Bên lề trang sách Osho
Tôi
chưa thấy cuốn sách nào viết về khía cạnh triết học của tình dục lại
thấm thía, có sức thuyết phục như cuốn sách của Osho, Quà tặng của
tạo hóa(*).
Đây là cuốn sách có thể đọc nhiều lần, và tôi rất muốn mời mọi người đọc
lại.
Osho
chủ trương một nhân loại mới, một nhân loại hiểu sâu sắc về tình dục, tự
do tình dục, không đè nén tình dục, từ đó mà thoát khỏi bị tình dục ám
ảnh, hướng đến một đời sống độc thân và sáng tạo. Nhưng để độc thân thì
phải hiểu và trải nghiệm đầy đủ tình dục, không bị kiềm chế kìm hãm. Sự
trải nghiệm có thể ở kiếp này nhưng cũng có thể là từ nhiều kiếp trước.
Bản thân Đức Phật là người cực kỳ mạnh mẽ để rồi sau đó mới tự do vượt
lên tình dục, thành một trí tuệ siêu việt.
Nhân
loại luôn luôn bị ám ảnh bởi tình dục, bởi vì bị các tôn giáo đè nén.
Tôn giáo nào cũng tuyên truyền tình dục là xấu xa tội lỗi. Họ cần tạo
cho nhân loại ấn tượng là nhân loại tội lỗi, như vậy nhân loại mới cần
đến tôn giáo, cần đến Thượng Đế. Một khi nhân loại trải nghiệm tình dục
một cách triệt để, được giải phóng thân thể và tư tưởng, nhân loại không
cần đến tôn giáo và Thượng Đế nữa.
Khi con người được giác ngộ về tình dục,
một nhân loại mới sẽ ra đời. Đời sống độc thân khi ấy vẫn sinh ra trẻ
con, nhưng là cách sinh sản có ý thức để tạo ra nhân loại. Khi ấy trẻ
con sinh ra không phải là hậu quả của tình dục, như khách không mời mà
đến, mà như một chủ thể được chờ đón, có dự tính hẳn hoi. Nhân loại ấy
đã được giải phóng khỏi tình dục, và năng lượng sáng tạo sẽ ở mức độ cao
hơn gấp nhiều lần.
Khi tôi đến Ấn Độ năm 1988, đã biết Osho
có một thiền viện ở Bombay. Đồ đệ của ông hầu hết đều là người phương
Tây mắt xanh tóc vàng. Còn có nhiều người từ Đông Á sang. Họ mặc đồng
phục màu vang đỏ boocđô, cả thiền viện đỏ rực như kết thành một giáo
phái. Khi ông qua đời năm 1990, ở tuổi 59, môn phái này thông báo: Osho
không hề ra đời, không hề chết, mà chỉ đến viếng thăm trái đất hành tinh
này từ 11-12-1931 đến 19-1-1990:
OSHO
Never Born
Never Died
Only Visited this
Planet Earth between
December 11, 1931 – January 19, 1990
Báo Sunday Times xếp Osho trong số 100
nhà kiến tạo của thế kỷ XX. Nhà văn Mỹ Tom Robbins nói: Osho “là người
nguy hiểm nhất kể từ Đức Jesus Christ" (the most dangerous man since
Jesus Christ). Nguy hiểm theo nghĩa sự xuất hiện của các vị có thể làm
rung chuyển cả thế gian này.
Không phải triết thuyết nào của Osho
cũng dễ hiểu, điều đó khiến tôi ngạc nhiên khi thấy sách của ông lại
được tiếp nhận khá rộng rãi trong giới trí thức Việt Nam, ở cả phương
Tây là nơi nhiều khái niệm triết học Ấn Độ và phương Đông không dễ hiểu.
Khác với nhiều nhà truyền giáo, nhiều
bậc thầy dẫn dắt đồ đệ, tư tưởng của Osho ít tính bình dân, không theo
tiêu chuẩn dễ hiểu, dễ lôi kéo. Thế mà, tư tưởng ấy lại được tiếp nhận
khá rộng rãi. Chỉ có thể tạm nghĩ ngợi rằng trí tuệ của nhân loại đã đạt
tới một cái tầm khá lạc quan.
