Lang thang trong chữ

Hồ Anh Thái

 

 

Đầy - vơi

 

 Trong cuốn Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Phương Huyên dịch, (Nhã Nam và nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010), chỉ sơ sơ cũng nhặt được mấy ví dụ cùng loại:

- Một câu chuyện đầy cuốn hút về lòng tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa (lời giới thiệu ở bìa gấp).

- Quan sát đầy chăm chú.

- Phớt lờ vị thế tôn quý đầy quan trọng của nó (trang 94).

- Cái mỏ thì đập vào nhau lách cách đầy căng thẳng (trang 110).

Còn đây là cuốn 21 bí mật của những nhà diễn thuyết tài ba nhất lịch sử, James C. Humes, Tuấn Nguyễn dịch, NXB Lao Động và Thaihabooks 2016:

- Chứng kiến một Roosevelt đầy mạnh khỏe và cường tráng (trang 42).

- Các bài phát biểu đầy hùng hồn của ông (trang 58).  

Và trong cuốn Quấn quít, Émile Ajar, Hồ Thanh Vân dịch, NXB Văn Học và Nhã Nam 2016:

- Đang hiện diện đầy đáng sợ (trang 124).

- Tôi nói điều đó đầy mạnh mẽ (trang 129).

Xem ra cái chữ đầy bây giờ đang được dùng quá mức độ, có khi được coi là mốt, bởi nó đang lan tràn trên khắp báo chí sách vở. Nhìn vào những câu trên, thấy rõ ràng có thể bỏ được cả mấy chữ đầy mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa, nếu cần thì xoay chuyển lại câu một chút là ổn. Còn cứ hơi một tí là phết chữ đầy vào đấy, để đi kèm tính từ phó từ danh từ, thì gây phản cảm. Nhiều đầy quá, lại thành ra chẳng có gì đầy lắm đâu.

Khi cần vẫn có thể sử dụng, nhưng vấn đề là sử dụng cho đúng liều lượng, cho hợp lý, cho hay. Đây là ca dao: Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần. Còn để nói về nỗi nhớ nhung khi xa cách, người ta diễn đạt: thương nhớ đầy vơi. Cái nỗi nhớ nhung ấy có lúc tưởng nó đã lắng xuống, đã nguôi đi chút ít, nhưng rồi nó lại trào lên, nó trở lại, nhớ cồn cào, nhớ quay quắt. Như vậy là nó vơi rồi lại đầy. Nhớ nhung đầy vơi.

Cũng để so sánh mức độ như đầy - vơi, người ta còn có những cặp so sánh khác, như hơn - thiệt, hơn - kém v.v... Trong chèo Quan Âm Thị Kính, nhân vật Mãng ông khi được hỏi về gia cảnh, nghe đâu là giầu có lắm, ông bèn trả lời: Nhà lão đây giầu lắm:  

Giầu giẩu giầu giâu

Kém mười trâu thì đầy một chục.

Lợn thì nhung nhúc

Kém mười chục thì đầy một trăm.

Ông Mãng đã dùng cả số học để mà chơi chữ theo kiểu câu đố. Chữ kém (thiếu) đã được sử dụng để đi cùng chữ đầy. Nhìn thế nghe thế thì biết ông Mãng nói nhà ông giầu thực ra là giầu ngược, chẳng có cả lợn lẫn trâu. Chữ đầy ở đây thì không phải là đầy tràn cảm xúc hay là đầy hình dung từ. Nó hàm nghĩa làm tròn số hoặc trọn vẹn một đơn vị, một thực thể.

 

 Huyền

 

 Ngày trước nghệ sĩ Thương Huyền là một giọng hát thuộc diện sơn ca họa mi từ thời tiền chiến, sang chống Pháp, rồi những năm đầu miền Bắc giải phóng. Thương Huyền là nghệ danh. Vốn tên bà là Nguyễn Thị Thường. Thương Huyền là đánh vần từ chữ Thường mà thành.

Nhạc sĩ Dân Huyền, bút danh cũng là cách đánh vần từ tên thật là Phạm Ngọc Dần.

Nghệ sĩ Thanh Huyền thì đích thực tên khai sinh là như vậy, không phải đánh vần từ chữ Thành.

