), ở lại suốt một đêm, gặp một cán bộ để tìm hiểu thêm về đường lối mới của Mặt trận, cái tên gọi mà trước đây khi còn hoạt động ở Bason tôi chưa nghe đến. Tôi trở về báo cho anh em biết mọi việc và đề nghị “hợp tác” với tổ chức cách mạng mới này trong việc chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng rồi công việc chẳng đi đến đâu vì khi nhờ người móc ráp để gặp lại thì nghe tin anh cán bộ ấy đã hy sinh trong một trận càn rồi. Lúc bấy giờ tôi đang học năm thứ hai ở Đại học sư phạm Sài Gòn, ghi danh học thêm hai chứng chỉ ở Văn Khoa, tiếp tục đọc thêm về triết học hiện sinh và mácxít, sau đó định tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp thì chẳng may bị tai nạn gẫy chân phải nằm liệt giường suốt tám tháng ròng rã. Trong khi đó, phong trào Phật giáo và học sinh sinh viên đã lên tới đỉnh cao, đưa đến cuộc đảo chính của Dương Văn Minh năm 1963 lật độ được chế độ Ngô Đình Diệm. Khi trường mở lại sau một thời gian tạm ngừng hoạt động vì biến cố nói trên, tôi đã có thể chống nạng đi học lại được. Cũng vào năm đó tôi lập gia đình để sau khi tốt nghiệp, nhận sự vụ lệnh xuống Long Xuyên dạy học.
4.
Tôi ở Long Xuyên từ 1964 đến tháng 4-1968. Do ảnh hưởng rộng lớn của sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, ngôi trường Thoại Ngọc Hầu, nơi chúng tôi giảng dạy, đã không còn giữ được cái không khí êm đềm của một tỉnh lẻ như trước đây nữa: những chuyển động về chính trị của miền Nam lúc bấy giờ, biểu hiện ở xu hướng chống độc tài và càng về sau là xu hướng chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam, đã dần dần xâm nhập vào đây. Khuấy động lên được cái không khí này chủ yếu là do một số thầy giáo trẻ có liên hệ đến phong trào sinh viên ở Sài Gòn, mới ra trường và được bổ nhậm về. Thể hiện rõ rệt nhất là cái không khí trong các lớp học. Một ông thầy dậy Pháp văn tên Nguyễn Khánh Long ở kế bên nhà tôi, trước khi bắt đầu giờ học đã đọc cho học sinh chép bài thơ đem từ Sài Gòn về, không biết ai là tác giả, ca ngợi Quách Thị Trang bị bắn chết trong một cuộc biểu tình chống Ngô Đình Diệm trước chợ Bến Thành, trong đó những câu tôi còn nhớ được: Sẽ có một con đường mang tên em Một công trường hay một hoa viên Vì tên em đã lồng khung tuổi trẻ Vì tên em không còn là một tên riêng …
Phần tôi, do dạy môn Việt văn, tôi đã có điều kiện để đề cập những vấn đề chính trị dựa vào những hiểu biết trong những cuốn sách mua được hoặc mượn được đang phổ biến trong sinh viên bấy giờ, như về lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi, về chiến tranh Pháp Việt của Bernard Fall, về vùng giải phóng của Wilfred Burchett… Nhưng bấy giờ chính thứ sách báo của Miền Bắc tìm được qua nhiều nguồn khác nhau (trong đó có loại tham khảo ở Đại học Văn Khoa, một số tuồn ra từ Cơ quan nghiên cứu chính trị, Đài phát thanh…) mới có ảnh hưởng nhiều đến những bài giảng của tôi về văn học. Những tác giả được ghi trong chương trình như Tôn Thọ Tường, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… đã bị tôi gọi là “lũ bán nước” hết sức gay gắt. Còn đối với những vấn đề có liên hệ đến thực tế, trên một bục giảng của một trường học vẫn do chế độ Sài Gòn quản lý, trong số học sinh lại không thiếu gì người có cha mẹ là công chức hoặc cảnh sát, tôi đã tìm cách diễn đạt ý mình một cách phù hợp. Lúc bấy giờ ở Sài Gòn xuất hiện một số tờ báo của trí thức cổ vũ cho cái mà họ gọi là “cách mạng xã hội không cộng sản” (đặc biệt những bài viết của Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung) phê phán chính sách can thiệp bằng quân sự của Mỹ vào miền Nam rất mạnh mẽ. Tôi đã khai thác triệt để cách lập luận này để làm cho học sinh có một cái nhìn tích cực hơn về chủ nghĩa cộng sản, đi ngược hẳn với những gì mà chế độ Sài Gòn từ trước đến nay vẫn tuyên truyền: cộng sản không phải là cái ác, cái xấu mà đã phát sinh từ bất công áp bức, nếu những người không theo chủ nghĩa cộng sản từ chối làm cuộc cách mạng có nội dung tương tự thì sẽ tự mình đánh mất chính nghĩa mà xưa nay vẫn rêu rao. Tác động của lập luận ấy là quá rõ ràng: nó vừa hợp lý hóa cuộc đấu tranh bất hợp pháp của những người cộng sản lại vừa tạo ra lý do chính đáng để kích động những hành vi chống lại một cách công khai các chế độ thối nát lúc bấy giờ. Ngay trong trường học của chúng tôi cũng đã diễn ra một cuộc đấu tranh có ý nghĩa như vậy. Lúc bấy giờ Bộ giáo dục đưa một hiệu trưởng mới về. Ông này không lớn hơn chúng tôi bao nhiêu nhưng ỷ thế là người địa phương, quen biết với mấy quan chức ở Tỉnh, nên đã đề nghị trả về Bộ giáo dục một thầy giáo phụ trách lớp đã không đồng ý với việc ông ta tự tiện cho một học sinh, đáng lẽ đã bị đuổi, ở lại học tiếp. Vấn đề đáng chú ý ở đây là phụ huynh của học sinh ấy lại không phải là dân dã mà là một phó tỉnh trưởng. Một sự kiện như vậy, nếu xảy ra mấy năm về trước có lẽ sẽ chẳng gây ra được sự phản ứng nào. Nhưng trước sự lộn xộn và bất ổn của những chính quyền sau Diệm, nhân danh ngôn ngữ “cách mạng” thời thượng sau 1963, chúng tôi đã làm đơn xin chữ ký của giáo viên đưa lên Bộ xin can thiệp cho người bạn, đồng thời tố cáo sự lạm quyền của ông hiệu trưởng. Cuộc đấu tranh kéo dài một thời gian cuối cùng chấm dứt bằng một giải pháp rất ngoạn mục: người bạn của chúng tôi bị đổi về một nhiệm sở gần Sài Gòn hơn, trong khi ông hiệu trưởng của chúng tôi lại phải rời bỏ chức vụ, phải đi lính. Tình thế mới cũng đã làm cho các hoạt động khác, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí được tự do hơn trước rất nhiều. Cùng với việc dạy học, tôi bắt đầu viết nhiều hơn. Ban đầu dự định hoàn thành cuốn biên khảo về lý luận văn học mà tôi đã phác thảo khi mới ra trường, nhưng sau do tác động của những biến chuyển chính trị dồn dập, tôi đã chuyển sang viết những bài có tính cách thời sự. Sau khi một số bài viết về giáo dục xuất hiện, tôi được thư của anh Vũ Hạnh có ý khuyên tôi nên viết nhiều về lý luận phê bình văn học và mời tôi hợp tác với tờ Tin Văn sắp sửa ra mắt. Tất cả những công việc mà tôi đang làm đã từng bước dẫn tôi trở về với con đường bỏ dở từ hồi còn làm ở Bason. Phong trào đô thị sau một thời gian tạm thời bị gián đoạn vì bị đàn áp và phải giãn ra nông thôn thì sau 1963 đã trở về trong một tư thế mạnh mẽ hơn nhiều. Tôi đã nương theo tình thế ấy để tự mình hoạt động, nhưng vì đã hoạt động trong chính cái môi trường mà cách mạng có thể xen vào nên mọi việc đều đã được các cán bộ phụ trách đô thị từ Long Xuyên đến Sài Gòn theo dõi để tìm cách móc nối. Hiển nhiên trong những liên hệ ấy, mật thiết nhất vẫn là tờ Tin Văn vì tôi đã trở thành cây bút chủ lực về phê bình của nó. Về sau nay dần dà tôi đã đoán biết được Tin Văn do Nguyễn Ngọc Lương làm chủ bút, Vũ Hạnh và Hà Kiều điều hành chính là một trong những tờ báo do Khu uỷ Sài Gòn Gia Định chỉ đạo trực tiếp về đường lối, bài vở và cả tài chính nữa. Nhưng điều đó chẳng hề làm tôi ngán ngại. Tôi đã làm hết mình những gì mà phong trào cần tới, từ việc tham gia Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc đến việc xuống các tỉnh thuyết trình vận động một nền “giáo dục dân tộc” cho Hội Liên Hiệp Giáo Chức, Hội Bảo vệ Nhân phẩm và Quyền lợi phụ nữ. Lúc bấy giờ quân Mỹ đã đổ vào miền Nam rất đông, tinh thần dân tộc cũng trỗi dậy trong các từng lớp quần chúng, nên phong trào đã lan từ Sài Gòn, xuống các tỉnh miền Tây (Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên) và các tỉnh miền Trung, rất mạnh mẽ ở Huế. Vào thời gian hợp tác với tờ Tin Văn, tôi đã gặp một vài người mà qua cung cách ăn nói, ứng xử tôi nghi là cán bộ từ ngoài vào để chỉ đạo trực tiếp phong trào, trong số những người này có Hai Vũ (sau này tôi biết tên thật là Tài, không rõ họ gì) là gần gũi nhất và kế đó là một người khác mà mãi sau này tôi biết được là Nguyễn Văn Bổng. Hai Vũ đã xuống tận nhà tôi ở Long Xuyên để gửi quà Tết, cho tôi mượn một số sách mácxít tiếng Pháp (tôi còn giữ của anh cuốn L’art et la vie sociale của Plékhanov). Một vài năm sau, tôi nghe nói anh đã bị bắt và đã chết trong tù. Cùng với anh Nghĩa thời Hướng đạo, Hai Vũ là người tôi rất quý mến và chẳng bao giờ quên. Phong trào lên rất cao vào những năm 1966-1967 thì bị bể bạc: hầu hết các cán bộ chỉ đạo bí mật như Hai Vũ, Hoàng Hà cùng với các nồng cốt của những hoạt động công khai trong Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc như Vũ Hạnh, Lê Văn Giáp, Nguyễn Ngọc Lương, Thái Bạch … đều lần lượt bị bắt. Tờ Tin Văn bị đình bản. Tên tôi đã bị báo Sống của Chu Tử liên tục lôi ra chửi bới thậm tệ. Nhưng bấy giờ do không trực tiếp đến tổ chức và bị khai báo nên tôi vẫn tiếp tục được công việc của mình bằng cách hợp tác với nhóm “công giáo cấp tiến” của Thế Nguyên. Nhóm này có những cơ sở hoạt động rộng lớn với một nhà xuất bản và một loạt các tạp chí như Trình bày, Đất nước, Nghiên cứu văn học cùng với nhật báo Làm dân có quan điểm chính trị khá rõ rệt: chống độc tài, chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, chấm dứt chiến tranh. Sau khi đăng cho tôi một số bài trên Đất nước, Nghiên cứu văn học, năm 1967, chính Thế Nguyên đã đề nghị tôi gom lại một số bài đã viết để nhà Trình bày xuất bản, và đó là tập Mấy vấn đề văn nghệ. Sau này, tôi biết Thế Nguyên đã trở thành cơ sở của cách mạng, có ra bưng họp. Anh chết cách đây mấy năm hết sức vô lí: dùng dao lam cắt một mụn cóc và bị nhiễm phong đòn gánh. Những năm hoạt động này đã đẩy tôi hướng hẳn về viết phê bình, công việc mà tôi còn giữ mãi cho đến ngày nay – không phải chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn học mà còn động chạm đến những vấn đề rộng lớn hơn như văn hoá, chính trị, triết học nữa. Sau 1975 khi có dịp đọc lại những gì đã viết ra trong thời kỳ ấy, tôi ngạc nhiên không hiểu sao cái phong cách luận chiến dữ dội có phần đơn giản của tôi lại được nhiều thanh niên trong phong trào tranh đấu lúc bấy giờ rất thích! Có lẽ do nó đã ra đời trong một hoàn cảnh không bình thường của đất nước. Tất cả được dàn ra thành hai chiến tuyến – ta và địch, bên đây và bên kia, chính và tà, dân tộc và ngoại lai, cướp nước và bán nước, tiến bộ và đồi truỵ… – cứ dựa vào đó để phân tích và lý giải tất cả, từ kinh tế, chính trị, xã hội cho đến văn chương, nghệ thuật, lòng người. Y như ở bãi chiến trường: phải chia ra hai phe rạch ròi thì mới có thể nổ súng vào nhau được. Ảnh hưởng của miền Bắc đối với những bài viết ấy là khá rõ ràng. Đối với tôi vào lúc bấy giờ, cái miền Bắc của thời thơ dại mà khi từ giã nó tôi không mang theo được ấn tượng gì đáng kể ngoài cái ký ức về một ngôi nhà cô quạnh bên một đồng lúa mênh mông, cái miền Bắc ấy hiện nay đang vọng tới tôi như một miền đất đã hiện thực hóa cái giấc mơ của tôi trong thời kỳ đi Hướng đạo và làm công nhân: một thế giới tuy còn nghèo khó nhưng ở đó mọi người đã là anh em với nhau rồi. Tất cả những điều này đã đến với tôi qua cái đài phát thanh Hà Nội mà đêm đêm tôi áp tai vào. Học thuyết Marx đối với tôi bấy giờ là tiếng gọi của miền đất đó chứ không còn là lý luận của những triêt gia R. Garaudy hay J. P. Sartre nữa. Vì thế tất cả những gì mà miền Bắc viết về văn nghệ, học thuật khi đến tay tôi đều được tôi tiếp thu hầu như nguyên vẹn để làm thành ra cái của mình trong một hoàn cảnh khác. Cũng hừng hực căm thù, cũng rần rần xốc tới. Và cũng vẫn là cái cung cách sát phạt của những kẻ quá tự tin vào chính nghĩa của mình. Hễ cái gì không phải là ta thì là địch: nếu ta là Quang Trung nông dân áo vải thì địch phải là Gia Long theo Phú Lang Sa, nếu ta là Nguyễn Trung Trực yêu nước thì Phan Thanh Giản phải là “mãi quốc”… tất cả đều như vậy cho đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Trần Trọng Kim v.v. và v.v…. Và về phần tôi, điều làm tôi khó chịu nhất khi đọc lại một số bài viết của mình khi ấy là cái giọng lên mặt “đạo đức”! Có lẽ khi ngồi chung với các cụ “bảo vệ văn hóa dân tộc” tôi đã bị ảnh hưởng vì nhập vai chăng? Lúc bấy giờ là cuối năm 1967, gần đến Tết Mậu thân. Tôi không về Sài Gòn được vì vợ tôi đang sinh cho tôi đứa con thứ hai. Tôi vừa đặt tên xong cho nó thì được tin súng đã nổ vào toàn bộ các thành phố lớn trong đó có Huế và Sài Gòn. Áp tai vào cái radio, tôi biết đây là cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” nhằm mục đích “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” như lời hiệu triệu đầu năm của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Suốt mấy tháng không về Sài Gòn tôi không biết hết ý nghĩa của sự biến ghê gớm này là gì: chẳng lẽ lại như Quang Trung kéo rốc quân về đẩy ra biển hết nửa triệu quân Mỹ được trang bị đến tận răng bằng những vũ khí giết người cực kỳ hiện đại? Long Xuyên cũng là một thành phố, liệu thành phố này có nằm trong mục tiêu tấn công không? Nếu có tôi phải ứng xử như thế nào? Nhưng không hiểu sao ở đây chẳng có gì xảy ra cả. Tôi chỉ biết theo dõi tính hình qua các đài phát thanh suốt cả tháng cho đến một hôm ra bến xe hỏi thăm thì biết đường về Sài Gòn đã thông rồi. Lúc bấy giờ, các trường học phải đóng cửa vì sự biến Mậu Thân, tôi đưa gia đình về Sài Gòn nhân đó gặp anh em xem tình hình ra sao. Trên đường tôi đã chứng kiến tận mắt những đồn bót dọc đường bị đốt phá, thỉnh thoảng tắc một đoạn vì bị đắp mô, nhưng nói chung, vì là ban ngày nên không có chuyện gì quan trọng xảy ra. Về Sài Gòn tôi đến ngay đường Nguyễn Thông nối dài (nơi tôi biết mấy anh ấy thường lui tới) thì gặp Nguyễn Khắc Vỹ (đang làm việc cho tờ Tin Văn). Vỹ cho biết chỗ mà tôi đang ngồi với anh đã là một “lõm giải phóng” rồi có nghĩa đã tự do rồi, muốn nói gì thì nói không cần phải thậm thụt nữa. Nói xong Vỹ cười hể hả và kể chuyện một anh hàng xóm, đi đâu cũng vác “cái đài giải phóng” theo, mở oang oang cho mọi người cùng nghe, tới chỗ nào nhạc đánh bài “Tiểu đoàn 307” là vành tai đặc biệt của anh có thể bật lên bật lên bật xuống đánh nhịp theo! Không biết thực hư như thế nào, tôi vẫn cứ rộn lên! Sau đó tôi gặp anh Tám Nhàn (bí danh của Nguyễn Văn Bổng) và được biết cuộc “tổng tấn công nổi dậy” này có mục đích làm chuyển biến tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, bắt Mỹ phải quay về thế thụ động chiến lược tạo điều kiện cho nhân dân nổi lên làm chủ. Cuộc tấn công ấy sẽ gồm có nhiều đợt, “đợt sau đau hơn đợt trước”, và bây giờ chúng ta đang chuẩn bị đợt mới! Anh đề nghị tôi kiếm cho anh một chỗ bí mật để anh ở tạm. Tôi đến nhà ông anh họ ở đường Hùng Vương nhờ giúp cho việc đó. Ông này là người từng hoạt động trong thời Pháp thuộc đã bị bắt nhốt ở bót Catinat, nay vẫn ủng hộ cách mạng hết mình nên chấp nhận ngay. Về nhà chờ mãi không thấy chiếm được thành phố tôi nôn nóng chẳng biết làm gì nên tìm bài viết của Lênin nói về khởi nghĩa viết bằng tiếng Pháp xem phải làm gì để dứt điểm cho nhanh! Đọc xong tôi càng bồn chồn hơn: không biết các ông ấy có đọc Lênin không! Bứt rứt mãi về chuyện đó thì một hôm tôi được nhắn tin anh Tám Nhàn muốn gặp. Anh cho tôi biết một tin làm tôi bàng hoàng: “ngoài đó” đang gọi tôi ra luôn vì rất cần. Tôi không nói gì, không hỏi lý do, nhưng trong bụng rối bời không biết làm sao để nói với vợ tôi chuyện động trời này: cô ta từ khi lấy tôi cho đến giờ chỉ lo chuyện gia đình bếp núc, tiền bạc không dư dả, làm sao có thể nuôi nổi hai đứa con trong đó có một đứa vừa ba tháng! Nhưng tôi không nói những băn khoăn ấy với anh. Tôi trở về nhà ủ rũ không biết sẽ phải giải quyết như thế nào. Cuối cùng tôi quyết định nói hết với vợ tôi mọi việc. Sau một ngày khóc lóc thảm thiết, không ăn không ngủ, vợ tôi bằng lòng để tôi đi. Sau này cô ấy nói với tôi một câu trách móc với một giọng điệu tuyệt vời có thể có được ở một người phụ nữ: không để anh đi anh sẽ nhằn em suốt đời, chịu sao nổi! Thế là không kịp về Long Xuyên, tôi từ biệt Sài Gòn, lòng nặng như chì!
5.