*
*
*
Ấn Độ thời nay vẫn còn duy trì việc sắp
đặt hôn nhân. Chỉ trừ những người Âu hóa trong những thành phố lớn, còn
thì ở đâu cũng là cha mẹ thu xếp dựng vợ gả chồng cho con cái. Nhờ mối
lái đưa tin. Cha mẹ trực tiếp xem mặt và nghe ngóng về đối tượng. Giáo
sĩ xem sao tính tuổi. Rất nhiều cặp phải đến đêm tân hôn chú rể gỡ mạng
che mặt cô dâu ra mới biết mặt nhau. Ấy thế, tỷ lệ hòa hợp giường chiếu
là rất cao. Hòa hợp là cơ sở cho sự bền vững. Một cuộc hôn nhân sắp đặt,
đích đến mong ước của nó bao giờ cũng là sự bền vững, trật tự, ổn định.
Đích đến của nó không theo tiêu chuẩn tự do của phương Tây: sự chia sẻ
tư tưởng, sự cảm thông tinh tế, tự do cá nhân và tính tự quyết.
Tôi từng biết những cặp sinh viên Ấn Độ,
đi học xa nhà, khuất mắt phụ huynh, họ có thể tự do yêu đương. Nhưng khi
học xong thì chia tay nhau, trở về quê nhà, lấy ai là do cha mẹ sắp đặt.
Họ chấp nhận. Họ vừa là người của thời đại mới, lại vừa thuộc về những
tập quán hàng nghìn năm.
Trong hôn nhân sắp đặt, người ta lấy
nhau trước hết là để đẻ con, mục đích ấy đặt cao hơn mục đích theo đuổi
khoái lạc. Còn lâu mới đạt tới chủ trương tạo ra một nhân loại mới như
Osho đề cập. Nhưng hôn nhân sắp đặt kiểu Ấn có thể manh nha trong ấy yếu
tố làm ra những đứa trẻ theo lối tạo dựng một nhân loại mới, theo chủ ý
của cha mẹ, không phải vì tính toán sai.
Thực tế là vẫn có những tính toán sai.
Rất nhiều.
*
*
*
Ở phương Đông, nếu là hôn nhân tự do,
hôn nhân tự nguyện, tự lựa chọn, thì cuộc hôn nhân đầu tiên thường là do
sức ép của tình dục.
Dù là đời sống hiện đại thì con người
vẫn lùng nhùng trong đám mạng nhện truyền thống. Vẫn còn đấy những thành
kiến lâu đời với tình dục. Một người con trai sau bao đắn đo quyết định
lấy vợ là để thoát khỏi tình trạng chăn gối cô đơn và những ám ảnh tình
dục. Rất nhiều người chưa thực sự hài lòng với đối tượng, chẳng qua kết
hôn là vì tuổi tác đã chín, điều kiện kinh tế đã chín. Cắm sào đợi nước
bao giờ mới trong. Thôi thì nhắm mắt đưa chân. Có gì thì đổ cho số phận,
đổ cho tạo hóa sắp đặt.
Từ tình trạng giường đơn gối chiếc
chuyển sang góp gạo thổi cơm chung. Như vậy là có đồ ăn sẵn trong nhà,
nó làm nguôi dịu những ám ảnh tình dục của tuổi sung mãn. Ám ảnh và áp
lực ấy từng gây nên những nổi loạn ở tuổi mới lớn. Làm ngược với lời
người lớn, xung đột với phụ huynh, muốn bỏ đi thật xa, có xu hướng tự
tử… rất nhiều khi là biểu hiện của một cơ thể không được thỏa mãn tình
dục.
