Đi chợ Tết với Lê Văn Thảo
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Ba năm trước, khoảng gần Tết, nhà văn Lê Văn Thảo rủ nhà văn Tô Hoàng và tôi đi Củ Chi. Tôi không phải là người thích ngao du, thường ngại ra khỏi nhà, nên mấy lần lỡ hẹn với Lê Văn Thảo, lúc xuống miền Tây, lúc về miền Trung. Có lần hứa đi với ông và Trần Nhã Thụy ra quần đảo Nam Du có hòn Sơn Rái là bối cảnh trong truyện dài cùng tên của ông, giờ chót lại rút lui, bây giờ nghĩ lại còn thấy tiếc. Nhưng đi Củ Chi thì khác, không phải vì gần, mà vì nhiều năm rồi tôi chưa quay trở lại. Mấy năm trước, nghe bạn bè xui khiến, tôi dành dụm ít tiền góp cho một hợp tác xã xây dựng “làng nghề sinh vật cảnh”, định tìm một miếng đất trên Củ Chi để về làm vườn khi nghỉ hưu, mà bị người ta lừa, chỉ thấy đất vẽ trên giấy. Nhưng lòng tôi vẫn nhớ Củ Chi, vẫn thầm hy vọng cái dự án kia được cấp phép. Cảnh vật Củ Chi bây giờ thật khác xa cái thời Lê Văn Thảo miêu tả trong tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn với bến xe ngựa và những cánh đồng chó ngáp. Đường Xuyên Á ngang qua Củ Chi mở rộng bốn làn xe, thông thuộc như Lê Văn Thảo và Tô Hoàng mà cũng nhầm vài lần mới tìm ra hướng. Cuối năm, nắng mịn màng như lụa, đất trời miền Nam đẹp lạ lùng, vườn tược hai bên đường mướt xanh. Chúng tôi dừng xe bên chợ Bình Mỹ. Hoa tươi, rau quả bày kín trên lề đường. Ba người chúng tôi vào trong chợ, đi ngang quầy nào cũng được các bà, các cô chào mời đon đả. Lê Văn Thảo thật giỏi, nhìn qua là biết miếng thịt nào tươi, cá nuôi hay cá đồng. Ông bảo, phải lên trên này mới mua được bò tơ Củ Chi thiệt, ở Sài Gòn có khi thịt ướp lạnh đôi ba ngày. Đến quầy bán cá, Lê Văn Thảo chọn mấy con cá thác lác, trả tiền, bảo người bán nạo giúp rồi chút nữa đến nhận. Tôi hỏi, nhà có hai cha con, anh mua chi nhiều vậy? Ông trả lời, lâu lâu mới lên, mua cho bà con vui, mình đem về để tủ lạnh ăn dần. Tô Hoàng và tôi không biết mua gì, chỉ đi theo xem ông lựa hàng. Tôi trêu mấy người bán hàng: Ông này là đại gia đó, các cô cứ nói thách cho nhiều vào! Có tiếng trả lời: Chúng em buôn ngay bán thật, không nói thách đâu! Nhờ nghe giọng nói mà Tô Hoàng nhận ra một người đồng hương Hưng Yên trôi dạt đến chốn này làm ăn. Ra đến cổng chợ, mang một túi nặng, Lê Văn Thảo còn tần ngần trước mấy gánh rau quả. Ông giải thích: Rau này coi bộ không phun thuốc trừ sâu, giống khổ qua núi ở đây nấu canh ngon, ăn hạ huyết áp. Bắt chước ông, tôi cũng mua đủ các loại rau, thêm vài ký khổ qua, dù trong lòng thắc mắc Củ Chi làm gì có núi mà gọi là khổ qua núi, chắc người ta lấy giống nơi khác gieo trồng. Chiều về, tôi khoe với vợ túi rau mua rẻ, tưởng được khen thành tích, ai ngờ cô giáo nhận xét: Bữa nào anh ra chợ Trần Hữu Trang, các loại rau này có đủ hết, cả mớ rau này không tới trăm ngàn đâu. Từ chợ, Lê Văn Thảo dẫn chúng tôi đến một quán ăn quen cạnh bờ sông. Chiều hôm trước ông đã gọi lên đặt món gà vườn nướng sả. Mấy anh em uống rượu vang đem theo, ngồi tám đủ chuyện trên trời dưới bể. Hổi trẻ Lê Văn Thảo đêm đêm đeo bồng bơi qua khúc sông này, súng và bản thảo đưa cao trên đầu cho khỏi ướt. Tô Hoàng cũng từng bám trụ Củ Chi sau những ngày theo đơn vị pháo binh vào Quảng Trị và Tây Nguyên. Hòa bình rồi, đi Đông đi Tây, nhưng họ vẫn nhớ những đám lá tối trời dọc bờ sông. Biết Tô Hoàng và tôi từng học ở nước Nga, ông kể những chuyến đi Nga và những người bạn Nga mà ông gặp gỡ nhiều lần. Lê Văn Thảo ăn rất ít, chỉ nghe chúng tôi khen món gà nướng mà