Lang thang trong chữ
Hồ Anh Thái
1. Cười vang
Đúng là phải phá lên cười, hoặc là cười thật to, khi đọc bản dịch tiểu thuyết Thành phố với những người quen xa lạ, Thanh Thủy dịch, 2016. Nói cho công bằng, cuốn sách là một thành tựu đáng nể của văn học Hàn Quốc, và hầu hết cuốn sách đã được dịch tương đối tốt, chỉ trừ… những chỗ chưa tốt. 1. Như thế này: Phá lên cười thật to (trang 101). Phá lên cười là tiếng cười không hề nhỏ, nó phá vỡ cả không gian, nó bật ra rất mạnh. Vậy thì không thể là phá lên cười nho nhỏ được, phải không, thưa người dịch? Cũng thế là câu này: Mọi người đã lớn tiếng cười vang (trang 66). Chỉ có thể là lớn tiếng cười (tức là cười to), hoặc là cười vang. Chắc chắn không thể nào lớn tiếng cười tủm tỉm hoặc là khe khẽ cười vang. (Ngoài lề một tí: vẫn chuyện cường độ âm thanh, có ngay một dịch giả khác có thể chia sẻ bằng ví dụ sau: Hai cô gái... cười khúc khích lớn tiếng khi tôi đi qua họ. Đấy là câu ở trang 486, trong cuốn Chim cổ đỏ, Nguyễn Quang Huy dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội, 2015. Hai cô này đã làm được một việc mà mọi người không thể làm nổi: vừa khúc khích [tức là âm thanh không to] lại vừa lớn tiếng). 2. Trong bản dịch Thành phố với những người quen xa lạ cũng có những chỗ dùng từ lai ghép Hán Việt không thuận: Đại đa phần (trang 95): vốn dĩ người ta hay dùng "đại đa số". Cái chữ đa phần là do nhiều người dùng quen nên đành chịu, thực ra nghe rất trái khoáy. Để diễn đạt cùng nghĩa, có những chữ có thể thuận hơn: đa số, phần lớn, phần nhiều... Phản biện lại (trang 127): thừa chữ "lại", cũng thừa như trong những cụm từ: tái bản lại, khôi phục lại, phản ánh lại, hoàn trả lại... Những người có tuổi tầm trung niên trở lên (trang 146): niên có nghĩa là tuổi. Chỉ cần nói: "Những người tầm trung niên trở lên" hoặc "Những người độ trung niên trở lên". Cũng vì không hiểu chữ niên và chữ vị mà có nhiều người viết: Em học sinh này chưa đến tuổi vị thành niên (vị thành niên đã có nghĩa là chưa đến tuổi trưởng thành). Các cô gái cùng đồng thanh cất tiếng cười (trang 191): đồng thanh là cùng cất tiếng, cùng tạo ra âm thanh. Cùng đồng thanh là thừa chữ, giống như cái chữ thừa đã thành mốt hiện nay: cùng đồng hành. 3. Người dịch cũng để thừa chữ: K đỗ xe ngay sát cạnh cái cây (trang 346): chỉ cần viết "ngay sát cái cây" hoặc "ngay cạnh cái cây". Sát cạnh thì chữ nghĩa hơi rườm rà. 4. Dịch chưa thoát vì diễn đạt tiếng Việt không xuôi: Theo sự kéo đi của MS, K đã tiến vào bên trong tiệm giặt là (trang 350): "để cho MS kéo đi" hoặc "bị MS kéo đi", thế mà được diễn đạt thành câu trên thì có lẽ phải gọi nó là kiểu câu có cấu trúc pha trộn, Tây và An Nam giao duyên. Thêm một câu này: K ngồi dậy nửa người (trang 6 và 172, hai lần). Ha ha ha, trước khi kết thúc bài này, ta lại phải "phá lên cười thật to". Phải tự đoán rằng nhân vật K đã nhổm dậy ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Hay là còn tư thế nào khác mà trí tưởng tượng của người đọc chưa hình dung được?
