Tiếng chuông trong thành phố

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Hơn mười năm trước, sau khi đọc bài Theo những bước trầm hương, nhà thơ Trụ Vũ gửi tặng tôi một cái chuông đồng nhỏ. Chuông cầm vừa trong lòng bàn tay, đặt trên một cái đế cuộn tròn bằng vải, với cái dùi gỗ cũng bọc vải bên ngoài. Mặt đồng sẫm màu thời gian, theo thầy nói, đây là món đồ kỷ niệm mà thầy sưu tập được thuở hàn vi, lúc từ Huế mới chuyển vào Sài Gòn.

Từ hôm đó, hàng ngày, bàn thờ Phật nhà tôi có tiếng chuông sáng chuông chiều. Lâu nay, tôi chỉ biết thắp hương niệm Phật, mà chưa từng thỉnh chuông. Ngày sóc ngày vọng viếng chùa Xá Lợi, chùa Dược Sư hay Tịnh xá Trung tâm, tôi không tự mình gióng chuông mà chỉ nương nhờ tiếng chuông của các tăng ni, lòng vẫn nghĩ thỉnh chuông là việc nghiêm trang, không phải ai cũng làm được.

Nay Trụ Vũ tặng chuông tức là thầy trao cho tôi một nhiệm vụ hàng ngày. Đã quen với bàn tay của thầy, liệu cái chuông có bằng lòng với cách gõ của tôi và có ban cho những âm thanh khoan hòa như khi ở bàn thờ Phật nhà thầy? Vượt qua những lúng túng ban đầu, dần dần tôi mới hiểu được rằng việc thỉnh chuông phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị tâm thế của mình. Hôm nào lòng mình vướng bận, tiếng chuông nghe nặng nề. Lúc công việc thúc giục, tiếng chuông như cũng vội vàng, gấp gáp. Chỉ khi lòng thanh thản, tiếng chuông mới khoan thai, nhịp nhàng, từ tốn. Thỉnh thoảng, để ý rất kỹ, nghe tiếng chuông xôn xao, như báo hiệu lòng mình reo vui.

Sau một thời gian làm quen, với tôi, tiếng chuông không chỉ là “nhiệt kế” của tâm hồn mà còn được khai thác như một công cụ rèn luyện tâm linh cùng với bài tập vận động thể chất. Buổi sáng nào, sau khi thỉnh chuông, tôi bình tâm đứng lại chờ tiếng chuông ngân thấm vào lòng mình, thì cả ngày đó tôi đủ sức chịu đựng những hành vi tiêu cực và lời nói khó chịu từ người khác. Cũng như vậy, vào buổi chiều, khi tiếng chuông lắng lại cũng là lúc lòng tôi được thanh lọc phần nào những tạp niệm từ cuộc đời đã ngấm vào suốt một ngày nhọc nhằn. Tiếng chuông cuối ngày là tín hiệu dứt bỏ những phiền trược, như người ta thường nói, cất những lo âu hờn giận vào đôi tất, trước khi đi vào giấc ngủ.

Nhiều năm trước tôi đã kiên nhẫn theo học các lớp Yoga, lớp Trường sinh học, lớp luyện thở, nhưng khi thực hành đều thất bại, có lẽ vì mình chưa đủ tinh tấn hay không gặp nhân duyên. Bây giờ thỉnh chuông và nghe chuông là một cách thiền và cũng là cách rèn luyện của tôi, quan trọng chẳng khác nào bài tập dưỡng sinh của bác sĩ Vũ Quang Vịnh hay bài tập gậy của cụ Hà Bắc Đẩu mà tôi học được ở công viên Chiến Thắng và áp dụng hàng ngày. Tuổi càng lớn tôi càng nghiệm thấy lời giải đoán đọc trong một cuốn sách tử vi tiếng Nga thời trẻ là đúng: theo đó, mạng tôi là mạng cây vả (Inzhyr), một kiểu người “lười biếng từ bản chất” (ljenhivyj po sushectvu), lười di chuyển, ngại phiêu lưu, chỉ thích ở yên dưới mái nhà của mình mà không mấy hào hứng với những chuyến đi vốn rất thú vị với người khác. Nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ so với những đồng nghiệp U70 vẫn còn hăng hái triển khai những dự án, mở ra thêm “mặt trận” mới, “chinh chiến” nhiều nơi, trong khi bản thân mình ít tuổi hơn thì lại nghĩ rằng tiếng chuông đồng đã báo hiệu sắp bắt đầu giờ “thu dọn chiến trường”.

