Lớp học chữ Nho trong thành phố
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, các sinh viên Ban Triết học Tây phương đều
phải học chứng chỉ Lịch sử triết học Đông phương, và ngược lại. Từ năm
thứ nhất, nhà trường xếp cho chúng tôi học một số giờ Hán văn, nhưng
thời lượng quá ít, không đủ căn bản để đọc câu đối ở đền chùa, nói chi
đến đọc tài liệu tham khảo. Tôi mua bộ sách Tự học chữ Nho của
Đào Mộng Nam, nhưng không thật chí thú và tập trung nên chẳng có kết quả
mấy. Kể điều này với một người bạn học lớn tuổi, tôi nhận được lời
khuyên: nên đến xin học một lớp dạy chữ Nho miễn phí ở miệt Phú Nhuận.
Tôi ngạc nhiên quá, ở Sài Gòn mà lại có lớp học chữ Nho miễn phí hay
sao? Theo lời dặn của người bạn, một buổi chiều cuối tuần, từ nhà trọ
gần chùa Giác Ngạn, tôi đi bộ về phía cổng xe lửa số 6, rẽ trái theo
đường Thiệu Trị có tòa soạn báo Thiếu
Nhi, đi thêm một một quãng nữa là thấy chùa Quang Minh: lớp học ở
phía đối diện chùa, gần bên đường sắt.
Đó là một ngôi nhà gạch nhỏ, cổng và hàng hiên bằng gỗ nâu, ánh sáng
ngoài trời chiếu vào mát dịu. Lối vào nhà giữa hai hàng chè tàu cắt tỉa
gọn gàng, qua một khoảng sân trồng hoa giấy và hoa mai. Cạnh cửa lớp đặt
một bàn nước với trà nóng pha sẵn ủ trong bình để thầy trò thưởng thức
trước giờ học hay khi ra chơi. Thầy giáo sẵn lòng nhận học trò mới, chỉ
hỏi thăm vài câu về gia cảnh. Thầy tên Lê Xuân Mai, quê ở Kim Long -
Huế, dáng thanh cao, đĩnh đạc, thường mặc bộ quần áo tràng nâu như một
cư sĩ. Bạn tôi nói, thầy là anh rể họa sĩ Bửu Chỉ, người nổi tiếng với
những bức tranh phản chiến, năm đó đang bị bắt giam trong nhà lao Chí
Hòa.
Vốn là thầy giáo
dạy toán và biên soạn sách giáo khoa, đồng thời tham gia dịch sách
Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thầy Mai có
phương pháp giảng bài rất rõ ràng, khúc chiết, dễ hiểu, dễ nhớ. Nhiều
chữ chỉ cần nghe thầy giải thích một lần là thuộc. Chẳng hạn chữ An
安là chữ Nữ
女nằm dưới bộ
Miên
宀 hình giống
như mái nhà: người con gái ở dưới mái nhà thì bình yên. Chữ Nam
男gồm bộ Điền
田hội ý với
bộ Lực
力, ý nói
người đàn ông mạnh mẽ, giỏi giang trong việc đồng áng. Chữ Hảo
好gồm chữ Nữ
女và chữ Tử
子: người phụ
nữ bồng con là điều tốt lành. Chữ Tín
信là
niềm tin/ tin tưởng, gồm có chữ Nhân
人là
người, chữ Ngôn
言
là lời nói: người có chữ tín luôn giữ lời hứa, không nói một đằng làm
một nẻo, không hứa rồi lật lọng.
Chữ Xuân
萅gồm chữ
Nhật (mặt trời)
日, chữ Thảo
(cây cỏ)
艹, chữ Truân
(tượng hình cây cỏ mọc lên)
屯: đó là mùa
vạn vật sinh sôi. Đến chữ Nhàn
閒,
có chữ Nguyệt
月
dưới chữ Môn
門,
thầy nhắc
câu thơ của Nguyễn Công Trứ mà chúng tôi thuộc từ thời trung học: Thị
tại môn tiền náo/ Nguyệt lai môn hạ nhàn.
Có lần thầy nói đùa về chữ Gian
姦 (gian dối)
gồm có ba chữ Nữ
女 khiến các
chị lắc đầu phản đối.
Thầy thường liên hệ với Kinh Dịch, với thuật bói toán (bốc phệ) nên bài
giảng trở nên sinh động. Chữ thầy rất đẹp, chúng tôi nắn nót viết từng
nét theo đúng thứ tự; lớp ít học viên nên thầy đến bàn hướng dẫn kỹ
lưỡng cho từng người. Dạy học như một nguồn vui của thầy, nguồn vui đó
truyền đến chúng tôi, nhờ đó giờ học trôi qua thật nhẹ nhàng.
Được ba tháng, thấy học trò có tiến bộ, thầy Mai bảo chúng tôi đến một
hiệu sách trên Chợ Lớn mua bộ Tứ thư để thầy bắt đầu dạy những
dòng đầu tiên trong sách Đại học: “Đại học chi đạo tại minh minh
đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện…”. Không hiểu sao, lúc đó cả thầy
và chúng tôi đều thích gọi chữ Nho hơn là chữ Hán. Dường như nói “chữ
Nho” thì âm thanh và ý nghĩa đều giàu chất văn hóa hơn. Mặc dù không mấy
tin vào thuyết Việt Nho của thầy Kim Định, nhưng trong tâm trí tôi, hai
tiếng “chữ Nho” gợi lên một tình cảm gần gũi với thánh hiền hơn là “chữ
Hán”.