2. Nhầm lẫn và thừa
Lối nói tắt, nhiều khi đã được biến thành chuyện cười. Cụ thể và tỉ mỉ, được nói gọn thành cụ tỉ. Tôi từng đùa mà viết rằng một cô gái vô tư và duyên dáng được nói tắt là cô gái vô duyên, một người vô tư và hồn nhiên được gọi là vô hồn. Nhưng người dịch câu sau thì không đùa mà viết một câu xem ra rất nghiêm: - Tăng giờ canh gác lên hai tiếng, cho đến khi cả đơn vị phục sức hoàn toàn (trang 63). Người đọc tạm hiểu là người dịch muốn truyền đạt ý: cho đến khi cả đơn vị phục hồi sức lực. Nhưng từ phục sức thì có nghĩa khác: y phục và trang sức. Chẳng hóa ra cả đơn vị đi chiến đấu mà sửa soạn y phục và trang sức đầy đủ như đi ăn tiệc. Đây là một câu trong cuốn Chim cổ đỏ, Nguyễn Quang Huy dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội, 2015. Ta còn thấy một số câu chữ không chính xác trong bản dịch này: - Có lẽ cô ta cưới chồng giàu (trang 79). Đúng ra, chữ cưới chồng phải được thay bằng chữ lấy chồng hoặc một chữ tương tự. Một cô gái phải cưới chồng thì chắc thuộc diện phải các thêm tiền mới được rước đi cho. Mà cô chủ động cưới chồng thì chính cô phải giàu, trong khi ở đây chồng cô ta mới là người giàu. - Chỉ duy nhất bốn người các ông sống sót (trang 253). Duy nhất là chỉ có một. Ở đây có hẳn bốn người rồi mà vẫn duy nhất thì thật lạ lùng. - Cậu ta gọi cho tôi và nói gần giống hệt như những gì cậu vừa nói (trang 327). Gần giống là chưa đạt đến mức độ giống. Còn giống hệt là giống đến mức không phân biệt được. Vậy đã gần giống thì không thể giống hệt. - Trang 486: Hai cô gái... cười khúc khích lớn tiếng khi tôi đi qua họ. Câu này gây cười thật rồi. Cười khúc khích thì âm thanh không bao giờ to. Miêu tả ai đó cười khúc khích lớn tiếng thì đúng là cường điệu, ngụ ý giễu cợt. Tiếp theo là những câu không chính xác về thời gian: - Ta cứ giả sử rằng đó là năm mươi năm trước. Như vậy là ta rơi trúng giữa Thế chiến II (chương Irisveien. Ngày 1-3-2000. Trang 211). Người dịch nên kiểm tra lại văn bản nguồn, có thể đây là lỗi của tác giả. Thời điểm đang nói là năm 2000, như vậy năm mươi năm trước là năm 1950. Chiến tranh Thế giới thứ II diễn ra từ 1939-1945. Vậy năm 1950 chiến tranh đã kết thúc được năm năm rồi, không thể là giữa cuộc chiến tranh được. - Vào đêm ngày 21 tháng 12 ông đã ở đâu (trang 252). Đã đêm lại còn ngày. Có thể bỏ chữ ngày ra khỏi câu cho gọn và sáng rõ. Nhân tiện, tôi vẫn cho là tiếng Việt có cấu trúc không sáng sủa khi viết: kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập. Đã năm lại còn ngày, lại đặt cạnh nhau như vậy. Ai dùng cứ dùng, tôi thì từ chối, và tôi kiên trì cách viết khác: kỷ niệm ngày thành lập lần thứ ba mươi. - Việc đầu tiên họ phải làm là lau sạch chiếc súng máy (trang 67). - Anh giật khúc thuốc cuối cùng trên cặp môi mím chặt của Dale (trang 77). Câu trên, dùng chữ chiếc súng máy hay cái súng máy thì không sai, nhưng khẩu súng máy thì chắc là hay hơn. Câu dưới, khúc thuốc không hay bằng chữ mẩu thuốc, vì thực sự đấy là cái phần thuốc còn lại của điếu thuốc đã hút gần hết. Ngoài ra, trong bản dịch này còn hai từ nằm, vốn là chữ không phải lúc nào dùng cũng hay, mà tôi có nói đến trong một bài khác: - Bàn nằm gần cửa sổ (trang 139). Cái bàn có chân đấy, và khi nói cái bàn nằm thì người đọc lại nghĩ là nó đứng trên mấy cái chân ấy. Tất nhiên người đọc hiểu ý cái bàn được đặt gần cửa sổ, nhưng dùng chữ để mà gây thắc mắc thì nên chọn chữ khác. - Mười chín tuổi, hắn đã nằm trong số bảy tên bị kết tội (trang 170). Nghe cứ như bảy tên này, trong đó có hắn, lúc nào cũng nằm như xếp cá.