Đôi khi tôi còn nghĩ vẩn vơ về sự khác biệt giữa tiếng trống, tiếng mõ và tiếng chuông. Tại sao học đường thường dùng tiếng trống báo giờ vào lớp và tan trường; hợp tác xã thì dùng tiếng kẻng gọi xã viên ra đồng; còn tự viện và giáo đường thì gióng chuông ngày lễ? Cũng là báo động khi thiên tai hay giặc đến mà tiếng trống, tiếng mõ và tiếng chuông lại truyền đi những tác động khác nhau. Tại sao tiếng trống hào hùng giục giã người lính giữa trận tiền mà tiếng chuông lại thường dùng để chiêu hồn tử sĩ? Giữa đêm thanh vắng, tiếng mõ gõ đều đều dường như nghe cô quạnh hơn là tiếng chuông. Đọc văn, những tác phẩm có nhan đề gắn với tiếng trống, tiếng mõ không gây ấn tượng cho bằng tiếng chuông, từ tiểu thuyết đến truyện vừa, truyện ngắn: Chuông nguyện hồn ai của E. Hemingway, Hồi chuông tắt lửa của Thế Nguyên, Chuông rung trên tháp đổ của Lý Văn Sâm, Tiếng chuông triêu mộ của Võ Hồng, Tiếng chuông trôi trên sông của Vũ Hồng… Tiếng chuông nửa đêm trong thơ Trương Kế quy chiếu tiếng chuông chùa Hàn San có thật bên ngoài thành Cô Tô mà cũng là hồi vọng của tâm thức nhà thơ từng lắng đọng bao nhiêu âm vang của kỷ niệm. Phải chăng tiếng chuông có “chất văn” hơn là tiếng mõ, tiếng trống? Tôi chỉ tự hỏi thôi, mà không dám khẳng định điều gì.

Bốn năm ở Mạc Tư Khoa, tôi chưa một lần bước chân vào lăng tẩm nguy nga, nhưng lại rất thích đứng một mình giữa Quảng trường Đỏ nghe chuông đồng hồ điện Cẩm Linh đổ hồi, ngay giữa ngày giá rét. Mới đây, xem truyền hình, thấy người dân Luân Đôn và du khách, lòng đầy lưu luyến, tụ tập dưới chân tháp Big Ben 160 tuổi của cung điện Westminster để nghe tiếng chuông lúc 12 giờ trưa ngày 21-8-2017, trước khi biểu tượng của xứ sở sương mù tạm thời im tiếng trong suốt bốn năm để tu sửa và bảo dưỡng. Còn Sài Gòn bây giờ bị ô nhiễm bởi những tiếng nhạc sống mở hết công suất, tiếng loa quảng cáo xả hàng cuối năm, tiếng rao bán keo diệt chuột… lấn át cả tiếng chuông trong phố. Có ai hiểu rằng tiếng chuông là thuốc lọc không khí, cũng cần thiết như chất lọc nước phèn đục ngầu mùa lũ để có nước trong.

Những sáng chủ nhật tôi thích ngồi với mấy người bạn ở một quán cà phê trên vỉa hè góc đường Nguyễn Du - Đồng Khởi nhìn ra Vương Cung Thánh Đường. Nhà thờ gần 140 tuổi này đang trùng tu, nhưng khác với tháp Big Ben, bộ chuông sáu chiếc nặng 28 tấn, mỗi chuông là một nốt nhạc trong hợp âm sáu nốt, vẫn hoạt động bình thường. Cứ đúng 9 giờ, đang lúc chuyện trò rôm rả, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi cùng giữ im lặng để đón nhận hồi chuông, gồm ba nốt Do Re Mi, ngân dài năm phút. Phía xa xa, trước nhà sách Liên Châu cũ, có ai đó vừa vỗ tay ra hiệu cho bầy chim bồ câu vỗ cánh bay lên, lượn mấy vòng quanh tượng đài Đức Mẹ Hòa Bình rồi sà xuống nhặt thóc cạnh bãi cỏ quảng trường khi tiếng chuông vừa dứt, giữa một ngày nắng vàng óng ả cuối năm.

Teilhard de Chardin có lần viết: “Tất cả những gì lên cao đều quy tụ lại” (“Tout ce qui monte, converge”). Những tiếng chuông chùa và chuông giáo đường trong thành phố, nương theo gió lành, kéo hồn người lên cao rồi sẽ cùng quy tụ lại.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 16-2-18