Trò chuyện với người uyên bác

Hồ Anh Thái

 

 

Trong cuốn Sống – Tình yêu, tự do đầu tiên và cuối cùng, hiền triết Osho bàn một cách rất thẳng thắn về tình yêu và tính dục, về tính ưu việt của việc chủ ý sống cô độc (không phải đơn độc)… Quan điểm của ông là phi tôn giáo, luôn luôn trái ngược với định kiến xã hội. Ông thậm chí xây dựng mô hình một nhân loại mới khi thế giới không còn gia đình mà chỉ có công xã, có hàng triệu công xã như vậy trên hành tinh, mỗi công xã có từ 5.000 đến 50.000 người, trẻ em thuộc về công xã chứ không thuộc về gia đình, cha mẹ sinh ra chúng có thể sống với nhau hoặc đã chia tay, nhưng cha mẹ thực tế và họ hàng chúng là toàn bộ công xã… Nghe thoáng qua thì tưởng rằng viển vông, không tưởng, nhưng ta phải đọc và trực tiếp nghe Osho phân tích lý giải. Nhìn chung các luận điểm của Osho là không thể tóm tắt, không thể kể lại, mà mỗi người phải tự mình đọc và được khai minh.

Đọc cuốn nào của Osho cũng khiến người đọc tỉnh ngộ, được khai sáng, như đối thoại với người thông minh thì bao nhiêu cái thông minh trong người mình cũng được kích hoạt, bừng bừng sống dậy. Rất muốn khuyên độc giả, ai chưa đọc thì hãy đọc ngay cuốn này, tri thức uyên bác được chuyển hóa thành điều dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Cứ coi như ta hẹn được một người uyên thâm đi uống cà phê, chuyện trò xong thì ta tỉnh hẳn người, mà không phải chỉ vì chất caffeine trong cốc cà phê.

Muốn trích Osho thì đúng ra phải “trích” toàn bộ cuốn sách. Dù sao cũng nhặt ra đây vài đoạn, mặc dù khi nhặt riêng ra thì thấy nó đã giảm ý nghĩa:

“Người ta vẫn không ngừng tìm kiếm bạn bè. Họ không thể chung sống cùng chính mình, họ muốn sống cùng người khác. Người ta vẫn không ngừng tìm kiếm bạn bè, chỉ cần họ tránh né được chính họ hoặc họ có thể tìm đến bất kỳ thứ gì có thể giúp họ trốn chạy khỏi chính mình. Họ sẽ đến rạp hát và ngồi đó liên tục ba giờ đồng hồ để xem một cái gì đó hoàn toàn ngớ ngẩn. Họ sẽ tìm đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám nào đó để giết thời gian. Họ đọc đi đọc lại cùng một tờ báo để tự làm mình bận bịu. Họ sẽ chơi bài, chơi cờ chỉ để giết thời gian (cứ như thể họ có nhiều thời gian lắm vậy).

Nhưng đây là một trong những rắc rối cơ bản được tạo ra bởi lối nuôi dạy sai lạc: bạn trốn tránh chính mình” (trang 27).

“Một người hạnh phúc luôn là một người của chính mình. Tại sao anh ta lại phải thuộc về một tổ chức nào đó? Chỉ có một người không hạnh phúc mới muốn thuộc về một tổ chức nào đó, muốn thuộc về một bầy đàn nào đó. Họ trở thành một thành viên của một tổ chức chính thể nào đó, của một tổ chức khởi nghĩa nào đó, của một tôn giáo nào đó. Giờ thì họ cảm thấy yên tâm hơn vì họ đã có điểm tựa.

Mọi người nên tựa vào chính mình. Nếu bạn thuộc về một tổ chức nào đó thì bạn sẽ đi vào ngõ cụt, bạn không có khả năng phát triển. Mọi việc đến đó là kết thúc, một con đường không lối thoát.

Thế nên tôi không khuyên bạn hãy sống không vị kỷ vì tôi biết rằng nếu bạn vị kỷ thì bạn sẽ tự nhiên không vị kỷ, rất tự nhiên. Nếu bạn không vị kỷ thì bạn sẽ chẳng biết được mình là ai, bạn sẽ bỏ nhỡ bước cơ bản đầu tiên” (trang 41-42).

“Một gia đình không có con cái thì không phải là một gia đình”. Đúng thế, vì một ngôi nhà không có trẻ con thì nó giống như một ngôi đền tĩnh lặng, khi có trẻ con thì thì nó trở thành bệnh viện tâm thần. Với nhiều trẻ con thì rắc rối tăng theo cấp số nhân” (trang 50).

“Tôi đã quan sát nhiều loài động vật. Tôi đã sống trong rừng, tại các vùng núi và tôi luôn phải ngạc nhiên: khi chúng giao hợp trông chúng có vẻ rất buồn. Tôi chưa thấy loài động vật nào tỏ ra vui vẻ trong khi đang làm tình cả, cứ như thể có một sức mạnh nào đó ép buộc chúng phải làm như thế. Đó không phải là chọn lựa của chúng, đó không phải là sự tự do của chúng mà là sự gò ép của chúng. Điều đó khiến chúng trở nên buồn bã.

Điều này cũng xảy ra tương tự với con người. Bạn đã bao giờ trông thấy một người chồng và một người vợ trên phố chưa? Bạn có thể không biết rằng họ là đôi vợ chồng, nhưng chỉ cần cả hai tỏ vẻ buồn bã là bạn có thể chắc chắn đó là vợ chồng” (trang 106)… “Thế giới này trở nên buồn bã do sự hôn nhân và thế giới vẫn chưa hề ý thức được nguyên nhân của sự buồn bã này” (trang 108).

“Những gì bạn thường gọi là sự thi vị và niềm đam mê cũng chỉ là những lời nói dối (với vẻ ngoài đẹp đẽ). Trong một trăm nhà thơ của bạn, chín mươi chín người không phải là nhà thơ mà chỉ là những con người bối rối, nhiễu loạn, ham muốn, lạc bước. Chỉ có một vài người thực sự là nhà thơ.

… Nhưng những gì bạn gọi là thơ ca cũng chỉ là sự thể hiện cơn sốt trong lòng bạn, thể hiện những ham muốn, những bối rối trong lòng bạn. Đó chỉ là sự điên rồ. Sự đam mê mang tính mù quáng, ngu muội, điên rồ bởi vì nó khiến bạn cảm thấy cứ như thể đó là tình yêu” (trang 134).

Hồ Anh Thái

 

--- ---

Sống – Tình yêu, tự do đầu tiên và cuối cùng, tác giả: Osho, Đông Nam dịch, Đông Nam và NXB Hồng Đức, tái bản lần ba