Tôi đến đúng giờ hẹn tại một bến xe gần Ngã tư Phú nhuận. Chỉ chừng vài phút sau đã thấy một người đàn bà lạ, tay xách giỏ, đội nón lá đến gần tôi và hỏi: phải anh Năm đó không? Tôi đáp lại đúng mật khẩu mà anh Tám Nhàn đã dặn, rồi cứ thế lẽo đẽo theo chị lên một chiếc xe lam ngồi chờ. Đổi xe mấy lần qua những con đường quen thuộc, đi về hướng Tây, qua cầu Bến Lức một đoạn thì ngừng lại. Thấy chị xuống xe, tôi cũng xuống theo. Vừa qua khỏi một ngôi nhà hoang thì bỗng ở trong đó ùa ra một đám lính Sài Gòn súng ống đầy người, chặn tôi lại và hỏi đi đâu. Tôi nói tôi dạy học tiện ngang rủ một người bạn cùng đi, tôi nói đại một tên nào đó mà tôi quen ở Long Xuyên và bịa ra một ông bác nào đó đang ở trong kia, xong móc giấy ra cho họ xem. Nhìn thấy cờ ba sọc trên cái thẻ chức vụ của tôi, đám lính để tôi đi ngay. Tôi hơi lo vì không còn thấy bóng người giao liên. Nhưng chỉ một đoạn ngắn nữa, vừa qua một chòi lá thì thấy chị đã ở đó và ngoắt tôi vào. Một người đàn ông đưa ngay cho tôi một bộ quần áo đen bảo tôi thay, vội vã dẫn tôi qua một cánh đồng, có mấy chiếc trực thăng đang quần trên đầu và thấp thoáng dưới những hàng dừa là những người mặc áo đen cầm súng AK. Phải chăng đây đã là vùng giải phóng rồi? Chỉ cách Quốc lộ 4 chưa tới một cây số và không xa Sài Gòn bao nhiêu! Nỗi phiền muộn về gia đình đột nhiên tan biến để nhường cho một sự nao nức nửa lo âu nửa thích thú trước cuộc phiêu lưu mới mẻ. Trên đầu tôi chiếc trực thăng vẫn phành phạch. Tôi được đưa vào một ngôi nhà bỏ hoang ở sâu hơn và ở đó tôi được hai cán bộ một tên là Hai Ngọ một tên là Bảy Kiến tiếp đón. Tôi được cho biết là hiện giờ lính Sài Gòn đang đi càn, chưa thể tới chỗ anh Tư Ánh được, tôi hãy tạm ở đây. Các anh vừa nói xong và tôi chưa biết anh Tư Ánh là ai thì trên đầu chúng tôi đã ầm ầm một đoàn trực thăng ùa tới. Một anh bảo vệ dẫn tôi vào khu dừa nước sau nhà để “chém vè”. Khi vừa vào tôi gặp ngay một thư sinh ngồi sẵn ở đó và tự giới thiệu là Hồ Hữu Nhật. Nhật bảo tôi một cách khá sành sõi: không thấy công sự đâu, ông dúi xuống để bảo vệ cái đầu. Khi Nhật vừa nói xong thì ngay trên đầu chúng tôi rần rần một chiếc trực thăng xáp tới cùng với những tiếng đại liên bắn xối xả. Vòng qua vòng lại thật lâu mới lảng ra. Khi tôi ngóc đầu dậy thì thấy trước mặt tôi đầy các vết đạn, vết ghim xuống bùn, vết xé nát các bặp dừa cách tôi chừng hơn vài gang tay. Ngày đầu tiên tôi vào chiến khu là như vậy đấy: chẳng có chút nào thơ mộng như những bài hát năm xưa. Chiều hôm đó tôi được dẫn tới một ngôi nhà bỏ hoang khác. Ở đó tôi gặp anh Tư Ánh và mới biết được Tư Ánh là Trần Bạch Đằng, bí thư Y4 (khu Sài Gòn Gia Định). Anh nói với tôi về những bài viết trong Tin Văn mà anh có đọc sau đó cho tôi biết về một hội nghị sắp tới sẽ được tổ chức ở đây có nhiều trí thức nhân sĩ trong thành ra họp để bàn về một giải pháp chính trị cho tình hình mới, trong những người tham dự loáng thoáng một số tên mà tôi đã nghe như Thiếu Sơn, Nguyễn Ngọc Lan (bấy giờ còn là linh mục), Châu Tâm Luân, bà Thu Nga... Thật sự tôi không chú ý nhiều lắm đến cái gọi là hội nghị ấy mà lại để ý nhiều hơn cái thực thể gọi là “vùng giải phóng” bây giờ mới thấy tận mắt. Cũng những chàng trai những cô gái mà tôi có thể bắt gặp bất cứ nơi nào trên đất nước nhưng ở đây họ có vẻ giản dị, dễ thương. Không căng thẳng, gồng gân như người ta có thể nghĩ. Súng ống đầy người với những AK, CKC, B40, K54 nhưng trông không dữ dằn một chút nào. Có một cô gái mang cây AK nhưng lại đèo thêm một một bàn máy đánh chữ vì cô là thư ký đánh máy. Và cô uốn tóc quăn. Kế bên cô là một thanh niên mảnh mai như một thư sinh và anh này đang sử dụng điện đài. Ở đây một hôm, tôi xáp vào vào đám trẻ này ngay, bảo họ cho tôi xem súng AK, nhờ họ dạy tôi cách cầm, cách ngắm rồi sau đó nhờ họ hớt tóc nữa. Và điều hết sức ngạc nhiên đối với tôi là xung quanh cái cơ quan làm việc này lại lảng vảng mấy đứa trẻ mặc quần xà lỏn rề rà bám theo. Một anh bảo vệ nói với tôi điều đã làm tôi ngạc nhiên hơn nữa: thằng nhỏ đó đi theo hoài, nó năn nỉ tụi em cho nó đi bộ đội! Một thằng nhóc, nếu mang cây CKC vào người thì súng có thể sẽ cao hơn chiều cao của thân hình của nó, vậy mà muốn đi bộ đội! Cái gì đã thúc đẩy nó vậy? Phải chăng nó đã nhầm lẫn chiến tranh với cuộc chơi? Có điều gì giống với những ám ảnh ngày xưa của tôi không? Tôi không rõ. Nhưng sau này khi đã ở thêm một thời gian nữa tôi biết đã rất có nhiều đứa trẻ đi làm “cách mạng” như vậy. Tình hình vẫn không ổn. Tôi được biết trận càn vẫn còn tiếp tục, ngoài đại bác, trực thăng, bộ binh còn có cả xe tăng nữa. Thế là sau một đêm nhức nhối và mệt mỏi nữa vì phải ngủ trên võng, với những tiếng đại bác ùng oàng không ngừng nghỉ, sáng hôm sau chúng tôi lại phải thức dậy sớm để đi chém vè. Chúng tôi đi trên những chiếc xuồng leo lách qua những con lạch và trên đầu chúng tôi thì vẫn là tiếng trực thăng ồn ào hăm doạ. Vẫn là những lùm dừa nước có những công sự (hầm để núp và chiến đấu) mà chúng tôi phải ngồi gần để khi cần thì nhẩy vào tránh pháo. Nhưng lần này không khí lại có vẻ khiếp đảm hơn nhiều lần: văng vẳng ở ngoài đồng là tiếng la của bọn lính đi càn, vọng tới chỗ tôi ngồi y như là tiếng kêu của Thần chết. Sau này tôi mới biết đó chỉ là trò chiến tranh tâm lý thôi. Và như vậy là hội nghị không thành. Nghe nói một số người đã đi về. Tôi là một trong số người phải ở lại vì hôm đó Đài phát thanh giải phóng đã công bố tên tôi như một thành viên của Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định do Hồ Hữu Nhật làm Tổng thư ký, chẳng ít lâu sau là thành viên của một tổ chức mới nữa tên là Liên minh các Lực lượng dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam (khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định), ra đời sau Liên Minh Trung ương và Liên Minh Huế. Đêm hôm ấy, nghe tiếng súng nổ rần rần ở ngoài phía bót, tôi áng chừng rằng đang có đợt tấn công mới và có ý trông chờ một cái gì đó ngoạn mục hơn sẽ xảy ra. Nhưng rồi sáng hôm sau và vài hôm sau nữa tình hình vẫn không có gì biến chuyển, tôi được chuyển về một nơi ở khác, đi đứng không biết như thế nào mà lọt xuống mương ướt hết đồ đạc trong đó có cái radio nhỏ mà tôi mang theo. Khi đã khô ráo rồi, tôi rất phấn chấn vì gặp lại được anh Tám Nhàn và Hoàng Hà (hai người tôi đã gặp ở Sài Gòn) cùng một số nhà văn nhà thơ như Viễn Phương, Rum Bảo Việt, Lê Văn Thảo … Sau đó tôi gặp thêm Ca Lê Hiến và Hồng Tân mới từ ngoài Bắc vào, xuống đây đi thực tế, nhưng chỉ vài hôm sau thôi, tôi bàng hoàng vì nghe tin hai anh chết trong một trận càn ở một xã kế bên: theo lời thuật của Lê Văn Thảo thì vì thiếu kinh nghiệm, nên hai người đã ngộp thở trong hầm bí mật. Tôi được một bảo vệ đi theo giúp đỡ và được bố trí vào một nhà dân cũng thuộc vùng xôi đậu như trước, nghĩa là một nơi luôn luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng để tránh pháo và chém vè. Nhưng lần này có điều mới hơn: tôi được phát cho một số đồ tuỳ thân để trở thành một “VC” chính hiệu: bà ba đen, khăn rằng quấn cổ, hông đeo súng K54, bên nách tòong teeng “cái đài”, còn tóc thì xựng lên như rễ tre … Không biết đứa con gái 4 tuổi mà tôi đã bỏ nó ra đi khi nhìn thấy tôi trong bộ dạng như thế này nó có nhận ra ba nó không? Ở vùng xôi đậu này một thời gian tôi hiểu được phần nào thái độ của người nông dân với cuộc chiến tranh. Hầu hết họ là những người tự mình canh tác lấy ruộng vườn để sinh sống, và không hề có phương tiện nào khác để sinh sống. Sở dĩ họ chấp nhận ở lại vùng xôi đậu này cũng chỉ vì lý do duy nhất đó. Sự ở lại của họ như vậy khởi đầu chỉ là vì thụ động, sinh kế và thói quen chứ chẳng có gì là cao xa cả. Đề cao họ là “yêu nước” hay “cách mạng” ngay từ đầu là không xác đáng bởi vì yêu nước hay cách mạng hay không là chuyện đến sau, nó tùy thuộc vào thái độ của những thế lực chính trị đã đến với họ như thế nào. Điều hiển nhiên mà tôi trông thấy tận mắt là bên cách mạng đối xử với họ rất tốt, có lẽ chỉ đơn giản là vì cách mạng chưa có một guồng máy cai trị từ trên xuống dưới: cái mà người ta gọi là “chính quyền cách mạng” ở đây thực sự chỉ là người bí thư xã, anh du kích, ăn cơm nhà rồi đi vận động dân đóng góp cho cách mạng, chứ chẳng hề ra một chỉ thị hay mệnh lệnh nào cả. Một “chính quyền” như vậy hoàn toàn khác về bản chất với tất cả những chính quyền đã trở thành nhà nước. Ở vùng này tôi đã chứng kiến tận mắt cách ứng xử của của cái gọi là “chính quyền quốc gia” đồng minh với Mỹ là như thế nào. Đêm đêm bắn pháo bừa bãi vào các vùng dân cư bị nghi ngờ là có VC, còn đi càn thì cướp bóc vơ vét trắng: người sống ở đây không còn là dân thường nữa mà đã bị đồng hóa thành những VC tất cả. Sự kiện lính Mỹ giết những người dân ở Sơn Mỹ vùng xôi đậu có VC ẩn nấp chỉ là sự phát triển đến đỉnh cao của cái lôgic ấy: “chinh phục trái tim khối óc nhân dân” không được thì trong nhiều trường hợp đốt sạch và giết sạch. Nhận xét này nhiều chuyên gia chống nổi dậy của Mỹ cũng đã viết ra. Tôi là người chứng kiến và cho rằng chính thái độ đó đã đẩy người dân về phía VC: từ chỗ ban đầu cho chúng tôi mượn nhà để ở, cho chúng tôi mượn nồi niêu xoong chảo để nấu nướng họ đã tiến tới chỗ chấp nhận ở lại cùng hứng chịu bom đạn rồi đóng góp cho kháng chiến tiền bạc lẫn những đứa con của mình. Ở đây tôi đã nhiều lần nhìn thấy tận mắt vào các buổi chiều khi trời vừa chạng vạng từng đoàn và từng đoàn những thanh niên nam nữ nối đuôi nhau đi đến tận biên giới Việt Nam – Campuchia tải súng đạn về phục vụ cho các chiến dịch tấn công. Và đó không phải là những chuyến đi bình thường: pháo điểm, máy bay trực thăng, biệt kích luôn luôn theo dấu chân của họ và sư hy sinh của họ không phải là ít. Tôi chưa biết tôi sẽ làm gì trong những ngày sắp tới nhưng đã bắt đầu nghiệm ra được một bài học mới về thời gian: thời gian ở đây dường như đã ngừng lại. Tôi không còn có thói quen nhìn vào cái đồng hồ đeo trên tay như hồi còn ở thành phố nữa: nó không còn cần thiết vì không có cái gì có thể nhanh chóng hay đúng kế hoạch được ở đây, dù chỉ di chuyển từ xã này đến xã kia chưa tới một cây số. Trước mặt tôi là một cuộc chiến tranh và chúng tôi đang có mặt trong một vùng tranh chấp quyết liệt sau Mậu Thân ở đó bom đạn có thể rơi vào đầu mình bất cứ lúc nào, ở dưới đất lẫn cả trên trời, lơ mơ là chết như không. Tôi không biết làm gì hơn là đi ra đi vào, không có gì để làm, không có sách để đọc, chỉ có cái radio lúc nào cũng dính chặt bên người, đợi chờ, căng thẳng. Cho đến một hôm anh Tám Nhàn đến cho tôi hay cấp uỷ sắp làm lễ kết nạp tôi vào Đảng. Tôi cũng đã mang máng biết được điều này vì hồi còn ở Sài Gòn, Hai Vũ đã gợi ý với tôi rồi. Có lẽ anh ấy đã giới thiệu tôi với anh Tám Nhàn để khi ra đây sẽ làm thủ tục kết nạp. Tôi còn nhớ rõ đó là ngày ngày 19–5, sinh nhật của Hồ Chủ tịch; và dự buổi lễ ấy có Rum Bảo Việt, Nguyễn Văn Bổng, Viễn Phương, Lê Văn Thảo và người đại điện cho Thành uỷ lúc ấy là Trần Trọng Tân. Tôi đọc cái đơn đã viết sẵn, hứa sẽ phấn đầu để trở thành một đảng viên gương mẫu. Trần Trọng Tân phát biểu, không nói nhiều mà chỉ nhắc tôi rằng con đường phấn đấu của một đảng viên là lâu dài, gian khổ, không phải hôm nay mà còn cả về sau, trong giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa nữa. Tôi im lặng lắng nghe, không mấy cảm động mà cũng không đủ kinh nghiệm để hiểu hết ý nghĩa của những ám chỉ trong lời nói của anh ấy. Tôi bỗng thấy dâng lên trong tôi một cái gì đó giống như cảm giác của một người từ dưới đất nhìn lên một cái vòm cao: nôn nao vì thăm thẳm và mịt mùng. Duy chỉ một ý nghĩ xuất hiện nhiều lần trong đầu, dường như không xa lạ với tôi bao nhiêu: đã dấn thân rồi thì phải đi đến cho tận cùng! Ở chỗ này thêm vài ngày nữa, tôi được anh Tám Nhàn cho biết anh sẽ cùng tôi đi về hậu cứ Ba Thu (thường được báo chí Sài Gòn gọi là Mỏ Vẹt) nằm trên Kampuchia, đất “bạn”. Trước khi đi anh bảo tôi nên sắp xếp cho gọn nhẹ hành trang lại vì đường rất xa. Tôi lục lọi mọi thứ trong giỏ đã mang theo từ Sài Gòn ra: tất cả quần áo, giày vớ, cả cái hộp quẹt gaz, đem cho hết, riêng cái sơ mi màu xanh thì cho Lê Văn Thảo, chỉ giữ lại một cái áo len do vợ tôi đan cùng với tập Lênin bằng tiếng Pháp dầy cộm trong đó có bài viết về khởi nghĩa: anh Tám Nhàn thấy vậy cười ngất, bảo tôi nên bỏ cuốn sách lại, về trên ấy có cả thư viện tha hồ mà đọc.
6.
Con đường về Ba Thu đối với tôi thật là gian nan. Cái chân gẫy phải bó bột 8 tháng nay đã lành, nhưng những khớp vẫn chưa mềm mại lại để đi đứng hoàn toàn bình thường. Với cái chân đó mà nghe phổ biến là phải đi bộ suốt một đêm không nghỉ, tôi bắt đầu thấy ớn. Nhưng không thế nào khác được rồi. Trước hết phải vượt qua lộ 4, sang chỗ tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông. Lính Mỹ và quân đội Sài Gòn biết rất rõ đây là ngõ xâm nhập của quân giải phóng từ biên giới về nên đã dùng kẽm gai và mìn gài hai bên vệ đường, trong khi đó thì đêm đến liên tục cho xe tuần tiễu qua lại rọi đèn canh gác. Để qua được, trạm giao liên phải cho trinh sát đi bám hàng ngày, cắt dây kẽm gai và gỡ mìn trước rồi mới đưa khách qua. Được thông tin trước như vậy không thể không lo sợ hồi hộp, nhưng khi vào cuộc rồi tôi mới biết mọi việc cũng không có gì là gay cấn và ghê gớm lắm. Khi trời nhá nhem tối, tất cả những người mà trạm giao liên gọi là “khách” – bao gồm tất cả những cá nhân và đơn vị, trong đó có cả đoàn dân công – đều phải tập hợp vào một địa điểm nào đó để sinh hoạt (phổ biến những quy định về đi đứng) rồi sau đó nối đuôi nhau lên đường. Trời bấy giờ chưa tối hẳn, nên chúng tôi được cho tắp vào một bụi tre bên một căn nhà nhìn thẳng ra Quốc lộ 4 để chờ đợi. Nhìn thấy con đường trải nhựa xanh ngoằng ngoèo trên đó có những chiếc xe đò bò chậm chạp, lòng tôi bỗng thấy xốn xang như muốn khóc. Đấy chính là con đường quen thuộc của tôi, là con đường tôi đã qua lại không biết bao lần để đến Long Xuyên dạy học, là con đường mà mới hôm nào đây tôi đã đưa gia đình về Sài Gòn, con đường ấy bây giờ đã thuộc về một thế giới khác rồi, nó cách xa tôi không phải bằng chiều dài của một không gian mà là sự ngăn cách của một tuyến lửa và cả sự phân liệt giữa những con người. Đột nhiên tôi bỗng nhớ nhà thật cồn cào: tôi không biết vợ tôi bây giờ đang làm gì để thích ứng với cuộc sống cô độc và khó khăn do tôi để lại, tôi không biết đứa con ba tháng, còn đỏ như một hạt máu lúc tôi bỏ đi, nay đã như thế nào rồi. Nhưng rồi trời tối dần và bóng tối dường như cũng đã xóa bớt cho tôi những xúc động buồn bã đột nhiên dâng tràn. Bám theo người đi trước, vượt qua cái phần hàng rào kẽm gai đã cắt xong, đạp lên tấm ny lông trải trên đường (để xoá dấu vết để lại), tôi đã sang được sang bên kia. Theo đoàn người tôi lao nhanh về lùm cây phía trước, lâng lâng như vừa có được một hạnh phúc nhỏ nhoi để thay thế cho cái u ám đã qua. Tôi tưởng chừng cứ như thế mà đi và chuẩn bị tinh thần để đi tiếp. Nhưng không phải như vậy: vừa nghỉ chân một chút, giao liên đã báo cho biết kinh Bo bo đang có biệt kích chốt, cho nên chuyến đi tạm dừng lại. Không biết cách nào mà bộ phận của anh Tám Nhàn lại tấp vào được một đơn vị của Y4 đang ém quân trong một đám dừa nước ven bờ Vàm Cỏ Đông, chuẩn bị cho một đợt tấn công mới nào đó. Điều lạ lùng đối với tôi là họ lại đóng quân trên một chỗ chẳng có một tấc đất nào mà chỉ toàn là những cây dừa nước, bên trên được bao phủ bằng những tàn lá đã bị bom đạn làm cho cháy khô xơ xác để nghi trang. Nhưng thật lạ lùng: ở đây vẫn có tất cả để làm nên một đời sống. Vẫn có cái lò dầu hôi để nấu cơm và nấu trà. Vẫn có cả bánh ngọt để thưởng thức và thuốc Ruby để đốt cho “thơm râu” nữa. Ở đây tôi gặp một cán bộ tên là Hai Ngọc, người xứ Quảng, cao lớn, đẹp trai, tóc bồng bềnh, miệng cười rất tươi. Cũng có một anh khác, dân Củ Chi, có lẽ là một nông dân, bàn tay hình như đã mất đi một hay hai ngón gì đó, luôn luôn đùa giỡn để lộ ra mấy chiếc răng vàng. Chính anh này chiều chiều đã chèo xuồng qua cái quán bên kia sông để đem về cho chúng tôi mọi thứ. Tôi không nhớ rõ anh tên gì nhưng về sau nghe dường như anh đã hy sinh trong một đợt “xuống đường”. Giăng cái võng ni lông giữa hai thân cây dừa nước, tôi nằm im cố gắng vui vẻ với anh em nhưng vẫn cứ bồn chồn, nơm nớp trông chờ căng thẳng. Mấy ngày sau, cuối cùng rồi đường cũng thông. Và như thường lệ tất cả đều bắt đầu vào những buổi chiều chạng vạng, lúc mà dường như đã thành quy luật, trời đất bỗng êm ả khác thường, không có tiếng pháo, tiếng súng hay tiếng máy bay. Và bây giờ chúng tôi đi bằng thuyền máy. Thuyền ào ào rẽ sóng ra con sông Vàm Cỏ, “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”, hai bên bờ bạt ngàn dừa nước nhưng đã mất gần hết màu xanh, chỉ có sự úa vàng tàn tạ vì bom pháo. Tôi có cảm tưởng như đang đi trong một thế giới chết, một thiên nhiên đã chết. Nhưng rồi lại là một sự lạ lùng nữa hiện ra trước mặt tôi: trong cái hoang vu đến rợn người này, cuộc sống vẫn thật diệu kỳ – vừa ra một đoạn thì thuyền đã gặp một số thuyền khác cũng ào ào như chúng tôi, cái đi xuôi cái đi ngược, tấp nập ồn ào như cảnh sông nước miền Tây, quá quen thuộc với tôi, ở đó người ta đi lại một cách yên ổn hòa bình. Nhưng chúng tôi đều biết rằng sự êm ả ở đây vào lúc này chỉ là rất tạm thời. Một chốc nữa thôi thì đại bác lại tiếp tục cái nhịp điệu “ru đêm” kinh hoàng của nó, những trực thăng sẽ lại pha đèn để bắn nát mọi thứ có sự sống của con người mà nó nhìn thấy trên giòng sông này. Vì thế những chuyến đi vào cái giờ giấc này bao giờ cũng vội vã, khẩn trương. Cho đến khi bóng tối đã bắt dầu phủ đen mọi thứ thì chúng tôi đã phải chấm dứt cuộc hành trình bằng đường sông để chuyển sang đi bộ. Vượt qua không biết bao những con đường nhỏ ngoằng ngoèo bao phủ bởi lau sậy và tre gai, chúng tôi đã đến được một mảnh đất bằng phẳng mà tôi được cho biết là nơi khởi đầu của con kinh tên là Bo bo thuộc Đồng Tháp Mười. Cuộc nghỉ chân thât là thoải mái, êm ả. Ở đây tôi đã nghe lời một người “khách” đi cùng đường múc nước kênh lên nấu với lá tràm để uống thay cho trà. Khát quá rán mà uống nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái mùi vừa chua vừa chát có mùi phèn của món giải khát độc đáo ấy. Tôi nằm dài ra nhìn trời, nghĩ tưởng vẩn vơ nhưng vẫn không sao xua đuổi được cái cảm gíác xa lạ, đơn độc trước cuộc phiêu lưu này. Tôi chập chờn thiếp đi một chút. Khi được đánh thúc dậy, tôi tưởng mình sẽ được tiếp tục đi trên cái bờ kênh phẳng lặng như chỗ tôi đang nằm. Nhưng không phải: muốn đi đến đích, chúng tôi phải lội suốt một đêm qua một vùng nước ngập cho đến đầu gối, có chỗ đến bụng, phải đạp lên những gốc tràm làm chảy máu chân, những chỗ trũng làm người ta té nhào. Trên là một vũ trụ trời màu đen, có sao hay không tôi không còn nhớ nổi. Còn dưới đất thì cũng là một vũ trụ nước màu đen mà tôi là trung tâm. Như trong một cơn mơ, tôi cứ bám vào cái bóng thấp thoáng trước mặt khua nước mà đi tới, không ký ức, không thời gian, không còn gì cả: chỉ còn đi và đi. Cái bồng đựng vật dụng linh tinh kéo tôi ngã xuống nước nhiều lần, tôi tháo ra đưa cho người bảo vệ mang giùm. Chỉ còn một cây K54 đeo lủng lẳng bên hông, lạch bạch va vào người nặng nề khó chịu, tôi cởi ra đưa cho người bảo vệ luôn. Và cứ như thế mà nhếch nhác tôi lệt bệt nhắc chân lên, đặt chân xuống, quờ quạng, liểng