Trên cao

 

Truyện ngắn

Hồ Anh Thái

 

Cái nóng bốn mươi lăm độ giữa mùa hè ở New Delhi khiến người ta thấy một căn phòng lạnh là vào ngay. Nhưng phòng lạnh dưới mười độ thì có vào không?

Vào.

Tôi quen Pemba trong một cái hàn sảnh như vậy. Ngoài trời nóng như thiêu mà trong này chỉ có tám độ, mình áo ngắn tay rét run cầm cập. Tôi bước vào, thầm đặt tên cho nó là Hàn Sảnh, cái phòng lạnh. Đấy là xưởng nặn tượng bằng bơ trong nhà văn hóa Tây Tạng. Mấy nhà sư Tây Tạng đồng thời là nhà điêu khắc đang chi chút chạm khắc từng tiểu tiết cho nhóm tượng Phật và Bồ Tát. Sắc cà sa nâu đỏ màu mận chín của các thầy và sự tĩnh lặng bao trùm tạo không khí thiền. Chất liệu là bơ cất từ sữa bò yak trên cao nguyên Tây Tạng, bơ được nhuộm các màu nguyên thủy. Người ta dùng thứ bơ sánh sệt ấy để đắp tượng. Trên cao nguyên Tây Tạng thì khí lạnh tự nhiên đã thành cái nhà bảo tồn cho những pho tượng bơ. Nhưng trong nhà văn hóa giữa thủ đô Ấn Độ, tượng bơ phải cần đến phòng lạnh. Suốt quá trình tượng được tạo tác, rồi sau đó trưng bày, tất cả đều phải trong hàn sảnh.

Pemba đang là nghiên cứu sinh bên Đại học tổng hợp Delhi. Anh đến giúp việc cho mấy điêu khắc gia tạo tác tượng. Xoay chuyển pho tượng tịnh tiến theo nhiều chiều khi các nhà điêu khắc yêu cầu. Đưa hộp màu, đưa bút, pha màu cho bơ, thậm chí dùng bút chấm điểm những tiểu tiết theo thiết kế hoặc theo ngẫu hứng của nhà điêu khắc. Các điêu khắc gia dùng những chiếc bút to, bút theo nguyên lý bóp nặn giống như tuýp thuốc đánh răng, để nặn bơ màu, đắp lên tượng.

Rồi tôi sẽ còn kể tiếp chuyện giữa mùa hè đổ lửa ở New Delhi, tôi phải đi tìm những cái hàn sảnh để nương náu như thế nào. Phòng trong ký túc xá chỉ có một cái quạt trần quạt ra gió nóng, ngồi trong cái phòng như hấp cách thủy, phát điên vì cái nóng mà chẳng nghĩ ngợi làm lụng được gì. Tôi phải tìm đến những trung tâm văn hóa nước ngoài, ở đấy có máy lạnh, ở đấy được sử dụng thư viện, được thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Và lần đầu tiên tôi được biết về nghệ thuật nặn tượng bằng bơ, như ở đây.

Trao đổi với nhau dăm ba câu, rồi để tránh làm phiền các nhà sư đang nặn tượng, Pemba và tôi chuyển sang phòng triển lãm lịch sử Tây Tạng. Pemba nói Tây Tạng là nóc nhà thế giới, ở trên ấy quanh năm buốt giá, ấy thế mà người Tây Tạng khi chạy tỵ nạn lại kéo sang Ấn Độ xứ nóng. Nói vậy thôi, miền Bắc Ấn dưới chân dãy Himalaya cũng quanh năm mát lạnh. Ngay cả mùa đông ở New Delhi cũng có khi xuống dưới mười độ. Cha của Pemba năm 1959 chạy sang Ấn Độ cũng đã hai mươi chín tuổi. Vào trại tỵ nạn phấp phỏng nheo nhóc, miếng ăn còn thiếu, tấm chăn còn thiếu, thế mà người tỵ nạn cũng yêu nhau dan díu với nhau, đẻ ra cả một đàn con. Ít năm sau người tỵ nạn được ra trại, tìm đến xây dựng trung tâm Tây Tạng ở vùng Dharamsala là nơi có Đức Dalai Lama ngụ lại. Chỗ này khí hậu mát lạnh quanh năm, là đất lành với người Tây Tạng. Pemba ra đời nơi đất lành ấy.