Lớp học chỉ chừng 20 người, hầu hết là học sinh, sinh viên, ai cũng học
hành chăm chỉ, đúng giờ, mọi người thiện cảm với nhau nhưng giao tiếp có
phần lặng lẽ. Hai người xuất sắc và viết chữ đẹp nhất lớp là hai nữ sinh
viên đã học Ban Văn chương Việt Nam của Đại học Văn khoa rồi chuyển sang
Ban Việt Hán Đại học Sư phạm, còn một năm nữa sẽ ra trường làm giáo sư
trung học đệ nhị cấp. Sinh viên Sư phạm thời đó giỏi lắm, tỉ lệ trúng
tuyển rất ít, đậu vào là có học bổng cao gần bằng lương công chức tập
sự. Hai chị chở nhau đến lớp trên chiếc xe Honda PC, nhìn hai khuôn mặt
phúc hậu biết đó là người yêu nghề, mai đây sẽ thành hai nhà giáo mẫu
mực.
Gần Tết, chúng tôi bàn với nhau tổ chức tiệc tất niên để tạ ơn thầy và
thêm tình liên kết cho lớp học. Cả lớp cùng đóng góp, nhưng thầy cô chỉ
nhận một số tiền tượng trưng; thức ăn gia đình để dành cho ngày Tết được
bày thành món mà chúng tôi không phải chuẩn bị gì nhiều. Sống ở quê từ
nhỏ, vào Sài Gòn mới được vài năm, chưa bao giờ tôi tham dự một bữa tất
niên đầm ấm như vậy. Cả lớp không ai vắng mặt, những học viên xa nhà
cũng nán lại chưa về quê. Thầy Mai mời thêm mấy thân hữu đến dự, trong
đó có một vị khách đặc biệt là nhà văn Thế Nguyên, chủ nhiệm kiêm chủ
bút nhật báo Làm Dân và tạp chí Trình Bầy, hai tờ báo bị
chính quyền tịch thu liên tục đến mức phải đình bản vì sắc luật 007. Thế
Nguyên năm đó mới 33 tuổi mà trông dáng phong trần, khuôn mặt già trước
tuổi. Tôi gặp ông lần đầu ba năm trước ở tòa soạn Trình Bầy khi
đến gửi bài tùy bút đầu tay cho báo. Trong bữa tiệc, tôi được ngồi cạnh
Thế Nguyên, lắng nghe câu chuyện của ông với thầy Mai và những người bạn
lịch lãm của thầy.
Tính đến đầu năm đó (1975), Hiệp định Paris ký kết được hai năm nhưng
chưa ráo mực đã bị vi phạm, súng vẫn nổ, thời cuộc chuyển biến như những
lượn sóng ngầm, Sài Gòn chìm trong cơn sốt hầm hập truyền từ những tin
chiến sự. Bàn tiệc của chúng tôi chẳng nói gì đến văn chương chữ nghĩa
mà chỉ bàn chuyện thời thế. Ai cũng mong hòa bình mau đến để người Việt
thôi bắn giết nhau. Biết tôi học Văn khoa, Thế Nguyên nói: “Lẽ ra Trường
Văn khoa phải mở thêm phân khoa báo chí và điện ảnh. Triết học nên ít
người học thôi, phải học làm báo mới thay đổi xã hội này được”. Vui
miệng, ông nói tiếp: “Hòa bình về, tôi cũng sẽ đi học”. Thấy mọi người
ngạc nhiên, ông giải thích: “Tôi sẽ học làm phim. Điện ảnh là nghệ thuật
tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến công chúng, điện ảnh ở mình còn non yếu
quá. Cuốn phim đầu tay mà tôi muốn làm là câu chuyện dựa theo tác phẩm
Nọc Nạn của Phúc Vân”.
Tác phẩm Nọc Nạn thì tôi vừa mới được biết nhờ thầy Nguyễn Văn
Trung giới thiệu. Đó là cuốn truyện ký chân thực và cảm động về vụ án
những người nông dân ở cánh đồng Nọc Nạn thuộc làng Phong Thạnh, huyện
Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, dưới thời Pháp thuộc, do Biện Toại và Mười Chức
cầm đầu, đã liều chết chống lại lũ cường hào câu kết với quan lại tham
nhũng để bảo vệ mảnh đất của mình. Thế Nguyên trầm ngâm: “Bao đời nay
người nông dân khổ trăm bề. Nạn tham nhũng như lóc thịt lóc xương đất
nước này. Mong sao một mai hòa bình dân mình không còn bị cảnh cướp
ruộng, cướp vườn và được hưởng cuộc sống công bằng, no ấm”.
Ôi, lớp học chữ thánh hiền bình lặng của chúng tôi, một buổi chiều cuối
năm, bỗng xao động vì nỗi niềm trăn trở của Thế Nguyên. Chút vốn liếng
chữ nghĩa ít ỏi của tôi như được câu nói từ gan ruột của ông lay tỉnh.
Hòa bình về, nhưng Thế Nguyên không có cơ hội làm bộ phim mà mình ấp ủ:
ông từ trần khi mới 47 tuổi. Hoàn cảnh đổi thay, lớp học chữ Nho
không được duy trì, thầy Lê Xuân Mai nay cũng đã ra người thiên
cổ. Những người bạn học chữ Nho của tôi giờ phân tán nơi đâu, có khi nào
họ nhớ về lớp học đặc biệt ấy? Nếu có cơ duyên gặp lại nhau giữa Sài Gòn
nay đã khác xưa, liệu ta có nhận ra người đã từng ngồi chung lớp suốt
một năm tròn?
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
|