xiểng, tôi đi… Cái ý thức về tôi trong giờ phút ấy không có cái gì khác là cái ý thức đi, cái ý thức ấy lại gắn liền với một ý thức khác ngược lại là không đi nữa. Tôi đi nhưng tôi không đi nữa… cứ như thế tôi chỉ ước muốn có cách nào để tôi không đi nữa, nằm vật ra rồi sao cũng được, chết cũng được. Cái chân bị gẫy mấy năm trước đây dường như bị gẫy lại rồi chăng? Hay chỉ là hoang tưởng? Nhưng thật là sung sướng và sự sung sướng cũng y hệt như mơ: lúc tôi vừa muốn té nhào xuống thì nghe vẳng vẳng đằng trước có tiếng nói: nghỉ! Cố gắng đến một chỗ khô để nằm nhưng không biết làm sao mà tìm, tôi cứ lom khom đứng một hồi lâu, khi chân bớt đau mới lò dò đến gần một người cùng đoàn dựa vào anh ta. Tôi muốn ngủ mà không ngủ được, cứ chập chờn trong đầu những nước và nước, bùn và bùn… không biết bao lâu thì một tiếng gọi khủng khiếp đã lay tôi dậy: đi! Hai chân của tôi tê cứng đến không co vào cũng không duỗi ra được. Tôi phải cà nhắc cà nhắc một lúc thật lâu mới bám theo kịp những người đi trước. Nhưng rồi cũng không thể nào theo kịp nữa. Đoàn người ngày càng lúc càng cách xa tôi mãi cho đến lúc tôi chỉ thấy có tôi vật vã một mình, vừa đi lại vừa lê, vừa lê lại vừa nghỉ, cứ như thế cho đến khi ở chân trời đã bắt đầu le lói ánh nắng của vừng đông. Rán đi tới chút nữa anh Chín, coi chừng lộ lưng… Đó là tiếng của Mười Xê, người bảo vệ đã vác hộ tôi cái bồng, đeo hộ tôi cây súng suốt cả đoạn đường đã qua và bây giờ anh ta không hiểu sao vẫn tỉnh queo để nói với tôi câu nói dễ sợ đó. Thế rồi cả tiếng đồng hồ sau tôi cũng về đến Ba Thu và lúc ấy thì trời vừa sáng bét. Anh Tám Nhàn và những người cùng đoàn với tôi đã đến trước rất lâu và trông họ thật là hớn hở vì họ đang uống trà! Tôi cũng cố gượng cười rề rà đến chỗ họ ngồi. Tôi phục VC quá. Tôi cũng phục tôi quá! Câu nói này của tôi, anh Tám Nhàn hay nhắc lại mỗi khi có dịp, không biết để khen hay để chọc quê tôi. Thật sự thì lúc bấy giờ do tôi chưa quen thôi. Quen rồi thì những chuyến đi như vậy đã trở thành bình thường và sơ đẳng nhất để tạo ra được cuộc sống kháng chiến. Không có nó thì không có cơm gạo để nuôi quân. Không có chuyển quân. Không có liên lạc... Thật bình thường mà cũng thật là ghê gớm. Như những chuyến vượt Trường sơn của những người từ Bắc vào Nam ròng rã mấy tháng trời. Đói rét. Bệnh hoạn. Rắn rết. Bom đạn. Chết chóc. Nhưng rồi vẫn cứ đi chứ không thể dừng được. Dù rằng trong đoàn đi có người đã chết hoặc dù có người chưa chết nhưng nghĩ rằng mình có thể sẽ chết. Tớ chết! Tớ chết! Vinh quang cho các cậu! Sau này tôi nghe anh em cho biết câu nói luôn mồm ấy là của một hoạ sĩ từ Bắc vượt Trường sơn vào Nam chiến đấu. Những chuyến đi như vậy đối với tôi về sau, tuy chưa thể trở thành bình thường nhưng cũng đỡ khổ sở hơn rất nhiều. Và không hiểu sao mỗi lẫn có dịp lên đường như vậy tôi vẫn không thể nào không nghĩ ngợi về chúng suốt dọc đường. Một cái gì đó cũng không thể lấy những ngôn ngữ sáo rỗng về lòng tự hào hay danh dự có đủ thứ nội dung ra giải thích cho hết lẽ. Một cái gì sâu xa hơn nhiều, nó không hướng về cái chết (chết rồi thì chẳng biết thế nào là tự hào), nó cũng chẳng hướng về tương lai, về học thuyết này hay học thuyết nọ, về tập thể lớn hay nhỏ nào cả (vì quá xa vời trừu tượng). Có lẽ nó chỉ hướng về bản thân của mỗi con người khi con người ấy đối diện với mình vào những lúc cô đơn: dù chết hay dù sống thì đều cảm thấy được yên tâm với mình nhiều hơn. Trong những chuyến đi ấy, tôi thường nghe nhiều cán bộ già “tổng kết” rằng họ đang đi bằng đầu chứ không phải bằng chân nữa! Chân mệt rã rời không muốn đi nhưng đầu thì bảo phải cố mà đi! Tôi không biết có phải đó là cái lý do thâm sâu đã thúc đẩy những những con người mà tôi đã gặp hàng đêm ấy đi vào cuộc chiến tranh này hay không. Nhưng dù sao trong những năm tháng ấy, đối với tôi, Đảng cộng sản vẫn là người lãnh đạo thật tài ba: hơn tất cả những thực thể chính trị đã từng xuất hiện, họ đã tạo ra một động lực gì đó thật diệu kỳ để liên tiếp hơn một nửa thế kỷ, lôi ra khỏi nhà hết thế hệ này đến thế hệ khác, chấp nhận những chuyến đi xa, không màng đến tính mạng, tuổi thơ và cả những hạnh phúc đằm thắm nhất của một đời người.
7.
Ba Thu bây giờ đúng là một “hậu phương”. Thật êm ả chứ không bom pháo suốt ngày đêm như ở chiến trường. Nhưng thực sự thì bên ngoài cái vẻ yên tĩnh, ở đây vẫn diễn ra lặng lẽ sự chuẩn bị một cách khẩn trương mọi thứ cần thiết cho cuộc chiến tranh ở bên kia: dưỡng quân, chỉnh huấn, bổ sung, tiếp tế. Anh Tám Nhàn cho cất một cái chái sau nhà một Việt kiều, sau đó liên lạc với Tiểu ban Văn nghệ R, xin gửi xuống một đống sách đủ loại để mở một lớp tập huấn văn nghệ nho nhỏ để “bồi dưỡng” chúng tôi. Và thật là thú vị biết bao khi qua sự liên hệ của anh Tám Nhàn, tôi gặp lại được Nguyễn Khắc Vỹ và Hoài Hương (hai người cùng làm việc cho Tin Văn) từ trên R xuống cùng học cho vui và qua hai anh mà tôi biết rõ hơn về cái chết của Trần Quang Long và Trần Triệu Luật mà tôi nghe phong phanh khi còn ở bên dòng Vàm Cỏ Đông. Tôi gặp Trần Quang Long ở Mỹ Tho trong một mùa gác thi khi dạy học từ Quy Nhơn anh đổi vào Cần Thơ sau những cuộc tranh đấu và bị gẫy chân ở ngoài đó. Anh làm thơ và góp phần tạo ra một dòng thơ tranh đấu trong phong trào học sinh sinh viên ở các thành phố miền Nam trong những năm 1960-1970. Anh là con rể của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, nghe nói khi anh ra chiến khu ở nhà vợ anh đã bị bắt và sinh đứa con trai của anh trong tù. Trong một đêm gặp nhau năm đó ở Cần Thơ, tại nhà một người quen, sau khi rút phé với nhau một chặp, Long với lấy cây ghi ta và hát mấy bài tình ca thật ngọt ngào. Trần Triệu Luật tôi không thân bằng Trần Quang Long, nhưng cũng đã gặp nhiều lần ở tòa soạn Tin Văn và trong một số cuộc hội thảo. Anh được biết đến nhiều trong sinh viên miền Nam bấy giờ vì những bài chính luận về văn hóa chính trị với chủ đề “cách mạng xã hội không cộng sản” ảnh hưởng từ Nguyễn Văn Trung, về sau thì càng ngày càng ngả sang lập trường của phong trào sinh viên tranh đấu chống Mỹ, đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Nghe nói thuộc gia đình di cư vào Nam, cha anh làm việc trong Bộ chiêu hồi của Sài Gòn. Hai anh ra chiến khu sau cuộc tấn công đợt I, được đưa ngay lên R chỗ anh Huỳnh Tấn Phát cùng với rất nhiều trí thức nhân sĩ trong Liên Minh các Lực lương Dân tộc Dân chủ và Hoà bình.Trong một chuyến đi công tác bên Ban Tuyên Huấn R với Lê Hiếu Đằng, Trần Thiện Tứ, Lê Quang Lộc và một số người khác, do căn cứ của Tuyên Huấn bị phát hiện, hầm hai anh núp chung đã bị bom Mỹ thả trúng. Khi vào chiến khu tôi đã rất trông đợi gặp hai người mà tôi rất quý mến. Nếu còn sống thế nào nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau trong lớp học này. Gọi là lớp học cho nghiêm chỉnh chứ thật ra ở đây chẳng có bài giảng gì long trọng cả, chỉ có mấy gợi ý phác ra của anh Tám Nhàn để chúng tôi thảo luận. Và việc thảo luận này thật sự cũng chẳng có gì sâu sắc, nhiều lắm, với trình độ của mình, chúng tôi cũng chỉ nhắc lại những nguyên lý mà dở bất cứ cuốn sách lý luận phổ thông nào về văn nghệ mácxít ai cũng có thể tìm được.. Điều thú vị nhất đối với tôi là đã lại được vùi đầu vào sách vở. Và lần này còn thú vị hơn nhiều là loại sách mình đã thèm khát từ lâu. Một số sách lý luận, một số tác phẩm thơ và tiểu thuyết của những nhà văn kháng chiến trong Nam và ngoài Bắc, một số tác phẩm dịch của Liên xô… tuy không thật nhiều nhưng đủ để chúng tôi hình dung ra một cách khái quát về nền văn nghệ gọi là “cách mạng”, của ta và cả “phe ta”. Chúng tôi định đem ra thảo luận về một số tác phẩm cách mạng Việt Nam thì nghe tin lính K xuống đuổi Việt Nam về nước. Thật sự thì bấy giờ chính Sihanouk đã giúp đỡ Việt Nam hết mực: từ cảng Sihanoukville đến con đường Nam Vang-Hànội, và các vùng đất an toàn dọc theo biên giới …, nhưng vì muốn giữ danh nghĩa “trung lập” nên lâu lâu cũng cho lính xuống làm khó dễ một chút. Dù sao thì cũng phải dời đi nhưng với cái kết quả cực kỳ tai hại: cái thư viện mà anh Tám Nhàn xin được từ R xuống, chôn dấu không biết ra sao mà bị lính K phát hiện lấy hết. Thay vì ở nhà dân trong những vuông tre như trước đây, chúng tôi phải rút ra ngoài bưng trống trải. Cũng giống như những đơn vị khác, chỗ ở của bộ phận của chúng tôi là một cái chòi dựng trên bưng, mênh mông nước phèn trong suốt, buồn tình có thể ngồi suốt cả ngày nhìn bầy cá rô bé tí nhởn nhơ dưới chân mình. Hoài Hương đã thử đem cái mùng của anh định lưới chúng một mẻ nhưng chẳng được con nào cả. Trong khi đó thì có khách mới về ở chung với chúng tôi: anh này là Nguyễn Đăng Trừng, một lĩnh tụ sinh viên có lẽ bị bể nên chạy ra. Không viết lách, không đánh tu lơ khơ, suốt ngày ôm cuốn sách tiếng Anh văn vỡ lòng không biết tìm được ở đâu, miệng luôn uốn éo để luyện giọng. Sống trong điều kiện ấy, chúng tôi không có cách nào khác hơn là buộc phải tự nhốt mình suốt ngày trong căn chòi đó, lâu lâu muốn đi đâu thì chống xuồng mà đi. Ngoài những chuyến phải kéo rốc hết cả khu vực ra sát biên giới phơi nắng để né tránh đợt tuần tra của lính K, bình thường chúng tôi chẳng đi đâu cả, ngoại trừ đi ra tiệm kiếm chút hủ tíu, mua thuốc rê hoặc đi lòng vòng một chút cho giãn gân. Hầu hết thì giờ chúng tôi dành để đọc sách hoặc viết lách. Anh Tám Nhàn cho biết anh bắt đầu viết phác cho cuốn tiểu thuyết mới, tôi cũng rị mọ rặn ra được một bút kí về Sài Gòn gửi đang báo Văn nghệ giải phóng. Cố gắng lắm mới tạo ra được. Cuộc chiến tranh này hình như vẫn chưa trở thành văn nghệ với riêng tôi. Bấy giờ do đã được kết nạp rồi – nhưng vẫn phải giữ bí mật – tôi được hưởng một số “quyền lợi” mà anh em ở chung không có. Tôi được giới thiệu đi dự một cuộc chỉnh huấn cho các cán bộ trong thành. Sau khi trình diện ghi tên, học viên được chia thành từng tổ và bố trí cho chỗ ở, tôi được phổ biến nội quy về ăn ở, học tập trong đó có điều quan trọng là các học viên bất cứ ở đâu đều phải tuyệt đối ngăn cách không cho nhau thấy mặt để bảo vệ bí mật khi về lại thành phố hoạt động. Thế là những người dân ở đó đã phải chứng kiến cảnh tượng kỳ dị của từng đoàn người đi tới đi lui, nói năng ăn uống lúc nào cũng dùng khăn bịt mặt! Tôi không bao giờ quên được cái không khí âm u của những ngọn đèn dầu trong một hội trường dài lợp tranh trong đó hàng trăm người che mặt lê la dưới cái nền đất ẩm thấp lắng nghe giảng các bài chính trị một cách say mê. Tôi không còn nhớ rõ trình tự của các bài giảng ấy là gì, nhưng chủ đề của chúng thì rất rõ rệt: tổng kết các đợt tấn công vừa qua vào Sài Gòn, nhận ra những thắng lợi lớn lao của chúng đồng thời phân tích những khuyết điểm để tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới. Nói chung mục đích của cuộc tập huấn này là để khẳng định đường lối của Trung Ương là đúng đắn hoàn toàn, chúng ta phải nâng sự suy nghĩ của mình lên ngang tầm với Trung ương, hết lòng tin tưởng vào Trung ương để thực hiện cho được bước ngoặt quyết liệt trong cuộc chiến đấu. Đây là lần thứ nhất tôi được dự một lớp học như thế này, nên lắng nghe mọi thứ một cách chăm chú, cố gắng hiểu cho hết nội dung của những bài giảng là chính, nhận xét như thế nào thì hầu như không có. Điều làm tôi thú vị hơn hết đã có dịp để gặp gỡ những con người đã trực tiếp khuấy động cái thành phố mà tôi vừa ra đi, nhất là những cô gái biệt động cực kỳ táo bạo với những báo cáo điển hình phát biểu trước cả hội trường. Sau một loạt bài giảng và báo cáo như vậy, chúng tôi về tổ để thảo luận. Tổ tôi có chừng chục người, đàn ông đàn bà, thanh niên nam nữ có đủ cả. Nhưng do ai cũng bịt mặt kín mít nên chúng tôi chỉ căn cứ vào giọng nói mà đoán ra tuổi tác, nghề nghiệp, công tác của nhau. Tôi không còn nhớ rõ nội dung những phát biểu ấy là gì, nhưng điều tôi không quên được là ai cũng tỏ rất thành khẩn, rất tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Gian khổ, hy sinh, chết chóc dường như không hề được nói tới ở đây. Có giọng một lớn tuổi – có lẽ là vậy – mà bây giờ tôi còn nhớ rõ: ông nói rất từ tốn, phân tích mọi việc, song rồi tự kiểm điểm rất khẩn thiết: đại khái tự phê bình có lúc hoang mang vì tổng tấn công nổi dậy không thành công và điều đó theo ông đã phản ánh cái lập trường tiểu tư sản hay chao đảo của mình! Một cái cung cách phê bình bấy giờ tôi cho là “sâu sắc” vì đúng hoàn toàn về “lý luận giai cấp”, nhưng sau này tôi nhận ra hình như trong những cuộc chỉnh huấn nào cũng có những người phát biểu như vậy. Thường là của các cán bộ tuyên huấn. Trong tất cả những phát biểu ấy, có giọng của một ông sồn sồn – tôi đoán thế – là gây ấn tượng nhất: ông nói rằng ông là một... thầy chùa được Đảng giác ngộ để trở thành đảng viên nay vẫn cứ tiếp tục được bố trí làm nghề cũ để vận động quần chúng. Cái giọng Nam bộ lè nhè đó quá mới mẻ và hấp dẫn với tôi: tôi căng hết tai mình ra để nghe ông nói, dự định hỏi xem ông đang có nhiệm vụ vận động loại quần chúng nào, ở trong chùa hay ở đâu. Nhưng do dự mãi tôi không dám vì tôi vẫn chưa thật tin rằng một thầy chùa lại có thể là một … đồng chí cộng sản! Nhưng đó lại là chuyện thật trăm phần trăm và chuyện này không phải là duy nhất mà tôi đã gặp trong hàng ngũ cách mạng sau này. Trong những buổi thảo luận như vậy, tôi học thêm được một số danh từ biểu cảm rất mới như “tâm đắc”, “hồ hởi”, “phấn khởi”… mà tôi có cảm giác như quá thống thiết quá ồn ào. Tôi chưa dám dùng những chữ ấy ngay vì còn ngượng miệng nhưng khi kiểm điểm tôi nhận thấy sau cuộc chỉnh huấn, tuy những gì “tâm đắc” của tôi là quá ít nhưng “hồ hởi” thì quả thật là có nhiều: tôi không đứng ở bên ngoài mà thật sự đã đi vào bên trong cuộc cách mạng này rồi. Sau lớp học tôi trở về lại cái lều trên bưng phèn một thời gian không lâu thì lại được giới thiệu xuống thâm nhập một tiểu đoàn mũi nhọn từ phía Long An đánh vào Sài Gòn trong Tết Mậu Thân, nay đã rút ra để củng cố. Tiểu đoàn này cũng đóng gần một xóm của người K, cách chỗ đó không xa lắm. Đến nơi tôi gặp Lê Văn Thảo là người đã dự lễ kết nạp tôi ở dưới Long An. Thảo hướng dẫn tôi đóng tiền ăn của mình cho anh nuôi rồi tìm một chỗ nào đó để giăng võng. Trước khi nghe kể chuyện về những trận đánh vào Sài Gòn vừa qua, tôi đã phải cùng ăn với anh em bộ đội một bữa cơm nhớ đời: canh chuột nấu với mắm bò hóc. Mặc dù đã thử ở Long Xuyên món thịt chuột rô ti, và vẫn chưa khoái được, nay phải thưởng thức món chuột theo phương thức chế biến này tôi thấy thật khổ sở (phải nói nhợn mới đúng!) vì thấy trong món canh đặc biệt này có những con … chuột con mềm nhũn! Nhưng dù sao cũng phải rán mà nuốt cho trôi để chứng tỏ mình đã thành cách mạng thứ thiệt rồi. Suốt mấy hôm liền bên bàn trà và khói thuốc, nghe anh em kể những trận đánh vào Sài Gòn, tôi bắt đầu nhớ tới những gì Lê Văn Thảo đã nói khi chúng tôi vừa tới Ba Thu: thực tế gian nan lắm chứ không như Đài phát thanh đâu. Thấy tôi là lính mới, Lê Văn Thảo đã nói với tôi như vậy để có ý bảo tôi không nên quá lí tưởng trong cách nhìn sự việc. Lúc ấy tôi chỉ ghi nhận qua loa, nhưng khi tiếp xúc với chính những người đã vừa từ vùng máu lửa trở về tôi bắt đầu quan tâm đến những ý kiến của anh. Qua những gì mà các anh em bộ đội trong cái “tiểu đoàn mũi nhọn” này kể lại, tôi có cảm giác như bản thân cái khái niệm “tổng tấn công nổi dậy” mà tôi đã nghe qua trong cuộc chỉnh huấn vừa qua dường như không được chính xác. Nói tấn công thì có thể đúng, nhưng nói nổi dậy thì rất khó hiểu. Làm sao có thể nổi dậy được trong một cuộc chiến tranh diễn ra ở thành phố với những xe tăng, bom pháo, máy bay, rốc kết? Nếu coi những việc như tiếp tế, dẫn đường, cứu thương là nổi dậy thì rất ép nghĩa: thực chất đó chỉ là sự phối hợp giữa nội đô và bên ngoài trong những hoạt động quân sự thôi. Nhưng cũng không phải lúc nào cũng thực hiện được: trong nhiều trường hợp do tấn công và phản kích quá ác liệt, người dẫn đường không đến được hay đã hy sinh thì lực lượng tấn công từ ngoài vào sẽ hoàn toàn trơ vơ, không có chỗ dựa. Những gì mà anh em kể đã xác nhận rõ tính chất chệch choạc của sự phối hợp đó. Vào thành phố rồi, không gặp được người dẫn đường đúng như dự tính anh em đã không biết làm gì khác hơn là tự mò mẫm đi tìm, nhiều điểm cần chiếm lĩnh lại bỏ qua, điểm không cần đánh thì lại đánh. Với hỏa lực yếu hơn địch gấp nhiều lần, điểm chiếm được đã bị biến thành mục tiêu huỷ diệt không thương xót. Câu “mười phần chết bảy còn ba”, không phải là một cách nói mà đã là sự thật, thậm chí còn trầm trọng hơn: ở nhiều đơn vị, lính đã hy sinh gần hết chỉ còn cái khung chỉ huy thôi. Trong trường hợp đó chỉ một việc đơn giản là tháo chạy ra ngoài thành phố cũng chẳng dễ dàng gì. Những hành động dũng cảm mà anh em kể cho chúng tôi nghe thật sự chỉ là những bi kịch của sự tháo chạy ấy. Tôi hơi ngờ ngợ về cái khẩu hiệu động viên “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” được tuyên truyền như là mục tiêu cần đạt được của các cuộc tổng tấn công. Biểu hiện thành phương thức chiến lược “đánh bồi, đánh nhồi”, “đợt sau đau hơn đợt trước”, nó không thể không đưa đến những tổn thất nặng nề cho toàn bộ lực lượng quân sự tại chỗ đã gây dựng. Những nghĩ ngợi trên đây chỉ nẩy ra trong tôi một cách mơ hồ. Nhưng mấy tháng sau khi tôi lên R, tôi thấy điều đó dần dần trở thành hiển nhiên hơn qua những đánh giá tổng kết mà tôi nghe được: không thể gọi đó là “tổng tấn công và nổi dậy” theo đúng nội dung của chữ nghĩa mà chỉ là một cuộc “tập kích chiến lược” thôi. Nếu có thắng lợi thì không phải là trực tiếp mà chỉ là cái tác dụng tổng thể của toàn bộ cuộc chiến tranh: làm cho Mỹ thấy không thể thắng được ở Việt Nam và do đó không thể duy trì đường lối chiến tranh như cũ. Và điều này cũng đã được thực tế xác nhận: do không thắng nổi ở chiến trường, gặp những áp lực khắp nơi, nhất là tại nước Mỹ, chính phủ Mỹ đã phải xuống thang, thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh. Cuối cùng thì ta vẫn thắng chứ không thua. Nhưng cái thắng đã phải trả quá lớn về mạng sống của những con người. Cuộc chiến đấu này không phải là “niềm vui lớn” như một nhà thơ miền Bắc đã ca ngợi một cách hả hê. Càng đi vào bên trong cuộc cách mạng tôi càng thấy mọi chuyện không hề phơi phới như trước đây nữa. Hình ảnh những người lính “giải phóng” huyền thoại mà tôi đọc được trong cuốn bút ký của nhà báo người Úc tên W. Burchett có lẻ chỉ là sản phẩm của thời trước khi chiến tranh cục bộ xẩy ra. Còn về những người lính mà tôi gặp mấy hôm đó, và cả về sau này, bên cạnh những gan lì, anh dũng, họ cũng có những mặt rất buồn cười, thô kệch nữa. Vào một khu phố, bắc loa kêu gọi đồng bào nổi dậy lật đổ chính quyền bán nước, nhưng đồng bào sợ Mỹ đem bom đến dội nên đã chạy đi hết. Lúc đói khát quá không có gì ăn phải đột nhập một ngôi nhà chủ đã bỏ đi, xuống bếp mở tủ lạnh ra thấy một cục gì đó lạnh ngắt, bỏ vào mồm cắn thì hóa ra đó là cục thịt bò đông đá. Thấy một bóng đèn điện sáng, sợ làm lộ bên trong đã không biết làm gì hơn là dùng súng bắn để tắt đi. Tin vào “tình nghĩa giai cấp” đến nỗi gặp ai mình cho là người lao động cũng tự xưng là “quân giải phóng” để nhờ chỉ đường đi tấn công, nhưng vẫn không ai dám giúp đỡ cả. Những chuyện ấy nếu không nghe trực tiếp từ miệng của những nông dân Nam bộ kể lại một cách hồn nhiên thì sẽ cho đó là địch tuyên truyền.