Cha mẹ Pemba, hai con người tìm thấy nhau trong trại tỵ nạn, dính líu vào nhau, gá nghĩa với nhau, ở cái nơi bấp bênh khốn khó. Nhưng khi đã tìm được chỗ định cư, đã bớt cái phải lo, thì lại chia tách. Người cha từ biệt vợ và hai đứa con, lên đường theo đuổi đời sống tâm linh. Cuộc hành hương hàng trăm cây số đến với đất Phật, ông cùng với những người pháp hữu đi bộ theo kiểu tín đồ Tây Tạng. Hai bàn tay xỏ vào một đôi guốc gỗ, hoặc là guốc da guốc nhựa. Đang ở tư thế đứng, họ cúi người xuống, trượt nhanh về phía trước, từ thế đứng chuyển xuống thành thế nằm sấp trên lề đường. Lực toàn thân lúc ấy dồn hết vào hai bàn tay xỏ trong đôi guốc. Nằm sấp. Sau đó, họ đứng lên, tiếp tục tiến về phía trước bằng cách lặp lại động tác lao người xuống đất trên đôi tay. Lại nằm sấp. Cứ thế. Ròng rã hàng tháng trời cho một cuộc hành hương. Và hành xác. Có khi tóe máu đôi bàn tay, đôi bàn chân, hai đầu gối. Chấp nhận cái đớn đau của thân thể mà đào sâu tư duy hướng đến đức tin. Để hiểu tận cùng nỗi đau nơi trần thế. Để tìm đường xua hết khổ đau trong cuộc đại giải thoát pari nibbana.

Rốt cuộc, Pemba không ở cùng với mẹ trên vùng núi Himalaya. Anh về thủ đô New Delhi học và ở lại luôn làm việc. Thế hệ đầu tiên sinh ra trên đất Ấn, coi Ấn Độ là quê hương thứ hai. Anh nói đến thế thì tôi bảo Ấn Độ cũng có thể coi là quê hương thứ hai của tôi, ở nơi này tôi thấy mình được chọn lại một con đường. Như vậy, anh với tôi là đồng hương.

Khoảng nửa tháng sau, tôi trở lại nhà Văn hóa Tây Tạng, đúng dịp tết Losar. Nhóm tượng bơ tạo tác hôm trước là để chuẩn bị cho lễ đón mừng năm mới này. Tết kéo dài nửa tháng đầu năm theo lịch Tây Tạng. Ở đấy tôi gặp cô bạn của Pemba, chúng tôi cùng đứng xem điệu múa Gumpa kèn sáo réo rắt. Chuyện trò mãi rồi chuyển sang tình thân, ba chúng tôi rủ nhau đi chơi xuân. Xuống phía nam thành phố, cùng nhau trèo lên tháp Qutab Minar gần ký túc xá của tôi. Những năm ấy quanh cái cột sắt di tích chưa có hàng rào bảo vệ. Cột sắt hai nghìn năm mà không gỉ, cao đến bảy mét, đường kính cột khoảng một người ôm. Ba chúng tôi đều thử đứng áp lưng vào cột sắt, hai tay vòng ra sau lưng cố ôm trọn cái cột, đứa nọ kéo cho giãn tay đứa kia ra, cố làm sao cho hai tay gặp được nhau. Người nào mà tay gặp được nhau ở sau lưng thì sẽ may mắn.

Riêng ngọn tháp Qutab Minar hồi ấy vẫn còn cho phép một lượng khách hạn chế trèo lên. Độ cao 73 mét, như một cái kim nhọn giữa trời. Sa thạch đỏ, sa thạch hồng, sa thạch trắng và xám, một cuộc phối màu ấm áp hiền dịu. Ấy thế gần bảy trăm năm trôi qua, tháp khét tiếng bởi những vụ tự tử. Không quá nhiều, nhưng kỳ lạ. Pemba kể, đường kính chân tháp là 15 mét, tháp nhỏ dần lên đến ngọn thì đường kính chỉ còn 2,5 mét. Chúng tôi trèo lên đến độ cao hơn bảy mươi mét, nhìn xuống đất mà thấy ngợp. Lại nhớ phim “Vertigo” chứng sợ độ cao của Hitchcock.