Ngày trước, người đàn ông có năm thê bảy
thiếp. Một ông đồ nho, một bá bác phó mộc đi hành nghề tỉnh này qua tỉnh
khác, đến đâu có vợ đấy. Vợ như một thứ cơm nguội, một thứ lương khô,
được dự trù, được để dành cho những cơn đói bất chợt.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội
đỡ khi đói lòng
Người vợ ngày xưa chỉ dám nhìn nhận thân
phận mình như cơm nguội để sẵn trong nhà, đói lên thì ăn, và là ăn tạm.
Dù có cao lương mỹ vị ngoài thiên hạ thì vẫn phải giữ lấy cơm nguội
trong nhà mình, phòng khi ngày nắng ngày mưa, phòng khi tháng tám ngày
ba giáp hạt.
Ngày nay người ta tự do lựa chọn bạn
đời. Nhưng như đã nói, hầu như các cuộc hôn nhân đều là hùng hục xông
tới, do sức ép của tình dục. Nói nôm na: người ta lấy nhau là vì đói và
cần có cơm nguội để sẵn trong nhà. Rất ít cuộc hôn nhân thản nhiên tự
nhiên mà đi tới. Càng ít những cuộc hôn nhân trầm tĩnh tính toán rằng đã
đến lúc phải tạo ra một nhân loại mới như ý tưởng của Osho.
Như một hệ quả tự nhiên, con cái sinh ra
từ những cuộc hôn nhân ấy đều là “những con người do vô ý sinh ra”. Đấy
là bắt chước một câu thơ phổ biến một thời.
Những con người do vô ý sinh ra. Tôi
nhìn thấy cặp mắt thấu hiểu của Osho đang nhìn chằm chằm vào nhân loại
này - không phải cái nhân loại mới mẻ được sinh ra một cách có ý thức,
trước khi hoài thai đã được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng và vật chất. Đây
là một nhân loại tùy tiện của hai yếu tố âm dương gặp nhau và cứ thế
trôi nổi vào một thế giới vô minh.
Ta không cần hình dung thêm về chặng
đường sau đó, trong một thế giới chục tỉ người. Chỉ biết rằng nói đến
đây thì biết đang có phản biện, rằng cái nhân loại mới mà Osho chỉ ra
đó, nhân loại ấy rất có thể chỉ là sản phẩm của một quan niệm máy móc,
của sinh sản kỹ nghệ.
Làm ra cả một nhân loại mới ư? Bao nhiêu
tôn giáo đã phấn đấu cho điều này, nhưng con người vốn là cộng đồng chia
rẽ thiếu đồng tâm.
Tuy vậy trong phạm vi từng gia đình thì
cái dự án nhân loại mới ấy biết đâu cũng có lúc thành tựu. Ở chỗ này có
khi cũng cần nói thêm, những cặp vợ chồng muộn con, lấy nhau mãi mà
không sinh con được, phải đi cầu tự, phải
cúng vái, phải thuốc tây thuốc nam thuốc bắc, phải nghiên cứu kỹ lưỡng
những phương pháp sinh con. Những cặp vợ chồng ấy, rốt cuộc sau
dăm bảy năm hoặc một vài chục năm cũng sinh được con bằng cách thức tự
nhiên. Như vậy, rất có thể chính là họ đã
tạo ra một nhân loại mới, một nhân loại không phải do vô ý sinh ra, mà
được tính toán kỹ, quá kỹ.
*
*
*
Osho từng hàm ý một nhân loại sinh ra
trong bầu khí quyển không kỳ thị tình dục, các tôn giáo không áp chế con
người về chuyện tình dục, con người được tự do cởi mở về tình dục. Một
nhân loại được giải phóng như vậy thì giao hoan là khi hòa hợp được cả
các yếu tố thiên địa nhân. Chỉ một cuộc giao hoan như sấm sét ấy có thể
đủ mang đến sự thỏa mãn và khoái cảm cho cả cuộc đời. Từ đấy về sau,
người ta không còn vướng bận ám ảnh về tình dục nữa, người ta có thể tập
trung năng lượng để sáng tạo. Từ đấy, tình dục, khi cần thiết, chỉ là
thứ để tạo ra con người, tạo ra một nhân loại mới. Và cũng chỉ bằng cách
ấy mới có một nhân loại thực sự sáng tạo.