8.
Ở Ba Thu một thời gian nữa thì được tin anh Tám Nhàn được lệnh trở ra Bắc (anh là cán bộ tập kết) và lần này bằng con đường Phnông-Pênh. Biết ở ngoài Bắc rất lạnh, tôi biếu anh cái áo len dày mà vợ tôi đã tự tay đan cho, sợ giữ không được trong điều kiện khó khăn ở trong này. Vừa liên hoan tiễn anh Tám đi xong thì đã có lệnh đưa Nguyễn Khắc Vỹ và Hoài Hương về R, cùng mang theo Nguyễn Đăng Trừng. Hình như sắp có đợt tấn công nữa thì phải, cho nên tôi thấy toàn bộ lính tráng Tuyên huấn của Y4 đều rút đi hết, kể cả Mười Xê. Tôi được giới thiệu đến tá túc chỗ anh Tám Trương, phụ trách trạm liên lạc của Y4 ở Ba Thu để lãnh sinh hoạt phí và chờ đợi tin tức. Thế là từ đó trở đi tôi ở lại một mình. Không người quen biết, không sách báo, tôi chỉ biết giăng võng ở hết bụi tre này đến bụi tre khác, suốt ngày nghe đài, nghe xong rồi không biết làm gì hơn là chờ đợi. Ở dưới chiến trường có bom đạn để lo và sợ, lúc ở bưng phèn có bạn bè để trò chuyện, ở đây tôi chỉ có một vùng biên giới khô khan xa lạ hoàn toàn. Nhất là vào những buổi chiều khi chạng vạng tối, ra ngồi vệ đường nhìn về cái cánh đồng trước mặt, ở phía mênh mông kia là Sài Gòn. Ở nơi đó là quê nhà. Xưa kia là một cái gì đó quá tầm thường, vô nghĩa so với những giấc mộng cao xa của tôi, bây giờ bỗng hiện ra trong nhớ thương với tất cả sự dịu dàng đầm ấm của nó. Em có biết anh dằn vặt đến như thế nào khi mỗi lần nhớ đến em và các con không? Anh sẽ đem về cho em và các con được điều gì với sự tìm kiếm này? Sự cô đơn và xa cách đối với tôi có lúc tưởng chừng như không thể nào chịu đựng được. Hy vọng về một giải pháp chính trị xẩy ra cùng lúc với cuộc tổng tấn công Mậu Thân để mau chóng chấm dứt chiến tranh ngày càng tỏ ra mù mịt. Tôi có cảm giác rằng tôi sẽ phải còn tiếp tục sống như thế này không biết bao lâu nữa. Có lúc bỗng lởn vởn trong đầu cái ý định thật buồn bã về số phận mà tôi sẽ phải gặp như Trần Quang Long và Trần Triệu Luật: hôm nào mới cười nói với nhau, chỉ không gặp nhau vài tháng mà đã xa nhau mãi mãi. Không thể không đối diện với cái chết đang lảng vảng trước mặt như một đón chờ thực tế. Tại sao không? Những vết đạn đại liên trước mặt tôi ngay hôm đầu tôi vào vùng giải phóng nếu đến gần tôi một vài gang tay nữa thì hôm nay mọi việc đã xong. Thế giới này đối với tôi sẽ không còn hiện hữu nữa. Không còn có gì để nhớ mong, phiền muộn hay hy vọng. Khi tôi thử tẩn mẩn với cái ý tưởng vu vơ ấy, tôi ngạc nhiên bỗng thấy tâm hồn yên tĩnh lại. Nghĩ đến cái chết phải chăng người ta sẽ tìm ra được một cách để sống: giả định về một cái gì đó xấu nhất sẽ xẩy đến với mình, có lẽ người ta sẽ chịu đựng được dễ dàng hơn những cái chưa đến mức xấu nhất. Vậy thì cái xấu nhất ấy là gì? Có gì ghê gớm lắm không khi ta thử đối mặt với nó? Lần bị gẫy chân tôi bất tỉnh rất lâu, phải chăng cũng đến như vậy thôi? Chỉ là một giấc ngủ dài không có chút mộng mị nào! Có gì là tốt hay xấu khi con người đã đi ra ngoài cái trạng thái làm nên các khái niệm về tốt xấu? Với những ý nghĩ ấy, tôi hơi ngạc nhiên khi nhận ra mọi việc đang trở nên dễ dàng một cách dửng dưng. Khi còn được sống thì hãy cố gắng mà sống. Chuyện của em và các con thì cũng đành thôi. Và cũng không nên nghĩ quá nhiều đến những điều lớn lao, xa mờ. Có thể đó chỉ là một thứ triết lý an ủi! Nhưng cũng có thể là một thái độ khắc kỷ khởi đầu để làm nên những chuyện anh hùng. Nhưng đối với tôi vào lúc bấy giờ chẳng qua cũng chỉ là một suy nghiệm cá nhân nhiều hơn: đã có một đời sống thì cứ phải sống, đừng để mất những giấc mơ, nhưng đừng nên lầm lẫn giữa mơ và thực, hãy cố gắng chấp nhận cuộc sống một cách hiện thực, không than van, không oán trách. Tôi đã rời khỏi Ba Thu để đi xuống “chiến trường” khi được tin từ anh Tám Trương với cái tâm trạng lạnh lẽo như vậy. Ban đầu theo đường giao liên ven biên giới đi về hướng Đông, định xâm nhập vào bàn đạp Củ Chi. Nhưng ở được vài ngày thì được báo tin ngõ này bị bế tắc, nên lại phải quay trở về Ba Thu làm lại thủ tục để đi về phía Tây. Lang thang suốt mấy ngày nằm bờ ngủ bụi, tôi đã đến được cái điểm nút từ đó có thể đổ về nơi Y4 đang đóng quân. Tất cả những gì đã trải qua trong chuyến vượt kinh Bo bo lần trước, lần này đều đã được lặp lại nhưng có phần dễ chịu hơn: cái chân gẫy của tôi đã không còn đau nhức quá thể nữa. Khi đến nơi thì vẫn phải chờ đợi vì có tin biệt kích đóng chốt. Nhưng nhờ vậy, tôi làm quen được với một kiểu sống khá nổi tiếng của cái vùng đất tôi phải đi qua: Long An trung dũng kiên cường toàn dân uống rượu! Và lại uống rượu ngay sau khi bị một máy bay Dakota hay máy bay gì đó từ rất cao xả súng bắn bừa bãi vào bãi ở của chúng tôi. Hình như chẳng ai coi là quan trọng sự bắn phá được xem là cầu âu này, cũng rất may, chẳng có ai chết cả hay bị thương cả, cho nên sau đó bữa nhậu đã được bầy ra. Một con cá nướng. Một can rượu với một cái tô thay cho ly cốc! Có kẻ uống một hơi gần nửa tô! Tôi cũng xáp vào một cách hết sức tự nhiên mặc dầu từ trước đến giờ chưa bao giờ uống rượu đế. Kết quả thật đáng nhớ đời: một trận say không còn biết trời đất là gì, khi thức dậy vào buổi sáng hôm sau, khắp người sưng đỏ lên và ngứa ran vì dị ứng! Sau trận rượu ấy có cả 5, 7 ngày, đường rồi cũng thông để chúng tôi đến kinh Hoà Bình, từ đó xuống Cai lậy, Mỹ Tho. Không như lần trước phải lội bưng, lần này chúng tôi có được xuồng máy để đi một cách thoải mái. Lúc bấy giờ trời đang mùa hè, nên hai bên bờ kinh có rất nhiều đom đóm – chúng bu lại chằng chịt xung quanh những bụi cây bên hai bờ kinh tạo ra những chuỗi ánh sáng nhỏ li ti không khác gì những cây Noel ở Sài Gòn. Êm ả như một đời sống hòa bình. Đi hết con kinh đến gần sáng chúng tôi được cho tắp vào một bờ ruộng để nghỉ. Xung quanh trống vắng, chẳng có một bụi cây nào để giăng võng. Đành phải nằm dưới đất; nhưng cũng không thể tìm được một chỗ phẳng phiu. Càng khó khăn hơn nữa khi tìm được một cành cây gì đó có thể cắm được để làm trụ giăng mùng. Nếu tìm được một cành cây như vậy thì thật là hạnh phúc biết bao. Và thật sự cũng đáng gọi là mơ ước nữa: đây là vùng tiếp giáp với Đồng Tháp nên muỗi vây quanh tôi như trấu: chúng cắn xuyên tất cả bất cứ thứ gì bao quanh thân thể con người, từ mùng mền đến quần áo. Sáng hôm sau thức giấc thì nhận ra chân tay mặt mũi bị muỗi đốt đỏ lòm, còn bốn bề xung quanh là một bãi sậy hay cói gì đó mênh mông không thấy bến bờ. Vội vàng nấu cơm sáng và mang theo cho cả ngày, chúng tôi nhủi vào những bụi sậy rải rác trơ vơ giữa nắng trời đổ lửa cho đến khi chạng vang mới được gọi ra tập hợp để tiếp tục chuyến đi. Đi ban đêm, chém vè ban ngày, điều đó đã trở thành thói quen của chúng tôi. Ngày hôm đó vẫn yên ổn. Nhưng chuyến đi kế tiếp thì cái cảnh tượng chiến tranh hôm tôi mới vào vùng giải phóng đã tái diễn nguyên xi. Chỗ chúng tôi vừa đặt chân tới là vùng đang bị càn, cho nên giao liên đã dắt chúng tôi lánh sang vùng khác để chém vè. Bây giờ hình dung lại cái cảnh chạy càn ấy tôi vẫn còn ớn. Một đoàn người có lá ngụy trang che thân, nối đuôi nhau chạy bì bạch dưới bờ ruộng trong khi đó trên đầu trực thăng vòng qua vòng lại ầm ầm như là địa ngục. Tôi có cảm giác như chiếc máy bay ấy phải nhìn thấy rõ sự di chuyển của chúng tôi, và luôn luôn nơm nớp đợi chờ chúng nả đại liên hay rốc kết xuống, nhưng thật sự không phải như vậy. Theo sự hướng dẫn của giao liên, chúng tôi chỉ chạy khi chiếc trực thăng nghiêng người đảo qua phía bên kia, còn khi chúng quay lại chúng tôi nhất loạt cùng nằm xuống lấy lá phủ kín người. Rốt cuộc chúng tôi cũng tắp vào được một địa hình để ở đó cho đến chiều. Và cứ như thế chuyến đi diễn ra tưởng như là bất tận. Chúng tôi còn phải chịu đựng một vài trận càn như vậy, nhưng rất may không có trận nào phải đụng độ trực tiếp cả. Đường xá lần này không có nước, nhưng với đôi chân trần, tôi cứ phải đạp bừa lên tất cả mà đi: tôi té lên té xuống không biết bao nhiều lần vì vấp phải những những mô đất cứng như đá trên những cánh đồng sau mùa gặt. Có khi phải lội qua hàng loạt những con mương. Có khi phải dùng tấm ni lông che mưa luôn mang theo người, bọc vào cái bồng làm phao nổi để vượt qua một con rạch. Có khi đi xuyên qua cả một ngôi làng, có nhà cửa đường xá đàng hoàng, nhưng cảm giác thật đìu hiu vì dân cư đã bỏ đi tất cả. Mệt mỏi và lo lắng đã trở thành chuyện bình thường. Nhưng nhiều lúc cũng có được những giây phút thật thoải mái, đặc biệt nhất là khi khuya khoắt ghé được vào một cái quán nhỏ nào đó mua được chút bánh kẹo ăn cho đỡ đói hoặc khi đến được trạm nghỉ, tìm được chỗ có nước rửa ráy sạch sẽ, toòng teeng trên võng để vừa hút thuốc vừa uống trà! Cuối cùng chúng tôi đến tới Lộ 4 an toàn. Sau khi đã băng qua lộ (ngược với lần đi Ba Thu), chúng tôi dần dà đến gần bờ sông Ba Rài ở Cai lậy, nơi đây cũng là vùng xôi đậu, dân chúng còn ở lại khá đông. Khi tới đây tôi rất vui mừng gặp lại được anh Hai Tân (Trần Trọng Tân) từ trong thành phố ra họp. Sau đó gặp lại được Mười Xê, cậu bảo vệ trước đây của tôi, và cùng với một số anh em khác vượt sông Ba Rài qua bờ bên kia vào ở trọ nhà một người dân. Ở đây một thời gian, tôi mới biết được lý do tôi phải từ Ba Thu trở về : tôi được dự tính đưa vào nội đô trở lại để hoạt động một cách bất hợp pháp. Trong khi chờ đợi tôi phải làm quen lại với cái nhịp của cuộc chiến tranh mà tôi đã biết. Khi trời chạng vạng tối nếu không đi công tác ở đâu thì ra ở nhà dân, còn ban ngày thì phải dậy sớm cơm nước cho xong để ra trốn ở địa hình (một khu vườn bỏ hoang), chuẩn bị chém vè nếu có lính Sài Gòn đi càn. Ở đây một thời gian, tôi đã phải đi trốn như vậy đến hai lần và cả hai lần đều phải chui xuống hầm bí mật. Kinh nghiệm những lần chui hầm như vậy cũng đáng nhớ đời. Lần thứ nhất thật là khủng khiếp. Hầm là một cái lu chôn xuống đất, có một ống tre nhỏ dùng làm lỗ thông hơi; cái lu không biết có đáy hay không mà nước vào ngập gần đến ngực, được che bằng một cái cửa gỗ vuông đủ lọt một người, trên mặt đất có phủ cỏ hoặc rác để nghi trang. Khi lính đi càn đến gần thì lần lượt tôi và cậu bảo vệ cùng xuống. Cậu bảo vệ này vốn là một tân binh, đáng lẽ phải ở trên đất để bám theo dấu của lính đi càn thì không hiểu sao cậu cũng xuống theo. Một cái lu nhỏ mà chứa hai con người, hai cái bồng cùng với khẩu AK thì không thể nào chịu đựng được. Còn khủng khiếp hơn nữa là có lẽ vì quá sợ nên cậu ta run cầm cập và thở hổn hển tạo ra thán khí tràn ngập có thể gây chết ngộp cả hai, không khác gì trường hợp của Ca Lê Hiến và Hồng Tân mà tôi đã gặp ở Bình Chánh. Nhưng cũng rất may, không hiểu sao chúng tôi vẫn còn sống. Sau lần chui hầm hú vía ấy một thời gian thì tôi được thư của anh Tư Ánh cho biết công tác dự định vào nội đô của tôi bị huỷ bỏ và tôi nên chuẩn bị về R. Anh đề nghị tôi nên cho người về móc ráp đưa vợ tôi ra ngoài này thăm tôi trước khi tôi lên đường. Một đề nghị cực kỳ bất ngờ mà cũng thật đáng lo âu. Không biết vợ tôi có thể đi hay không, không biết trên đường đi có nguy hiểm gì không. Tôi nhờ Mười Xê liên hệ với một người phụ nữ gần đó giúp cho và nôn nóng đợi chờ, chỉ sợ có lính đi càn thì dở dang mọi việc. Nhưng may mắn, tất cả đều yên ổn. Chúng tôi gặp được nhau vào buổi chiều hôm đó. Chẳng khác gì một cơn mơ bàng hoàng: hóa ra trong những điều kiện sinh tử như thế này mà tôi vẫn còn tìm lại được niềm hạnh phúc riêng tư của mình! Tôi càng thấy nhẹ nhàng hơn khi biết được vợ tôi đã tìm được việc làm ngay sau một tuần lễ tôi bỏ nhà ra đi, mấy đứa con tôi vẫn khoẻ mạnh, riêng đứa con gái lớn của tôi thì mỗi khi có gì làm nó giận là nó rống lên kêu ba ơi, ba ơi cả xóm đều nghe thấy! Ở với nhau được một đêm thì sáng hôm sau được tin lính sẽ đi càn. Gửi vợ tôi cho chị Ba, chủ nhà nơi chúng tôi ở (trên lý thuyết vẫn được coi là dân của chính quyền Sài Gòn), chúng tôi chuẩn bị vào địa hình để chém vè. Lần này người đi bảo vệ tôi là cậu Thành, một lính cũ có nhiều kinh nghiệm. Cậu dắt tôi tới miệng một hầm bí mật và dặn hễ thấy có động tịnh gì thì mới xuống. Trong khi đó cậu ta đi “bám địch”nắm tình hình. Lúc bấy giờ là vào khoảng 9, 10 giờ sáng. Tôi đang vơ vẩn nhìn cây lá xung quanh thì bỗng nhiên nghe khàn khàn bên kia bờ mương dường như có mấy tiếng … Thành đây, Thành đây… Tưởng là cậu bảo vệ, tôi vội nhổm dậy thì trời đất ơi! Bên đó là một lính trinh sát Sài Gòn đang áp miệng vào cái máy bộ đàm chỉ đường cho đám lính theo sau không xa! Tôi vội vàng chui xuống hầm, nín khe, chờ đợi…. Thật lâu, thật lâu tôi mới he hé nắp ra rồi từ từ leo lên : thật là ghê gớm – bên kia con mương trước mặt tôi là một đường mòn mới xuất hiện đầy những dấu giày giẫm nát một mảng cỏ xanh! Chiều hôm đó khi trở ra nhà chị Ba, tôi mới thấy sự hoảng sợ của vợ tôi là như thế nào: tận mắt thấy cả một cánh đồng đầy ngập những lính là lính, từ nhiều ngõ họ tràn vào địa hình, bắn phá, la hét, lùng sục tưởng như có thể giết hết chúng tôi không ai còn có thể sống sót được. Nhưng thật là diệu kỳ: không hiểu tại sao chúng tôi vẫn sống sót đầy đủ, không ai bi sứt mẻ gì cả. Thật sự thì những anh em đi cùng với tôi không có nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp. Lính Sài Gòn đi càn thì cứ đi, nhiệm vụ của chúng tôi phải né thì cứ né! Họ đi theo sự dẫn đường của trinh sát, không dám đi lung tung, sợ đạp phải chông, mìn. Anh em chỉ nổ súng khi nào bị phát hiện thôi. Tôi nói với vợ tôi như vậy và an ủi rằng: cuộc sống của tôi có nguy hiểm thật nhưng cũng không phải dễ chết lắm đâu. Tôi đề nghị vợ tôi trở về ngay sáng hôm sau. Lần tiễn đưa này, tôi không cảm thấy nặng nề như lúc tôi ra đi: tôi muốn cô ấy mau chóng xa rời những cảnh tượng tàn khốc mà tôi đang tập làm quen trong cuộc sống hàng ngày.
