Tản mạn với
Võ Chân Cửu[*]
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Với
nhan đề 22 tản mạn, cuốn sách
đầu tiên trong bộ sách ba tập của Võ Chân Cửu về văn chương miền Nam đã
góp phần biến “tản mạn” vốn là một tính từ thành một danh từ, và vốn là
một thể báo chí – gần với nhàn đàm, tạp bút – trở thành một biến thể của
phê bình văn học.
Trong
tập hợp những bài tản mạn của Võ Chân Cửu, có thể thấy sự hiện diện và
cộng sinh của bình thơ, tiểu luận, tùy bút, tư liệu văn học… khiến cho
mỗi cuốn sách là một hợp thể, và cả bộ sách là một hợp thể lớn hơn, giúp
ta hình dung được bối cảnh của văn học miền Nam thời chiến cũng như tâm
thế của những nhà văn cầm bút trong bối cảnh đó.
Nói
“hợp thể” là một cách nói để dễ nhận diện, chứ thật ra bộ sách này không
phải là một hệ thống có chủ đích nhất quán, cho nên ta không nhất thiết
phải đọc nó như một thiên khảo luận có trật tự lớp lang, mà có thể - và
rất nên – đọc như một cuốn sách với những đoản thiên rời, đọc ngẫu hứng,
không cần theo trình tự trước sau, vì tác giả có vẻ như cũng ngẫu hứng
mà viết ra. Giống như ta ngồi bên ô cửa toa tàu mà nhìn phong cảnh hiện
ra trước mắt: có lúc tàu chạy nhanh chỉ kịp thấy cánh đồng và dòng sông
vừa lướt qua, có lúc tàu leo dốc chầm chậm cho ta chiêm ngưỡng từng bụi
cây ngọn cỏ của vạt rừng dưới chân đèo. Nhưng tất cả hòa kết trong tâm
trí ta một cảnh tượng văn chương bỗng thức dậy sau những giấc ngủ dài
tưởng đã phôi pha cùng năm tháng.
Giới
sáng tác văn học ở miền Nam thời chiến mỗi người mỗi vẻ, những phân loại
khái quát về khuynh hướng chỉ có ý nghĩa tương đối, có khi dễ thành
phiến diện. Mỗi tờ báo quy tụ một nhóm nhà văn gần nhau về cảnh ngộ sinh
hoạt tinh thần nhưng không hẳn cùng chia sẻ hoàn toàn một quan niệm văn
chương hay lý tưởng xã hội. Chính điều đó gây khó cho người nghiên cứu
về sau, đồng thời cũng là thử thách gợi hứng thú cho họ. Nó cho thấy yếu
tố dân chủ của một đời sống văn học nhiều phân hóa.
Nói
về thế hệ cùng thời với Võ Chân Cửu, cách phân loại vừa quen thuộc vừa
dễ dãi được một số người chấp nhận lâu nay: khuynh hướng “dấn thân” và
khuynh hướng “viễn mơ”. Nhưng ranh giới giữa hai khuynh hướng đó đâu dễ
phân định. Chỉ cần đặt câu hỏi: dấn thân về đâu mới là dấn thân đích
thực? Và người ta có thể dấn thân mà không cần viễn mơ? Thậm chí, người
dấn thân có thể cũng là người mơ tưởng hão huyền nhất!
Dù
sao, trong văn cảnh miền Nam thời đó, Võ Chân Cửu dễ được xếp vào nhà
thơ “viễn mơ”, căn cứ vào thi hứng, thi tứ và cả nhan đề tác phẩm của
ông: Tinh sương,
Đại mộng, Tà huy, Bóng trăng
ngàn, Đường vô núi, Sáng thinh không, Ngã tư vầng trăng, Quẩy đá qua
đồng, Chùa cổ bên sông… Con đường “viễn mơ” đó bao đời nay đã là một
dòng lớn của thi ca Việt Nam. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Lương Vỵ nhớ
đến thơ Thiền đời Lý – Trần khi đọc
Một ngày bộ hành của Võ Chân
Cửu: Sớm về phía mây tụ/ Chiều
đến nơi mây tan/ Phải nơi này chốn cũ/ Trên mặt đất còn hoang/ Trời rộng
đau gió hú/ Ôi hư không tràn lan.
Thật
là dễ hiểu, trong ba tập sách “tản mạn” này, Võ Chân Cửu nhớ nhiều đến
những bạn văn một thời cùng ông lao đao lận đận đuổi theo những giấc
mộng dài giữa những cảnh đời
thực dữ dội của chiến tranh. Ta có thể gặp ở đây những số phận long đong
của Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định…; những dự phóng văn
chương dang dở của các tập san
Trước Mặt ở Quảng Ngãi, Nhân
Sinh ở Nha Trang, Khai Phá
ở Châu Đốc, Văn Chương ở Sài
Gòn… Long đong, dang dở, nhưng họ để lại cho đời những tác phẩm văn
chương trọn vẹn, trong đó có những bài thơ hay ít người biết mà Võ Chân
Cửu không ngần ngại chép lại nguyên văn cho bạn đọc thưởng thức, chẳng
hạn những bài thơ của Lưu Vân, Nguyễn Tôn Nhan, Phan Nhự Thức…
Không
dừng lại ở vai trò người chứng hay người cung cấp tư liệu về một thời
văn học, nhưng Võ Chân Cửu cũng không đi quá xa trong những bình luận và
đánh giá về các hiện tượng. Ông chỉ miêu tả những gì hiện ra trước ý
thức văn nghệ của ông. Phần còn lại ông dành cho bạn đọc tự rút ra kết
luận của mình. Chẳng phải vì ông sợ trách nhiệm mà có lẽ vì ông tin rằng
bạn đọc có thước đo thẩm mỹ công minh của riêng họ. Đôi khi, ông cũng
bộc lộ thiên kiến nghệ thuật “có
phần cực đoan”, như Chu Ngạn Thư nhạy bén nhận ra trong lời tựa “Cùng
theo dấu nhà thơ”.
Đặt
tên cho cuốn sách thứ ba - mà tác giả nói là cuốn cuối cùng trong bộ
sách về văn chương miền Nam – là
Vén mây, ý hẳn Võ Chân Cửu muốn gợi ra hình ảnh “vén mây… nẩy
trăng”. Nói theo Milan Kundera, sáng tác văn chương là một cách vén màn,
những bức màn của ảo tượng và ma thuật, cho người đời nhìn thấy thực
tướng của thế giới từng bị che phủ, như mặt trăng khuất sau làn mây. Dù
sao, hành động “vén mây” đó cũng chỉ mở ra một cái nhìn trắc diện về đời
sống văn chương, vốn cần đến nỗ lực của nhiều người để có thể xóa đi
phần nào tấm màn đan dệt bởi thiên kiến và ngộ nhận trong sự giải thích
và phán xét.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
[*]
Nhân đọc 22 tản mạn, Theo
dấu nhà thơ, Vén mây của Võ Chân Cửu, NXB Hội Nhà văn –
Phương Nam Book, 2013-2017.
|