Mùng một tết Cha

 

Huỳnh Như Phương

       

 

Thưa Cha,

         Tuổi càng lớn, con càng thấm thía nỗi buồn và niềm bất hạnh của một người không được sống bên cạnh cha mình từ ngày thơ ấu. Khi con sinh ra, cha ở xa tít tắp. Thậm chí nhà mình còn nghĩ chưa chắc ngày lên tàu ra miền Bắc, cha biết có  một giọt máu của cha để lại trong lòng mẹ. Bắc Nam cách trở, phải nhiều tháng sau mẹ mới báo tin vui được cho cha.

        Tuổi thơ con trôi qua bên cạnh những người phụ nữ yếu đuối, con cần một người đàn ông làm gương cho mình sự dũng cảm và nghị lực. Những lá thư tay ngắn ngủi từ xa gửi về được cả nhà đọc thầm trong bóng tối, trước khi đốt cháy dưới ngọn đèn dầu. Con thèm nhận một lá thư riêng cha viết cho con và tưởng tượng con sẽ viết trả lời cha những gì, nhưng chưa bao giờ có cơ hội vì mỗi lần gửi thư là một lần nguy hiểm cho cả nhà.

         Sau này con đọc lại mấy lá thư cha gởi cho ông nội, cha mong ra miền Bắc sẽ được đi học tiếp để có một nghề chuyên môn khi nước nhà thống nhất; nhưng lúc đó những người lính chống Pháp như cha không được phép xuất ngũ, vì một cuộc chiến tranh mới sắp được phát động. Cha trở về miền Nam sớm lắm, ngay sau khi đường 559 mở ra. Đơn vị của cha đã chuyển quân khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trước khi về quê nhà đánh trận Ba Gia – Vạn Tường. Năm đó con vừa mười tuổi, đang kỳ nghỉ hè năm lớp Nhì (tức lớp 4 bây giờ). Một buổi sáng, mẹ con vừa dọn hàng ra chợ Đồng Cát thì có người phụ nữ đến nói thầm vào tai mẹ. Mẹ bán thêm một lúc rồi gánh hàng về nhà, xin phép bà ngoại đưa con về quê nội. Bà ngoại không yên tâm, bảo ngày mai hãy đi, vì hôm ấy là 23 âm lịch! Nhưng mẹ không thể để người giao liên chờ đợi.

         Con đường này con đã nhiều lần theo mẹ về quê nội dịp hè, dịp Tết, nhưng bây giờ thấy thật xa, vì nó dẫn vào tận vùng đồi núi heo hút qua một cánh đồng tranh khô khốc, và vì lòng người đang nôn nao hồi hộp. Cha đứng đón mẹ, cô Bốn và con dưới bóng tre ở đầu ngõ một xóm nhà tranh, trong bộ đồ ka ki vàng, choàng trên vai chiếc khăn dù chiến lợi phẩm. Bây giờ con không còn nhớ giây phút sum họp sau mười năm xa cách đó diễn ra như thế nào. Con chỉ nhớ khi cô Bốn hỏi cha, “anh Ba thấy cháu Phương có giống anh không?”, thì cha cười trả lời, “anh chỉ thấy khuôn mặt cháu chứ đâu có nhìn được khuôn mặt anh, em ngồi đó nhìn kỹ hai cha con anh xem”.

        Trong tưởng tượng của con, cha là một sĩ quan cao lớn, rắn chắc, ăn nói mạnh mẽ. Vậy mà bây giờ cha ngồi đây bên con, dáng dấp thư sinh, nói năng hiền hòa, đi chiến trường mà da vẫn trắng. Đời con chỉ có ba ngày đó sống bên cạnh cha, không một tấm hình lưu lại, giữa những đồng đội của cha trong kỳ dưỡng quân ở một vùng quê kháng chiến dưới chân một rặng núi cao. Cha dắt con đi qua những ngôi nhà dân mà tiểu đoàn mượn chỗ đóng quân. Con nhẩm đọc những khẩu hiệu vẽ trên giấy hay viết bằng vôi trắng trên tường nhà: “Chiến thắng Ba Gia: Giôn-xơn choáng váng!”; “Đường Việt - Mỹ cách nghìn hải lý/ Chúng sang đây là ý để chi?/ Anh ơi mau hãy nghĩ suy/ Chính là xâm lược chớ gì hả anh!”. Buổi tối con ra hội trường mới dựng xem các chú bộ đội và các cô du kích múa sạp, người đứng thành vòng tròn vây quanh ca hát và vỗ tay theo nhịp. Những ngọn đèn bão treo dưới mái lá trông như những chiếc hoa lửa chập chờn trong gió đêm thổi nên muôn nghìn hình ảnh lạ. Sau này, vào đại học, nhớ lại không khí ngày ấy, con có viết một truyện ngắn đăng trên báo Đứng Dậy, đặt tên là Núi rộng sông dài, lấy từ một câu thơ của Thu Bồn.

        Cha hỏi con chuyện học hành, chuyện nhà của ngoại. Con khoe thầy cô giáo rất thương con, dù biết cha là người thuộc “phe bên kia”. Nhà ngoại gần cầu, có đồn lính, nhưng đêm nào mẹ cũng mở đài Hà Nội và đài Giải Phóng thật nhỏ đề nghe tin tức. Có lần lính vào nhà bất ngờ, mẹ không kịp tắt đài, họ biết nhưng làm ngơ. Mẹ và con đang nghe đọc dở truyện Sống như anh trên đài, đến chỗ anh Trỗi trốn nhà mua vé tàu thủy vô Sài Gòn tìm việc, đã lên boong tàu rồi mà người anh cỏn đạp xe ra bến gọi thất thanh: “Trỗi ơi, Trỗi ơi! Về nhà no đói có anh có em”. Cha nhìn con đầy thương mến: “Con còn nhỏ, chưa nên nghe những truyện ấy, sẽ ảnh hưởng đến việc học”. Hôm sau, con nghe cha nói nhỏ với mẹ: “Em đừng cho con đọc tiểu thuyết sớm”. Sau này, làm nghề văn, phải đọc bao nhiêu cuốn tiểu thuyết, mà mỗi lần đọc con đều mỉm cười khi nhớ đến lời dặn ấy của cha.