9.
Tôi trở lại biên giới lần này theo một con đường đặc biệt: thay vì theo đường du kích thì đi theo phương thức công khai. Và để thực hiện được phương án này, tôi phải có một thẻ căn cước hợp pháp để có thể qua các khu vực do chính quyền Sài Gòn kiểm soát, từ đó xâm nhập dần vào các vùng xôi đậu, cuối cùng ra hẳn vùng giải phóng để lên biên giới. Do tên tôi đã công bố trên Đài phát thanh, không thể dùng căn cước cũ do Sài Gòn cấp, tôi phải đi gặp một cán bộ tên là Năm Thi để làm căn cước giả. Sau khi lăn tay chụp hình, vài hôm sau tôi nhận được tấm căn cước mới với một cái tên xa lạ hoàn toàn. Chỉ cần học cái tên cho thuộc, còn lại tất cả với tôi chẳng có gì khó khăn: tôi cứ việc đi ra Lộ 4 theo cô giao liên lên hết xe này đến xe khác, qua hết bến phà này đến bến phà khác, từ Cai Lậy về Sađec, đến Hồng Ngự, đi đâu mặt mũi cố giữ cho được bình thản, tất cả đều trót lọt. Cảm giác thật khó diễn tả: bồi hồi khi trở về được với cái không gian quen thuộc, nhưng trong thâm tâm vẫn lướng vướng một cái gì đó lo lắng vì biết nó đã không còn thuộc về mình một cách đường hoàng nữa. Chỉ khi qua được một cái đồn cuối cùng để sau đó nhìn thấy màu cờ xanh đỏ (cờ Mặt trận giải phóng) gắn vào một thân cây dừa ven sông tôi mới cảm thấy thật sự yên tâm. Rối cứ như vậy, lần lữa, một mình, tôi nhẩn nha, không cần chú ý tới thời gian, theo đường dây đi lên R. Những chuyến đi này đối với tôi thật sự đã bình thường rồi, nhất là lại đi hoàn toàn trên đất “bạn”, tương đối an toàn. Từ đồng bằng chằng chịt sông nước, dần dà tôi đi sâu vào những con đường mòn hun hút của những cánh rừng già tối đen mịt mùng: hóa ra R là như vậy. Không biết đó là một mật danh hay chỉ là chữ viết tắt của Rừng? Vừa đến trạm giao liên cuối cùng, tôi vội vàng ra giếng múc nước uống lấy uống để thì mới biết rằng ở đây không được phép uống nước chưa nấu sôi. Nhưng dù sao vẫn sung sướng, nhất là có đầy đủ nước để lau người và thay được bộ quần áo sạch. Lấy đòn bánh tét mua được dọc đường ra ăn, tìm được một chỗ giăng võng thoải mái, tôi ngủ được một giấc thật ngon lành. Khi tôi thức giấc thì trời đã sáng bét. Vừa kịp đánh răng và rửa mặt xong thì đã có người đến đón về cơ quan mà tôi chẳng biết là gì. Ngồi trên chiếc xe đạp để anh liên lạc chở tôi đi, ngoằng ngoèo qua biết bao ngõ ngách, cuối cùng tôi mới biết là đã đến căn cứ của Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà Bình. Bây giờ tôi mới chợt nhớ ra tôi cũng là thành viên của Liên Minh khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Ở đây tôi được Huỳnh Tấn Phát đón tiếp. Chỉ mới lần đầu anh đã gây nơi tôi một ấn tượng khó quên: bàn tay anh bắt tay tôi sao mà mềm nhũn như không có một chút sinh lực nào! Ở đây tôi gặp lại tất cả những người tôi đã quen biết từ Hoài Hương, Nguyễn Khắc Vỹ, Lê Hiếu Đằng, Thiên Giang, Vân Trang (vợ Thiên Giang), Nguyễn Đăng Trừng, ông bà Phú Hữu Nguyễn Thạnh Cường, Nguyễn Văn Kiết (thầy dạy tôi ở Đại học Sư Phạm), Lê Văn Giáp (chủ tịch Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc ở Sài Gòn và chủ tịch Liên Minh Sài Gòn sau khi ra khu) cho đến những người tôi từng nghe tên nhưng chưa gặp mặt như Trịnh Đình Thảo, Liên Hoa Ngô Thị Phú (vợ Trịnh Đình Thảo), Lâm Văn Tết, Dương Quỳnh Hoa, Huỳnh Văn nghị (mới kết hôn với Dương Quỳnh Hoa khi vào khu), Trương Như Tảng, Thanh Nghị, Dương Kị,Thanh Lan Võ Ngọc Thành, Nguyễn Văn Bửu, Hồ Văn Bửu, Cao Văn Bổn, Nguyễn Hữu Khương, Lucien Phạm Ngọc Hùng, Trần Thiện Tứ, Lê Quang Lộc… tất cả những nhân vật trên đây đều ở chung với nhau trong một khu vực biệt lập do Huỳnh Tấn Phát trực tiếp quản lý. Lúc tôi tới đây thì căn cứ này đang đóng ở trên đất K, ở một khu vực gần biên giới Việt Nam gọi là Sáu Cầu. Đây là một “mặt trận” mới – thường được gọi là Mặt Trận 2 (do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch) so với Mặt trận 1 (Mặt trận giải phóng dân tộc do Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch) – ra đời với màu sắc có vẻ “tư sản” hơn nên chính sách đãi ngộ các vị này có vẻ rất rộng rãi. Tiêu chuẩn ăn uống khá cao: so với anh em lính tráng thường ngày là rau muối, lâu lâu thêm được chút cá thịt do cải thiện được, thì ở đây ngày nào cũng gà hoặc thịt mua từ các chợ K, được nấu nướng bởi một đầu bếp riêng biệt mà anh em thường gọi là Ông Bố. Ở dưới kia kham khổ, lên đây được ăn uống no nê như thế này, đối với tôi thật sự là một cuộc đổi đời! Cuộc chiến tranh cũng lùi hẳn về phía sau, không có gì đáng kể nữa: để tránh máy bay trinh sát, ban ngày chỉ cần giữ không cho khói bốc lên và ban đêm mỗi khi nghe tiếng máy bay phải tắt đèn là đủ. Khi tôi lên, chiến dịch Mậu Thân hình như vẫn còn tiếp diễn, hầu hết các vị đều tin tưởng vào một giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh có thể đến sớm cho nên không khí ở đây là rất “hồ hởi”. Sáng nào cũng vậy, kế tiếp buổi ăn sáng xong là tất cả họp lại để nghe báo cáo về thời sự. Nếu có việc gì quan trọng liên hệ đến vấn đề chủ trương đường lối thì anh Huỳnh Tấn Phát sẽ trình bày, nếu không thì cứ như thường lệ chúng tôi tự thông tin với nhau những gì đã nghe được qua các đài phát thanh trong nước và ngoài nước. Người thì phụ trách Đài Giải phóng, người đài VOA… cứ như thế mà thuật lại. Những đài khác tôi không nhớ do ai đảm nhận, nhưng riêng đài BBC tôi chắc chắn do Thanh Nghị phụ trách: nghe bài tường thuật viết sẵn tôi tưởng như ông cho phát lại bằng giọng của ông những gì đài đã phát, thật ngộ nghĩnh! Nghe thì nghe cho vui thôi chứ thật ra đêm qua tất cả mọi người đều đã nghe hết rồi – đặc biệt đài BBC, không ai bỏ qua – kể cả các cán bộ Đảng! Ấy là chưa nói lát nữa mỗi người sẽ được được xem hai bản tin do Thông tấn xã Giải phóng phát: một bản Tin Đỏ phổ biến (tin tuyên truyền), hai là bản Tin Xanh hạn chế gọi là Tin tham khảo (tin tức và một số bài viết của báo chí và các hãng thông tấn phương Tây được dịch lại). Sau những buổi sinh hoạt tin tức đó, chúng tôi lại ai về nhà người ấy (một cái chòi lợp ni lông) tiếp tục nghe đài, tìm một cái gì để đọc, nếu không thì đánh tu lơ khơ (một kiểu chơi bài) cho vui! Tình hình có vẻ phấn chấn hẳn lên khi có tin mới: Mặt trận 1 đang tiến hành hiệp thương với Mặt trận 2 để thành lập chính phủ cách mạng (về sau này mang tên chính thức là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam). Căn cứ của chúng tôi sẽ là địa điểm hiệp thương ấy. Huỳnh Tấn Phát, vốn là một kiến trúc sư, đã cho anh em bảo vệ đi đốn những cây to làm một hội trường thật lớn, lợp ni lông, trên sân khấu chủ toạ đoàn xung quanh có vải màu che phủ, có khẩu hiệu cờ xí trang hoàng, rực rỡ và nghi thức. Ở dưới thì có ghế băng làm bằng cây để quan khách ngồi dự. Không khí ở căn cứ của chúng tôi, trong những ngày ấy cũng nhốn nháo hẳn lên. Người ta tụ tập nhau lại tại nhà ông Trịnh Đình Thảo xầm xì to nhỏ không lúc nào ngớt để thăm dò xem ai sẽ được đề cử làm cố vấn, ai làm bộ trưởng… Sau bao nhiêu đợi chờ, ngày hiệp thương chính trị cũng đã tới. Và hiển nhiên thật là rôm rả. Bà Ngô Thị Phú, chị Dương Quỳnh Hoa, bà Phú Hữu đều mặc áo dài. Các vị trong Liên Minh ai cũng có quần áo mang theo từ Sài Gòn, mặc rất đẹp, riêng các ông Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Kiết, Lâm Văn Tết… lại có cả complet, càvạt trông rất oai. Phần tôi thì tôi không có cách nào hơn là sử dụng bộ quần áo nhếch nhác từ Cai Lậy công khai lên biên giới, coi đó như lễ phục. Không có giày đi, lại không chịu mang giép râu, cứ đôi giép Nhật từ đồng bằng lên, tôi lê lết đi đây đó không bao giờ bỏ. Cả với một cái “mũ phở” mua được từ Hồng Ngự. Y hệt như một anh lái heo mới từ miền Tây lên, chẳng có vẻ gì trí thức cả, một anh bạn nói đùa! Trong buổi lễ hiệp thương ấy, mọi bài diễn văn, tuyên ngôn tuyên bố đều đã được ghi âm, quay phim, chụp ảnh thật long trọng. Ngồi ở chủ toạ đoàn hôm ấy tôi thấy có một ông được giới thiệu là tên là Trần Nam Trung (bí danh là Năm Nga) đại diện cho Đảng; sau này tôi biết chính ông Năm Nga này là người được Trung Ương Cục miền Nam phân công trực tiếp chỉ đạo công tác mặt trận của Huỳnh Tấn Phát. Sau Hội nghị hiệp thương không lâu thì đến Hội nghị gọi là Đại biểu quốc dân, tổ chức tại một địa điểm sát với biên giới miền Nam, hội trường được xây dựng to lớn, uy nghi và được bảo vệ chặt chẽ hơn nhiều. Để đi tới đó, chúng tôi phải di chuyển một đoạn: đi bộ nhưng rất thích thú vì do lâu ngày không có dịp nào để ra khỏi căn cứ. Chúng tôi được bố trí chỗ ăn ở thật chu đáo sau đó có một cuộc họp để cho ý kiến về những văn bản sẽ công bố trong Đại hội. Tất cả đều nhất trí dễ dàng. Duy chỉ có ý kiến của ông Nguyễn Văn Kiết đề nghị đổi một danh từ gì đó (tôi quên mất) nhưng bị Ung Ngọc Ky bác. Hôm sau, khi chúng tôi đến thì Hội trường đã đông nghẹt: tất cả các ban ngành, đoàn thể quây quần xung quanh Trung Ương Cục đều có cử đại biểu đến họp, trong đó Nguyễn Văn Linh đại diện cho Đảng lúc bấy giờ tên là Đảng Nhân dân Cách mạng. Tất nhiên, như thường lệ có diễn văn khai mạc, giới thiệu quan khách, bầu chủ tọa đoàn, tham luận chính trị để cuối cùng đi đến kết luận thành lập một chính quyền cho cuộc đấu tranh cách mạng mới của nhân dân miền Nam. Việc thành lập chính phủ cũng đã tiến hành theo phương pháp “nhất trí” cách mạng: Ban Tổ chức đọc danh sách những nhân vật được sắp xếp vào hai bộ phận: Hội đồng cố vấn (trong bản tin tiếng Pháp tôi thấy dịch là “Conseil des Sages”, do Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch) và Hội đồng chính phủ (do Huỳnh Tấn Phát làm thủ tướng) sau đó cả hội trường vỗ tay ào ào tán thành. Trong cơ cấu của Hội đồng Chính phủ có tên tôi bên cạnh tên Thanh Nghị: Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn Hoá, trực tiếp làm việc với vị bộ trưởng của chúng tôi là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau sự kiện quan trọng này, bà Liên Hoa Ngô Thị Phú, nhân danh phu nhân Chủ tịch Hội đồng cố vấn tổ chức một cuộc tiếp tân. Lúc bấy giờ đường lên Phnông-Pênh còn đi về thoải mái (đến năm 1970 Lon Nol làm đảo chính hạ Sihanouk mới bế tắc), nên bà Liên Hoa đã có thể đặt mua nào là nho tươi nào là bánh Tây… để tiếp đón quan khách. Nghe nói tôi là “nhà văn” vừa từ thành phố lên, bà gọi tôi đến viết cho bà một diễn văn để đọc hôm đó cho long trọng. Không biết nguồn văn chương của tôi có phải đã bị những cuộc chém vè lấy đi đâu mất mà sau khi cố nặn ra được một trang giấy cho bà, bà không dùng. Dù vậy bà vẫn mời tôi tới dự để nghe bà đọc bài diễn văn tự soạn lấy, trong đó có mấy câu tôi thấy hùng hồn hơn bài viết của tôi rất nhiều: việc thành lập chính phủ cách mạng sẽ là một “trái bom nổ” trên bầu trời chính trị, là một đòn tấn công giáng mạnh vào âm mưu kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ! Hôm ấy bà mặc áo dài, son phấn thật đậm y như ở Sài Gòn. Sau ngày Đại hội ấy, báo, đài ở vùng giải phóng, lẫn Hà nội đã tập trung tuyên truyền rất dữ dội cho sự “thành công” của Đại hội. Nhưng trên thực tế, khách quan mà xét thì chẳng hề là “quả bom” như bà Liên Hoa tưởng. Nó chỉ mang ý nghĩa tổng thể của sự biến Mậu Thân: ngoài phần kích động tinh thần chống Mỹ trong giới trí thức ở các thành thị, nó còn buộc Mỹ phải thừa nhận miền Nam không hoàn toàn chỉ là cái bóng của Hà nội: trong cuộc hòa đàm ở Paris, CPCMLTCHMNVN đã được chính thức xem là một bên thương lượng. Thắng lợi ấy là rõ ràng: nó góp thêm sức mạnh tấn công ngoại giao vừa mở ra sau sự biến Mậu Thân. Nhưng tác dụng của nó đối với chiến trường thì lại không bao nhiêu, nếu không nói là chẳng có gì hết. Sau nhiều đợt tấn công, các lực lượng quan trọng của quân giải phóng đã bị tổn hại quá nhiều, đang phải rút về “hậu phương” để củng cố và bổ sung, ồ ạt bằng lực lượng nghĩa vụ quân sự từ miền Bắc đưa vào. Những vùng gọi là “giải phóng” giành được trong Mậu Thân cũng theo đó mà co lại, cán bộ địa phương hoặc cán bộ từ trên đưa xuống để giữ trận địa đã bị những chiến dịch “bình định cấp tốc” giết hại rất nhiều. Nhiều khi không phải trong chiến đấu mà chỉ lo việc đi tìm lương thực để bám trụ thôi.
10.