Thế rồi hình thành một trào lưu đặt tên cho con gái, lấy chữ Huyền. Quả thực tên con gái mà có chữ Huyền đặt vào đấy nghe vừa huyền ảo, vừa mềm mỏng dịu dàng. Nhưng cái sự đánh vần kia cũng khiến người ta nên thận trọng khi đặt tên có chữ Huyền.

Xuất hiện hàng loạt cái tên thoạt nghe êm ái mềm mại như nhung. Thu Huyền, chắc là để nhắc nhớ rằng sân hận oán thù không nên giữ mãi trong lòng. Phương Huyền, ấy là để nhớ về cái phường nơi gia đình từng cư trú, phường Đồng Xuân chẳng hạn. Minh Huyền, toan xưng mình với cả người già và trẻ em đây. Mi Huyền, nhà có nghề gia truyền bán bánh mì. Lê Huyền, nhắc nhở người ta đi bộ phải đi bên lề đường. Tô Huyền, chắc chắn là một người ở trong nhà vẫn được mọi người gọi yêu là tồ.

Theo đà ấy, chẳng biết có ai sẽ được đặt tên là Gan Huyền, Khung Huyền nữa hay không.

Tất nhiên, chữ huyền có ý nghĩa riêng của nó, nhưng những cái tên đặt lên nghe như đánh vần với dấu huyền, dù sao cũng gây liên tưởng dí dỏm.

Có một nhà báo tên là Trường, bèn đánh vần tên mình mà thành bút danh Trương Huyền, nghe cũng tạm.

Đang chuyện đánh vần, chuyển sang một tí chuyện đặt nghệ danh bằng cách nói lái. Ông Nguyễn Thứ Lễ có thể ít ai biết. Nhưng chữ Thứ Lễ được lái thành Thế Lữ, thì đấy là nhà thơ của bài Nhớ rừng (lời con hổ ở vườn bách thú), là đạo diễn của nhiều vở kịch vang danh trên sân khấu Việt Nam. Nguyễn Huy Lư cũng không mấy ai biết, nhưng lái thành Lữ Huy Nguyên, đấy là nhà thơ Việt Nam hiện đại, từng là giám đốc nhà xuất bản Văn Học.

Dân gian kể, có cô gái từ nông thôn lên làm công nhân xưởng may, tên là Nguyễn Thị Hồi, tên bình thường quá. Cô tự đặt thêm cho mình cái tên đệm cho kêu: Minh Hồi. Chẳng hiểu sao, cánh thanh niên đang tuổi nhòm ngó đám con gái cứ thấy Minh Hồi là lảng hết. Tránh cho xa. Mãi cho đến một ngày, có cô bạn gái mới thẳng thắn chỉ ra cho cô biết: Mày đặt tên như thế thì chỉ có ma nó mới dám lại gần.

Thì ra cánh con trai đã coi cái tên Minh Hồi là một tín hiệu ngầm mà cô gửi đến cho mọi người. Ngầm, vì nghĩa thật của nó là phải nói lái.

  

Những điều khác thường

 

 Trong bài hát Hai chị em từ thời chiến tranh, có câu miêu tả một người phụ nữ: Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình.

Nếu nói về trọng lượng cơ thể, thì đấy là kỷ lục thế giới rồi còn gì. Một người phụ nữ nặng những năm tấn. Guinness mãi đến gần đây mới chỉ ghi nhận người phụ nữ nặng nhất là Carol Yager, 650 kg. Xét ra người đàn bà này mới chỉ bằng một phần tám "chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình".

Tất nhiên ta đang nói chuyện đùa về một số nhân vật "khác thường" trong ca khúc. Sự thật là thế này: thời chiến tranh, phong trào sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình trở thành điển hình trên toàn miền Bắc nhờ đạt năng suất năm tấn thóc trên một héc ta gieo trồng. Người nông dân Thái Bình cần cù trên đồng ruộng, cải tiến ra giống lúa mới, làm tăng năng suất lúa. Thóc gạo ấy được gửi ra chiến trường nuôi bộ đội đánh giặc. Nhiều bài thơ bài hát ra đời ca ngợi Thái Bình năm tấn - Bài ca năm tấn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chẳng hạn.