         Sau chuyến đi ấy, con không còn dịp may gặp lại cha lần nữa. Một người trong chính quyền nghe cha về, biết mẹ đi thăm, thế là mẹ bị tra hỏi và bắt giam sáu tháng. Mãi gần hai năm sau, Tết năm 1967, cha mới nhắn tin, năm nay hưu chiến bảy ngày, cha bảo con cùng về quê nội. Quê nội là vùng tranh chấp, ngày Tết bộ đội về thăm nhà nhưng con chờ mãi mà không thấy cha. Sau Tết ít lâu, một người phụ nữ lại xuống chợ nói thầm vào tai mẹ tin cha hy sinh trong trận đánh với lính Đại Hàn ngay khi giờ hưu chiến vừa chấm dứt. Lính Đại Hàn hồi đó tàn bạo khét tiếng, gây bao cuộc thảm sát cho dân lành Quảng Ngãi. Đơn vị của cha quyết san bằng căn cứ của tiểu đoàn Rồng Xanh ở đồi tranh Quang Thạnh, xã Sơn Kim, nhưng không thành. Cha bị thương nặng, trên đường rút quân đơn vị gửi cha cho  một ngôi chùa nhỏ ở xóm Châu Trung, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh. Thiếu thuốc men, không cứu được cha, sư thầy và đệ tử đã an táng cha trong vườn chùa. Kỷ vật của cha mà đơn vị gửi về cho gia đình là chiếc bút máy Hồng Hà, cái máy thu thanh mẹ đã mua tặng cha và một số tiền nhỏ. Năm đó cha mới 36 tuổi.

         Ngày hòa bình, gia đình mình buồn lắm, nhà và vườn bị đốt sạch trong chiến tranh, ông nội ra đi với hai người con trai, giờ về lại một mình với chiếc va-li cũ kỹ. Theo sơ đồ gửi kèm giấy báo tử, ông nội, mẹ và con đã tìm đến chùa tạ ơn sư thầy trước khi đưa cha về nghĩa trang quê mình. Nghe nói cha thuộc sư đoàn của tướng Nguyễn Chơn, khi ra miền Bắc, con những mong gặp người cùng đơn vị đó để biết thêm về những ngày cuối của cha. Một lần xem triển lãm của quân khu 5 ở Đà Nẵng, con thấy trong phòng truyền thống có chữ ký và tên cha trên lá cờ giao ước của ban chỉ huy hai đơn vị đã đánh thắng trận Vạn Tường và trận Ấp Bắc. Gần 30 năm sau khi cha mất, con đọc trên báo Sự kiện và nhân chứng  bài viết về cha và trận đánh năm xưa mà tác giả là Thiếu tướng Trần Minh Thiệt, Phó tư lệnh Quân khu 5, hồi đó là một trung đội trưởng bị thương trong trận đánh. Con viết thư hẹn ngày về Đà Nẵng thăm ông, nhưng thật không may, chưa kịp gặp thì ông tử nạn trên một chuyến bay thị sát ở biên giới Việt - Lào cùng với nhiều sĩ quan khác.

        Thưa Cha,

         Mỗi năm con đều thu xếp về quê vài lần thăm nhà và dành thời gian thăm bà con hàng xóm, như ngày xưa cha vẫn thăm hỏi mọi người khi về phép. Có lần một người họ hàng than phiền bị địa phương bạc đãi, nói với con, giá cha con còn sống thì bác đâu bị người ta đối xử như thế này. Con cười, bảo cha con còn sống thì bây giờ cũng chỉ là người lính về hưu, đâu giúp đỡ gì bác được. Bà nội con cả đời chắt chiu dành dụm từng đồng xu cắc bạc, không dám ăn ngon, không dám mặc đẹp, mua đất ruộng làm tài sản để lại cho các con; nhưng các con không còn, ruộng thì vào hợp tác xã. Khu vườn vừa kịp gầy dựng lại, cây mới cho bóng mát và bói quả, thì ông bà lần lượt ra đi.

         Nhà thờ mình xây xong, rào giậu cẩn thận, rồi khóa cổng giao cho một đứa em họ trông nom. Nhiều lúc con hình dung, giá như năm cha mẹ gặp nhau, con có một đứa em để bây giờ nó chia sẻ bớt với con gánh nặng gia đình. Con còn mơ tưởng nếu cha còn sống, chắc cha con mình sẽ thường ngồi uống trà với nhau, nói chuỵện đời. Không biết khi nhìn thấy quê hương đất nước như bây giờ, cha sẽ nghĩ gì, cha vui hơn hay buồn hơn. Vậy mà đã 50 năm rồi đó, cái ngày con đi bộ một mình từ quê nội về quê ngoại, thầm dỗi hờn vì cha hẹn mà không về ăn Tết. Lúc đó con đâu biết cha đang đau như cắt ruột trong giờ phút hấp hối vì vết thương quá nặng. Năm nay, sau nửa thế kỷ, cha lại về ăn Tết nghe cha. Tết này chúng con cùng về quê nội lo giỗ cha. Hai hàng bông thọ nở vàng hai bên ngõ vào nhà đón chờ bước cha về cùng với ông bà tổ tiên trong ngày đầu năm mới.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 27-1-17