Công khai, Liên Minh là một trong những tổ chức chính trị của các tầng lớp bên trên (tư sản, trí thức…) có xu hướng dân chủ, ra đời để cùng với Mặt trận giải phóng mở rộng khối đoàn kết toàn dân vận động cho một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Trong thực tế thì không hẳn là như vậy: nếu có một xu hướng dân chủ và hòa bình đó xuất hiện thì vào lúc bấy giờ cũng chưa thể hình thành như một tổ chức được trong những thành phố đang tan nát vì bom đạn. Nhưng sở dĩ Liên Minh có mặt được trong điều kiện nghịch thường ấy chỉ là do nó là một sản phẩm hoàn toàn của Đảng. Nó được lập ra một cách chủ động về mặt chính trị để phối hợp với cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” vào Tết Mậu Thân về mặt quân sự. Bài bản để thành lập tổ chức này vì thế cũng không khác gì tất cả những thứ “mặt trận” trong thời kỳ tranh đấu do Đảng tạo ra. Trên thành phần cao nhất cố gắng tìm cho ra những nhân vật không cộng sản có tên tuổi nhưng bên dưới đã được gài vào một số các đảng viên cố ý giấu mặt hoặc những người vừa được kết nạp dưới hình thức gọi là đơn tuyến, qua những nồng cốt này thực hiện đường lối của Trung ương cục, khởi đầu là do Khu uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn điều hợp, móc ráp và khi đã lên R rồi thì đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung Ương Cục thông qua Huỳnh Tấn Phát (cũng là Tổng thư ký của Mặt trận giải phóng). Các nhân vật trong “Mặt trận 2” này đã được Đảng chăm sóc một cách đặc biệt: bất cứ việc gì, từ sinh hoạt ăn uống, chỗ ở, quần áo, tiền tiêu vặt mỗi tháng đều được cung cấp chu đáo bởi cả một khung cán bộ và nhân viên chuyên lo việc tiếp phẩm và phục vụ phối hợp với một đội bảo vệ được tuyển khá kỹ lưỡng về thành tích và lý lịch. Riêng đối với những bài viết, bài phát biểu mà các vị trong Liên Minh phải trình bày hoặc trên báo chí, đài phát thanh hoặc trong các Hội nghị này nọ thì đều do một số nồng cốt thực hiện, cuối cùng bao giờ cũng được Huỳnh Tấn Phát xem và sửa chữa lại. Sự tồn tại của Liên Minh như vậy chỉ là một vở kịch cách mạng do Đảng giàn dựng với những diễn viên được lựa chọn và phân vai hết sức kỹ càng. Những nhân vật không cộng sản hết sức rõ rệt như Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết, Nguyễn Văn Kiết, Lê Văn Giáp… đã được đưa lên như những ngọn cờ, trong khi đó những chức vị khiêm tốn nhưng là nồng cốt qua đó bảo đảm cho việc thực hiện chủ trương của Đảng thì lại giao cho những đảng viên được gài vào (như Tôn Thất Dương Kỵ và một số đảng viên khác… ). Trừ một vài vị lớn tuổi, tất cả mọi người – nhất là những đảng viên – đều thấy rõ thực chất của Liên Minh trong việc hợp tác với Mặt trận giải phóng để hình thành nên cái gọi là “Chính phủ cách mạng” như thế nào. Nhưng qua nhiều lần nói chuyện thân mật, tôi biết có nhiều vị trong Liên Minh không cho đó là điều quan trọng, nhiều người khi được cán bộ Đảng đến mời gọi ra khu tham gia một tổ chức có thể sớm chấm dứt chiến tranh thì nhận lời ngay. Chẳng phái háo danh hay mưu cầu gì về chính trị cả. Cũng chẳng phải ngây thơ hay bị lừa gạt như một số tuyên trruyền ở bên kia lằn lửa. Tôi cũng biết có nhiều vị chẳng ưa gì chủ nghĩa cộng sản (như Huỳnh Văn Nghị, chồng chị Dương Quỳnh Hoa, về sau là những người bạn rất thân với tôi), nhưng do động lòng trước cảnh bom đạn Mỹ tàn phá đất nước, lại chán ngấy với những hoạt động xôi thịt của những đảng phái gọi là “quốc gia”, một phần có liên hệ hoặc có thân nhân tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây, nên đã chọn lựa con đường hợp tác với cộng sản như một giải pháp tốt nhất trong tình hình bấy giờ. Và chính vì vậy mà vào lúc đầu mặc dù biết bị Đảng điều động, xếp đặt ai cũng cố gắng hết sức để đóng cho tròn vở kịch một cách thành khẩn. Cuộc chiến tranh vẫn còn đó, máu người vẫn đổ, đã bỏ nhà bỏ cửa đến đây rồi thì mọi việc coi như không thể nào khác được. Sau đó ít lâu trong anh em đã thấy xuất hiện danh từ “chậu kiểng”. Thật ra đó chỉ là kiểu nói vui thôi, sự việc thấy có hơi kỳ cục, nhưng chẳng ai tỏ thái độ không bằng lòng cả. Chỉ có điều làm tôi hơi ngạc nhiên là đã có rất nhiều vị trong Liên Minh (nhất là các đảng viên trẻ) tỏ ra tích cực một cách quá đáng: cố gắng học cách ăn nói, phát biểu cho đúng đường lối rất ồn ào (nhiều khi quá long trọng đến buồn cười như Hồ Hữu Nhật) ; cũng có nhiều người không được bố trí vào một chỗ mong muốn thì coi như bị bỏ rơi nên rất buồn bã, bất mãn. Trong bộ phận lãnh đạo “chính phủ lâm thời” cùng ở chung căn cứ với Liên Minh có Huỳnh Tấn Phát là có tác phong “mặt trận” nhất trong những người mà tôi đã gặp. Anh có nụ cười rất tươi, và gặp chúng tôi anh ôm chặt rồi vỗ về thật thân thiết. Trong công việc lúc nào anh cũng tỏ ra bận rộn không biết vì lý do gì. Điều tôi biết rõ là chính anh hay viết những bài tham luận nhân danh cho Liên Minh hay Chính phủ hoặc bỏ rất nhiều thì giờ sửa chữa những bài viết của chúng tôi khi có báo, đài đặt viết. Anh làm tụi tôi thấy mình dường như có lỗi: đất nước thế này mà cứ cà nhỏng đánh tu lơ khơ! Nhưng thật lòng dù có muốn chúng tôi cũng chẳng biết làm gì để đóng góp cả vì cũng chẳng được giao cho việc gì: có lẽ các anh ấy cho rằng bản thân sự có mặt của chúng tôi ở đây đã là sự đóng góp lớn nhất rồi. So với những cán bộ thì tính chất “quần chúng” trong Liên Minh là hiển nhiên. Vì thế trong những lúc báo cáo về tình hình hình trước những người như vậy, ở anh luôn toát ra cái ý rất rõ rệt muốn triển khai nghị quyết của Đảng cho những người mà anh luôn luôn giả định là những thành phần cần được đả thông, tuyên truyền. Trong những lúc ấy, thái độ của anh tỏ ra rất thoải mái, tự tin của một vị lãnh đạo. Không biết tìm được ở đâu được tấm bản đồ, anh dùng một cây que dài chỉ chỗ này chỗ nọ để minh hoạ, không khác gì một vị tướng. Nhưng trong những lần có ông Năm Nga (Trần Nam Trung, đại diện của Trung ương cục) xuống dự, anh đã tỏ ra khép nép hết sức đáng ngạc nhiên. Với anh em anh là người dễ thương, tốt bụng; nhưng về mặt chính trị, tôi nghĩ anh là một đảng viên gương mầu: biết giữ đúng vị trí của mình với cấp trên. Có một nhân vật khác có vẻ “kịch” hơn anh Phát nhiều lần là ông Ung Ngọc Ky, thứ trưởng Phủ Thủ tướng tịch. Tác phong của ông này trông chẳng khác gì một “công chức cách mạng”. Có dịp nói chuyện với ông, tôi thấy lúc nào ông cũng có vẻ sẵn sàng tư thế h để giảng giải chính sách cho chúng tôi bằng một giọng nói không khác gì thầy giáo tiểu học dạy cho những lính mới như chúng tôi những bài học sơ đẳng về đường lối … Tôi cũng chẳng hiểu ông bận rộn gì mà mà y hệt như Huỳnh Tấn Phát, ngày nào cũng thấy ngồi vào bàn giấy, chăm chú đọc trông thật là nghiêm trọng, từ sáng cho đến chiều. Một hôm có việc vào chơi tôi thấy trên bàn ông chẳng có gì khác hơn là một bản Tin đỏ của Thông tấn xã giải phóng: tôi đoán có lẽ ông nghiên cứu để tối nay báo cáo tình hình thời sự với cơ quan! Chúng tôi ít khi nào đọc bản Tin đỏ một cách kỹ lưỡng cả. Có hai nhân vật khác trong Mặt trận 1 cũng có chân trong “chính phủ” nhưng rất ít kịch hơn là Phùng Văn Cung và Trần Bửu Kiếm. Ông Cung là một bác sĩ hiền lành, ít nói. Đã vào Đảng và được giao cho đủ thứ chức vụ này nọ nhưng chẳng khác gì chúng tôi, qua tiếp xúc, tôi cảm thấy ông cũng biết tất cả đều chỉ là “kiểng”, trong bụng dường như có nhiều điều uẩn khúc lắm nhưng cố gắng giữ gìn để làm tròn nhiệm vụ một đảng viên cần phải biết “an tâm công tác”. Căn lều của ông gần lều của tôi: chiều chiều, lúc vừa nhá nhem, từ bên đây nhìn sang chỗ ông, chúng tôi thấy ông hay ngồi một mình, kéo ống quần lên dụ cho muỗi bu vào rồi dùng hai tay đập cho chết, xong rồi xếp chúng thành một hàng dài và nhìn ngắm rất lâu! Có lẽ đó cũng là một thú tiêu khiển chăng? Một lát sẽ vào mùng nghe đài nhưng bây giờ biết làm gì? Trần Bửu Kiếm được anh em gọi là “rắn chàm quạp”, khắc khổ, nghiêm túc, không văn hoa, không ưa dạy đời, nhưng những khi mở miệng nói chơi thì rất độc. Sau khi nhường vai trò Đại diện của miền Nam ở Hội nghị Paris cho bà Nguyễn Thị Bình ở miền Bắc sang thay, ông về làm việc chung với Huỳnh Tấn Phát với chức vị Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Vì sinh hoạt đơn tuyến, tôi không rõ bên trong như thế nào, nhưng nghe nói ông đã bày tỏ thái độ bất đồng với Trung Ương Cục về chính sách mất hoàn toàn độc lập của “chính phủ cách mạng lâm thời”. Sau này tôi thấy điều đó có phần đúng, vì ngay sau 1975 ông đã sang ở luôn bên Pháp, không về nước nữa. Đây cũng không phải là hiện tượng duy nhất: giống ông Trần Bửu Kiếm là trường hợp ông Phạm Ngọc Thuần, từng làm Đại sứ ở Cộng hoà Dân chủ Đức (anh em với Phạm Ngọc Thảo và Phạm Ngọc Hùng): sau 1975 không lâu cũng sang Pháp rồi ở luôn. Lặng lẽ quan sát nhìn ngắm những hoạt động ở căn cứ, tôi cảm thấy trong con người của mình đã bắt đầu có sự chia đôi như hai tầng địa chất: một bên là cái phần lý tưởng vẫn chấp chới lôi tôi lên khỏi những gian khổ của đời sống, nhưng phần khác lại luôn luôn lôi tôi xuống để bận tâm với những cái nhỏ nhen nằm ngay trong sự tồn tại của con người – nhiều khi rất khôi hài, bệ rạc, phiền muộn, chẳng ra gì cả. Có thể đó là “một thứ nhân loại trông gần” mà nhờ thời gian tôi mới nhận ra ngay trong chính bản thân mình: lúc chạy lòng vòng ở bên ngoài thì phấn chấn, mơ mộng hết mực nhưng khi đã dấn mình vào thực tế khắc nghiệt thì mọi thứ lại trở thành tầm thường, không có gì còn được xem là linh thiêng, thần thánh nữa. Đó là sự trưởng thành của một ý thức bắt đầu biết tách mình ra khỏi hiện thực để nhìn ngắm sự việc một cách bình thản hay chỉ là dấu hiệu ban đầu của sự sa sút lòng tin? Dù sao tôi vẫn lướt qua được nhờ triết lý về điều xấu nhất mà tôi đã nghiền ngẫm trong những ngày chờ đợi ở Ba Thu. Tuy vậy có lần gặp một trường hợp quái dị đến lúc không còn chịu nổi nữa. Số là một hôm đọc bản Tin đỏ tôi hết sức ngỡ ngàng thấy trong một bài viết ngắn, có tên mình được nêu ra trong chủ tọa đoàn của một cuộc hội thảo ở vùng ven, trong cuộc hội thảo có rất nhiều vị trí thức trong thành ra dự, cùng bàn luận về một vấn đề gì đó để chống bọn Thiệu Kỳ! Và trên trời thì có tiếng máy bay gầm rú! Kịch bản có vẻ hiện thực nhưng hoàn toàn là bịa đặt. Bởi vì tôi từ vùng ven lên đây từ lâu rồi, và dù có ở dưới đó đi nữa thì chủ yếu công việc của tôi chỉ là chém vè thôi chứ chẳng có hội họp gì cả. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao lại có chuyện như vậy, định lên gặp anh Huỳnh Tấn Phát hỏi cho ra lẽ. Nhưng sau đó tôi biết được chính anh Phát đã viết bài đó để thực hiện một chỉ thị nào đó về một đợt đấu tranh ở đô thị. Từ đấy mỗi lần nghe thấy ai nhắc đến cái gọi là “thứ trưởng” của tôi, tôi đều cảm thấy một cái gì đó gì không ổn trong đầu. Nhưng có một cán bộ quen thân cho biết chính là nhờ những cách lãnh đạo tập trung chặt chẽ, sít sao như vậy mà cách mạng mới đi từ thành công này đến thành công khác! Qua cách trình bày tưng tửng của anh, tôi không biết cách giải thích đó là đúng hay chỉ là sự châm chọc. Có một điều rõ nhất là càng về sau khi cuộc chiến tranh càng tỏ ra mờ mịt thì cái không khí “hồ hởi, phấn khởi” của căn cứ cũng dần dà bớt đi. Ra đời để hỗ trợ cho cuộc “tổng tấn công và nổi dậy” Mậu Thân, nay chiến dịch ấy không đạt được mục đích cao nhất của nó thì vai trò của Liên Minh cũng không còn quá quan trọng nữa, nhất là sau hội nghị hiệp thương thành lập “Chính phủ cách mạng lâm thời”. Cuộc sống của các vị nói chung bây giờ chỉ còn là ngồi đó chịu đựng để chờ đợi tình hình mới thôi. Sự kiện Hồ Văn Bửu chiêu hồi đã làm không khí căn cứ trở nên hoang mang và thật buồn rầu. Bửu là kỹ sư cao su, học ở Pháp về, đã từng là đảng viên ở Sài Gòn. Ra chiến khu chẳng được giao cho chức vụ gì ngoài uỷ viên của Liên Minh khu Sài Gòn nên nghe nói anh ấy có phần bất mãn. Tôi không nghĩ đó là lý do chính khiến anh đi chiêu hồi: có lẽ do thấy tính hình quá mờ mịt, không chịu đựng nổi sự cô độc, tù túng trong rừng, anh đã men theo những con đường mòn, trốn lên K, xin về Sài Gòn, lên đài tố cáo mọi thứ trong Liên Minh. Tôi không chê trách anh, nhưng lại băn khoăn tự hỏi: về thì về nhưng sao lại phải chửi bới quá ồn ào như vậy. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng đã bỏ anh em mà đi thì phải thế thôi. Nhiều trí thức chiêu hồi khác cũng đã làm thế, không thể nào khác được. Đó là thái độ “bó thân về với triều đình” trong luật chơi chính trị, lòng tự trọng ở đó nhiều khi không có ý nghĩa bao nhiêu. Sau sự kiện này, Huỳnh Tấn Phát cho phép một số vị được liên hệ với gia đình, hoặc đưa gia đình ra ngoài này ở luôn (như bà Nguyễn Văn Kiết và hai đứa con của ông bà Phú Hữu), quan trọng hơn là đưa hẳn một số vị lớn tuổi này qua con đường Kampuchia ra Bắc an dưỡng. Trong khi cuộc chiến vẫn căng thẳng, hoà hội ở Paris vẫn chưa có phương hướng giải quyết thì trong điều kiện ấy duy trì sự tồn tại của Liên Minh như một thực tế chỉ là một gánh nặng: nó đã làm xong “nhiệm vụ lịch sử” của nó rồi, nên thu xếp để khi nào cần thiết sẽ sử dụng tiếp. Số thanh niên còn lại thì lần lượt được đưa về các cơ quan chuyên môn để công tác như Thanh niên, Binh vận, An ninh,Văn nghệ… để hội nhập hẳn vào thế giới của R.
11.
Có thể hình dung R như một chính phủ trung ương với hàng loạt những ban ngành chuyên môn và nghiên cứu để phục vụ cho bộ máy cách mạng của B2 (Nam Bộ) do Trung Ương Cục chỉ đạo. Khi cần di chuyển nó thường kéo theo cả một hệ thống, rải rác đóng gần nhau trong một khu vực rộng lớn trong các khu rừng già: Y tế, Tuyên huấn, Thông tấn, Văn nghệ, Binh vận, Nông hội, Bệnh viện, Tuyên truyền, Điện ảnh, Giáo dục, Thanh niên, An ninh, Kinh tài, Mặt trận, Trường học … sau này có thêm một số “bộ” của Chính phủ Cách mạng Lâm Thời như Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thông tin, BộTư Pháp... Tất cả những cơ quan này liên hệ với nhau bằng các trạm giao bưu và giao liên nội bộ khá chặt chẽ. Sau 1975, có một thanh niên Thuỵ Sĩ còn kẹt lại ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, đã hỏi tôi đầy vẻ tò mò rằng làm sao chúng tôi có thể tồn tại được trong khung cảnh một cuộc chiến tranh ác liệt và bị vây hãm như vậy. Theo sự hình dung của anh ta thì đời sống của chúng tôi ở trong chiến khu chẳng khác gì trên mặt trăng! Bom đạn và kỹ thuật của Mỹ dữ dội và tinh vi đến như vậy thì làm sao chúng tôi tồn tại được? Tôi nói với anh ta rằng thật sự thì cũng chẳng đến nỗi nào. Ở đây trong những ngày bình thường, chúng tôi không thiếu gì hết. Cũng như súng ống đạn dược được coi là huyết mạch của chiến tranh, đô la chính là nguồn nuôi dưỡng mọi sinh hoạt của R: tất cả đều do miền Bắc đưa vào, và càng về sau càng nhiều, nhất là nhân sự để bổ sung: tân binh, cán bộ và nhân viên đủ ngành, đủ loại. Về đời sống hàng ngày thì mỗi cơ quan đều có một bộ phận chuyên đi thu mua mọi thứ cần dùng cho sinh hoạt và công tác: thuốc men, xe đạp, xe honda, máy chiếu phim, máy nổ, dụng cụ y tế, vải vóc, kem đánh răng, gạo, thức ăn, thuốc hút, sữa, đường, xăng, dầu, pin đèn v.v….Tất cả đều có thể kiếm được, hoặc là từ miền Nam đưa về hoặc từ các nguồn cung cấp từ K. Miễn anh có tiền thì anh vẫn có tất cả. Cái bí mật mà những người ngoài không thể nào hiểu được đã nằm trong câu hỏi: làm sao anh có thể kiếm được những thứ đó? Đối với chúng tôi thì có hai cách trả lời. Một: do nhân dân giúp đỡ. Câu trả lời này hiển nhiên mang tính chất tuyên truyền. Hai: cũng với nội dung ấy, chúng ta có thể làm cho nó trở nên thực tế hơn nhưng cũng sống sượng hơn: do những dân buôn cung cấp. Quả vậy, hễ nơi nào có quân của R đóng, thì y hệt như lác đác trên những con đường chính nối dẫn đến cơ quan sớm muộn gì cũng mọc lên những quán cóc ở đó người ta bày bán các thứ vặt vãnh như thuốc hút, bánh kẹo, xà phòng v.v… Cũng có cả những quán hủ tíu có thịt heo, thảng hoặc còn có la-ve Sài Gòn thứ thiệt nữa. Đối với chúng tôi, lâu ngày có dịp đi công tác mà ghé được vào những tiệm ấy ăn được một tô hủ tíu thì thật là thần tiên! Không phải chỉ là chuyện ăn mà còn là cái không khí “dân sự” của cái tiệm nữa: dù sao nó cũng làm cho chúng tôi thấy xung quanh mình vẫn có cái thực thể gọi là “nhân dân”, mặc dù là một loại dân khá đặc biệt – họ tình nguyện đi theo ta chỉ để làm một công việc kiếm ăn đơn thuần! Nhưng tất nhiên nếu có bom dội xuống thì họ cũng lãnh đủ như chúng tôi, cho nên chỗ họ vẫn có hầm trú ẩn chu đáo. Trong những cái chòi buôn lặt vặt này cũng có những tay môi giới quan trọng: họ sẵn sàng nhận cung cấp cho cán bộ tiếp phẩm của các cơ quan những món hàng lớn. Lời nhiều nhưng cũng khá phiêu lưu: phải xuống tận những cửa khẩu vùng xôi đậu móc ráp và chính là qua những vùng đặc biệt này mà hàng hoá từ miền Nam đã tuồn về R! Và trong những tay cung cấp hàng cho VC ở phía bên kia nghe nói có cả vợ con của một số tướng tá Sài Gòn nữa! Cái bí mật ở đây chủ yếu vẫn là những vùng thỏa thuận theo từng lúc giữa hai bên không có súng nổ ở đó người ta có thể trao đổi, buôn bán tự do. Một thứ kinh tế thị trường giữa hai lằn lửa! Không có những hình thái xã hội kiểu nửa nạc nửa mỡ này, tôi không thể từ Sài Gòn ra chiến khu, cán bộ ở khu không thể xâm nhập vào Sài Gòn, và mọi sinh hoạt ở R và các vùng giải phóng khác cũng sẽ không thể tồn tại được như nó đã có. Thật ra thì không phải lúc nào mọi việc cũng yên ổn. Nhiều lúc thật khó khăn, căng thẳng. Đó là vào những lúc Sài Gòn mở những trận càn lớn ra đánh phá vùng biên giới. Có khi liên tục một thời gian mấy tuần, do không mua được gạo nên chúng tôi phải ăn cơm độn với đậu xanh, khoai mì và thức ăn thì chẳng tìm được gì khác hơn là muối khuấy với bột ngọt thay nước mắm, hoặc “hẻo” hơn nữa thì chỉ có đậu phộng ngào với muối (gọi là “bom bi”!). Còn chuyện về bom đạn, bình thường, cũng chẳng có gì gay go lắm, nếu biết cảnh giác không để máy bay địch phát hiện lửa và khói. Hệ thống an ninh, tình báo của R cũng rất hiệu nghiệm: tất cả mọi dự tính đánh vào tận đầu não của VC đều được thông báo trước để rút lui trong trật tự. Chỉ ngán nhất là B52 nhưng không phải lúc nào cũng thả xuống lung tung. Ngay cả trong trường hợp bom rải xuống thì cũng không phải mọi người đều chết hết. Chỉ chết những ai xui xẻo hứng ngay loạt bom đầu hoặc những hầm trú ẩn bị đánh trúng. Tôi có được cái may mắn là không trực tiếp hứng chịu B52 chỉ nhiều lần nghe tiếng nổ liên hồi rải thảm không xa chỗ tôi ở nhiều lắm, từng đợt đừng đợt ghê hồn. Nhiều dịp đi ngang những khu rừng chứng kiến tận mắt những hố bom đó chằng chịt mới hiểu được kỹ thuật tàn sát lừng danh này của Mỹ là như thế nào. Rót xuống thành phố thì có thể san bằng mọi thứ thành bình địa nhưng ném xuống rừng núi, nó không tạo được tác dụng phá hoại ghê gớm như người ta đã hình dung. Ở rừng điều đáng ngại nhất với chúng tôi vẫn là bệnh sốt rét. Theo lệnh của y tá, mỗi người đều phải uống phòng ngừa từng đợt. Dù vậy số người bị bệnh vẫn la liệt, nhất là đám thanh niên: da vàng như nghệ, nếu là ác tính thì có thể đi luôn. Cũng vì vậy mà mỗi khi chạng vạng tối, khi ngồi nói chuyện với ai, tôi thường có ý thức cầm cái quạt tự làm để xua muỗi. Có thể đốt lên một khóm lửa nhỏ, nhưng kế bên phải có sẵn một thùng nước, để khi nghe tiếng máy bay là dập tắt ngay. Nếu không có việc gì thì chui vào mùng sớm để nghe đài, hết BBC, VOA rồi đến Hà nội, hết tin tức thì đến ca nhạc… Không biết có phải đề phòng kỹ hay không mà suốt thời gian ở rừng, tôi không hề bị sốt rét! Nói chuyện đó với bạn bè cùng ở R, không ai có thể tin được. Có thể gọi R là một hậu cứ. Do đánh nhau với Mỹ là một đế quốc có đủ loại vũ khí hiện đại, về trinh sát lẫn huỷ diệt, nên R không phải là một “an toàn khu” như thời Pháp, nhưng dù sao ở đây vẫn có sự ổn định tương đối để hình thành nên một xã hội hẳn hòi. Có trường học dạy con em cán bộ, trường đào tạo chuyên môn các ngành: điện ảnh, báo chí, y tế, bác sĩ cho các chiến trường, các địa phương... Có thể mở cả những lớp học chính trị dài ngày, tổ chức những hội diễn văn nghệ, những hội nghị chiến sĩ thi đua toàn miền, có máy nổ cung cấp điện đàng hoàng cho sân khấu… Nếu như ở chiến trường chẳng ai nghĩ đến việc lập gia đình thì ở đây lâu lâu vẫn có những cuộc tình chấm dứt bằng những đám cưới để những trẻ con ra đời. Cũng có cả những cuộc tình lăng nhăng bị kiểm điểm tới bến, những cuộc tình tạo ra những đứa con không cha, cả những vụ ngoại tình có đánh ghen bằng búa… Nói chung là có tất cả những gì làm nên cái xã hội con người trên trái đất: những ganh ghét nhỏ mọn, lạm dụng quyền thế, những trò ăn cắp vặt, thâm lạm của công khi có điều kiện… Không từ một ai, từ anh tiếp phẩm, bảo vệ cho đến thủ trưởng cơ quan. Tất nhiên tất cả những hiện tượng trên đây đều được xử lý và ngăn chận bằng giáo dục, phê bình, kỷ luật, khai trừ…. để duy trì cho được nếp sống cách mạng. Nhưng mọi việc rồi cũng tái đi tái lại không ngừng… và cứ như vậy mà cách mạng … tiến lên! Ban đầu chúng tôi thường hay đem sự giải thích ấy ra đùa giỡn. Nhưng