Còn đây là một câu trong bài Nhạc rừng: Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Trong văn cảnh vui đùa của tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột (2011), tôi có viết về một nhân vật làm lâm nghiệp: "Tốt nghiệp trung cấp, chú em được phân công về một vùng rừng. Đúng với nguyện vọng. Thỏa chí vẫy vùng. Anh là người yêu đất. Yêu rừng. Yêu cây. Yêu muông thú. Anh gây dựng phong trào văn nghệ cho cơ quan. Thấy mặt anh là thấy tiếng cười giọng hát. Đến với làng bản tuyên truyền trồng cây gây rừng, chống chặt cây phá rừng, anh hát. Đi rừng với đồng nghiệp, anh hát. Đi một mình, anh hát. Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Chặt khúc ra một câu thì tưởng là tâm thần. Nhưng ai làm nghề rừng thì hiểu câu hát ấy rất hiện thực".

Đấy là chuyện vừa đi vừa hát. Còn chuyện dường như vừa đi vừa có vấn đề về tai nghe thì lại có một câu khác: Đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng anh vẫn đi. Đừng vội nghĩ rằng nhân vật chính của chúng ta điếc không sợ súng. Chuyện sẽ được lý giải ngay sau đây thôi. Đấy là người thiếu niên làm liên lạc đang xông pha giữa chiến trường, không sợ gì súng đạn của quân thù.

Tiếp vào chuyện tai nghe, còn có một câu hát nữa: Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh. Phải nói là nhạc sĩ có đôi tai của siêu nhân, xuyên qua cả khoảng cách 6.930 km từ Matxkơva ở nước Nga đến thành phố Vinh ở Việt Nam. Hồ sơ tiến cử nhạc sĩ vào sách kỷ lục Guinness chắc chắn phải có câu này làm bằng chứng.

Cũng là nghe thấy một lời ca, trong bài Đàn sáo Hậu Giang có câu như thế này: Con chim sáo nghe trong lòng bay bổng lời ca. Có cảm tưởng giống như người ta chui vào hình nộm chú chuột Mickey, đóng vai chú chuột tung tăng đi lại. Ở đây nhạc sĩ hình như cũng chui vào hình nộm con sáo, và người ta cảm thấy nhạc sĩ đang "nghe trong lòng" chứ không phải là con sáo. Tất nhiên vẫn đang là chuyện đùa, vì ta đều biết nhạc sĩ đã dùng phép nhân cách hóa cho con sáo.

Từ ca khúc, xin đi chệch một chút sang thơ. Vì khi viết đến đây thì bỗng nhiên trong đầu xuất hiện hai đoạn trích thơ này:

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy / Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình / Em ngừng thoi lại giữa tay xinh / Hình như hai má em bừng đỏ / Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Chị tôi nhan sắc hay không, em tôi có đôi bàn tay xinh hay không, chắc chắn là phải có hội đồng chấm thi, giống như ban giám khảo cuộc thi hoa hậu. Một khi chưa có kết quả chấm thi như vậy, mà chị tự nghĩ là mình có nhan sắc, em tự nói là mình có bàn tay xinh, chắc phải hiểu là kiêu ngạo, không thì cũng có bệnh ảo tưởng. Đừng vội lo Hà Bá làm đắm đò để bắt người đẹp, cũng đừng vội tin rằng chiếc thoi ngẩn ngơ dừng lại vì thấy bàn tay em xinh.

Đùa với vài câu thơ như vậy, thực ra ta vẫn biết đấy là một cảm thức cho rằng hễ làm thơ là phải thi vị hóa mọi điều. Dẫn ra đôi câu ví dụ cũng là gợi ý mời mọi người liên tưởng mà tìm thêm những câu vui khác.

  

Lịch trình, chương trình

  

Trong một cuộc họp cơ quan, tôi cứ giật mình mỗi lần nghe một anh bạn đồng nghiệp dùng chữ lịch trình. Lịch trình làm việc ngày hôm nay của cơ quan ta, lịch trình làm việc ngày mai, vân vân. Nghe cứ tưởng như hôm nay và ngày mai cả cơ quan sẽ kéo nhau đi đâu công tác, dấn thân vào một hành trình. Hóa ra chẳng ai đi đâu cả, vẫn chỉ là công việc hành chính sự nghiệp, vẫn là công chức ngồi ôm lấy cái bàn.

