Không biết cười

  

Hồ Anh Thái

 

Ở trên, các nghệ sĩ đang trổ hết tài ra mà gây cười. Vở hài kịch, ngoài những thủ thuật rườm rà thì cũng có nhiều chỗ thực sự hài hước, gây cười được. Khán giả hưởng ứng nhiệt tình, cười lăn cười bò.

Ở dưới, ngay hàng ghế đầu, vị quan chức có trách nhiệm đến dự tổng duyệt không cười. Không một mảy may cười.

Tôi tình cờ ngồi cách ông vài ghế, trong gần hai tiếng đồng hồ, tôi chứng kiến một vở hài kịch khác: ông quan không biết cười.

Không biết cười? Có những người bẩm sinh như thế, không nhạy cảm với cái hài, không phản ứng với cái hài. Cũng có khi vì chậm hiểu. Động đến chuyện hiểu nhanh hiểu chậm thì sẽ thấy có loại chuyện cười giản đơn thô thiển hiểu được ngay như chuyện ị cấm đái, nhưng cũng có chuyện cười của những dân tộc thâm thúy trí tuệ, chuyện kể ra khỏi miệng thì mãi nó mới vào đến trong đầu, mãi nó mới từ trong đầu chuyển xuống đến cái mồm cười.

Có chuyện thế này: trong lớp thầy giáo kể chuyện A, cả lớp cười bò, chỉ có một cậu không cười. Cậu này vốn chậm hiểu. Thầy kể chuyện B, chuyện này khó, cả lớp phải nghĩ một lúc mới thấy buồn cười, riêng cậu kia vẫn không hiểu không cười. Thầy kể chuyện C, khó, cả lớp không hiểu nên không ai cười được. Chính lúc ấy cậu kia phá lên cười. Cậu được bình là thông minh nhất lớp. Cậu ta cứ cười mãi, cười lăn lộn mà bảo: Chuyện B buồn cười quá. Thì ra sang đến chuyện C rồi mà bấy giờ cậu ta mới hiểu chuyện B.

Hài hước cũng phải học, học để thưởng thức được cái hài, học để diễn được cái hài. Chính khách nhiều nước phải thuê thầy riêng đến nhà dạy cách pha trò hài hước. Hài để làm cho việc tuyên truyền được vui vẻ tự nhiên đậm đà ý nhị. Hài để tấn công đối thủ cũng đang đi vận động tuyên truyền lấy phiếu cử tri. Hài để đá bóng về sân đối phương. Hài để gỡ bí trong tình huống trớ trêu khó xử. Lúc ấy mà mặt khó đăm đăm thì chắc chắn sẽ liệt, sẽ mất điểm.

Chính khách khi nói một câu hóm hỉnh chưa chắc đã thực lòng nói, diễn đấy. Nghệ sĩ nhân dân đấy nghệ sĩ ưu tú đấy. Nhưng cái hóm hỉnh hài hước ấy thuyết phục được cử tri và công chúng, vậy là đạt được mục đích.

Cao hơn cả diễn nữa, là mình có khả năng hiểu được cái hài, thích cái hài, thấm được cái hài, mình cười một cách tự nhiên, pha trò một cách tự nhiên. Đấy là của trời cho. Đấy là người được thiên phú. Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ.

Nhưng cũng phải thận trọng coi chừng. Không học cách hài, hoặc học không đến nơi đến chốn mà cứ pha trò, thì có khi thành thảm họa. Một câu pha trò nhạt thếch, loãng toẹt, miền Nam gọi là lãng xẹt, sẽ gây ấn tượng quê mùa vụng về. Lúc ấy chỉ có đám quần thần xung quanh cười họa cười đỡ cười nịnh, chứ ai cũng thấy là nhạt.

Cái ông đi tổng duyệt vở hài kịch kia, biết đâu trong lòng ông cũng thấy buồn cười, nhưng ông đã nén, ông không cười. Nhỡ đâu camera thu hình trong nhà hát sẽ thu hình ông cười sảng khoái trước những chi tiết châm biếm giễu cợt. Quan trên trông xuống người ta trông vào, nhỡ đâu chỉ vì ba cái hình ảnh ông cười ấy mà thành ra ông phạm lỗi với cấp trên. Đường công danh hoạn lộ của ông không thể xói lở vì bộ mặt cười này được.

Có thời người ta nghi ngại trước những gì gây cười. Đề phòng. Như thể ai sẵn sàng cười là người sẵn sàng chỉ trích châm biếm giễu cợt coi nhẹ thành tựu. Muốn cười cũng phải nén lại, phải làm mặt nghiêm. Tất cả đều nghiêm nghị nghiêm túc nghiêm cẩn nghiêm minh. Đòi mọi người nghiêm nhưng chính mình không hẳn đã nghiêm, tất cả nghiêm nhưng chỉ trừ mình ra. Nhiều ông rao giảng dạy dỗ giữ gìn đạo đức cách mạng trong sáng một vợ một chồng nhưng khi ông chia tay giã từ vĩnh biệt lời cuối, có đến dăm ba bà chạy đến chịu tang.

Đấy lại thêm một vở hài kịch, một chuỗi đời cười. Nếu đúng là đời đã nghiêm ngắn nghiêm túc cả rồi thì mừng quá. Nhưng đâu có phải là ông làm mặt nghiêm túc mà đời đã nghiêm.

Trong buổi tổng duyệt hôm ấy, chẳng phải chỉ có ông duyệt không cười. Tôi còn thấy quý phu nhân của ông cũng không cười. Kiểu gì chung chăn chung gối cả đời thì cũng phải giống nhau. Dân gian bảo vợ chồng hợp nhau thì rồi có lúc nét mặt họ cũng giống nhau. Rồi, đồng ý, công nhận.

Nhưng hôm ấy tôi hơi lạ, lạ ở chỗ đứa con trai khoảng hơn mười tuổi của họ cũng ngồi im phăng phắc như tượng. Không cười. Chẳng nhẽ tính nghiêm túc di truyền. Chẳng nhẽ tính giả vờ che giấu di truyền. Chẳng nhẽ khả năng không biết hài hước di truyền.

Có lần ở giao lộ ngã tư, tôi thấy một bà mẹ chở xe máy một đứa con gái nhỏ mà phóng vọt lên vượt đèn đỏ. Tôi thầm hiểu như vậy là mất thêm một thế hệ nữa, thế hệ của cái đứa bé khoảng năm tuổi ngồi sau xe máy chứng kiến mẹ nó vượt đèn đỏ và nó cũng có ngày sẽ vượt đèn đỏ.

Bây giờ thì cũng hiểu, sẽ lại thêm một thế hệ của chú bé kia, một thế hệ nữa không biết cười hoặc kìm hãm nụ cười hoặc che giấu nụ cười. Biết đâu đấy.

Nguồn: Văn hóa Phật giáo số 260, 1-11-2016.