thực tế là vậy: qua tất cả những phức tạp, những khó khăn, có lúc tưởng như tan vỡ tất cả, nhưng rồi tất cả đều đã vượt qua. Vấn đề lãnh đạo chiến tranh là phải chấp nhận thực tế ấy để ổn định và đi tới, chứ không nên hoang mang. Tôi nhớ ông Năm Nga ở Trung Ương Cục đã nói ở đâu đó với chúng tôi rằng: chiến tranh như đá bóng vậy, đâu phải lúc nào mình cũng hãm thành người ta được! Cách lý giải này đã giúp tôi mài mòn đi bớt cách nhìn quá nghiêng về lý tưởng của mình đối với cuộc sống. Chiến khu trong hiện thực hoàn toàn không phải là cái miền ký ức ngọt ngào mà những bài hát tuổi thơ đã phác hoạ. Không có gì thơ mộng trước cuộc máu lửa này, nhưng đã đi vào thì phải chấp nhận tất cả, dù cho rơi vào tình thế xấu nhất với bản thân. Mọi việc cũng chẳng có gì ghê gớm nữa. Không còn cứu vớt ai nữa. Không đi tìm những vòng hoa. Và cũng chẳng ai cho những người như tôi một vòng hoa nào cả. Duy với tôi chỉ có một điều vẫn còn ý nghĩa nhưng không quan trọng lắm: tôi đã có mặt ở đây – vào những năm tháng này, trong cuộc chiến tranh này, điều mà nếu còn sống được để trở về gặp lại những người thân, tôi sẽ chỉ nói với họ như thế. Và như thế cũng đủ rồi. Tình thế bỗng có những đột biến: cuộc đảo chính của Lon Nol lật đổ Sihanouk năm 1970 đã mở ra một cho chúng tôi một viễn cảnh mới hoàn toàn. Sau những cuộc tấn công của bộ đội mở rộng vùng giải phóng để “giúp bạn” (bấy giờ là quân Khơme đỏ), các cơ quan Việt Nam, khắp nơi cũng đã tràn sâu vào vùng đất K, xây dựng căn cứ một cách an toàn hơn. Chúng tôi phải lũ lượt kéo nhau đi lên tận tỉnh Kratiê, gần bờ sông Mê kông, để xây dựng căn cứ mới. Nhiều cơ quan vẫn phải đóng trong những khu rừng già đầy rắn rết muỗi mòng. Tuy vậy đời sống đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Cá mú, rau cỏ, gạo thóc trực tiếp mua của dân K cho nên không còn gặp tình trạng phải ăn “bom bi”nữa. Việc đi lại của chúng tôi cũng thoải mái hơn chứ không phải ru rú ở trong căn cứ như thời ở Sáu Cầu, thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Đi sâu vào đất K một thời gian thì Thanh Nghị và tôi được chuyển về Bộ Thông tin Văn hóa để làm việc với Lưu Hữu Phước. Gọi là “Bộ” cho có vẻ nhưng chỉ là sự tập hợp một số cán bộ văn nghệ trong Tiểu ban văn nghệ R (trực thuộc Ban Tuyên Huấn) thành một “văn phòng” do Lưu Hữu Phước phụ trách. Nhưng thật sự thì công việc chẳng có gì là quan trọng, lâu lâu họp một lần, không có gì để bàn bạc với tư cách là một chính quyền cả: các đoàn kịch nói, cải lương, ca múa nhạc, Tuyên truyền… đều đã có nếp hoạt động xưa nay rồi. Đó chỉ là những cơ quan chuyên nghiệp: chúng tôi không hề có dân để quản lý, cũng chẳng hề có một bộ máy để điều hành. Cuối cùng thì mọi danh nghĩa “bộ trưởng”, “cục trưởng”, “chánh văn phòng” này nọ cũng chỉ là hình thức thôi. Trong tình huống ấy, Thanh Nghị và tôi sang đây cũng chỉ để tiếp tục cuộc sống của những ông Liên Minh trong một hoàn cảnh khác. Vẫn là những màn kịch về “mặt trận” được diễn lại. Chế độ vẫn cao hơn anh em trong cơ quan. Mỗi bữa ăn, bảo vệ lấy cơm cho chúng tôi mỗi người một phần riêng. Vẫn mỗi người một bảo vệ riêng lo lắng cho mọi thứ. Chúng tôi ở chung một khu mỗi người một nhà cách xa nhau, không thể nhìn thấy mặt nhau, thích thì qua lại không thích thì thôi – cũng chẳng cần thân thiết, mà đã không thân thiết thì những xích mích cá nhân vẫn có thể xảy ra. Ở đây sát với căn cứ của Tiểu ban văn nghệ nên tôi đã có dịp gặp hầu hết những nhà văn, nhà thơ, những đạo diễn, những nhà quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng trong vùng giải phóng như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Vũ, Bích Lâm, Lý Văn Sâm, Chim Trắng, Lư Nhất Vũ, Thái Hà, Trang Thế Hy v.v… Trừ Trang Thế Hy là có thể tâm sự chút ít (thường là về những buồn bã trong chiến tranh), những người còn lại không hiểu sao tôi vẫn không thể nào xáp lại gần được. Vẫn có một cái gì đó đã ngăn cách giữa tôi với những con người mà trước đây tôi từng quý mến. Tại tôi là “thứ trưởng” nên họ phải “sách lược” với tôi hay tại tôi là “thứ trưởng kiểng” nên tôi có mặc cảm với họ? Hay một cái gì khác nữa sâu xa hơn? Có một người tôi tưởng tôi có thể gần được thì tôi lại rất ngán không muốn gặp, đó là Lưu Hữu Phước. Anh rất hiền lành niềm nở nhưng rất giống một công chức: chỉ phát biểu những gì đúng phép một cách quá nhạt nhẽo, tầm thường. Ngoan ngoãn một cách nhiệt tình, không khác gì kiểu người của Huỳnh Tấn Phát nhưng khiêm tốn và ít tham vọng hơn về chính trị. Tôi nghĩ anh cũng chỉ là một ngọn cờ do Đảng đưa lên vào những năm 1945 nay đem ra dùng lại thôi. Giả thử như chỉ nghe nhạc của anh thì tôi sẽ yêu mến anh nhiều hơn là được làm việc với anh trong một cơ quan nhà nước, nhất là đó lại là một thứ nhà nước chỉ có danh nghĩa. Chính anh đã sáng tác cho Liên Minh bài hát chính thức mà mỗi lần gặp anh tôi đều muốn nói đó có lẽ là bài hát dở nhất trong sự nghiệp của anh. Nhưng tôi lại không nỡ nói ra. Không có việc gì để làm, cơ quan đề nghị tôi làm việc với bộ phận nghiên cứu tổng hợp, theo dõi tình hình văn nghệ đô thị “vùng địch” do Trương Bỉnh Tòng phụ trách. Tòng là một soạn giả cải lương, không tập kết, ở lại hoạt động ở Sài Gòn từ 1954, khoảng 1968 bị bắt, hình như được trao đổi với Mỹ vào lúc đó nên được thả và lên R luôn. Sống với nhân vật này một thời gian tôi tưởng như gặp một thứ “Nhạc Bất Quần” trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Đau bao tử nặng nhưng cũng nghiện rượu rất nặng. Đêm đêm khi mọi người ngủ hết ông ta mới nổi lửa chiên xào để nhậu, thường thường là một mình. Lúc nào cũng liếc ngang liếc dọc, sợ anh em biết và phê bình là không gương mẫu. Đã vậy lại hay lên lớp dạy đời. Một hôm đến chỗ tôi thấy treo ở góc nhà một nải chuối, anh bảo tôi nên giấu đi. Tôi nói treo đó ai đến thì mời, chuối chứ gì mà phải dấm dúi. Nhưng ông ta nói dù sao cũng không nên, có ý khuyên tôi nên xử sự như ông ta: chỉ nên ăn uống một cách kín đáo! Cũng rất hay gồng gân để bày tỏ quan điểm “ta địch” trước đám đông. Có một lần tôi nghe chính miệng ông ta báo cáo ở Ban Tuyên Huấn rằng Trịnh Công Sơn là một thứ “CIA” đang muốn thay thế Phạm Duy “đã lỗi thời” để ru ngủ thanh niên, kêu gọi chiêu hồi. Không có bằng cớ gì để khẳng định điều ghê gớm ấy mà chỉ là sự suy luận máy móc: trong văn nghệ, hễ ai kêu gọi “xốc tới” đấu tranh là ta, còn ai than thở, phản chiến, buồn rầu là địch: chỉ có địch mới đưa ra luận điệu đó để làm cho con người bạc nhược đi! Tôi đã từng nghe rất nhiều lần thứ luận điệu kỳ quái ấy trong những hội nghị gọi là “nhận định âm mưu của địch”. Năm nay học sinh trung học thi rớt nhiều là do địch: địch làm như vậy để dễ bắt lính. Nếu ở một vùng thị tứ nào đó đột nhiên có nhiều quán cà phê mang tên Mây Ngàn, Gió Biếc mọc lên thì nhất định đó là âm mưu của địch: địch làm như vậy để “đồi trụy hoá tuổi trẻ học đường”! Tôi không biết từ đâu mà lan truyền trong hàng ngũ những nhà tuyên huấn của R những cách đánh giá như vậy! Tại chiến tranh quá ác liệt, hận thù chất ngất giữa hai bên? Là quan điểm giáo điều và ấu trĩ về văn học nghệ thuật? Hay chỉ là thói quen của những cán bộ tuyên huấn lúc nào cũng cố lên gân để chứng tỏ lập trường? Càng ngày tôi càng ít muốn phát biểu, tôi đã bị ghim vì đã thốt ra ở đâu đó ý nghĩ sau đây: lúc ở Sài Gòn khi theo cách mạng tôi thấy mình cao lên hẳn một cái đầu, nay vào tận cái nôi cách mạng thì thấy mình lùn đi một cái đầu… rưỡi, dường như ai cũng có thể dạy mình về lập trường cả! Với câu nói ấy tôi bị đánh giá là “có tâm sự”!
12.
Những ngày tôi sống ở căn cứ của “Bộ Thông tin Văn hoá” cũng là những ngày không khí chán nản, bi quan sau Mậu Thân đang đè nặng lên khắp các cơ quan R. Vấn đề cách mạng ở chỗ chúng tôi rút lại chỉ còn là xử lý những chuyện lặt vặt trong nội bộ (trai gái, ăn cắp, xích mích …) nẩy sinh ngày càng nhiều. Cũng có những trường hợp cực kỳ trầm trọng: giết người, tự vẫn, tuy không nhiều. Đó là sự thật và phải ở bên trong mới biết được. Không ít cán bộ và lính tráng đã ra chiêu hồi vào lúc này. Ban tổ chức R cũng nhận ra tình hình phức tạp đó nên đã chủ trương thay quân để làm giảm bớt tình trạng quá căng thẳng trong hàng ngũ. Một số cán bộ được đưa ra miền Bắc để bồi dưỡng, nghỉ ngơi (anh em nói đùa là đi “uống thuốc Bắc”), một số trẻ tuổi thì được cho ra Bắc học hành để chuẩn bị cho tương lai. Công việc của căn cứ thật sự chẳng còn gì đáng nói. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cố gắng giữ nội bộ cho yên để chờ đợi những chuyển biến mới. Tôi cũng tìm cách để chịu đựng cho qua cái tình thế khó khăn ấy. Mượn được một số sách báo và tạp chí miền Bắc bên thư viện của Tiểu ban Văn nghệ, tôi tiếp tục tìm đọc những gì mình quan tâm, chủ yếu là các vấn đề lý luận văn học. Ngoài ra cũng chẳng biết làm gì hơn là nghe đài để theo dõi tin tức. Cuộc sống cũng dần dà đi vào cái nhịp lặng lẽ bình thường. Sáng dậy sớm tập một chút thể dục, cơm nước xong thì nhóm lửa lên nấu một nồi chè đậu xanh để đó ăn lai rai suốt ngày. Xong rồi xách quần áo đi cả một hai cây số phơi nắng ở một cái trảng có trời xanh, sau ra giòng suối nước đỏ nâu vì lá mục để tắm giặt, khi trở về nhà là gần cơm trưa. Ngủ trưa vẫn phải bỏ mùng để tránh muỗi nên giấc ngủ nặng nề đẫm mồ hôi. Cứ như thế cho đến buổi chiều: nếu không ai đến thăm uống trà tán gẫu thì 6 giờ là đã vào mùng rồi. Sự buồn chán kéo theo sự nhớ nhà day dứt. Nhất là vào mùa mưa khi rừng cây sũng nước. Một căn nhà lợp lá trung quân, không có vách, mở ra bốn bề xung quanh là rừng, và chỉ có rừng thôi. Rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Đối với tôi, rừng không hề có sự lãng mạn như vậy. Rừng là những thân cây vút lên cao như những chấn song giam giữ con người trong sự cô đơn cách bức. Rừng là những con rắn chàm quạp nhỏ nằm sẵn ở những con đường mòn để bắt mồi, ban đêm mò mẫm đi không đèn bị nó cắn là tiêu luôn nếu không kịp chữa chạy. Rừng cũng là bầy kiến “bù nhọt” có thể biến xác một con rắn chết thành bộ xương trong chốc lát. Rừng còn là những con muỗi chuyền vi trùng sốt rét làm da vàng như nghệ và những cơn run rẩy toàn thân kinh hoàng. Nhưng ở lâu trong rừng, người ta cũng tìm được ít nhiều điều thú vị. Nhất là khi mùa mưa chấm dứt với những dấu hiệu đặc biệt của nó. Một hôm nào đó khi thức dậy tự nhiên ta thấy cái không gian bao phủ xung quanh bỗng trở nên sáng hơn, khô hơn, không khí thoáng dịu hơn và những lõm trời nhỏ xíu trên đầu bỗng xanh hơn, thì đó chính là những ngày khởi đầu cho một mùa mới. Lúc bấy giờ ta đã có thể lang thang đi tìm cây trường, cây dâu, cây viết, xoài mút hoặc sơn trà để hái quả và tìm kiếm cả hoa dại nữa. Cũng có thể dùng con dao nhỏ đào những củ sâm rừng về sao lên cho vàng rồi ngâm rượu. Các y sĩ trong rừng thường khuyên chúng tôi uống chút rượu vào ban đêm để làm cho máu huyết điều hoà. Tốt hơn nữa là uống rượu thuốc. Chẳng biết tìm ở đâu các thứ thuốc đó, tôi đi tìm bắt những con tắc kè nướng khô lên hoặc đi đào những ổ mối tìm con mối chúa rồi bỏ vào ngâm chung. Đêm nào buồn bã rủ một vài anh em đến làm thịt gà rồi uống rượu cũng là một thú vui nho nhỏ. Nhưng đó chỉ là họa hoằn vì tôi không biết nhậu nhiều. Có nhiều cách an ủi khác để chịu đựng cuộc sống ở đây. Một ông bạn kế bên đã tìm cách bắt được một con sóc bay, biết nhẩy từ cành này sang cành khác, lúc còn nhỏ xíu đem về nuôi, đi đâu cũng bỏ vào túi để làm bạn. Khi con sóc ấy lớn lên nó có xu hướng bỏ chủ đi tìm tự do, nhưng lúc đầu chỉ quanh quẩn gần nhà, khi nghe chủ chút môi kêu gọi là nó trở về. Nhưng cuối cùng cũng không giữ được nó: rừng rộng lớn phù hợp với nó hơn là cái túi bé nhỏ của con người. Một trong những người mà tôi gần gũi nhiều trong giai đoạn này là Từ Sơn (con của nhà phê bình Hoài Thanh). Qua anh tôi hiểu rõ hơn một lớp người từ Bắc vào chiến đấu trong Nam. Trừ một số cán bộ đã là đảng viên tự nguyện, hầu hết những đám thanh niên về sau này, giống như quân đội Sài Gòn, đều là những người bị động viên. Hoàn toàn xa gia đình, ăn uống kham khổ, tinh thần không hoàn toàn cao như người ta đã tưởng: trong hàng ngũ của những người này không ít những kẻ mệt mỏi, chán chiến tranh mong mỏi về Bắc. Nhưng chiến đấu trong một đội quân chính quy, có tổ chức và bị kiểm soát chặt chẽ, có những cán bộ lãnh đạo được đào tạo theo tinh thần cách mạng, những suy yếu trên đây thường được khắc phục kịp thời sau những lần chao đảo nên hiệu lực chiến đấu vẫn giữ được cho đến những ngày cuối cùng. Với một khẩu cabin, Từ Sơn hay dắt tôi đi săn “vọc”, một loại khỉ lớn, thịt nhiều để cải thiện bữa ăn. Thịt vọc hơi hôi nếu bị bắn vỡ bao tử. Xương vọc hầm với đậu xanh còn thịt thì nướng. Ở rừng, thiếu thịt và đói, thịt vọc đối với tôi rất ngon, nhưng khi nhớ lại lúc đi săn nhìn thấy mắt con vọc ngơ ngác nhìn mình khi bị đạn trước khi ngã nhào xuống đất, tôi vẫn không khỏi cảm thấy một chút nhờn nhợn. Anh em cũng đi săn nhiều thú rừng khác nữa: nhím, mễn, cheo, trút v.v… Mỗi lần săn được thịt thú như vậy thì cuộc sống bỗng trở sôi động hẳn lên, nhất là vào những dịp lễ lạc, có thêm chút rượu đế kèm theo. Đối với chúng tôi, đó là những bữa tiệc làm cho đời sống có thêm chút hương vị, nhất là đối với các loại lính tráng không thể nào liên hệ được với gia đình để xin “chi viện”. Không dám đi săn, tôi tìm cách cải thiện đời sống bằng cách nuôi gà. Nhờ cậu bảo vệ mua cho một con gà trống và một con gà mái, đóng chuồng để nhốt đàng hoàng. Khi gà mái đã ấp ra được bầy gà con thì anh có thể hạ con gà trống trước – sợ tiếng gà gáy có thể làm lộ căn cứ. Sau đó chỉ một thời gian ngắn thôi là anh đã có một bầy gà tơ. Ở trong rừng gà tự đi tìm mồi suốt ngày nên không tốn kém bao nhiêu thức ăn: nếu có chút cơm thừa hoặc nhờ mua một chút lúa thì càng hay. Khi gà ấp trong chuồng, rắn thường hay vào để tìm trứng. Khi bị phát hiện, do bụng căng cứng vì nuốt trứng, kẹt không ra được nên đã bị đập chết. Nhiều khi say trứng rắn lảng vảng cả ngày trên những cành cây gần đó. Ban đêm sợ rắn ăn trứng tôi mang ổ gà ấp vào để gần bên. Có một lần mò tay qua kiểm soát tôi chạm phải da trơn nhũn của con rắn đến sợ điếng hồn. Nhưng tất cả chẳng có gì xảy ra: gà mẹ nằm chịu trận trên ổ không dám hó hé, còn rắn thì cũng không cắn được vì đang bận ăn. Đập chết con rắn xong tôi mổ bụng lấy trứng ra, thử để cho gà ấp lại nhưng trứng đã ung. Gà con vào những lúc giao mùa rất hay bị bệnh. Thấy con nào tiu nghỉu có vẻ muốn rù, tôi lấy dao lam mổ bầu diều, nặn hết thức ăn ra rồi khâu lại, thoa chút thuốc đỏ, nhốt riêng vài ngày, hầu hết đều trở lại bình thường. Tôi nổi tiếng có được những bầy gà đẹp. Nuôi gà để cải thiện đời sống nhưng cũng rất vui. Thích nhất là tự mình đi tìm phá những ổ mối, đập thành từng mảng để đó mỗi lần muốn cho gà ăn thì lấy dao chẻ ra. Nghe tiếng đập tự nhiên gà bu về. Hôm nào buồn buồn nằm võng chỉ gõ vài tiếng thì ở các bụi cây chúng ùa ra, leo lên bàn, lên võng, cả lên vai để đòi ăn. Có thể lấy tay dễ dàng tóm một con rồi vuốt ve như nựng nịu một con chó con. Mỗi khi đi đâu về, nghe tiếng chân tôi là cả đàn lúc nhúc ùa ra đón chào như những người bạn thân thiết. Ăn thịt những “người bạn” của mình như vậy nhiều khi cũng buồn. Tôi nhận ra tại sao con người có lúc lại rất thích làm bạn với súc vật. Đó là những giờ phút người ta tạm thời xa lánh những quy ước để trở về với sự đơn giản, vô ngôn, vô thức của tự nhiên. Nếu con người chỉ là xã hội con người không thôi, không có một cái gì đó vượt lên khỏi nó, đối mặt với nó như một thực tại khác thì có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành không chịu đựng nổi. Những xu hướng tư tưởng nhàm chán đời sống, phủ định xã hội có lẽ cũng từ đó mà ra. Chơi với gà và đi tắm suối, trong suốt thời gian này, tôi có cảm giác đã trở thành một người đi ở ẩn. Các chuyện chính trị, văn chương, cả những người quanh mình, nhiều lúc bị gạt ra khỏi mọi bận tâm: điều quan trọng nhất trong ý thức của tôi lúc bấy giờ chỉ là cái ý thức về sự sống đơn thuần, là sự tồn tại đơn thuần. Nhiều buổi tối buồn bã tôi đốt bếp lên nấu trà uống một mình, lảng vảng trong đầu mấy câu thơ của Eluard hiện ra như một niềm an ủi :
Trời xanh đã bỏ tôi rồi, tôi nhóm lên một ngọn lửa, Một ngọn lửa làm bầu bạn, Một ngọn lửa dẫn tôi vào đêm mùa đông … Có khi muốn viết lách một cái gì đó, nhưng đụng tới cây bút trước những trang giấy trắng, tôi thấy hoàn toàn bất lực. Dự tính mỗi ngày viết mấy dòng nhật ký, nhưng thấy những người bị thân bại danh liệt vì trò chơi “tiểu tư sản” này tôi từ bỏ ý định đó ngay. Không khéo hớ hênh để rơi vào một tay hồng vệ binh nào đó thì anh sẽ bị truy kích về tư tưởng không ngóc đầu dậy được. Ấy là chưa nói đến những trò lập công tồi tệ khác: một thanh niên từ miền Bắc vào đã bị một người ở chung phòng lục bồng lấy nhật ký đi báo cáo tổ chức. Cái giá phải trả cho trò chơi nhật ký là rất dễ hiểu: đấy là nơi để người ta giải bày những suy nghĩ thầm kín nhất về chiến tranh: chán nản, mệt mỏi, hoài nghi về “chính nghĩa” của nó. Chỗ chúng tôi đóng quân khá xa biên giới, ít nguy hiểm vào thời kỳ Mỹ dần dần rút quân, nên lâu lâu chúng tôi cũng được phép đi đây đi đó, thăm viếng nhìn ngắm xứ bạn. Thật ra cũng chẳng có gì đặc sắc ngoài những nhà sàn và cây thốt nốt: chủ yếu là để nhìn được một bầu trời không bị cây rừng che phủ, được đi trên những con đường lớn có thể cho xe đạp thả dốc phom phom, nhất là được dừng chân lại một thị trấn nào đó để chứng kiến cuộc sống bình thường: nhìn người đi lại, tự mình mua sắm ba thứ lặt vặt và được nhìn trẻ con chơi giỡn hồn nhiên. Dân K đối xử với chúng tôi rất có thiện cảm lúc ban đầu. Trước khi vào rừng già có lúc chúng tôi tạm nghỉ ở một khu rừng chồi gần một vuông tre. Một lát sau chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy, cả phum nối đuôi nhau đem ra cho chúng tôi bắp, chuối và mấy thứ trái cây khác. Sau này, cũng giống như ở Việt Nam, họ cũng cho chúng tôi tá túc trong nhà của họ, không chút ngại ngùng. Nhờ vùng giải phóng bên K được mở rộng, nên cuộc sống của chúng tôi cũng trở nên dễ chịu hơn. Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi! Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn): chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen “chính trị hoá” mọi quan hệ xã hội. Việc đứa em gái tôi dắt theo cả con vào trong này thăm tôi đã cho tôi thấy rõ thêm điều đó. Khi gặp nó tôi mới biết chồng nó là một trung sĩ trong quân đội Sài Gòn và hiện đang đóng tại một đồn biên giới ở Gò Dầu. Tôi có hai đứa em trai, tất cả đều cũng là sĩ quan của Sài Gòn. Biết tôi đi vào trong này, một đứa không nói gì nhưng một đứa khác vẫn thương tôi và hết lòng chăm sóc những đứa con tôi lúc vắng cha. Sau này nghe tin nó chết vì một tai nạn gì đó tôi thật buồn. Vợ tôi cho biết, sau khi tôi đi, có một người Mỹ nói tiếng Việt rất rành, đem quà cáp đến nhà biếu mẹ tôi ở Phú Nhuận và nói rằng có tin của tôi cho bà. Người Mỹ này đưa ảnh của tôi cho bà xem và nói muốn gặp vợ tôi, lúc bấy giờ đang ở Lái Thiêu. Cô ấy cương quyết từ chối. Đây chắc hẳn là một nhân viên CIA đang tìm cách móc ráp với gia đình tôi để chiêu hồi. Trước đó một cảnh sát Sài Gòn, vốn là bạn học cùng quê với vợ tôi, đã đến nhà đề nghị cô ấy ghi âm để máy bay phát ra hoặc rải bươm bướm kêu gọi tôi về nhưng không đạt được kết quả. Hôm tôi đưa gia đình về, tôi cõng đứa con gái lớn suốt một đoạn đường cho đến lúc chia tay: khi tôi buông nó ra nó khóc thét lên: ba bỏ con, ba bỏ con, làm tim tôi như thắt lại và muốn khóc theo. Những chuyến gặp gia đình trong một hoàn cảnh như vậy thường để lại trong tôi thật nhiều bứt rứt. Yên lòng vì biết được mọi việc ở nhà cuối cùng đều ổn, nhưng cũng từ đó cứ dâng lên trong tôi, trên đường về, một cái gì đó mờ mịt như cái chân trời đầy sương vào cái buổi sáng chia tay hôm ấy. Không biết bao giờ cuộc chiến mới dứt để tôi có thể về lại con đường nhỏ của tôi. Liệu tôi có sống sót để trở về hay không? Viễn cảnh phân ly của chiến tranh tàn khốc và dai dẳng này đối với tôi vẫn là một cái gì đó thật nặng nề. Không giống như những thanh niên độc thân, chưa bị trách nhiệm vợ con đè lên vai: những khi gặp lại được ai đó trong gia đình là dịp cho họ phấn chấn hơn lên rất nhiều, nhất là được “chi viện” chút ít để “bồi dưỡng” cho đỡ kham khổ trong một thời gian. Nhìn thấy nét mặt “hồ hởi” của họ, tôi bỗng thấy mình quá “nặng tình cảm gia đình” – như ở trong này người ta thường nói với ý nghĩa chê bai. Tôi chợt nhớ lại có lần tôi đã nghĩ về trường hợp không lấy vợ của anh huynh trưởng Hướng đạo để so với trường hợp của mình nhưng sau đó lại thấy ý tưởng ấy sai lầm ngay: thiếu gì chiến sĩ cách mạng có vợ con đàng hoàng nhưng đâu có uỷ mị như tôi. Dưới “ánh sáng của cách mạng chân chính”, tôi bỗng nhận ra bản chất con người của mình: bên ngoài cái vẻ thích lý luận và lý tưởng bên trong tôi chỉ là một kẻ sống quá nhiều với bản năng và xúc cảm, một loại người đáng bị gọi là một thứ cách mạng nửa mùa!