3. Chữ hoa thành chữ thường
Người ta đã quen nhìn những chữ như thế này: thuốc tây, thuốc bắc, quần âu. Quen, cho nên không băn khoăn xem nó có vấn đề gì về chính tả hay không. Thực ra, truy về gốc gác của từ, những từ ấy được viết hoa như sau: thuốc Tây, thuốc Bắc, quần Âu. Thuốc Tây, thuốc Bắc là những dược phẩm có nguồn gốc từ phương Tây phương Bắc, để phân biệt với thuốc Nam bản địa. Còn cái quần Âu (quần Tây) chính là trang phục quần hai ống, dùng dây lưng, cài cúc hoặc kéo phéc mơ tuya như hiện nay. Nó khác với cái quần ta ống rộng thùng thình dùng dây chun dây vải hoặc các loại dây khác. Vậy những từ Tây, Bắc, Âu trong những khái niệm ấy, ban đầu vốn là danh từ riêng, bây giờ vẫn là danh từ riêng, nhưng theo thời gian, được dùng nhiều, dần dần chúng được hòa nhập vào những ngữ cảnh bình thường, được xóa nhòa ranh giới phân biệt, được bình đẳng trong hệ thống ngôn ngữ chung. Từ những chữ cần viết hoa, chúng có thể chuyển sang chữ thường một cách tự nhiên. Cũng thế là những từ: hằng hà sa số, chú khách, giặc bên ngô. Người ta truyền tụng Hằng hà sa số, tức là nhiều như số lượng cát của sông Hằng, dòng sông thiêng tận bên xứ Ấn Độ. Tôi đã thấy có người viết là hằng hà vô số, viết vậy là không hiểu nghĩa của từ. Chú khách là chỉ những ngoại kiều từ phương Bắc đến. Người đến ngụ cư, ăn nhờ ở đậu, tha phương cầu thực, được gọi cho nhã là khách. Thực ra chữ khách ở đây mang nghĩa trung lập, không nhạt nhẽo nhưng cũng không mặn mà. Tuy vậy khi xướng lên là chú Khách thì vẫn thấy xa xôi lạnh nhạt thế nào. Lại nữa, cái nạn ngoại xâm phương Bắc, có thời gọi là Ngô (như trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi) gây ra thảm họa bao đời. Từ đấy mà xuất hiện một câu tục ngữ có phần ngoa ngôn: giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Những khái niệm chú khách, giặc bên ngô, giờ đây cũng đã có thể viết như chữ thường, tính chất danh từ riêng đã ẩn đi mà thành danh từ chung. Bản tính con người, cái gì hay cái gì tốt thì vơ hết vào cho mình, cái gì xấu thì đổ riệt sang cho người khác. Nhà thơ Việt Phương có hai câu thơ được trích dẫn nhiều: "Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày / Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao", tất nhiên còn có hàm ý khác. Còn ở chỗ đùa vui với nhau, chúng tôi có khi nhặt ra được những khái niệm đã thành bình thường, mà không cần phải viết hoa nữa, như thế này: Ghẻ tàu, hắc lào, gió lào. Cái bệnh sưng mẩn, ngứa ngáy khó chịu, chắc phải là từ bên Tàu sang. Một bệnh ngoài da khác, thì chắc đã tràn qua biên giới miền Tây mà đến. Cơn gió nóng hầm hập làm khô cây cỏ, làm héo cả người, cũng là từ bên Lào sang. Còn nữa: hồng xiêm, vịt xiêm, rô phi, trê phi. Quả hồng không đỏ tươi mũm mĩm mà màu xám xỉn, vậy thì nó không phải là hồng ta mà là hồng của bên Xiêm. Con ngan mào đỏ gay gắt, tính khí hung tợn, vậy nó không phải là vịt ta mà là vịt Xiêm. Con rô Phi trê Phi thịt cũng không đậm không thơm như rô ta trê ta. Cái gì không đẹp không ngon, chắc là đồ của các xứ bên ngoài. Tất nhiên, truy nguyên thì những khái niệm viết hoa ấy rất có thể khởi nguồn từ bên ngoài thực sự. Nhưng cũng là tính cách chưa ổn của người Việt: cái gì xấu đổ hết đẩy hết ra ngoài. Con chuột chết tất nhiên không thể để yên nó trong góc nhà mình, nhưng không vứt vào thùng rác mà ném ngay ra đường, miễn là nó không còn ở trong nhà nữa. Ngồi ăn trong quán, chỉ cần giữ cho cái mặt bàn của mình sạch, còn thì ném vỏ chanh và giấy lau xuống dưới gầm bàn, xa mình ra, miễn là mắt mình không còn phải thấy. Đúng kiểu hắc lào ghẻ tàu.
Hồ Anh Thái
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-11-16 |