vui. Nhưng ông uống rượu vang không kém ai. Tôi ngạc nhiên, không dám hỏi, sao ông mắc bệnh trọng mà chẳng kiêng cữ gì. Có lần ngồi chơi với Trần Nhã Thụy, Ngô Liêm Khoan và tôi ở quán bờ sông gần nhà, ông uống gần hết chai rượu vang. Chúng tôi đưa ông vào nhà, vừa bước lên bậc tam cấp, ông sẩy chân ngã sóng soài bên mấy chậu cây kiểng làm chúng tôi hoảng hồn. Sáng hôm sau gọi điện thoại hỏi thăm, ông bảo dậy sớm như thường lệ, đi bộ một vòng, ăn sáng và ngồi vào bàn viết rồi. Từ Củ Chi, những chiếc thuyền chở hàng Tết, vật liệu xây dựng ngược xuôi sông Sài Gòn, đi ngang cái quán chúng tôi ngồi, về tận khu nhà Lê Văn Thảo đang ở. Chúng tôi hay nói đùa đó là xóm Bốn Tàu: tàu bay trên đầu bay đến Tân Sơn Nhất, tàu hỏa chạy ngang cầu Bình Lợi, tàu thủy kéo còi dưới sông, còn tàu dừa là chuyện ngày xưa, khi đất này nhà cửa còn thưa thớt. Từ khi nghỉ hưu chuyển về đây, hầu như năm nào gần Tết Lê Văn Thảo cũng mời những nhà văn mà ông thân quý đến ăn tất niên ở một quán ăn bên bờ sông: Bích Ngân, Trương Gia Hòa, Trần Lê Sơn Ý, Ngô Thị Hạnh, Phan Hoàng, Trần Nhã Thụy, Tiến Đạt, Ngô Liêm Khoan… Cùng dự thường có người em rể của ông là thầy giáo Phan Lưu Biên, dạy toán hay nổi tiếng ở Trường Pétrus Ký. Ông chủ quán từng là đầu bếp của một nhà hàng cao cấp ở Sài Gòn, nấu món nào cũng lạ và ngon. Lê Văn Thảo là người sành ăn, giải thích tỉ mỉ món cá này phải nấu với loại gia vị nào, ăn với rau gì mới hợp, mà tôi thì không bao giờ thuộc được bài giảng ẩm thực chi tiết của ông. Lê Văn Thảo kỹ tính trong ăn uống cũng như kỹ tính trong văn chương. Hồi chuẩn bị chọn lựa những tác phẩm cho Tuyển tập của mình, ông đã dành không ít thời gian đọc lại và sửa chữa thật tỉ mỉ với ghi chú cẩn trọng: “Đây là bản được tác giả chỉnh sửa lần cuối cùng. Mọi trích đăng, phiên dịch… - sau khi được sự đồng ý của tác giả - dùng theo tuyển tập này”. Có lẽ Lê Văn Thảo không chủ ý phủ nhận chính mình – những sửa chữa thường chỉ là phương diện kỹ thuật – nhưng ông cho rằng sáng tạo là một quá trình liên tục và nhà văn có nghĩa vụ đem đến cho người đọc một công trình mà mình tin là hoàn chỉnh nhất, như người đầu bếp yêu nghề chuẩn bị một bữa ăn hợp khẩu vị cho thực khách. Đọc kỹ văn bản một số truyện ngắn, có thể thấy Lê Văn Thảo không ngừng sửa chữa, thậm chí cả đến nhan đề của truyện. Lại nhớ chuyến đi Cà Mau năm 2008 cùng với Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Lý Lan, Đoàn Thạch Biền, Inrasara, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Trần Hoàng Nhân, Ngô Thị Hạnh và nhiều cây bút trẻ. Chuyến đi rất vui nếu không có việc Phan Trung Thành bị ốm nặng phải đưa về Sài Gòn giữa chừng. Qua một lần giải phẫu, năm đó sức khỏe Lê Văn Thảo đã sút kém, mỗi sáng ông ra chợ Cà Mau mua hai trái bắp luộc ăn để tốt cho tiêu hóa. Lê Văn Thảo và Chim Trắng mời họa sĩ Phạm Hữu Trí, người Cà Mau đi tập kết về làm báo Văn Nghệ thành phố trước khi hồi hương, đến dùng cơm với đoàn. Ba ông già nhiều năm cùng một cơ quan, nay có dịp gặp lại, nhắc nhở những kỷ niệm vui buồn mà lòng thanh thản. Nghề của họ rất dễ đụng chạm, còn giữ được tình bạn cố tri, xóa bỏ những giận hờn, thật là đáng quý. Trong ba người, trông Phạm Hữu Trí ốm yếu nhất, vậy mà Chim Trắng lại chia tay trước, rồi đến Lê Văn Thảo. Giờ đã hết rồi những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ. Tết này, ở nơi đăng ký hộ khẩu mới, không biết Lê Văn Thảo sẽ đi chợ Tết với ai. HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 16-1-17
|