 

*

*   *

Choáng không? Tôi hỏi. Pemba bảo anh sinh ra trên đất Ấn Độ nhưng trong huyết quản vẫn là máu Tây Tạng. Người Tây Tạng không biết đến chứng sợ độ cao. Ở trên cao ấy áp suất thấp, khí loãng. Người trên ấy từ trong bụng mẹ đã biết chịu lạnh, không sao, chứ người nơi khác đến đấy, vừa bước chân ra khỏi máy bay là có thể nghẹn thở, xây xẩm mặt mày, tức ngực, thậm chí ngất xỉu. Khách du lịch đến Tây Tạng có khi phải mua thiết bị thở ô xi mang theo bên người trong mấy ngày thăm viếng.

Khí hậu khắc nghiệt, thời cha của Pemba ra đời, ông bà anh còn phải đem đứa trẻ sơ sinh ra suối lạnh, làm lễ cúng thần linh bên bờ suối, rồi nhúng đứa bé xuống dòng suối băng giá. Đứa bé khóc ngằn ngặt cho đến khi tím tái cả người gần như không khóc được nữa. Đứa bé sau đó được đem lên sưởi bên đống lửa cho đến khi hồng hào trở lại. Nó đã qua được cuộc thử thách đầu tiên trong đời, một cuộc chọn lọc tự nhiên, nó sẽ lớn lên mà có thể miễn nhiễm được bệnh tật trên cao nguyên buốt giá. Một người cô của Pemba sau đó vài năm thì không chịu nổi, lễ nhúng nước lạnh lập tức trở thành lễ tang của cô bé.

Đã kể thì kể luôn. Ông thầy vừa làm lễ cúng khai sinh ngay sau đấy chuyển sang làm lễ cúng ma. Làm lễ thiên táng. Người Hỏa giáo bên Ba Tư theo tục thiên táng, không chôn tử thi xuống đất để tránh làm ô nhiễm đất, không thủy táng để tránh làm ô nhiễm nước, không hỏa táng để tránh làm ô nhiễm lửa thiêng. Người Tây Tạng cũng chọn thiên táng để gửi linh hồn trực tiếp lên thẳng với chư thiên. Linh hồn đã bay lên trời rồi, như vị thần trong cây đèn của Aladdin đã thoát ra khỏi chiếc đèn mà bay đi rồi thì thi thể nằm đấy chỉ còn là chiếc đèn rỗng. Chiếc đèn khi ấy trở thành vô nghĩa, nó có thể được tiêu hủy. Thi thể nằm đấy cũng chỉ còn là cái bình rỗng, thi thể cũng nên được tiêu hủy.

Người ta có thể đập vỡ cái bình đi. Cũng thế là việc ông thầy cắt xẻ cái tử thi rồi ném từng khúc cho đám kền kền đang lảng vảng bên bờ suối. Một vòng đời ngắn ngủi đã hoàn tất, linh hồn đã bay đi, thể xác cũng theo đàn chim mà bay đi.

Chuyện sự sống và cái chết trở lại lúc này với truyền thuyết về những vụ tự tử ở tháp Qutab Minar. Người ta đã thiết kế tháp theo nguyên lý nào đó mà những ban công tròn đồng tâm to dần, từ trên đỉnh tháp xuống dưới chân tháp. Đứng trên bất cứ một ban công nào ở trên đỉnh, nếu thả một hòn sỏi xuống, hòn sỏi sẽ không rơi xuống một ban công tầng dưới mà chỉ đập vào lan can rồi lại rơi tiếp xuống. Cứ thế. Một người tự tử đâm đầu trên tầng cao xuống sẽ đập vào lan can tầng dưới, rơi tiếp xuống lại đập vào lan can, lại cứ thế mà đập hàng chục lần vào các lan can bên dưới. Xuống đến mặt đất thì đã be bét không toàn thây.

Choáng không? Tôi lại quay sang hỏi Diki, cô bạn gái của Pemba. Cô bảo cô là người gốc Tây Tạng hiếm hoi làm chiêu đãi viên ở Hàng không Ấn Độ Air India. Người Tây Tạng vốn đã trên nóc nhà thế giới. Cô chiêu đãi viên bay trên đầu thế giới. Độ cao nhiều khi trên mười nghìn mét. Vừa Tây Tạng vừa hàng không, cái tháp cao bằng tòa nhà ba mươi tầng này chưa nước non gì với cô.