Ấy thế mà... lịch trình.

Sau đấy, họp xong, ra ngoài chỉ biết đùa mà trêu anh ta: dốt hay nói chữ.

Nhưng rồi ngay hôm ấy, nghe người dẫn chương trình trên đài phát thanh cũng dùng chữ lịch trình, mà chẳng phải nói về một hành trình nào cả. Sáng hôm sau, chương trình chào buổi sáng của tivi vẫn lịch trình. À, thì ra chữ này đã truyền nhiễm, không phải chỉ có một mình anh bạn đồng nghiệp trong cơ quan tôi.

Rồi ngay cả ban văn trẻ dùng thư điện tử gửi tài liệu cho báo chí thông báo chương trình hội nghị những người viết văn trẻ ở Hà Nội tháng 9-2016, thay cho chữ chương trình, cũng dùng từ lịch trình. Người viết văn cũng đã nhiễm tính nói chữ cong queo ngoằn ngoèo dích dắc.

Việc gì nhỉ, nó là chương trình thì cứ nói ngay ngắn là chương trình, đằng này lại phải uốn éo mà đổi sang thành lịch trình.

Chắc là thấy có chữ trình ở trong ấy, thành ra tin rằng lịch trình có nghĩa là chương trình. Giống như thấy có chữ thăm trong ấy, đáng lẽ nói tham quan thì nói sai thành thăm quan.

Những người dùng chữ kiểu này là uốn éo, là cong queo, vì khi nói lịch trình, dám chắc họ tin rằng nói vậy sang hơn là nói chương trình (program) - chữ chương trình thông thường quá.

Lịch trình: là con đường đi qua, có thể đã đi mà cũng có thể sẽ đi. Mở rộng hơn thì cũng có thể coi là kế hoạch được lập ra cho một chuyến đi xa chẳng hạn. Nó có thể được đối chiếu tương đương bằng chữ itinerary trong tiếng Anh.

Cũng có thể người ta thấy có chữ lịch trong ấy, và coi là nó có nghĩa như một cái lịch làm việc.

Còn có những chữ lịch khác:

Lịch: cách thức chia thời gian thành ngày, tháng, năm. Hoặc là bản ghi ngày tháng năm. Hoặc là bản ghi công việc theo ngày giờ tháng năm, để nhớ mà thực hiện.

Trên cùng một tờ lịch ở ta, thường có ghi cả ngày dương và ngày âm, đấy là hai cách tính theo dương lịch và âm lịch. Lịch mặt trời và lịch mặt trăng, người Việt còn gọi là lịch Tây và lịch ta. Lịch Tây thực ra cũng chẳng phải do ông Tây làm ra mà là một người Ý, giáo hoàng Gregory XIII. Còn lịch ta tất nhiên cũng chẳng phải do ta làm.

Cái lịch dương ta đang dùng, còn gọi là công lịch, lịch Công giáo. Bắt đầu lấy năm sinh của Đức Jesus Christ là năm thứ nhất Công nguyên. Ta đang ở trong Công nguyên, cho nên ai nói "năm 40 sau Công nguyên" tức là nói không chính xác, cái kỷ nguyên ấy đã hết đâu mà “sau”.

Khái niệm Công nguyên được dùng rộng rãi đã thành quen. Nhưng tín đồ các tôn giáo không phải Thiên Chúa giáo thì thường tránh chữ Công nguyên. Ví dụ, họ sẽ nói là năm 500 trước Tây lịch, hoặc là trước dương lịch.

  

Một phát ăn ngay

  

Trong văn chương, thỉnh thoảng gặp một tác giả dùng chữ rất sắc, chỉ một chữ là điểm trúng huyệt, một phát ăn ngay, một phát chết ngay.

Chết ngay là một cách nói. Thực ra, đấy là kiểu dùng chữ đích đáng, gọn, chắc, truyền đạt chính xác ý của mình.

Ngược lại, đa số cây bút dùng chữ thừa thãi, lại có thói quen dùng chữ nhịp nhàng du dương, tưởng là thuận tai hơn, nhưng kết quả là làm cho câu văn bớt ấn tượng.

Ví dụ, chữ "giảm thiểu" trong câu này:

Trong năm qua, tỷ lệ người nghèo trong xã đã giảm thiểu.

