Đêm thánh ca

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Khi thành phố bắt đầu những buổi sáng se lạnh, thì trên các ngả đường cũng xuất hiện những cánh thiệp giáng sinh đủ màu, những cây thông trang trí đèn chùm rực rỡ, những hang đá thắp sáng tượng Chúa Hài Đồng… Và giai điệu quen thuộc của bài Jingle Bells vang lên rộn rã khi ta bước vào một hiệu sách, một quán cà phê, hay con hẻm nhỏ.

Buổi sáng trên đường đến trường: trước khách sạn Sofitel Plaza hiện ra hình ảnh chiếc xe tuần lộc chở ông già Tuyết hay con ngựa bạch với chuyến quà cuối năm. Buổi tối đi làm thêm ở một trung tâm ngoại ngữ đặt trong sân nhà thờ Chợ Quán: đèn màu giăng hình Đức Mẹ trên chính diện nhìn xuống đoàn rước kiệu đi vòng quanh sân…

Những hình ảnh ấy năm nào cũng gặp, nhưng mỗi năm vẫn đem lại một điều gì đó khác lạ, mới mẻ, nhắc nhở rằng đây là ngày hội của hơn sáu triệu đồng bào mang niềm tin Ki-tô giáo và lòng mình cũng xao động một niềm hân hoan dù mình không phải là người Ki-tô hữu.

Má tôi, một người thờ Phật. Cụ ăn chay vào ngày rằm và mùng một, nhưng cứ đến đêm Giáng sinh lại thích cùng chúng tôi đi nghe thánh ca ở nhà thờ Vườn Xoài. Mấy năm chuyển nhà xuống Bình Thạnh, chúng tôi nghe thánh ca trong một nhà nguyện nhỏ của các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Khi trở về khu phố cũ, nhà thờ Vườn Xoài đã được xây dựng lại nguy nga, bề thế; chương trình thánh ca Giáng sinh chào mừng Năm Thánh cũng phong phú hơn với phần biểu diễn của các ca đoàn trong giáo xứ. Biết rằng Nhà Chúa bao giờ cũng rộng lòng, nên chúng tôi đã lặng lẽ tìm một chỗ ngồi để đắm mình trong không khí thiêng liêng và cảm nhận suối nhạc chảy vào hồn như Tưới từng luống san từng mô đất. Khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm”.

Năm nay gia đình chúng tôi nhận được một món quà Giáng sinh đặc biệt: thư mời dự đêm Thánh ca cầu nguyện 2001 do linh mục Nguyễn Xuân Thảo, trưởng ban Thánh nhạc giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, gửi đến. Linh mục Xuân Thảo là nhạc sĩ sáng tác và chỉ huy đã cùng các nhạc sĩ Nam Hải, Thiên Lan, Tiến Linh… kiên trì đi tiếp con đường của các nhạc sĩ Hùng Lân, Hải Linh, Kim Long, Hoàng Kim…, những người đã có công góp phần xây dựng nền thánh nhạc Việt Nam gắn liền với bản sắc văn hoá và tình tự dân tộc.

Tôi vừa trở về từ đêm thánh ca ở nhà thờ Tân Sa Châu. Chương trình biểu diễn của các ban hợp xướng Piô, Mỹ Hoà, Vô Nhiễm, Quê Hương đầy ắp âm thanh và ấn tượng. Bài Trời cao cất lên trong ánh nến trên tay những người tham dự gợi mở niềm hiệp thông với tinh tú, đất đai, sông ngòi, biển cả. Bài Đêm thánh vô cùng của Franz Gruberg gần 200 tuổi – lần đầu được công diễn vào năm 1818 – hầu như chưa bao giờ cũ, cứ mỗi lần hát lên lại lay động không gian.

Khi cả cộng đoàn cùng cất tiếng hát bài Hang Bêlem của Hải Linh để kết thúc đêm thánh ca, tôi nghĩ đến niềm hy vọng của những người chăn cừu được loan báo Tin Mừng hai ngàn năm trước. Và giờ này ở đây đó trên khắp hành tinh, niềm mơ ước an lành vẫn cháy bỏng trong trái tim người. Những chiếc xe tuần lộc và những ông già Tuyết đã chuẩn bị lên đường. Xin hãy đi qua những cánh đồng còn vương mùi khói súng, những thành phố tan hoang vì bom đạn, những bãi chiến trường chưa dọn hết thây người… để phân phát những gói quà mang tên là Hy vọng.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

                                  (Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 50, ngày 23-12-2001).

Ý KIẾN CỦA GS NGUYỄN VĂN TRUNG:

      … Ở Việt Nam, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 24-9-2000, trong bài “Có những thánh lễ chủ nhật như thế”, Hữu Nghị kể lại thánh lễ có những ca đoàn quốc tế gồm người thuộc nhiều quốc tịch, tụ họp ở nhà ông Jean Demande, lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh, để tập hát thánh ca bằng tiếng La-tinh dưới sự điều khiển của một nhạc sĩ, ông Mathieu Postel, giám đốc ngân hàng Natixis; và ca đoàn người Việt hát tiếng Việt rất điêu luyện đến nỗi ông J. Demange phải hít hà: “Họ hát hay lắm. Các thánh ca tiếng Việt như thế rất hay, cho dù có một vài bài theo nhịp hành khúc”; và ông ước ao có ngày ca đoàn quốc tế sẽ hát cả bài tiếng Việt cùng với ca đoàn VN.

 Nếu người ngoại quốc cảm nhận được thánh nhạc lời Việt mà người VN không theo đạo Chúa chưa cảm nhận được, thì thánh nhạc lời Việt vẫn còn đáng nghi ngờ. Huỳnh Như Phương, sinh viên Văn Khoa Sài Gòn trước 1975, sau 1975 tiếp tục học trường này, đổi thành Đại học Tổng hợp TP HCM, trong bài tạp bút trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 23-12-2001, nhan đề “Đêm thánh ca”, kể năm nào ông cũng đi nghe nhạc Giáng sinh, “nhắc nhở rằng đây là ngày hội của hơn sáu triệu đồng bào mang niềm tin Ki-tô giáo và lòng mình cũng xao động một niềm hân hoan dù mình không phải là người Ki-tô hữu. Má tôi, một người thờ Phật. Cụ ăn chay vào ngày rằm và mùng một, nhưng cứ đến đêm Giáng sinh lại thích cùng chúng tôi đi nghe thánh ca ở nhà thờ Vườn Xoài….”

Nếu bà cụ của Huỳnh Như Phương biết được bên đạo Chúa có Kinh Cầu Hồn tương tự kinh Vu Lan Bồn cả về ý, lối diễn tả bằng thơ bốn chữ, chỉ khác đối tượng lời kinh, hẳn bà cụ sẽ cảm nhận niềm tin Phật của bà thật gần gũi niềm tin Chúa của bà cụ hàng xóm nào đó, người Công giáo…

Một vài sự kiện gợi ý giới thiệu bước đầu tìm hiểu kinh sách đạo Chúa, không nhằm đề cao đạo Chúa hay biện hộ cho người Công giáo VN, mà chỉ mong người đọc lưu tâm vấn đề giao lưu văn hóa giữa VN và Tây phương… Việc du nhập đạo Chúa, một biểu hiện của việc du nhập văn hóa Tây phương, không phải chỉ diễn ra trên bình diện trí thức, tư tưởng mà chủ yếu trong nếp sống hằng ngày, phong tục tập quán…

NGUYỄN VĂN TRUNG

(Seattle, 09-6-2002)