13.
Ở R trên đất Kampuchia một thời gian, tôi và mấy vị trong Liên Minh còn ở lại được Trung Ương Cục cho đi dự một khoá học gọi là cho “trí thức trẻ” về chủ nghĩa Mác-Lênin, học viên được tập hợp hầu hết là những anh chị em ở Sài Gòn đang công tác tại các cơ quan dân chính. Gọi là “trẻ” nhưng cũng có mấy ông bà sồn sồn tham dự như anh chị Huỳnh Văn Nghị-Dương Quỳnh Hoa, bà Bùi Thị Mè, ông Thanh Nghị, bà Nga (vợ ông Huỳnh Tấn Phát)… có cả “chàm quạp” Trần Bửu Kiếm nữa, nhưng ông này không phải là học viên mà là người chủ trì. Lớp học kéo dài 4 tháng ấy đã để lại trong tôi một điều mà sau này khi chú ý tìm hiểu thêm lý luận chủ nghĩa xã hội tôi thấy cái gọi là chủ nghĩa Marx ở đây chỉ là chủ nghĩa Stalin: tài liệu chính thức được đem ra giảng dạy là cuốn sách của Stalin giảng về những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin. Sau lớp học, cùng với Nguyễn Khắc Vỹ tôi được điều xuống Y4 (khu Sài Gòn Gia Định) công tác. Khởi đầu Vỹ ở bên Trí vận nhưng sau sang ở chung với tôi trong Tiểu ban Văn nghệ, do Hoài Vũ phụ trách có bộ phận Nghiên cứu đô thị. Một thời gian sau bộ phận này có một số thanh niên ở miền Bắc về bổ sung, một số trong Thành đoàn chuyển sang trong đó có Nguyễn Nhân thân thiết với tôi đến mãi sau này. Chổ ở của chúng tôi thật tuyệt vời: trong một vuông tre mát mẻ, xung quanh là ruộng lúa mênh mông, nằm sâu trong đất K, nơi đây cuộc chiến tranh đã bị đẩy lùi ra xa, không có tiếng máy bay, không có bom đạn, không cần che khói khi nấu nướng, không phải tắt đèn ban đêm, không lo thiếu gạo, thiếu cá, không bị cô lập trong rừng với những mùa mưa có những con muỗi gây sốt rét nữa. Chúng tôi thường nói đùa với nhau: đấy là nhờ Mỹ đánh sang K. mà chúng tôi đã có được một ATK (an toàn khu) chưa từng có trong suốt cuộc chiến tranh lần này. Cuộc sống của chúng tôi ở đây bình lặng, yên ổn như cuộc sống của những cư dân trong một ốc đảo hoà bình. Lâu lâu có thể ra chợ mua bất cứ thứ hàng hoá nào mình muốn nếu có tiền. Còn nếu không có tiền thì cũng có những cách cải thiện bữa ăn không khó khăn gì. Vào mùa mưa, tôi thường đào trùng đi cắm câu mỗi tối để buổi sáng có được một rổ cá nhỏ gồm nhiều loại từ rô, trê cho đến lóc. Có nhiều khi chẳng cần cắm câu mà vẫn có cá: ấy là khi khi nước ngập, cá từ ruộng này nhảy sang ruộng khác không thoát khỏi nên nằm la liệt trên bờ, cứ ra đó mà nhặt nhạnh đem về nấu nướng. Và tài nấu nướng của tôi cũng chẳng đến nỗi nào, dù đơn giản chỉ là một món kho… mặn thôi. Món này có lần tôi mời anh Giang Nam, anh ấy mở túi ra lấy một lọ ớt khô (vật bất ly thân của anh) rắc rắc lên rồi xuýt xoa khen lấy khen để! Có một điều mà tôi không hiểu tại sao không có nhân viên và cán bộ trong cơ quan chú ý đến việc bắt cá này. Với tôi lại thật là thú vị: nó là kết quả của một thói quen tôi đã tập được qua những công việc lặt vặt, tự tay mình làm lấy, từ những ngày sống đơn độc trong các khu rừng âm u, mục đích chỉ “để sống ở đây” thôi. Pour vivre ici, như một bài thơ của Eluard mà tôi hay nhớ tới khi ở trong rừng. Tuy vậy, với tôi, “ở đây”, dù thế nào đi nữa, vẫn chưa phải là cuộc sống bình thường; ở phía chân trời kia, trên đất nước, máu người vẫn còn đang chảy từng ngày. Những người vợ vẫn chờ chồng, những đứa con vẫn chờ cha mòn mỏi, từng ngày. Điều hay nhất ở đây là tôi đã trở lại được công việc yêu thích của mình là đọc sách. Đường liên lạc với nội thành vẫn đều đều đưa ra ngoài này hầu hết các loại sách báo ở Sài Gòn để cung cấp cho các cơ quan, đến với chúng tôi là những thứ thuộc loại văn nghệ khác nhau, đáng chú ý nhất là những tờ báo có khuynh hướng đối lập như Tin sáng, Điện tín, Đối Diện, Đất nước, Trình bày… trong đó có rất nhiều tác giả tôi quen biết và qua đó cũng biết được tình hình chính trị và văn hoá của Sài Gòn bấy giờ đã khác hẳn trước đây rất nhiều về tính chất chống đối quyết liệt của giới trí với cuộc chiến tranh đang xuống thang của Mỹ. Căn cứ vào những gì đã đọc được trong mấy tháng tôi đã hoàn thành một báo cáo về tình hình văn học ở các thành thị miền Nam để thuyết trình trước Tuyên huấn. Ngoài sách báo Sài Gòn, tôi còn được giao cho quản lý một thùng tài liệu của một cán bộ nghiên cứu triết học tập kết mang theo khi về Nam (tôi không biết làm sao anh mang về được), nay đang xuống công tác trong một bộ phận của Y4 ở miệt Hồng Ngự. Thùng tài liệu này tất cả đều là những loại chỉ được dịch ra để tham khảo trong nội bộ Viện Triết học ở Hà Nội, một số là của Liên xô, nhưng có nhiều thứ của Pháp trong đó với tôi đáng chú ý hơn hết là những tác phẩm của Roger Garaudy, tác giả đã từng ảnh hưởng nhiều đến tôi hồi còn ở Sài Gòn với cuốn Une littérature des fossoyeurs khi ông còn là nhà tư tưởng chính thống của Đảng cộng sản Pháp. Lần này tôi đọc lại ông khi ông đã chuyển hướng hoàn toàn: ông đã trở thành một tác giả bị Đảng cộng sản Liên xô và sau đó Đảng cộng sản Việt Nam noi theo kết án là “xét lại”, đặc biệt với cuốn Chủ nghĩa hiện thực không bờ bến của mình. Trong khi khai thác thùng tài liệu nói trên thì được Văn phòng Thành uỷ đề nghị đến trình bày vấn đề gọi là “chủ nghĩa hiện sinh” ở các đô thị miền Nam. Tôi đồng ý không do dự vì đây cũng là vấn đề tôi quan tâm từ lâu. Trong buổi họp mặt gần 20 người hôm ấy, hầu hết là cán bộ nghiên cứu các ngành, trong đó có Mai Chí Thọ là Phó bí thư Thành uỷ, Tám Hồ là Chánh văn phòng, tôi đã moi trong ký ức tất cả những gì đã đọc đã hiểu để trình bày chủ nghĩa hiện sinh với một đoạn mở đầu thật rõ ràng rành mạch: tôi đề nghị tất cả mọi người hãy từ bỏ quan niệm coi trào lưu triết học này là mấy trò nhố nhăng được mô tả trong những thứ tiểu thuyết gọi là “sống vội, sống gấp, sống không cần ngày mai”, thực chất đó chỉ là thứ văn chương mà ta thường gọi là sa đoạ rẻ tiền chẳng có gì nghiêm chỉnh cả. Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều đó vì tôi biết phần đông những cán bộ Đảng đều nghĩ rằng “chủ nghĩa hiện sinh” chỉ có nghĩa là như vậy, và đó chính là do địch cho phổ biến để “đầu độc” tuổi trẻ thành thị. Sau đó tôi đã phân các trào lưu triết học hiện sinh ra nhiều dòng, nêu tên một số tác giả và một số luận điểm mà tôi nhớ được, tập trung nói rõ về thứ hiện sinh của Sartre, một người từng cùng hành động với Đảng Cộng sản Pháp trong một số mục tiêu chung nhưng lại đề nghị bổ sung bằng hàng loạt những lý thuyết để làm cho chủ nghĩa Marx mang được sức sống của thực tiễn nhiều hơn. Trong cuộc họp mặt có nhiều cán bộ tuyên huấn, tôi không hề đề cao Sartre nhưng cốt yếu muốn dẫn tới một đề nghị mà tôi cho là phù hợp với đường lối chính trị của Đảng vào lúc bấy giờ: trong lĩnh vực tư tưởng, không nên nhập tất cả mọi xu hướng hiện sinh vào một cục để phủ định tất cả, nhất là dồn tất cả vào phạm trù “đồi truỵ” để đả kích vì làm như vậy chẳng những là quá đơn giản về mặt học thuật mà còn đẩy về phía thù địch những xu hướng tư tưởng có thể liên minh để chống lại chủ nghĩa chống cộng cực đoan. Trong phần kết luận, dẫn cuốn Les existentialistes et la politique của M. A. Burnier tôi nói rằng có nhiều thanh niên đã từ chủ nghĩa hiện sinh đến với chủ nghĩa cộng sản, và đó là một thực tế mà mọi người cần chú ý. Tôi không biết những ý kiến ấy của mình đã được tiếp nhận như thế nào, và những người ngồi nghe tôi nói có khả năng hiểu ra cái chủ đề thuyết minh của tôi đến mức nào, nhưng sau đó trong phần thảo luận do Mai Chí Thọ chủ trì, tôi thấy một cán bộ tập kết từ miền Bắc về, tên là Tư Bình, mở đầu bằng cách hoàn toàn lảng tránh chủ đề mà tôi đặt ra và tập trung đả kích tính chất duy tâm, phản động của chủ nghĩa hiện sinh nói chung, từ đó đặt ra mục đích cho công tác tư tưởng là phải làm sao gột rửa cho được những tác hại của chủ nghĩa hiện sinh mà chế độ “Mỹ nguỵ” ở Sài Gòn đã đầu độc thanh niên từ bấy lâu nay. Cuộc thảo luận tiếp diễn cứ theo cái đà ấy cho đến khi giải tán làm cho tôi ngán ngẩm tột độ và không muốn nói gì thêm. Tưởng như vậy là chấm hết. Nhưng sau đó không lâu, ở Y4 đã loan truyền nhận xét rằng “Lữ Phương đã đến với cách mạng qua chủ nghĩa hiện sinh”. Thật ra nếu tôi có khẳng định như thế thì cũng chẳng có gì sai đường lối: chủ nghĩa hiện sinh chỉ là cái cầu, đã đến với cách mạng rồi thì cái cầu ấy thuộc về quá khứ. Nhưng ở đây không phải như vậy. Trong suy nghĩ của những cán bộ ấy, vấn đề cốt yếu chính là quan điểm tư tưởng của Đảng về những học thuyết phi Mác-Lênin. Quan điểm này tôi đã biết qua nóí chuyện với một số cán bộ và qua một số bài viết trên một số tạp chí miền Bắc đã đọc, nay người cán bộ tập kết ấy chỉ lập lại thôi: chủ nghĩa hiện sinh là một học thuyết tư sản, duy tâm, phản động, một luồng tư tưởng chỉ có thể phủ định, phản bác chứ không chứa đựng một yếu tố tích cực nào để từ đó người ta đến với cách mạng vô sản, vì vậy đặt vấn đề liên hiệp về tư tưởng với những luồng tư tưởng ấy là sai lầm về nguyên tắc. Đã biết những luận điểm ấy rồi, trong trình bày tôi không hề phản bác mà chỉ cố đem sự suy nghĩ của mình để đề xuất một cách nhìn mà tôi cho rằng sát với thực tế cuộc sống nhiều hơn. Nhưng thái độ đó mang lại kết quả trầm trọng hơn là tôi hình dung. Lời đồn dần dà truyền tới tận R, và sau này tôi biết đã lan ra cả Viện Triết học ở miền Bắc, với hàm nghĩa đặc biệt của nó: một cách bất thành văn, từ đó trở đi, xét theo tiêu chuẩn chính thống, tôi bị xếp vào loại người không đáng tin cậy về mặt chính trị. Những gì tổ chức Đảng đối xử với tôi về sau này đã chứng minh rõ hơn điều đó. Nhưng vào lúc bấy giờ (cho đến cả bây giờ), tôi vẫn không hề buồn phiền: bàn chân của tôi đã cho tôi nhiều vết xước, vết chai để tôi hiểu được nhiều điều mà trước đây tôi chưa hiểu hết. Tôi biết rất rõ rằng dù cuộc chiến này có như thế nào đi nữa, tôi cũng không thể trở về cái thế giới cũ mà những giá trị của nó đã tan rã trong tôi, nhưng tôi cũng không thể nào tự thay đổi mình theo cái nền văn hoá chiến tranh ấy để đồng hoá với nó: nó thuộc một băng tần khác với bản chất của tôi, không thể nào lấp đầy được cho tôi những khắc khoải về ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống đã dấy lên trong tôi từ thuở tôi mới tập tễnh vào đời. Trước mặt tôi vào lúc bấy giờ, tư tưởng vẫn còn là một vùng trời có nhiều sương khói, mênh mông vẫn là những câu hỏi và những tìm kiếm. Khi tôi nhận ra điều đó tôi thấy mình trở nên nhẹ nhõm hơn. Trong chỗ sâu thẳm nhất của bản thân tôi dần dần hiểu ra thật rõ rẳng,“ở nơi đây” sự hiện diện của tôi có phần không khác gì mấy với sự hiện diện của một người “khách” trên những đường dây giao liên. Bằng sự nhậy bén chính trị của mình, những cán bộ tư tưởng của Đảng dường như đã nhận ra điều đó. Còn tôi thì dần dà ý thức được điều đó rõ hơn, và đã đi đến chỗ chấp nhận như chuyện đương nhiên, không phải như một thách đố kênh kiệu mà chính là để giữ được mãi mãi cho mình sự tự do chọn lựa như tôi đã từng dùng sự tự do chọn lựa ấy khi bỏ nhà ra đi. Tôi không tiếc nuối gì về sự dấn thân của mình: tất cả chỉ là những trải nghiệm để hiểu hiện thực như cái sống thực chứ không phải là những tư biện trong tháp ngà. Không có sự dấn thân đó, tôi không thể biết thế nào là thực chất của cuộc cách mạng nhân danh “vô sản” để giải phóng những người lao khổ, điều mà tôi chỉ hình dung qua những huyền thoại suốt thời niên thiếu. Không có sự thể nghiệm bản thân, tôi cũng không thể hiểu con người mình nhiều hơn. Một cách nhìn khác về mọi việc dường như đã hình thành trong tôi từ đó, chưa rõ ràng lắm, có vẻ buồn bã nhưng cũng bình thản hơn. Súng đạn nhiều khi được xem là cần thiết nhưng không thể nào là một niềm vui. Trong chính trị không thể có một chọn lựa tuyệt đối nào để ta phải hy sinh suốt cả một đời cho nó, các học thuyết này học thuyết nọ chỉ là những nỗ lực đi tìm, không học thuyết nào mang lại được lời giải đáp một lần cho xong ý nghĩa cuối cùng cho đời sống một con người. Tôi đã miên man nghĩ nhiều về những điều đó suốt cả những năm tháng còn lại mỗi khi chạm chân trên những con đường lần lần đưa tôi đến ngày chung cuộc của cuộc chiến tranh. Bắt đầu từ lúc chuyển quân từ K về Củ Chi, Thanh An bên bờ sông Sài Gòn sau hiệp định Paris, rồi đến một năm sau đó tôi phải trở về R, do bị sạn thân, được Huỳnh Tấn Phát đưa ra miền Bắc trị bệnh qua con đường mòn xuyên suốt đất nước, trên con đường ấy, từng chặng một, tôi luôn nhớ tới đứa con trai mà tôi đã đặt tên cho nó rồi ra đi biền biệt không biết bao giờ trở về: Trường Sơn.
Sài Gòn mùa mưa 1999 L.P.
|