Chúng tôi xuống khỏi tháp cao. Tranh thủ lúc Diki đang ngắm nghía những phù điêu chạm khắc trên các bức tường di tích, Pemba hạ giọng với tôi. Chắc mình sẽ cưới cô gái này cậu ạ. Anh bảo tên của Diki có nghĩa là vừa khỏe mạnh vừa giàu, vừa Cường vừa Phú. Còn tên anh có nghĩa là ngày thứ bảy. Cuộc sống gia đình của họ sẽ vừa cường vừa phú vừa thảnh thơi như ngày thứ bảy.

 

*

*   *

Vài năm sau, tôi đã chuyển vào làm việc ở đại sứ quán, tối hôm ấy tôi tháp tùng đại sứ đi dự buổi biểu diễn của đoàn ca múa Tứ Xuyên. Qua được mấy tiết mục múa các vùng đất nước Trung Quốc thì cửa ngách bên trái khán phòng Mavalarkar rung lên bần bật. Tiếng đấm cửa nhốn nháo bên ngoài. Lúc đó trên sân khấu đã chuyển sang một điệu múa Tây Tạng. Cô gái trao dây giầy cho chàng trai, như vậy tức là đã nhận lời cầu hôn. Chỉ đến đấy thì một người thanh niên đi từ cánh gà ra giữa sân khấu. Thoạt đầu cả khán phòng đều tưởng đấy là một nhân vật nữa của điệu múa. Nhưng cặp trai gái kia thì trang phục dân tộc sặc sỡ, còn người thanh niên này thì quần áo chỉnh tề hiện đại, áo sơ mi cắm thùng. Anh ta chỉ vào cặp diễn viên múa mà nói: Xin quý vị lưu ý, tiết mục này không liên quan gì đến Trung Quốc. Tây Tạng và Trung Quốc là hai nước khác nhau.

Tôi giật mình. Nhận ra. Đấy là Pemba.

Đúng lúc ấy, cửa ngách khán phòng bật tung ra. Hàng chục người Tây Tạng ùa vào chạy theo tam cấp lên sân khấu. Cặp vũ công Sichuan chạy dạt vào hậu trường. Biểu ngữ tiếng Anh tiếng Trung phản đối sự xâm lăng và đàn áp. Tiếng hô khẩu hiệu vang dậy.

Các đại sứ và cánh ngoại giao đoàn phải lảng ra xa rồi giải tán dần. Tôi cũng phải vừa đi vừa che chắn cho ông đại sứ không bị xô đẩy ra khỏi khán phòng. Có một lần tôi quay lại nhìn, thấy Pemba vẫn đứng hàng đầu ở giữa sân khấu. Anh đã tìm được một cái micrô và tiếp tục nói. Cả Diki nữa, trong tay cô cầm một tấm bảng hình vuông bằng tiếng Anh.

 

*

*   *

Chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa. Một lần tình cờ trong di tích Thành Cổ Purana Qila. Ở Delhi bằng ấy thời gian, hễ có dịp là tôi lại tìm đến cái thành cổ này, tôi mê nó hơn cả cái Thành Đỏ Red Fort còn nguyên vẹn. Thành cổ vẫn đồ sộ quyền uy trong khung cảnh rêu phong sụp đổ từng phần. Nó khơi dậy trong người ta sự nể phục và kính trọng.

Đang lang thang trong quần thể thì tôi nhìn thấy Pemba và Diki. Họ đứng trên tháp canh có cái chóp giống hình chiếc mũ của hiệp sĩ thời trung cổ. Tháp cũng bong lở, trơ ra những bức tường đá xám đen, vẻ cứng cáp như muốn nói rằng nó không thể đổ hơn được nữa, nó sẽ cứ mãi sừng sững như vậy. Diki và Pemba đưa tay vẫy tôi từ trên tháp cao. Tôi ở dưới này vẫy lại. Tình cờ mà hai vị trí ấy lại là một ẩn ngôn. Dù có vật đổi sao dời thì họ vẫn là những người đến từ miền cao, một cao nguyên mà người ta còn gọi là nóc nhà thế giới.

 

Bản gốc của tác giả gửi cho viet-studies. Bản đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần 17-9-2017 có nhiều chỗ không chính xác