Ví dụ, chữ "hạ đặt" trong câu này:

Công ty đã hạ đặt trái phép một chiếc cần cẩu ở ngay đầu đường.

Giảm đến mức tối thiểu, tức là xuống đến mức thấp nhất. Tăng tối đa tức là tăng lên đến mức cao nhất. Chẳng biết từ lúc nào, người ta đã nói tắt giảm tối thiểu thành giảm thiểu, rồi mặc nhiên dùng nó theo nghĩa là giảm. Trớ trêu, có người còn viết: "Giúp họ giảm thiểu tối đa những vất vả và đau đớn" (Thành Long - chưa lớn đã già, trang 464, An Lạc group dịch, NXB Văn Học và Huy Hoàng, 2016).

Nhắc đến tỷ lệ người nghèo trong xã, chỉ cần nói "giảm" là đủ rồi. Một chữ như thế vừa truyền đạt chính xác thông tin, vừa gọn. Một khi đã gọn đã chính xác thì tức là nó gây ấn tượng. Hơn là chữ "giảm thiểu", thoạt nghe tưởng là đỡ cộc, nhưng hai âm tiết nhịp nhàng du dương đã làm hại cả câu văn. Câu trở nên không gọn, không sắc, cũng không chính xác.

Cũng thế là chữ "hạ đặt" trong câu thứ hai. Chỉ cần viết "đặt" là đủ. Đủ tức là hay, là sắc, là gây ấn tượng mạnh.

Như đã nói ở trên, người Việt khi sử dụng tiếng Việt có vẻ không yên tâm nếu chỉ dùng một âm tiết. Người ta sợ nó cộc lốc, nó hụt, nó không cân bằng, không đăng đối. Thế là rất nhiều từ có thể dùng đơn âm tiết đã được thêm vào thành hai âm tiết, nghe có vẻ nhịp nhàng, đu đưa, nghe có vẻ nhún nhường lịch sự. Nói và viết những từ hai âm tiết, xem ra cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Đăng - đăng tải:

Tin vui ngay lập tức được đăng tải trên báo.

Một cái tin, thường là không dài, thì chỉ là "đăng" trên báo, chính xác thì không nên dùng từ đăng tải. Đăng tải là một từ cũ, từ thuở ban đầu của báo chí Việt Nam thời thuộc Pháp. Đăng tải có nghĩa là in và xuất bản theo định kỳ, thường dùng cho những phóng sự nhiều kỳ hoặc tác phẩm văn chương được chia ra từng phần và in trong một thời gian dài. Khoảng vài chục năm nay, từ này được khai quật và trở thành mốt.

Báo - báo chí:

Sáng nay tôi đã đọc tin ấy trên một trang báo chí.

Chỉ có một trang thôi thì nó là "trang báo" hoặc là "trang tạp chí". Báo chí là một từ ghép để chỉ chung một thể loại hoặc một loại sản phẩm thông tin.

Thư - thư tín:

Cả nhà luôn mong nhận được bức thư tín của anh.

Nhận được thư của anh, vừa đúng vừa gọn. Việc gì mà vừa "bức" là rất cụ thể, lại vừa "thư tín" là chung chung khái quát như vậy.

Giá - giá thành:

Vây cá mập được bán với giá thành rất cao.

Một người viết văn muốn gây ấn tượng, chắc sẽ chọn chữ "giá", chứ không chọn chữ giá thành. Một người làm báo muốn tăng độ chính xác cho thông tin cũng sẽ chọn chữ "giá".

Tăng - tăng cao:

Tin đồn vừa tung ra, giá cả lập tức tăng cao vùn vụt.

Cũng vậy, câu văn sẽ khỏe hơn, chính xác hơn, nếu chọn chữ "tăng", chứ không phải là "tăng cao".

Khi chọn chữ, người viết nên biết kiềm chế thói quen dùng những từ đa âm tiết nhịp nhàng. Kiềm chế, nhà báo sẽ truyền được thông tin chính xác hơn. Nhà văn sẽ chỉ một chữ khô gọn mà xỉa trúng huyệt. Nhà thơ sẽ chỉ một chữ mà gây rung động tâm can.

Một phát ăn ngay. Không cần phát thứ hai.

 

Hồ Anh Thái