Người theo chủ nghĩa hưởng lạc có thể
nói rằng, khác với Osho, tình dục là thứ càng uống càng khát càng ăn
càng đói. Đấy là một kiểu lập luận suy bụng ta ra bụng người, trong khi
nhân loại mà Osho đề cập là một nhân loại khác, với những điều kiện
thiên địa nhân khác. Phải là một nhân loại lý tưởng thì mới có thể sinh
ra những đứa con từ tính toán tỉ mỉ kỹ càng, không phải từ thăng hoa
ngẫu hứng, mà những đứa con ấy khi lớn lên lại càng trưởng thành về trí
tuệ và tinh thần sáng tạo.
*
*
*
Hôn
nhân do áp lực của tình dục còn có một hệ quả: sớm xảy ra khủng hoảng
quan hệ vợ chồng. Thông thường một cuộc hôn nhân sau mười năm thì rơi
vào cuộc khủng hoảng tình dục. Con cái đã tương đối cứng cáp, đã bắt đầu
đến trường, cái lo cho con đã không còn là quan tâm hàng đầu. Khi ấy bắt
đầu sự nhàm chán trong đời sống vợ chồng. Đấy chính là giai đoạn người
ta dễ sa vào quan hệ ngoài hôn nhân. Không thế thì cũng có nhiều xích
mích va chạm, dễ dẫn đến tan vỡ.
Thời
đại mới, yêu nhau dễ dàng, lấy nhau dễ dàng, tan vỡ cũng dễ dàng. Sau
cuộc hôn nhân đầu, mục đích sâu xa là để giải tỏa tình dục, thức ăn
nhanh và thức ăn sẵn ở trong nhà cũng nhanh chóng gây nhàm chán. Đấy là
lý do những cuộc hôn nhân thời nay thường nhanh hợp mà cũng nhanh tan.
Cơm nguội đã sẵn có trong nhà nhưng tâm trí người ta luôn hướng ngoại,
cuộc đời triền miên là một cuộc hướng ngoại và săn tìm đối tượng mới. Ám
ảnh chỉ nguôi đi khi đến tuổi mãn dục, lúc ấy con người mới có thể thôi
sôi sục điên cuồng, mọi khát khao đã lắng dịu, để đạt tới một sự trầm
tĩnh đầy phẩm hạnh. Sự lắng dịu ấy cần thiết cho nhân loại để tập trung
làm những việc lớn lao của cuộc đời. Nhưng lực bất tòng tâm, lúc ấy tinh
thần và thể chất đã suy nhược.
Một thế
giới mà những cuộc ghép đôi phần nhiều đều do áp lực của tình dục, của
hưởng thụ vội vàng, ở thế giới ấy chưa thể đặt ra vấn đề tạo dựng một
nhân loại mới. Có lẽ vẫn chỉ là một ý tưởng mà thế giới càng vận động
thì nó càng trở nên xa xôi.
*
*
*
Ở cuốn Quà tặng của tạo hóa đã nhắc ở trên, có hai cuộc đối thoại
mà tôi xin tóm tắt lại:
Một giáo sĩ hỏi sư phụ:
- Con có thể hút thuốc trong khi thiền
định được không?
- Không bao giờ.
Một giáo sĩ khác hỏi:
- Con có thể thiền định trong khi đang
hút thuốc được không?
- Đó là ý tưởng tuyệt vời.
Cũng như vậy, Osho dẫn ta đi đến một
chân lý: có thể thiền định khi đang làm tình, nhưng không phải là làm
tình khi đang thiền định.
Quá trình thiền định được thực hiện như
thế nào thì ta phải tự đọc cuốn sách này để trực tiếp nghe Osho diễn
giảng.
Nguồn: Văn nghệ quân đội, 7-4-2018
(*)
Quà tặng của tạo hóa – Minh triết tình yêu & siêu thức,
Lê Tuyên dịch, NXB Văn hóa Dân tộc 2009.
|